Các tác giả giành giải nhất, nhì, ba và khuyến khích của cuộc thi thơ.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra số đầu, cuộc thi thơ của Tạp chí đã chính thức tìm được những tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, trong đó nổi bật và ấn tượng nhất là những tác phẩm về đề tài biển đảo.


Trong hai năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút hàng nghìn tác giả gửi hàng chục nghìn tác phẩm tham dự. Tính đến số cuối cùng của năm 2016, tạp chí đã đăng được hơn 700 tác phẩm của hơn 200 tác giả. Đề tài của các tác phẩm dự thi rất rộng, từ tình yêu quê hương, đất nước, hình ảnh người lính, đề tài chiến tranh cách mạng, biên giới và đặc biệt là đề tài biển đảo luôn chiếm số lượng lớn và giành được sự quan tâm rất lớn của người dự thi và cả ban tổ chức.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết, các tác phẩm dự thi đã vang lên điều quan tâm nhất của người Việt Nam hôm nay: biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Số lượng viết về đề tài biển đảo chiếm một tỷ lệ cao trong thơ dự thi. Khi biển của chúng ta đang bị nhòm ngó thì thơ luôn là người lính xung kích trong đội quân văn học nghệ thuật. Trong bối cảnh này, bạn đọc sẽ tiếp nhận và đồng cảm với những vần thơ cảm động, sâu lắng như Cát vọng phu, Khúc ca ngư dân, Điểm tựa, Thư Phan Vinh của Nguyễn Quang Hưng, Hàng tết, Anh là biển, Nhớ anh, Hoa đồng hồ trên đảo Cô Lin của Bình Thanh, Lời Tổ quốc vọng giữa Trường Sa của Vũ Thế Bôn, Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc, Trước ngôi mộ trên đảo Nam Yết, Ngủ hộ anh được không của Viễn Hải, Nơi tôi sinh – Hoàng Sa của Nguyễn Trọng Văn, Đảo của Hoàng Vũ Thuật, Người vọng biển của Lê Văn Hiếu, Nhớ biển, Những khay rau của đảo Đá Nam của Lưu Thị Bạch Liễu, Lá thư viết bằng gió biển của Nguyễn Phan Quế Mai, Trong ống khói con tàu, Ở Trường Sa của Đông Triều, Nhìn từ phía Cô Lin của Nguyễn Đình Minh…

Trong số các tác phẩm dự thi, chùm bài Cát vọng phu, Thư Phan Vinh, Ý nghĩ lưng trời, Lời chào của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng được trao giải nhì. Anh chia sẻ rằng trong bốn bài thơ này, Thư Phan Vinh là bài thơ bài thơ quan trọng nhất, cảm hứng có sự dồn nén và mình gửi gắm nhiều điều nhất trong loạt bài mà tôi viết về đất nước, biển đảo trong suốt thời gian từ trước đến nay: “Tôi chỉ viết trong thời gian rất ngắn, chỉ 1-2 ngày, nhưng bài thơ đã có sự ám ảnh và ý tưởng đã đi theo tôi từ rất lâu. Hình ảnh Phan Vinh đã đi theo tôi rất nhiều năm, tôi ấn tượng với câu chuyện Phan Vinh từ khi đọc báo Nhi Đồng hồi còn rất nhỏ. Càng lớn tôi càng nghĩ nhiều về câu chuyện Phan Vinh và đặc biệt là khi trở thành một học sinh phổ thông, đọc những câu chuyện về con tàu không số, sau đó suy nghĩ này vẫn đi theo tôi cho đến thời điểm sau khi tôi đi Trường Sa về và có một chuyến đi giao lưu và tham quan bảo tàng Hải quân ở Hải Phòng. Ở đây tôi đã thấy có trưng bày một bức thư của liệt sĩ Phan Vinh gửi cho bạn. Tôi đã chụp ảnh bức thư và vẫn suy nghĩ mãi về câu chuyện này. Cho đến thời điểm gần cuối cuộc thi khi tạp chí đề nghị tiếp tục có tác phẩm mới để tham dự, tôi đã viết rất nhanh bài thơ này”. Anh cho biết, đã nghĩ rất nhiều về những con người đã dành sự hy sinh vô cùng đặc biệt cho đất nước trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, khi ở giữa sự sống và cái chết thì họ sẵn sàng chọn lựa cái chết để bảo đảm cho sự an toàn cũng như thành quả chung của tập thể, của đồng đội mình.

Nhà thơ nói: “Gương hy sinh của liệt sĩ Phan Vinh, trong đời sống hòa bình, hiện đại ngày nay, vẫn luôn là lý tưởng, hình ảnh đẹp, và không có gì sáo mòn, hình thức khi chúng ta tôn vinh, học tập để noi theo. Những tấm gương cho đến ngày hôm nay vẫn nhắc nhở chúng ta về ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là bảo vệ những giá trị tốt đẹp, nhân phẩm con người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh”.

Nhà thơ Quang Hưng tại lễ trao giải.

Nguyễn Quang Hưng cũng chia sẻ, chùm bài thơ về đề tài biển đảo anh tham dự cuộc thi này là kết quả gặt hái được từ chuyến đi công tác năm 2014. Anh nói: “Có được kết quả này, tôi phải thể hiện lời cảm ơn tới Bộ Tư lệnh Hải quân và cơ quan báo Nhân Dân nơi tôi làm việc, vì năm 2014, vào dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 tôi được tham dự một chuyến thực tế sáng tác phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tôi đã xin phép và được báo Nhân Dân hỗ trợ một cách rất thuận lợi và thiết thực trong chuyến đi công tác đó. Chuyến đi đã giúp tôi gặt hái khá nhiều thành quả cả về báo chí lẫn sáng tác, đặc biệt là trong bối cảnh chung của đất nước đang hướng về biển đảo, góp phần đem lại cho tôi cảm xúc thực tế, những cảm hứng và mối quan tâm nhiều hơn đến cảm hứng chung, mối quan tâm chung của đất nước, của những người cầm bút, và từ đó tôi cũng viết được một loạt những bài thơ về biển đảo, đặc biệt là trường ca “Nước non mặt biển” về đề tài biển đảo. Trong số đó có những tác phẩm tôi gửi dự thi và rất mừng là đã nhận được giải nhì của cuộc thi. Với tôi, các tác phẩm không phải cho cá nhân mình mà là tiếng nói về biển đảo, góp phần thêm vào tiếng nói chung về tình yêu biển đảo của những người viết và của mỗi công dân yêu đất nước mình”.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét: “Đề tài biển đảo là đề tài mà cả người tổ chức lẫn người tham gia đều rất quan tâm. Chúng tôi rất kỳ vọng là sẽ có những tác phẩm hay về đề tài biển đảo, và gần như đã đạt được. Có những tác phẩm ấn tượng, thí dụ như chùm thơ của Nguyễn Quang Hưng, có sự tươi mới của người trẻ, có cách tiếp cận rất mới mẻ, đặc biệt là có cảm xúc rất mạnh mẽ. Một loạt các tác giả khác cũng vậy, chỉ có điều là ban tổ chức vẫn kỳ vọng sẽ có những tác phẩm xuất sắc hơn nữa, có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn nữa. Nếu cuộc thi kéo dài thêm khoảng nửa năm hoặc một năm chẳng hạn, thì chắc chắn sẽ có những tác phẩm xuất sắc hơn nữa”.

Các tác giả đoạt giải cuộc thi bao gồm Nguyễn Minh Khiêm giải nhất với chùm bài Đối thoại ở rừng, Xin về nhận lại, Nhận hoa; Nguyễn Thị Thuỳ Linh (Khi anh yêu em, Lala bé bỏng, Mở cửa ngục, Những tiếng chuông điền dã), Nguyễn Quang Hưng (Cát vọng phu, Thư Phan Vinh, Ý nghĩ lưng trời, Lời chào) – hai tác giả đoạt giải nhì. Giải ba được trao cho Đông Triều, Trương Nam Chi và Miên Di. Giải khuyến khích thuộc về các tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung, Trần Huy Minh Phương, Hồ Minh Tâm và Hải Thanh.

KHÁNH NGUYÊN – Nhân dân

Exit mobile version