Lần đầu có một xu thế văn học chịu ảnh hưởng rõ rệt của công nghệ đến vậy: các tác gia cũng chuyển sang viết truyện ngắn, thể loại được xem là dễ thu hút công chúng thời đại số và phù hợp hơn với các thiết bị di động.

Tiểu thuyết là con sư tử của văn chương, và vẫn còn quá sớm để nói thể loại này đã sụp đổ. Tiểu thuyết vẫn giành các giải thưởng văn học lớn (Man Booker, Pulitzer) và có những cách tân táo bạo. Nhưng truyện ngắn, một thể loại cũng đầy cổ xưa, đang tự làm mới, đạt những thành tựu không thể bỏ qua và được coi là xu thế của thời đại số.

Những chiếc “vương miện” dành cho truyện ngắn

Một dấu hiệu rõ rệt khi bậc thầy truyện ngắn thế giới Alice Munro thắng giải Nobel Văn học 2013. Cũng vào năm ngoái, giải Man Booker rất nhanh chóng bắt kịp xu thế thời đại khi trao giải cho Lydia Davis, một nhà văn viết truyện cực ngắn. Vài truyện của Davis chỉ là một câu văn dài. Quyết định của ủy ban Nobel được coi là độc đáo (Munro là tác giả truyện ngắn đầu tiên được vinh danh) thì quyết định ban giám khảo Man Booker phải nói là có tính cách mạng.

Để khẳng định 2 chiến thắng này không phải là trùng hợp, giải Folio (Anh) cùng năm xướng tên nhà văn Mỹ George Saunders, người chuyên viết tiểu thuyết dạng ngắn.

Lydia Davis, tác giả truyện cực ngắn giành giải Man Booker năm ngoái với những truyện chỉ dài 1 câu

Saunders, Munro và Davis không phải là những tác giả viết ngắn đầu tiên được công nhận ở tầm cỡ thế giới. John Cheever, người được mệnh danh “Chekhov của ngoại ô”, giành giải Pulitzer thể loại hư cấu năm 1979. Nhưng chiến thắng lớn cuối cùng của truyện ngắn đã là năm 2000 với nữ nhà văn Jhumpa Lahiri. Chứng tỏ năm 2013, truyện ngắn đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong quá khứ.

Các giải thưởng văn học dành riêng cho truyện ngắn cũng được lập ra ở Anh, đó là các giải truyện ngắn Costa, giải truyện ngắn BBC National và giải truyện ngắn tạp chí Harper’s Bazaar. Các tác gia tiểu thuyết cũng nhảy vào địa hạt truyện ngắn, như Hilary Mantel, Jon McGregor hay Ian Rankin. Trước đây, chỉ có theo chiều ngược lại bởi ảnh hưởng của quan niệm cũ, cho rằng truyện ngắn thấp cấp hơn tiểu thuyết.

Còn có một quan niệm xuất bản khác là các tập truyện ngắn bán không chạy. Nhưng giờ điều đó đã thay đổi. Theo tạp chí The Bookseller, trong năm 2013 truyện ngắn đã tăng 35% doanh số.

Không ai buộc phải nghe cả album nhạc

Nhưng việc truyện ngắn trỗi dậy có nguyên nhân quan trọng nhất nằm ngoài văn học. Đột nhiên, sau hàng thập kỷ nằm ngoài các giải thưởng lớn nhất thế giới, truyện ngắn chứng tỏ được đây là thể loại văn học phù hợp hoàn hảo với nhu cầu của công chúng thời đại số. “Cuộc sống ngày càng được kết nối chặt chẽ” – tiểu thuyết gia Elizabeth Day, người sáng lập ra salon truyện ngắn Pindrop, nói. Salon này chuyên tổ chức các sự kiện đọc sách tập thể ở những địa điểm công cộng nổi tiếng.

“Ngày nay, người ta khó tìm đủ thời gian cho một cuốn tiểu thuyết dài, khi họ phải giải quyết hàng đống thư điện tử mỗi giây hoặc phải chạy đua với thời hạn hoàn thành công việc, hoặc phải chăm sóc con cái. Truyện ngắn là liều thuốc giải độc hoàn hảo. Đọc truyện ngắn cũng như thưởng thức 1 bài hát trong 1 album nhạc, không ai ép người nghe phải nghe hết album” – Day nói.

Tiểu thuyết là những thành trì, nhưng đã đến thời của viết ngắn.

Theo thống kê của Amazon qua doanh số sách điện tử, truyện ngắn từ 5.000 đến 30.000 từ hiện nay bán chạy, phần nhờ giá rẻ, chỉ dao động tương đương mức từ 35.000 đến 90.000 đồng tiền Việt.

Sự phổ biến của văn chương Mỹ cũng góp phần giúp truyện ngắn lên ngôi. Tiếng Mỹ là thứ ngôn ngữ hiện đại và đề cao sự giản lược nên không ngạc nhiên khi nền văn học Mỹ đã cổ vũ cho truyện ngắn phát triển.

Alexandra Pringle, Tổng biên tập NXB Bloomsbury của Anh, đồng ý với nhận định này: “Ở Anh, chúng tôi không có các tạp chí văn học dành đất cho truyện ngắn. Nhưng ở Mỹ thì có hàng tá. Riêng tờ The New Yorker đã có đóng góp lớn trong việc nuôi sống các cây bút truyện ngắn. Tôi nghĩ chương trình đào tạo sáng tác văn chương ở Mỹ cũng nuôi dưỡng các hình thức truyện ngắn”.

Tình hình ở Anh cũng không quá trầm lặng như Pringle nói. Dù các tạp chí văn học ít ưu tiên truyện ngắn, nhưng ở nước này có hàng loạt cuộc thi sáng tác, liên hoan, sự kiện, khóa đào tạo, câu lạc bộ đọc sách và các trang web riêng về truyện ngắn. Thậm chí, các hiệu sách cũng có xu hướng ưu ái các tập truyện ngắn. Sự trỗi dậy này, 10 năm về trước không ai có thể hình dung nổi.

Xu thế khởi nguồn từ công chúng

Một lời chê bai phổ biến đối với truyện ngắn là… quá ngắn. Không lâu sau khi bắt đầu đọc, người đọc đã thấy hết truyện. Họ không thể đắm chìm vào không gian truyện như với tiểu thuyết.

Nhưng ở thời đại số, điểm yếu lại thành điểm mạnh. Chính truyện ngắn mới có lợi thế so với tiểu thuyết khi có thể đọc nhanh qua thiết bị di động và thời nay không ai đủ thời gian đắm chìm vào một thế giới khác. Họ chỉ kịp đọc, hiểu, suy ngẫm và gác lại để suy ngẫm vào một lúc khác vì còn phải làm tiếp những công việc khác.

Hạ Huyền

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version