Ngày 8/8 tại Hà Nội, một cuộc tọa đàm văn chương đã được NXB Trẻ tổ chức nhân dịp 3 nhà văn Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà ra mắt những tựa sách mới: “Có thể có có thể không”, “Lạc lối”, “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”. Đây là 3 cá tính văn chương đang sung sức và ở ngoài đời, họ là những người bạn thân thiết.

Nhà văn Y Ban phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ở lại với đam mê

Khi bàn về văn chương nữ, Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà thường là những cái tên được nhắc đến với nhiều tác phẩm mang phong cách khác nhau. Nhưng ít người biết, họ là bạn đồng môn Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa đại học chính quy).

Dù đã nhiều lần ra sách, nhưng đây là lần đầu tiên 3 nữ nhà văn này “cùng ra sân”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Với 30 năm theo nghiệp viết, cả ba chúng tôi đều phải trả giá và không phải ai cũng hiểu được điều đó. Có thể từ bỏ công việc ổn định bố mẹ cất công lo cho để rồi rơi xuống vực sâu, không biết đi về đâu nhưng chúng tôi vẫn trăn trở và viết ra những trải nghiệm bằng ngôn ngữ của mình”. Ở tập truyện ngắn ra mắt đợt này, độc giả được đọc 15 truyện ngắn mới của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, mà như tác giả thú nhận “những truyện của tôi là những lát cắt mỏng, dường như không gây chảy máu nhưng rất đau”. Tác giả có dụng ý xếp đặt những mảnh tâm hồn bị cắt cứa đó được sắp đặt theo mô hình khối ru bích, nhân vật tự mình xoay trở, kiếm tìm, hi vọng. Các truyện ngắn có thể khác nhau về mô típ hoặc cách kể nhưng lại liên thông bằng những dự cảm, để kết nối thành một tổng thể hài hòa.

Nhà văn Y Ban cho biết, tập “Có thể có có thể không” gồm 9 truyện ngắn được viết trong thời gian gần đây. “Đầu tiên tôi đặt tên cho tập sách này là “Sách trắng về gia đình”. Trắng ở đây là nói trắng ra, nói ra hết. Là những câu chuyện của một người quá từng trải trong cuộc sống gia đình. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng thực chất có một nỗi đau chung mang tên gia đình, chính những người thân, máu mủ ruột rà lại là những người thường xuyên làm khổ nhau. Có lẽ đúng như câu các cụ nói, anh em trong nhà oan gia họp mặt”- Y Ban nói.

Nếu 2 bạn văn xuất hiện bằng tập truyện ngắn thì nhà văn Thùy Dương lần này trình làng tiểu thuyết “Lạc lối”. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của Thùy Dương, sau “Ngụ cư”, “Thức giấc”, “Nhân gian”… Vẫn lựa chọn cách đặt tên tác phẩm rất ngắn, chỉ 2 từ, “Lạc lối” được nhà văn Thùy Dương hoàn thành vào tháng 4 năm ngoái. 328 trang sách xoay quanh 3 nhân vật chính là bạn học cũ trong vòng xoáy tranh đoạt tình, tiền, quyền lực. Thùy Dương kể khéo, lạnh và tỉnh về những mưu toan của đấu đá chức quyền, những tinh quái của thương trường và những lắt léo của tình người. Để rồi khi nhìn lại, đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua trong cuộc đời, tưởng chừng chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không.

Phê bình không theo kịp sáng tác

Tại buổi tọa đàm, trước ý kiến của người dẫn chương trình đề nghị các nhà văn tự đánh giá về góc độ nghệ thuật để xem tác phẩm mới của mình có sự thay đổi gì so với sáng tác trước đây, có tìm tòi đổi mới gì không, nhà văn Y Ban cho rằng, đó là công việc của các nhà phê bình. Y Ban dẫn chứng, đến nay chị đã xuất bản 4 tiểu thuyết, 3 truyện vừa, 16 tập truyện ngắn và 1 tập thơ. “Trong trường học nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn về các tác phẩm của tôi nhưng các nhà lý luận phê bình thì không theo kịp sáng tác của nhà văn nữ”- nhà văn quả quyết và gửi gắm: “Từ lâu, tôi đã mong muốn các nhà phê bình hãy chỉ ra cái được cái không được của các nhà văn đương đại chứ không phải chỉ “dìm thằng sống, nống thằng chết” như hiện nay. Hãy đọc tác phẩm của chúng tôi, và chỉ ra đâu là điểm mới lạ, đâu là nhược điểm để chúng tôi thay đổi”.

Đồng quan điểm, nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, ở thời điểm này, không nhất thiết phải bắt văn chương gồng gánh những sứ mệnh nặng nề. Từ kinh nghiệm của mình, nhà văn Lê Minh Khuê nói, thấy mình còn viết được, còn hứng thú với niềm vui viết lách thì cứ viết. Đừng quá quan tâm đến ý kiến khen chê. Đừng để thời gian qua đi và không còn sức khoẻ để viết…

Về việc có hay không những câu chuyện có thật của gia đình các nhà văn trong các tác phẩm mới lần này, bên lề tọa đàm, nhà văn Y Ban chia sẻ: “Nhà văn cũng có cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội… Sự sống của họ sẽ là dữ liệu để cho người ta viết. Đời tư hay đời chung đều là dữ liệu của nhà văn. Khi bạn đọc cầm một cuốn sách của tác giả, họ chỉ đọc câu chuyện hoặc ngôn ngữ nhà văn đó viết để cảm nhận chứ không ai chẻ câu chẻ chữ xem nhà văn này viết về mình hay người khác”.

Còn nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng: “Trong tập truyện “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, có những “chuyện có thật”, và được viết theo lối “kể chuyện ngày xưa”. Nếu bạn đọc quan tâm đến cuộc sống của nhà văn, có thể đọc chuỗi những câu chuyện “kể chuyện ngày xưa” đó. Tôi muốn kể thật, bằng văn phong truyện ngắn, vì không muốn viết tự truyện theo lối cũ. Và tôi muốn chính mình hóa thân nhân vật để được trải nghiệm rằng, khi là nhân vật, tôi có quyền được nói lên những điều chất chứa trong chính trái tim mình”.

Với 30 năm theo nghiệp viết, cả ba chúng tôi đều phải trả giá và không phải ai cũng hiểu được điều đó. Có thể từ bỏ công việc ổn định bố mẹ cất công lo cho để rồi rơi xuống vực sâu, không biết đi về đâu nhưng chúng tôi vẫn trăn trở và viết ra những trải nghiệm bằng ngôn ngữ của mình. – Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Theo daidoanket.vn