Sáng 4/1, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức buổi Gặp mặt cộng tác viên, trao tặng thưởng năm 2017 và Lễ phát động Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới năm 2018-2019.


  Nhà văn, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB, họa sĩ đã đến dự. Bên cạnh những tên tuổi gạo cội là những gương mặt trẻ, rất trẻ, mới xuất hiện nhưng đã kịp ghi dấu ấn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong diễn văn khai mạc, nhà văn, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định truyện ngắn là một trong những thể loại được Văn nghệ Quân đội chú trọng và tạo nên thương hiệu của tạp chí. Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới chủ trương không hạn chế đề tài, Ban tổ chức sẵn sàng đón nhận, tôn trọng mọi khuynh hướng, phong cách sáng tác, miễn là những điều đó không phương hại đến tôn chỉ, nhiệm vụ của Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng nói rằng với tên gọi Lửa mớiVăn nghệ Quân đội muốn đồng hành cùng các tác giả viết truyện ngắn để khơi lên ngọn lửa xúc cảm, phấn khích mới cùng những góc tiếp cận, những suy ngẫm trên bình diện mới, để từ đó có thể viết ra những tác phẩm đủ sức sưởi ấm và lay động tâm hồn người đọc. Ban tổ chức hy vọng các nhà văn, không phân biệt thế hệ, không phân biệt khuynh hướng, cùng nhau thể hiện tài năng của mình trên Văn nghệ Quân đội để cuộc thi Lửa mới thực sự có lửa mới.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ niềm xúc động khi đến với Văn nghệ Quân đội. Ông nhấn mạnh, ngoài việc đặt cao nhiệm vụ chính trị, nhà văn cũng nhấn mạnh vai trò của văn học trong quân đội bởi nhìn vào đó, người ta sẽ thấy ứng xử của đất nước đối với nền văn học nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Là một  người lính đã từng tham gia hàng trăm trận đánh trong kháng chiến chống Mĩ  và từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: Các nhà văn trẻ hãy cứ viết bằng tất cả tình yêu, niềm đau khổ tràn ra trang giấy. Bởi đã thi là đi đến cuối cùng, đã thi là hướng mình tới giải nhất, giải nhì… Ông cũng bày tỏ niềm tin vào sự khách quan tuyệt đối trong việc chấm, chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất ở mỗi cuộc thi. Ông nói, các cây bút trẻ cũng hãy tin tưởng các nhà văn ở đây bởi họ đầy lương tâm, trách nhiệm để sau cuộc thi này tạo dựng “thương hiệu” cho chính các bạn tiến lên trên con đường văn chương.

Tác giả Trần Thị Tú Ngọc, một giáo viên dạy Địa lí từ Nghệ An ra Hà Nội nhận tặng thưởng năm 2017 của Văn nghệ Quân đội chia sẻ rằng, chị đã đứng ở một góc độ khác để nhìn các nhân vật lịch sử như Trọng Thủy, An Dương Vương để sáng tạo ra các truyện ngắn của mình. Tặng thưởng cũng là sự động viên, khích lệ để chị có thêm những tác phẩm mới tham dự cuộc thi Lửa mới.

Ban tổ chức trao tặng thưởng năm 2017 cho các cộng tác viên

Cộng tác viên Kiều Duy Khánh (Sơn La) kể rằng ban đầu anh không dám gửi truyện ngắn đếnVăn nghệ Quân đội mặc dù rất thích Tạp chí. Nhờ động viên của nhà văn Uông Triều, anh đã mạnh dạn gửi truyện và rất may mắn sau khi nhận được góp ý, sửa chữa, truyện ngắn Gốc đào già trên núi của anh đã được đăng trên Văn nghệ Quân đội số Tết năm 2015. Từ đó anh đã có 5 tác phẩm được đăng và cuộc thi lần này thật sự tạo cảm hứng mạnh mẽ để trong năm nay anh tiếp tục gửi các sáng tác dự thi.

Nhà văn Lưu Thị Mười (Bình Định) chia sẻ chị đã bỏ văn chương hơn 10 năm, và khi quay trở lại, chị có truyện ngắn đăng trên Văn nghệ Quân đội. Đó là niềm vui và cảm hứng để chị thấy rằng mình phải tiếp tục viết nhiều hơn, hay hơn. Không khí của buổi lễ phát động cuộc thi truyện ngắn cũng khiến chị cảm thấy ấm áp hơn bởi chị được gặp rất nhiều tác giả lớn và những người bạn văn chương của mình ngoài đời thực.

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi tại đây.

Họa sĩ Thành Chương và Tào Linh tặng Trần Thị Tú Ngọc và Lưu Thị Mười hai bức minh họa trong hai truyện ngắn từng đăng trên Văn nghệ Quân đội.


Các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ chụp ảnh tại lễ phát động

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version