Sau nhiều năm gián đoạn, việc khởi động lại một giải thưởng văn học từng ghi dấu ấn sâu đậm với nhiều người cầm bút như cuộc thi ”Cây bút vàng” (vốn dĩ do Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an, nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND đứng ra tổ chức) đang thực sự trở thành một “cú hích” đối với nhiều cây bút trong và ngoài lực lượng Công an. Để tạo điều kiện cho các nhà văn có thể đầu tư thời gian, tâm huyết vào tác phẩm dự thi, Ban tổ chức cuộc thi ”Cây bút vàng” đã thành lập 2 trại sáng tác “Cây bút vàng” năm 2016…
“Cú hích” với nhiều người cầm bút
Hà Anh
Tiếp nối những thành công của cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp năm 2015, năm 2016, NXB Công an nhân dân phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký mang tên ”Cây bút vàng” lần thứ 3, giai đoạn 2015-2017. Các tác phẩm dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và chung khảo để tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi ”Cây bút vàng” sẽ diễn ra vào tháng 7-2017.
Các nhà văn tham dự trại sáng tác Cây bút Vàng lần thứ 3 tại Đồ Sơn, Hải Phòng (tháng 1-2016) chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức.
Sau nhiều năm gián đoạn, việc khởi động lại một giải thưởng văn học từng ghi dấu ấn sâu đậm với nhiều người cầm bút như cuộc thi ”Cây bút vàng” (vốn dĩ do Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an, nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND đứng ra tổ chức) đang thực sự trở thành một “cú hích” đối với nhiều cây bút trong và ngoài lực lượng Công an. Để tạo điều kiện cho các nhà văn có thể đầu tư thời gian, tâm huyết vào tác phẩm dự thi, Ban tổ chức cuộc thi ”Cây bút vàng” đã thành lập 2 trại sáng tác “Cây bút vàng” năm 2016.
Trại sáng tác đợt 1 đã diễn ra từ ngày mồng 5 đến 20-1-2016 tại Đồ Sơn – Hải Phòng với sự tham gia của trên 20 nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an. Cũng tại đây, từ ngày 30-3 đến ngày 14-4, trại sáng tác “Cây bút vàng” đợt 2 sẽ được tổ chức với 48 nhà văn đăng ký dự trại. Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc NXB Công an nhân dân cho biết, trại sáng tác lần này đã quy tu được những tên tuổi mang dấu ấn “màu cờ sắc áo Công an” như các nhà văn: Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Hữu Ước, Khổng Minh Dụ, Đặng Vương Hưng, Thu Trang, Phạm Văn Ba, Nguyễn Đăng An, Tôn Ái Nhân, Mai Vũ, Trần Hữu Tòng, Đinh Quang Tốn, Nguyễn Thụ, Bùi Anh Tấn…
Nhiều nhà văn có “duyên nợ” với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã tiếp tục bị cuốn hút bởi mảng đề tài này nên đã dành thời gian đến với trại viết với mong muốn tiếp tục có thêm những tác phẩm mới như các nhà văn: Lê Minh Khuê, Phạm Hoa, Vũ Duy Thông, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Đình Chính, Y Phương, Phạm Hồ Thu, Phạm Quang Đẩu, Hoàng Trần Cương, Lê Huy Quang, Phùng Nguyên…
Có thể nói, mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” vẫn luôn là đề tài có sức nóng, hấp dẫn đáng kể đối với người cầm bút trong và ngoài lực lượng Công an. Các nhà văn luôn tỏ ra hào hứng với đề tài này, song cũng không ngần ngại thừa nhận rằng để viết hay được là điều khó.
Hơn 100 tiểu thuyết tham dự cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký (2012-2015) đã khẳng định sự quan tâm của những nhà văn chuyên nghiệp và cả những nhà văn tuổi đời còn rất trẻ đối với mảnh đất màu mỡ này. Sau khi trại viết lần thứ nhất của cuộc thi ”Cây bút vàng” kết thúc, Ban tổ chức cuộc thi cho biết bước đầu đã nhận được bản thảo của 6 tiểu thuyết, đó là: “Núi mẹ” của Nguyễn Đức Nguyên, “Đại bàng xanh tung cánh” của Phan Thế Cải, “Ngôi mộ bí ẩn” của Đức Cường, “Kẻ nằm người ngồi” của Thế Hùng, “Oan khuất” của Hải Hà và đề cương tiểu thuyết “Ngày cuối của một tử tù” của Nguyễn Xuân Hải. Bên cạnh đó, thể loại truyện ngắn vẫn được nhiều nhà văn quan tâm, chú ý.
Nhà văn Ngôn Vĩnh vốn được biết đến với những bộ tiểu thuyết tư liệu dài hơi như “Fulro”, “Bên kia cổng trời” với cương vị là Thường trực Chi hội Nhà văn Công an, bên cạnh công việc sự vụ vẫn tiếp tục ấp ủ những ý tưởng cho tiểu thuyết đề tài phản gián, ông đã đánh dấu sự trở lại của mình với thể loại truyện ngắn. Ban tổ chức khá bất ngờ khi nhà văn Ngôn Vĩnh cùng lúc nộp 4 truyện ngắn: “Vợ xấu”, “Nghịch cảnh”, “Thanh thản” và “Quà quý tặng mẹ”.
Nhà văn Phùng Văn Khai cũng đã gửi tới cuộc thi 2 truyện ngắn là “Mầm chết” và “Chuyện nhỏ ở bên sông”. Đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Cây bút vàng” cũng cho biết thêm, một số bản thảo tiểu thuyết, truyện ngắn và ký của các nhà văn khác cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Với 48 tác giả tham gia trại viết ”Cây bút vàng” lần thứ 3, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ thu được nguồn bản thảo phong phú, chất lượng, góp phần vào thành công cũng như tiếp tục tạo được tiếng vang cho cuộc thi ”Cây bút vàng”. Cuộc thi và các trại viết ”Cây bút vàng” vừa là nguồn động viên, vừa là “cú hích” cho các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an sáng tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị, phản ánh hình tượng người chiến sĩ Công an và những chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Sau khi cuộc thi ”Cây bút vàng” kết thúc, Ban tổ chức sẽ chọn ra những tác phẩm có chất lượng tốt nhất làm nguồn bản thảo sách văn học cho công tác xuất bản sách phục vụ độc giả là cán bộ chiến sĩ công an và nhân dân cả nước.
Nhà báo Phùng Nguyên: Có nhiều vấn đề chỉ văn học mới giải quyết được
Nguyệt Hà (thực hiện)
– Thưa nhà báo Phùng Nguyên, anh bắt đầu quan tâm đến việc sáng tác văn học về đề tài hình sự từ khi nào? Có phải quá trình đi làm báo chuyên về mảng phóng sự với một “kho” tư liệu phong phú về đời sống đã dẫn dụ anh đến với mảng đề tài này?
+Thực ra tôi vốn là một người yêu văn chương và đã có những thử nghiệm với thể loại truyện ngắn. Tôi vẫn ấp ủ ý định viết tiểu thuyết song cũng cảm nhận rằng mình chưa có đủ vốn sống cũng như trải nghiệm, độ chín. Quá trình làm báo, đi tìm tòi để viết phóng sự đã cho tôi cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người, tích lũy được nhiều tư liệu, trong đó có một mảng đề tài quan trọng có liên quan đến đề tài an ninh trật tự. Quá trình tích lũy này lâu ngày tạo thành một nguồn năng lượng trong tôi nhưng dường như nó bị “ngủ quên”. Tôi chỉ cảm giác nguồn năng lượng ấy thực sự được “kích hoạt” khi tôi được mời tham gia cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Tham gia các trại viết do NXB Công an nhân dân là đơn vị thường trực của cuộc thi đã khiến tôi có thời gian “lắng” lại, tĩnh lại sau quãng thời gian dài làm báo khá bận rộn, bị cuốn vào vòng quay liên hồi của các số báo. Và tiểu thuyết “Thành phố không cầu vồng” của tôi đã ra đời trong thời gian tôi bứt mình ra khỏi cuộc sống thường nhật để tham gia các trại viết như thế.
– Đã có nhiều nhà báo khi đến với văn chương hay bị “báo chí hóa” các thông tin trong tác phẩm văn học của mình. Anh có gặp phải khó khăn này trong quá trình sáng tác tiểu thuyết “Thành phố không cầu vồng” không? Anh đã khắc phục “điểm yếu” này bằng cách nào?
+Thể loại phóng sự thực ra khá gần gũi với văn chương. Vì thế, trong quá trình tác nghiệp báo chí hay sáng tác văn chương, ranh giới này khá mong manh. Đã có nhiều người viết báo cứ như viết văn và viết văn lại như viết báo. Với tôi, với hơn chục năm chuyên đi viết phóng sự, sự không cảnh giác với chính mình cũng đã khiến tôi mắc phải sai lầm này. Khi viết những dòng đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết của mình, tôi cũng có cảm giác như mình đang viết báo. Vì thế tôi phải xác định lại tâm thế của mình và bắt đầu lại. Có điều may mắn cho tôi, đó là trước khi viết báo tôi đã viết văn rồi nên khi xác định lại được tâm thế, thì tôi đã khắc phục được điểm yếu này.
Thực ra cũng có lý do của nó là vì “Thành phố không cầu vồng” được tôi lấy cảm hứng từ một phóng sự “Tam giác quỷ ở thành Vinh” vốn đã gây cho tôi nhiều nỗi ám ảnh trong quá trình tác nghiệp. Tôi cảm thấy, phóng sự ấy dù đã được tôi thực hiện một cách công phu, kỹ lưỡng, tâm huyết nhưng vẫn chưa nói hết được những điều mà tôi thực sự muốn đề cập, không làm cho tôi thôi bị ám ảnh về cái chết tức tưởi của một cậu bé lang thang bị một đường dây ma túy lợi dụng. Sự trăn trở, băn khoăn, ám ảnh cũng như nỗi nhức nhối về một cuộc sống tiềm ẩn những mối đe dọa và những nỗi đau ấy của tôi chỉ thực sự được giải quyết khi “Thành phố không cầu vồng” ra đời.
– “Thành phố không cầu vồng” đã đoạt giải trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Tham dự trại viết ”Cây bút vàng” lần này, anh đã có kế hoạch nào cho tiểu thuyết tiếp theo chưa? Anh có dự định sẽ đi đường trường với thể loại tiểu thuyết về đề tài hình sự hay không?
+ Gần đây tôi bỗng nhận ra hình như mình là người có duyên với đề tài hình sự. Ở tập truyện ngắn trước đây của tôi, tôi hoàn toàn không có ý định sẽ theo đuổi mảng đề tài này, song do cái “tạng” của mình mà những câu chuyện của tôi thường liên quan đến những thân phận éo le, những thân phận con người mong manh, yếu đuối cần đến bàn tay che chở của những người thực thi công lý. Vì thế mà nó vô tình trở thành những truyện ngắn có liên quan đến đề tài an ninh trật tự.
Sau này, khi có ý thức rõ ràng hơn trong việc lựa chọn đề tài, tôi nhận ra rằng với kinh nghiệm, vốn sống, sự lăn lộn, từng trải của mình, việc tôi sáng tác văn học về đề tài hình sự sẽ hàm chứa những thuận lợi nhất định: nó vừa là chất liệu lại vừa là những gợi ý cho tôi có thể sáng tác. Đặc biệt, có những điều mình không thể phản ánh trong một tác phẩm báo chí thì lại có thể đưa vào một tác phẩm văn học. Vì thế, về lâu dài tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống và các trải nghiệm văn chương để có thể tiếp tục với tiểu thuyết.
Văn học về đề tài hình sự vẫn luôn có sức sống, sức hấp dẫn đặc biệt của nó, không chỉ với Việt Nam đâu mà trên khắp thế giới đều như vậy, vì thế tôi sẽ tiếp tục thử sức mình với mảng thế tài này. Tuy vậy, tôi vẫn ý thức rằng, nó vẫn là một mảng đề tài đầy thử thách đối với bất kỳ người cầm bút nào
– Xin cảm ơn nhà báo Phùng Nguyên!
Trung tướng – nhà văn Hữu Ước: Hãy để độc giả chấm giải cho tác phẩm
Như Bình (thực hiện)
– Thưa Trung tướng nhà văn Hữu Ước, ông có thể chia sẻ một chút về tính chất, quy mô, ý nghĩa của cuộc thi ”Cây bút vàng” lần thứ 3 này? Có gì đặc biệt hơn so với hai cuộc thi đã được tổ chức trước đây?
+ Có lẽ rất lâu rồi chúng tôi mới tổ chức lại được giải ”Cây bút vàng”, mặc dù đây là cuộc thi rất ấn tượng, mới lạ trong nền văn học của lực lượng Công an. Lý do là vì chúng tôi một lúc ra quá nhiều ấn phẩm, cộng với truyền hình, nên khá bận, bây giờ mới có điều kiện tổ chức lại. Cuộc thi lần này khác hơn ở chỗ trước đây chỉ ký, truyện ngắn, còn đợt này quy mô lớn hơn, có chiều sâu và có tầm hơn với 3 thể loại: ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đây là một cái mới. Lãnh đạo Bộ và Tổng cục Chính trị rất quan tâm tới cuộc thi. Có thể nói giải ”Cây bút vàng” đã là một thương hiệu trên văn đàn, thế nên khi chúng tôi phát động cuộc thi, lực lượng làm văn học nghệ thuật trong cả nước rất quan tâm. Đặc biệt sau khi hệ thống văn học của ngành Công an qua các ấn phẩm báo chí của Công an như An ninh thế giới, Văn nghệ Công an phát triển mạnh thì tầm ảnh hưởng của cuộc thi lần này lại càng lớn. Hiện nay, chúng tôi đã huy động được các nhà văn trẻ, nổi tiếng, sung sức về bút lực ở bên ngoài, đi vào đề tài Vì An ninh Tổ quốc và Vì bình yên cuộc sống.
– Thưa nhà văn Hữu Ước, ông có thể cho biết tương quan lực lượng giữa các cây bút trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân ở trại viết lần này? Nếu đem so sánh thì theo ông, bút lực để viết về hình tượng người chiến sĩ Công an của các nhà văn khoác áo lính sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội, nhiều thế mạnh hơn các cây bút ngoài lực lượng chăng? Hay ngược lại?
+ Cho đến thời điểm này, tức là sau 70 năm thành lập lực lượng Công an thì đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống có một sức sống cực kỳ mãnh liệt trong trường sáng tạo của các nhà văn trong và cả ngoài lực lượng. Về những cây bút ngoài ngành thì tôi thấy có 3 thế hệ, 1 thế hệ già như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Sáng. Thế hệ trung tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà cũng rất là “say” đề tài này. Đặc biệt là thế hệ trẻ như các nhà văn: Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thị Minh Huệ… cũng rất say mê đề tài này và đã có những thành công đáng kể. Còn lực lượng nhà văn trong ngành Công an hiện nay cũng rất sung sức khi có tới 41 nhà văn, đứng thứ 4 sau Chi hội Nhà văn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chi hội Nhà văn Quân đội. Cả hai lực lượng này rất là khả dĩ, giống như 1 cuộc đua quyết liệt giữa nhà văn bên ngoài và trong lực lượng Công an và tôi tin họ mạnh chẳng kém gì nhau.
– Thưa nhà văn Hữu Ước. Viết về hình tượng người chiến sĩ Công an rất khó để hay, khó để có những tác phẩm kiệt xuất, có thể trở thành những huyền thoại trong lịch sử văn học. Liệu có thể kỳ vọng ở trại viết lần này cũng như ở cuộc thi ”Cây bút vàng” lần thứ 3, sẽ có những tác giả và tác phẩm xuất sắc gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học hiện nay chăng?
+ Tôi không nghĩ là khó, chẳng qua các nhà văn chưa tìm đến cái gốc, chưa tìm được nhân vật hay, chưa tìm thấy đề tài tâm đắc. Trên thế giới, những tác phẩm văn học xuất sắc như: “Những người khốn khổ”, “Tội ác và trừng phạt” cũng đều viết về đề tài này. Nói về tội ác, nói về cái tốt cái xấu trong con người, trong xã hội là đề tài muôn thuở. Có chăng các nhà văn chưa tìm được một cốt truyện hay, có tầm, và có nhân vật thật điển hình để khai thác. Nhà văn chúng ta chưa chạm được tới đích của đề tài để thỏa sức khai thác mà thôi.
Về trại viết lần này, tôi thấy các nhà văn tên tuổi như Chu Lai, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Dương Duy Ngữ đang đi vào hướng viết truyện ngắn, và viết người thật việc thật. Trần Anh Thái, Bảo Ninh cũng thế. Chưa có đề cương tiểu thuyết nào viết về lĩnh vực này. Cái gốc là nhà văn chúng ta chưa hiểu lực lượng Công an một cách thấu đáo, có diện rộng và có tầm, bởi vì nhân vật như thủ trưởng một cơ quan điều tra thì các ông nhà văn cũng chưa biết họ điều tra các vụ án lớn như thế nào, biện pháp nghiệp vụ ra sao. Các nhà văn trong lực lượng Công an, những anh em trẻ hầu như không bám lực lượng Công an, một nửa các nhà văn Công an thì hiện đều là từ bên ngoài vào nên va đập với đời sống Công an cũng chưa chạm tới.
Cho nên không phải ngẫu nhiên, một người vừa mới viết như cậu Đào Trung Hiếu, đã có tác phẩm “Bão ngầm” được giải nhất cuộc thi tiểu thuyết về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và vì bình yên cuộc sống của Nhà xuất bản Công an nhân dân vừa rồi. Mặc dù không phải là người viết chuyên nghiệp, bây giờ cậu ấy mới bắt đầu làm báo nhưng gốc lại là Công an điều tra. Đọc tác phẩm của Hiếu thấy chạm được tới đề tài này, đã có số phận nhân vật, mặc dù chưa tới lắm. Tất nhiên tầm của tác phẩm vẫn còn thấp, nó chưa phải là tác phẩm gây tiếng vang. Thế nhưng các nhà văn lớn tuổi của lực lượng Công an thì tương đối hiểu Công an, nhưng bút pháp giờ đã cũ, cách viết thì lấy cái cũ để viết lại, trong khi hình tượng người chiến sĩ Công an hiện nay rất hiện đại, tốc độ, rất gấp gáp, quyết liệt, vạm vỡ. Viết theo lối cũ cũng không thể thành công được. Tôi cũng chỉ dám hy vọng trại có những tác phẩm tốt. Tất nhiên viết tiểu thuyết cần phải có thời gian, một trại viết không thể giải quyết được vấn đề lớn như tiểu thuyết.
– Thưa ông! Được biết, ông đang có bộ tiểu thuyết dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc đầu tháng 4 này, và khả năng sẽ tạo nên tiếng vang trong dư luận bởi lần đầu tiên, văn học đương đại có một bộ tiểu thuyết viết về hình tượng người chiến sĩ Công an khá cặn kẽ trong một chiều dài lịch sử điển hình. Ông có thể chia sẻ ngắn gọn một chút về cuốn tiểu thuyết này?
+ Đây là bộ tiểu thuyết không phải bây giờ tôi mới viết, mà tôi viết trong đầu phải vài chục năm nay rồi, ít nhất thì cũng là khoảng 30 năm nay tôi đã có ý thức để viết bộ tiểu thuyết này. Nó gồm 3 tập, dày 1.500 trang, không chỉ viết về đề tài an ninh, về hình tượng người chiến sĩ Công an, mà tôi viết mọi vấn đề xã hội trong chiều dài lịch sử của đất nước, của dân tộc. Qua tác phẩm này, gửi gắm lớn nhất của tôi là ngay ở trong lực lượng Công an, để hoàn thành nhiệm vụ, làm tốt sứ mệnh cũng đầy vất vả, đầy gian khổ, đầy máu và nước mắt. Đây là bức tranh toàn diện và có tầng lớp. Đây cũng là tác phẩm tôi gửi gắm tâm huyết nhất trong cuộc đời cầm bút của mình và tôi rất hy vọng bạn đọc đón nhận. Thông điệp của cuốn sách rất rõ ràng: Đã là con người phải chấp nhận gian khổ, chấp nhận vất vả, chấp nhận hy sinh, thậm chí cả sai lầm. Nhưng đích cao nhất là vươn tới sự trong sáng và con người thực sự phải có ý chí và nghị lực thì mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
– Thưa ông, với vai trò là Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, là Trưởng ban tổ chức cuộc thi ”Cây bút vàng” lần thứ 3, ông có định đưa tác phẩm của mình dự thi không?
+ Mấy chục năm nay tôi không dự thi. Một là cương vị của tôi, 2 nữa tôi hiện là Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, lại là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi này, tôi nhường sân chơi cho các bạn trẻ. Đối với tôi tác phẩm quan trọng nhất là bạn đọc, sự ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội.
Theo PV – Văn nghệ công an