Nhà văn Thùy Dương
Quê quán: Thành phố Hải Dương
Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội
Tốt nghiệp khóa IV Trường viết văn Nguyễn Du.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Hiện là Trưởng Ban Nhà văn nữ khóa 10, Hội Nhà văn Việt nam
Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia.
Giải thưởng:
– Tiểu thuyết Ngụ cư – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.
– Tiểu thuyết Thức giấc – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007-2009.
– Tiểu thuyết Nhân gian – Giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010.
– Tiểu thuyết Lạc lối – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016-2020
Giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh 1997.
Giải Ba truyện ngắn báo Văn nghệ 2000
Giải Nhất truyện ngắn Báo Thiếu niên Tiền phong 2001
Nhà văn Thùy Dương đã tỏa sáng với những tác phẩm viết cho người lớn, nhưng chị vẫn luôn tâm niệm, khởi đầu nghề viết văn vào năm 1980, chị sáng tác truyện ngắn cho thiếu nhi. Và chị cũng khá thành công với đối tượng này.
Nhà văn Thùy Dương từng tự hỏi tại sao mình lại theo nghiệp viết lách trong khi từ nhỏ mơ ước trở thành bác sĩ theo truyền thống gia đình. Và chính bản thân lý giải rằng, chị viết văn xuất phát từ mong muốn được thể hiện mình, trình bày lại cuộc sống theo ý mình. Hay cũng có thể do sức quyến rũ, mê hoặc của những trang sách – mà cô bé 6 tuổi chân trần dầm nước bên bờ ao đuổi bắt cho kỳ được cánh bướm xinh ép vào làm kỷ niệm. Chính những điều đó đã “cám dỗ”, thôi thúc chị cầm bút để có thể sáng tạo ra một thế giới khác – thậm chí hấp dẫn hơn thế giới đang sống.
Cũng có thể là do nỗi buồn… Đằng sau mỗi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc sống, của con người vẫn chứa đựng những điều gì đó thật buồn. Bởi ngày hôm nay sẽ không bao giờ lặp lại và thời gian cứ cuốn trôi vô tình.
CƯỚI ĐÊM
Thùy Dương
Tặng bạn bè tôi khóa 74-77 HQ.
Chi bóp nhẹ hai bàn tay chồng, giọng nói như ru “Anh à – tí nữa đám bạn thời phổ thông của em đến thăm anh. Có cả Hoàng từ miền Nam ra…. Anh có còn nhớ Hoàng đen thời cưới chúng mình, cắt sạch một vườn hồng của nhà đem đến…”. Cầm hai mắt khép hờ, giọng toàn hơi “Anh nhớ rồi. Nếu anh có ngủ thiếp đi, em cứ ra tiếp mọi người. Nhớ cảm ơn hộ anh….”
Chi nâng bàn tay chồng áp vào má mình, thở ra nhẹ nhàng. Cầm cố gắng nhướng mi mắt nhìn vợ khẽ mỉm cười yếu ớt: “Anh đã dặn em rồi đấy. À em đọc tiếp Nam hoa Kinh – đến đoạn….”
“Khi nằm mộng không biết mình đang ở trong mộng, tỉnh dậy mới biết là mộng. Chỉ có người chân chính tỉnh táo mới biết đây là trường đại mộng, thế nhưng những người ngu xuẩn lại tự cho mình là tỉnh táo hiểu rõ tất cả. Nào là làm vua ư, nào là người đi săn ư? Ôi, thô thiển quê mùa thay vậy! Khổng Khâu và ông đều là những người nằm mộng. Ta nói ông nằm mộng thì ta cũng là nằm mộng vậy!”
Chi rời trang sách, ngẩng lên nhìn chồng. Mắt anh khép chặt hơn, hơi thở đều đặn, môi vấn vương nụ cười như trẻ nhỏ. Cô rón rén đứng dậy, cất sách, lấy đồ khâu ra.
Có tiếng lao xao ngoài phòng khách. Cậu bạn thò đầu vào, nhìn thấy chiếc áo xô trên tay Chi, kinh ngạc há hốc mồm. Chi đặt tay lên môi ra hiệu và bước theo.
Căn nhà Chi ở đặc trưng cho những ngôi nhà cổ ở thị xã này – hẹp bề ngang và sâu hút. Mặt trước nhà là số chín Trần Hưng Đạo – phố chính. Cửa sau quay ra Phạm Hồng Thái. Hồi mới về làm dâu, Chi cứ thấy kỳ kỳ, bất tiện. Muốn từ trên nhà xuống bếp phải qua bốn năm phòng, qua cả một khoảng sân gạch lúc nào cũng ẩm ướt và một cái bể nửa nổi nửa chìm đêm ngày tý tách nước. Ngại nhất là những ngày mưa – trong nhà tối như hũ nút, mùi ngai ngái ẩm mốc lẩn quất khắp căn phòng. Bóng người vào ra lúc mờ lúc tỏ…
Trong nhà có một gian điện thờ luôn nghi ngút khói hương. Cô em chồng mới hơn chục tuổi vít cổ chị thì thầm: “Có một bí mật này em chỉ kể với chị. Cấm nói cho ai biết nhé. Em nghe bà trẻ nói với mẹ: ngày xửa ngày xưa cụ tổ nhà mình đi chùa bắt được chiếc áo lễ của ai để quên đem về. Năm ngày sau có người ở xa lặn lội đến xin chuộc. Chẳng hiểu vì chiếc áo quý hay vì cái gì cụ tổ không trả. Người kia ra đình thắp hương khấn và nguyền rằng con cháu năm đời sau què chân…Thầy bị thập thễnh sau lần sốt bại liệt lúc nhỏ. Còn một đời nữa phải chịu…”
Chi cười, xoa đầu cô bé vỗ về và không để tâm. Chỉ đến khi Cầm bị tai nạn và liệt cả hai chân thì Chi chợt lạnh đầm chân tóc nhớ tới lời con trẻ ngày nào. Mẹ chồng gọi Chi vào phòng trong: bố con bị tật lúc nhỏ, được chồng con đẹp như tranh nên sung sướng lắm. Lúc sắp mất ông ấy bảo: tôi thỏa nguyện rồi chỉ mong bà ở vậy nuôi con nên người. Mẹ đã làm được như lời ông ấy dặn. Ngờ đâu lời nguyền đổ xuống đầu con trai mẹ. Mẹ đã có cháu đích tôn, chẳng dám ràng buộc con… Chi cầm tay bà khóc – mẹ nghĩ con là loại người thế nào. Chúng con đã từng thương yêu nhau đến thế. Giờ con xin làm chân làm tay của anh ấy. Mẹ cứ tin con.
Mẹ chồng Chi sống được có năm năm sau ngày con trai bị tai nạn thì mất. Con trai Chi càng lớn càng giống bố như tạc. Nó học đại học và ra công tác ở Hà Nội. Chỉ còn hai vợ chồng “trẻ chưa qua mà già chưa tới” trong căn nhà dài hun hút. Chi bàn với chồng sửa sang căn phòng cuối quay ra phố Phạm Hồng Thái cho thuê. Cô em chồng sốt sắng đưa thợ đến làm và bàn mở cửa hàng sách báo mặt phố Trần Hưng Đạo cho anh bán đỡ buồn. Và Cầm trở nên say mê sách. Anh tìm thấy Trang Tử và vịn vào ông.
Cậu bạn chờ ở chỗ sân gạch, giọng như hụt hơi: “Cậu có đủ can đảm để ngồi khâu áo tang cho mình ư?”. Chi ngửa mặt lên, tranh thủ hít thật sâu chút khí trời mát lạnh, giọng chợt xa vắng. “Gần mười năm nay mình phải làm quen với ý nghĩ rằng có thể một ngày nào đó anh ấy không còn ở bên mình. Tất cả rồi phải quen hết. Với lại…”
Ông cụ gần chín mươi tuổi lọc cọc chống ba toong đến thăm: “Ông thấy con Nguyệt (bạn thân dạy cùng trường với Chi) bảo anh ấy mệt. Người già và người có bệnh thường hay phập phù thế. Rồi lại hồi ngay ý mà. Ông đây này – phải đến bốn, năm lần tưởng đi đến nơi. Con Nguyệt ngồi bên ông canh chừng và khâu áo tang cho cả nhà. Vậy mà ông sống thêm được sáu năm rồi… Có khi thấy mình đối mặt, thần chết lại ngại chăng!”. Ông cụ giở cho Chi xem bản cáo phó ông nhờ người viết hộ, chỉ chờ ngày mất. Nét chữ bằng bút lông mực tàu đen nhánh. Ông cười: Lúc tang gia bối rối làm sao có được bản cáo phó chữ đẹp thế này!
Chi thổn thức kể chuyện ông cụ tới thăm. Cầm nghe nửa lơ đãng, nửa chăm chú. Rồi cứ mỗi lần trở trời, Cầm ốm mệt, chờ vắng người, Chi lại đem tấm áo tang ra khâu.
Lần đầu tiên là khi Cầm mệt và anh cứ đuối dần từng giờ. Ông bác sĩ kéo Chi sang phòng bên: Cô chuẩn bị tinh thần đi là vừa. Tôi sợ anh ấy không qua khỏi đêm nay! Chẳng biết bấu víu vào đâu, Chi chợt nhớ lời ông cụ: cứ đối mặt với thần chết, biết đâu! Chi đóng chặt cửa phòng, vừa khâu vừa khóc, kim đâm vào tay loạn xạ. Máu thấm đỏ lỗ chỗ trên vải. Cô em gái lao vào “Sao bỗng dưng em nóng ruột tưởng phát điên. Anh em sao rồi chị ơi?”. Vồ lấy bàn tay anh, cô xoa lấy xoa để và cắn môi ghìm tiếng khóc. Kéo tấm chăn tụt xuống, bàn tay cô chạm phải chiếc áo tang và rụt lại như phải bỏng: “Sao chị dám? Chị mong anh tôi chết sớm chứ gì? Thầy mẹ ơi về mà xem con dâu hiếu thuận của thầy mẹ làm cái gì đây này…”. Chị quỳ xuống bên cô em. “Tôi xin cô – thề có trời có đất – tôi mà có lòng dạ nào thì tôi chết không nhìn thấy con tôi. Ông cụ nhà Nguyệt nói thế nên tôi liều xem sao. Tôi còn gì để mất hở cô…”
Bỗng tiếng Cầm tỉnh táo: “Có gì mà hai chị em khóc lóc thế. Lấy cho tôi hớp nước rồi cô về nhà trông các cháu mai hẵng sang. Chi nằm xuống ngủ đi em – mấy ngày thức trông anh rạc cả người rồi còn gì…”. Hai người đàn bà sững sờ câm lặng rồi bỗng dưng ôm choàng lấy nhau òa ra khóc.
Sáng hôm sau từ mờ sớm cô em đã tất tả xách làn sang: “Em mua mấy quả na đầu mùa thắp hương cho thầy mẹ…”. Tách từng múi na đút cho anh trai cô cười tươi tắn: “Gớm hôm qua anh làm chị em em hết cả hồn. May mà chị Chi còn bình tĩnh…”. Cầm bảo: “Sống chết là việc của trời, lúc tôi sắp thoát đi đừng có khóc lóc kéo níu làm rối lòng. Cứ để cho mọi việc thanh thản…”. Cô em nuốt nước mắt. “Thằng Hải tuần sau mới ở nước ngoài về à? Lần này giục nó cưới vợ đi thôi”. Chi đặt tô cháo vào tay em chồng. “Cô bón cho anh, ăn na nhiều sợ cồn ruột. Cô này, sáng sáng tôi dậy sớm nghe như có tiếng chổi mẹ quét ở sân giữa. Rồi bà vào trong bếp, vẳng cả tiếng dọn dẹp xê dịch…”. Cô em tần ngần – “Liệu có phải không nhỉ? Ngày bé em vẫn thấy mẹ bảo các cụ về luôn. Căn nhà này ở mấy đời rồi còn gì. Nhưng chỉ con dâu mới thấy chứ “nữ nhi ngoại tộc” như em đâu có biết gì”. Giọng cô hạ thấp vẻ biết lỗi: “Sáng sớm em gặp ông cụ nhà chị Nguyệt đi tập dưỡng sinh. Cụ bảo chị làm thế là hóa rủi thành may đấy chị ạ!”.
Sáng sáng Chi vẫn nghe thấy tiếng chổi mẹ chồng quét rất khẽ. Hình như còn có tiếng bà ho nhẹ và cả tiếng thở dài. Lâu dần Chi quen và không hề thấy sợ.
ù
Cả đám bạn nhìn Chi chăm chú. Quốc hỏi nhỏ: Anh ấy đỡ hơn chút nào không? Chi gật gật đầu. Thấy nhẹ nhõm và đỡ cô đơn. “Hoàng trong đấy làm ăn ra sao?” Hoàng gãi gãi cái đầu cắt cao “Thì cũng tiềm tiệm vậy. À mà có đỡ hơn. Tớ bỏ làm gạch rồi, kiếm được vài hec ta cà phê – chuyển thành ông chủ trại – oách chưa…” Chi mỉm cười lắc đầu nhè nhẹ.
– Thế còn Hưng đâu – sao bảo cậu ấy cũng về?
Quốc ngồi khuất trong góc giọng giễu cợt:
– Cậu khỏi lo, nó mò đến ngay đấy mà. Tớ phát ghen với nó – Lúc nào cũng được cậu quan tâm chăm sóc.
– Thì nó thiệt thòi – cậu cũng biết.
– Bản thân cậu…
Dường như biết mình lỡ lời Quốc im bặt.
Chi nhìn thẳng vào Quốc, giọng chỉ hơi chìm đi: “Mình khác chứ”. Chi chợt tha thiết “Quốc à – là sếp của Hưng – lại là bạn, cậu phải thương nó với. Từ khi anh Cầm đau ốm mình mới hiểu ra một điều – hạnh phúc sao mà hiếm hoi thế, cả tình yêu nữa…”.
Tiếng Quốc: “Thì có ai bảo tình yêu không quan trọng đâu. Nhưng hình như những kẻ có chút tiền bạc, địa vị thì tình yêu chẳng bao giờ thèm để mắt đến. Hay đó cũng là sự công bằng “đen tình thì đỏ bạc…”. Có tiếng cười khúc khích của mấy đứa bạn gái. Chi gắt nhẹ: Năm trước tớ gặp vợ cậu, nó có vẻ buồn: Anh ấy đi tối ngày… Quốc nói tưng tửng: Bây giờ cậu mà gặp nó xem, sẽ thấy điều ngược lại. Tớ mà về sớm e rằng nó lại căn vặn lo ngại đủ điều…
Chẳng biết lúc nào Quốc nói thật, lúc nào nói đùa. Mấy năm trước công ty do Quốc làm Tổng giám đốc có chuyện, Hưng – Trưởng chi nhánh đặt tại Hải Phòng bị bắt tạm giam. Chi và mấy đứa bạn nhảy tàu lên, xông đến công ty thấy Quốc vẫn cười như không: “Doanh nghiệp thời nay sáng còn là anh hùng, chiều đã thành tội phạm…”.
Kéo cả bọn đi chiêu đãi ở nhà nổi Hồ Tây, Quốc vừa ăn vừa kể chuyện cười:
“Một luật sư ốm nặng đòi người nhà mang cuốn kinh thánh đến. Ai cũng thấy lạ một kẻ vô thần như ông ta mà lại trở nên mộ đạo. Luật sư bèn giải thích phải xem trong kinh thánh có kẽ hở nào để một mai nếu có lên thiên đàng còn lách…”.
Rồi Quốc chua thêm: “Mình cũng giống như ông luật sư kia thôi”. Chi không có bụng dạ nào để ăn. Quốc cứ gắp đầy bát giục: “Dạo này trông cậu hơi xanh. Đằng nào thì ông Cầm cũng thế rồi. Cậu phải chăm sóc đến bản thân chứ”. “Thì mình cũng chăm sóc…”. “Cậu y như cái thị xã cổ điển và êm ả của chúng mình. Cái gì cũng bằng lặng và trôi đều đều. Sáng sáng đi ba bốn bước là đến cơ quan, trưa ai ai cũng về nhà tranh thủ đánh một giấc. Chiều tạt đến trình diện ở công sở rồi lại nhanh nhanh chóng chóng về. Đến nỗi mình mà về ở quá ba ngày sẽ thấy người bải hoải. Thế nhưng vài ba tuần chưa về là thấy nhơ nhớ”. Quốc bỗng ngoắt sang hỏi độp một câu: “Điều gì khiến cậu chung tình đến thế với Cầm? Chi lắc đầu không nói. Quốc bỗ bã: “Vì cái danh chính chuyên hão ư?”. Chi đỏ mặt vùng đứng dậy. Quốc nắm vai Chi ấn xuống: “Nếu mình xúc phạm cậu thì cho xin lỗi. Nhưng bao lâu nay rồi mình vẫn không thể hiểu nổi điều đó”.
Vì điều gì ư? Một chiều ẩm ướt Chi ngồi nhặt rau gần cửa sổ, mái tóc xõa xuống hai vai trần, đôi chân trần xoài ra hớ hênh. Cảm giác khiến Chi ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt Cầm nôn nao, đắm đuối. Chi nhoẻn cười bỏ vội rổ rau sà đến. Y như ngày họ trao nhau những chiếc hôn đầu tiên cũng trong một căn phòng ẩm ướt còn ngoài trời mưa chợt nặng hạt hơn…
Rồi cậu con trai đẹp giống hệt bố, căn nhà hẹp mờ tối, sáng sáng thoảng nghe tiếng chổi vô hình và cái thị xã bình lặng yên ả ai ai cũng biết rõ về nhau đến hai, ba đời… Nếu không có những điều ấy liệu Chi có giống thế này?
Quốc bàn “Tuần tới bọn ta kéo nhau đi Bãi Cháy nhé. Chi cố đi vài hôm cho khuây khỏa, nhờ cô em gái sang nhà giúp cho”. Chi không kìm được, hỏi Hưng. Quốc gằn – thằng ấy chủ quan, thêm việc vợ chồng lủng củng nên làm ăn ẩu tả. Cho nó nếm mùi để lần sau sợ mà chừa. Làm thằng đàn ông phải có cái đầu lạnh. Đừng có để tình cảm xen vào công việc. Chi sợ hãi: “Thế Hưng phải đi tù à?”. Quốc bật cười: “Riêng cái việc cậu cứ lo lắng quá cho nó như thế khiến tớ muốn nó phải chết già trong tù. Tớ hỏi thật có phải cậu và nó ngày xưa… Bọn tớ biết thừa”. Chi cười – Trẻ con thích nhau một tí. Thế thôi. Người tớ yêu thật sự là anh Cầm. Quốc gật đầu – Phải rồi – cậu là chị thằng Hưng thì đúng hơn. Giá cậu yêu tớ đây này. Chi bĩu môi – lại còn thế nữa. Quốc nhướng mắt: “Cậu là giáo viên dạy văn mà nhiều lúc kém nhạy cảm bỏ mẹ”.
ù
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Chắc là Hưng rồi. Một bó hồng vào trước rồi một cái đầu quăn quăn bù xù ló theo. Giọng Quốc bực bội: “Đúng là cái đồ nịnh đầm. Sao mày bảo chờ điện của con riêng vợ mới?”. Hưng đưa bó hoa cho Chi “Mong anh Cầm khỏe và mọi điều tốt lành”. Không ai nghe thấy Quốc lẩm bẩm trong kẽ răng “Tốt lành cái con khỉ nếu anh ta chỉ ngọ nguậy như thế”.
Chi ân cần “Huệ dạo này ra sao? Con gái của cô ấy từ nước ngoài sắp về à? Nó có phản đối gì không?!” Hưng tươi lên: “Nó cám ơn mình”. Quốc đế vào “Còn mày thì phải cám ơn mấy ngày được giam đấy. Nếu biết chỉ nếm vài thìa đau khổ mà được hẳn một cô vợ thì tao cũng sẵn lòng”. Cả bọn bật cười. Ai đó chợt lè lưỡi và suỵt suỵt.
Hưng nhớ lại cảm giác nhờm tởm trong căn phòng chật và hôi hám. Bát cơm ăn dở vứt lăn lóc ngay bên. Một tay sán lại bên “Cố mà ăn hết đi kẻo đến tối lại tiếc”. Lân la một hồi Hưng biết hắn là giám đốc một doanh nghiệp thương mại có tiếng. Hắn bảo: “Việc của ông cũng không đáng lo lắm. Lô hàng ấy bảo là gian lận trốn thuế cũng được mà nói là áp mã thuế nhầm cũng được. Nếu sếp của ông giỏi và chịu chi thì ông thoát trong vòng một tuần. Còn không thì cứ đợi…”. Hắn đần mặt thở ra “Tôi cầm chắc mười lăm năm. Chỉ còn cách chạy giảm được ngày nào hay ngày ấy hoặc vào trại cải tạo tốt chờ đặc xá”. Rồi hắn rũ xuống “Con bồ tôi chỉ biết có tiền – vợ tôi thì tôi lại bỏ…”. Gục mặt hồi lâu chợt hắn ngẩng phắt dậy, mắt sáng rực “Trăm sự nhờ ông vậy. Ông được ra, đến số nhà… nói chuyện với vợ tôi… Từ từ thôi không mụ ấy nghi ngờ. Đúng rồi – để tôi nghĩ kịch bản…”.
Hưng được ra thật. Quốc bảo thẳng: “Tao lo được cũng một phần nhờ vợ mày chạy đôn chạy đáo. Mày là thằng nhà quê – vợ chồng không hợp thì kiếm bồ. Đàn ông bây giờ không phá ra xây lại mà tìm đất mới xây thêm. Bỏ vợ là hạ sách”. Hưng cám ơn Quốc và không tranh luận. Quan niệm của mỗi người mỗi khác. Nhớ ánh mắt năn nỉ của bạn tù, Hưng tìm đến số nhà… Đón Hưng là một thiếu phụ còn trẻ, xinh xắn, có cái nhìn chăm chú và hơi giễu cợt. Nghe Hưng lên bổng xuống trầm một hồi, cô bật cười: “Anh không phải nói nữa. Anh là người không biết nói dối. Nhìn mắt anh tôi biết. Tôi biết rõ ông chồng cũ của tôi mà. Tôi nhận lời giúp anh ta. Nhưng quay lại làm người vợ chung thủy, chờ đợi mòn mỏi như ngày xưa thì không bao giờ…”
Thế là Hưng biết Huệ. Và anh tìm được cái nửa của mình.
ù
Hoàng hỏi giật giọng: “Mày cưới vợ hồi nào sao không cho tao hay? Tao chỉ nghe mày kết thúc tập một cuốn tiểu thuyết. Còn bắt đầu tập hai có nghe hồi nào? Lạ quá ta”. Quốc cướp lời: “Bọn tao ngoài này còn chưa biết mặt ngang mũi dọc vợ nó ra sao”. Hưng buồn buồn: “thì rổ rá cạp lại – đăng ký rồi về ở với nhau…”. Quốc cười khờ khờ: “Bọn này lì một cục đấy. Năm năm rồi tao và bà già nó phá không lại. Ngày mới biết chuyện tao gọi bốn thằng trong lớp mình lên, nhốt năm thằng trong phòng: chuyện vợ chồng thằng Hưng thế, chúng mày góp ý với nó… Một tiếng sau quay lại vẫn thấy bọn nó chuyện trên trời dưới bể đâu đâu. Kéo nhau ra Nhật Tân, định mượn hơi rượu cho chúng nó hăng lên. Ngờ đâu chúng nó làm như mình mời lên ăn thịt chó không bằng! Thế là sổng. Vợ chồng thằng Hưng ra tòa còn cô Huệ bám rõ chặt nhé. Bà Chi thì nghe thằng Hưng tỉ tê nên “nối giáo cho giặc” làm công tác tư tưởng cho bà già”.
Chi vừa từ phòng chồng lại, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao: “Cái gì mà nối giáo…”
– Thì Quốc nó bảo bà bênh tôi với Huệ – Hưng nói.
– Tình yêu là thế. Xui cũng không được mà phá cũng không xong, làm khổ nhau làm gì. Mà Hưng nói hai người đi đăng ký bao giờ?
– Vừa sáng nay. Vì thế con gái cô ấy gọi điện về chúc mừng.
Cả bọn trầm ngâm. Quốc nhổm lên: “Mình đã phá mãi không được. Chúng nó yêu nhau đến thế – Vậy thì ta tổ chức cưới”.
– Thế bao giờ? – Cả bọn nhao nhao.
– Ngay bây giờ, tiện có đông đủ bạn bè. Hưng gọi cho Huệ về gấp. Tôi sẽ điện ra khách sạn quen – bà chủ cũng học cùng khóa mình. Phôn cho những bạn bè cũ đi. Chúng mình sẽ tổ chức một đám cưới có một không hai và cho cả thị xã phải nhớ để đời.
Cứ như một trò đùa. Huệ nói với Chi giọng run run “Về khuya thế này làm gì hả chị. Em sợ quá. Chị cho em nói chuyện với anh Hưng”.
Quốc nói như quát vào máy: “Cứ bảo tắc xi đỗ ở đầu nhà máy sứ sẽ có người ra đón. Mang cả áo dài và áo ngủ nhớ chưa.”
Nhà lại vắng lặng như tờ. Chi ngồi bên Cầm bón từng thìa sữa: “Đầu têu là tại Quốc, anh biết không. Gần mười giờ rồi – Huệ nó về đến đây cũng phải mười hai giờ. Có ai đời cưới vào một – hai giờ đêm kia chứ! Rồ hết cả. Nhưng có khi thế lại hóa hay”.
Cầm ngừng nuốt, nói như thở: “Quốc được lắm…”. Chi tiếp “nhưng mà không giống chúng mình!”.
ù
Một ngày nào đó Quốc một mình lái xe từ Hà Nội về thẳng nhà Chi. Cho Chi một chiếc khăn quàng gợi màu sương xanh. Đưa cho Cầm chiếc hộp nhỏ và chờ khi Chi vào nhà sau lấy nước mới nói gì đó. Quốc về rồi, Chi khoác hờ chiếc khăn trên vai, nhìn trong gương rồi ghé sát má chồng: “Anh có thấy đẹp không? Em bao giờ cũng thích những màu huyền ảo…”.
ù
Cầm dang tay ôm ngang lưng vợ, vuốt dọc xuống. Má Chi hồng nhạt, mắt sáng nóng. Cầm lần cởi những chiếc cúc…
Chi trườn người nhích lên. Môi Cầm hớp hớp bầu ngực căng ứ. Chi nhắm nghiền mắt, đầu lăn qua lăn lại, tê dại và căng thẳng. Bỗng Cầm quơ tay ra sau gối lấy vật gì. Có cái gì đó ập vào với Chi. Chi run rẩy và cả người oằn lên từng đợt, miệng kêu thành tiếng đứt quãng…
Rất lâu sau Chi choàng tỉnh, nhổm phắt dậy. Trong mắt Chi là nỗi khiếp sợ. Không một mảnh vải che thân. Trần truồng và tơi tả… Cái vật mang đến niềm vui sướng kia nằm trơ trẽn trên chiếu. Chi ôm chặt lấy mặt, những giọt nước mắt tràn qua kẽ tay. “Đê tiện – nhục nhã…”. Hình như Chi nói hay ai đó hét vào tai… Chi vùng dậy, quấn tấm khăn ngang người chạy như ma đuổi vào phòng tắm. Tiếng nước xối không át được tiếng khóc tức tưởi. Cầm rúm lại ngửa mặt lên trần nhà, mắt chong chong vô hồn.
Tóc Chi mềm rủ xuống ngực Cầm “Sao anh không nói trước với em? Anh thương hại cái tuổi hồi xuân của em sao? Anh khinh em phải không?”. Cầm ngậm những ngọn tóc ướt của Chi. “Điều đó đâu có gì là xấu. Chỉ tại anh không mang được hạnh phúc tròn đầy cho em…”. Một giọt cay đắng vỡ trong mắt Cầm.
Chi ôm lấy mặt Cầm nhìn sâu vào đôi mắt, miết tay lên sống mũi cao “Có một lần hồi còn yêu nhau, khi em nghi ngờ anh phản bội, em đã cầu xin cho anh chết đi. Anh chết đi để tình yêu của em không bị ai cướp đoạt… Trời đã thử thách em. Nhưng em luôn yêu anh”. “Anh biết chứ. Em đừng giận Quốc thế. Cậu ấy thương anh, thương em theo kiểu của cậu ta. Không phải ai cũng có được tình bạn như lớp 10E của bọn em đâu. Anh cũng yên tâm. Em sẽ không bị đơn độc khi anh đi xa”.
Chi cười buồn: “Em đã nói với anh rằng em chỉ yêu được người như anh. Mà anh đã hứa luôn luôn ở bên em”. “Anh sẽ ở bên và phù hộ cho em. Bao giờ anh đi, qua bốn chín ngày, em hãy vào xứ Thanh, có cô đồng Phương. Chắc chắn mình sẽ được gặp nhau. Nhưng em đi ít thôi kẻo đường xa nhọc mệt…”.
Câu chuyện như thế hoặc gần như thế giữa họ thường trở đi trở lại. Cứ như họ đang nói về một chuyến đi xa ít ngày của người chồng. Đêm nay thì có thêm khúc đuôi thế này: “Quốc yêu em đấy – em không biết hay sao. Yêu theo kiểu riêng của cậu ta”. “Nhưng mà cậu ấy không phải là anh – Không giống như anh. Anh không nhận ra điều ấy sao?”. Cầm chợt khép mắt thiêm thiếp ngủ. Có tiếng chuông điện thoại đổ xa xa. Con trai Chi gọi từ thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa đặt máy xuống lại tiếng chuông. Là Quốc: “Mọi việc xong xuôi hết rồi. Tiệc đã đặt, phòng cô dâu chú rể cũng tươm tất. Bọn mình lục tung cả thị xã kiếm được một giỏ hồng khổng lồ và dải lụa thêu “Lớp 10E chúc mừng hạnh phúc Hưng – Huệ”. Mười lăm phút nữa Quốc sẽ lái xe ra đầu thị xã đón cô dâu. Mình sẽ đại diện cho họ nhà gái… Chỉ tiếc không có Chi. Cầm thế nào rồi? Ăn được chút sữa à – chắc sẽ khá lên thôi – đừng lo quá. Chi có nghe ai hát đó không – vẫn là Hoàng với bài tủ của cậu ta và của lớp mình – “Khi nghĩ về đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây tôi thường nghĩ về đời người…”
“Đừng để Hưng uống nhiều – cậu ấy dễ bị bốc đấy! Cả Quốc nữa, giọng ngàn ngạt thế, liệu có lái được xe không?”. Chi không kìm được giọng lo lắng. “Cứ để mọi người say một chút không sao. Đêm nay là một đêm đặc biệt. Quốc muốn xưng tội… có lúc Quốc đã hư hỏng như Chi nghĩ đấy. Nhưng như thế mới là cuộc đời… Ép xác như Chi… Mà thôi tốt nhất là không nên động đến điều ấy, kẻo Chi lại giận. Nhưng mà có điều nực cười là cái cô Chi giống như cái thị xã cổ này lại giúp Quốc khỏi sa ngã. Rõ bực mình. Một cái mỏ neo xưa cũ đầy bướng bỉnh. Thế đấy…”. Chi không rõ lắm những điều Quốc nói. Tiếng hát đồng ca hơi lộn xộn òa vào trong máy. “Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người…”. Có tiếng Hưng rụt rè: “Mình hạnh phúc quá. Vừa nãy các bạn gái trải giường cô dâu chú rể. Ước gì Chi trải cho mình. Thôi mình ra xe đón dâu đây. Huệ về, bọn mình sẽ gọi lại sau”.
Cầm mở mắt hỏi “Đón dâu về rồi à – Em gọi điện đi. Nói là anh rất mừng. Biết đâu đêm nay có một con người được hoài thai. Cuộc sống luôn luôn là thế mà…”.
Quay lai, Chi thấy chồng mặt nghiêng về một bên, đẹp như tượng thần Hy Lạp, phảng phất nét kiêu kỳ thời trai trẻ. Linh tính khiến Chi nhào vội đến, ghé tai áp vào lồng ngực Cầm. Không còn nghe thấy tiếng đập yếu ớt như mọi khi. Chi đứng như hóa đá rồi bất giác vươn tay lên nóc tủ, lấy chiếc giỏ khâu ban tối. Ngồi xuống bên Cầm, Chi run rẩy khêu từng mũi.