Đi lênh đênh trên biển hàng chục ngày, đặt chân lên những hòn đảo và nhà giàn ở quần đảo Trường Sa, chứng kiến rất nhiều những sự việc, những câu chuyện, thấy rõ cảnh sống và chiến đấu của những người lính hải quân, chúng tôi không còn mơ hồ về sự hữu hảo của đội quân bành trướng phía Trung Quốc nữa.
Rõ ràng ta đã mất rất nhiều đất vùng biên giới phía Bắc, mất Hoàng Sa khi ta ngỡ bạn giúp ta, mất Gạc Ma và một số hòn đảo khác ở Trường Sa khi ta tin và tuân thủ Công ước Luật Biển 1982. Ta bị cắt cáp, bị gây sự… Rất nhiều lần tàu của ngư dân bị chặn, bị đâm thủng; kiểm ngư bị thương, bị đe dọa, khiêu khích…
Nhưng ta vẫn tin rất nhiều vào một đất nước đã có Khổng Tử, có Kinh Thi, có một đội ngũ hùng hậu những danh nhân văn hóa.
Những ngày này, tôi tin chắc những học giả Trung Quốc tha thiết yêu hòa bình, thường xuyên vun đắp tình hữu nghị Việt – Trung rất ngỡ ngàng, đau lòng, xấu hổ vì những hành vi côn đồ của đội quân bành trướng mang tên Trung Quốc. Nếu họ không đau lòng, có lẽ chỉ vì họ đã bị chính quyền nước họ bịt mắt, tung tin sai lệch. Những hình ảnh thế giới đang xuống đường đồng hành cùng Việt Nam phản đối sự xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc, không hiểu có gây nên cơn sóng phẫn nộ xấu hổ, thức tỉnh lương tâm trong lòng những người dân Trung Quốc?
Giữa cuộc hành trình đi quần đảo Trường Sa, thông qua trang mạng facebook cá nhân, tôi đã được bạn bè gửi tin cho biết phía Trung Quốc đang ngang nhiên đặt giàn khoan HD 981 ở Thềm lục địa và Vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam. Lúc đó tôi cứ hy vọng đó chỉ là những thông tin chưa chính xác.
Trên đường đi, tàu HQ 996 chở đoàn công tác có lần gặp tàu lạ. Phát tín hiệu tránh nhau, nhưng con tàu đó dường như không nghe tín hiệu. Tàu ta hỏi qua bộ đàm mấy thứ tiếng, mãi sau mới có câu trả lời bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu của người Tàu. Tàu không treo cờ, và bịt kín sườn, chỉ đoán họ chở dầu lậu. Có thể thấy khoảng đường biển không phận quốc tế gần Việt Nam có những chỗ ta không thể ngăn chặn việc xâm nhập của tàu lạ. Chính vì vậy, phía Trung Quốc đã lợi dụng những khoảng không phận này, ập vào Hoàng Sa, và dựng giàn khoan một cách nhanh chóng, ngang nhiên.
Nếu các nước trong khu vực cũng hành xử bất chấp như vậy, thế giới này sẽ trở thành chốn nồi da xáo thịt.
Hãy bằng mọi cách, kêu gọi cộng đồng thế giới lên tiếng.
Công ước nào cũng dành cho những đất nước, những dân tộc, những con người có lương tri. Không nên quá kỳ vọng vào lương tri của kẻ ôm giấc mộng bành trướng.
Dù ta đã nhẫn, hãy nhẫn thêm gấp trăm ngàn lần trong sự thông minh và tỉnh táo.
Dù không muốn chiến tranh xảy ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta hãy chuẩn bị tất cả mọi việc, kể cả việc không mong muốn nhất từ bao đời nay.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà