Giống như bao người Việt thời những năm 1990, phải đi làm, lấy chồng hoặc vợ, tậu đất xây nhà, đẻ con nuôi con ăn học, tiếp tục kiếm tiền để dành phòng thân khi về già, xây nhà thờ ở quê, hoặc khi chết đi có tài sản để lại cho con cháu… Vậy nên không dám mở mắt nhìn thế giới ra sao, sáng ra tôi chăm chỉ guồng cái xe đạp mini tàu đỏ, chỉ nhìn con đường từ nhà ở phố Thọ Lão, tới cơ quan báo ở phố Hồ Xuân Hương (Hà Nội), rồi chăm chăm nhìn vào bản kế hoạch công việc trong ngày, trong tuần là đến giờ nhắm mắt lên giường. Ngay cả công việc mơ ước của tôi là sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, tôi cũng đã muốn để dành tới qua tuổi bốn mươi mới viết, vì mình còn trẻ, rất nên dành thời gian này để kiếm tiền tích lũy đã, viết văn đâu có đủ sống.
Tuy nhiên, vòng xoáy kiếm sống điên đảo ấy cuốn tôi đi, khiến tôi lạc lối, tôi quên mất cả chính mình, trở thành một người khác, có một ước mơ khác. Tôi từng có thành công về công việc, tài chính, rồi mất mát, rồi đổ vỡ… Hầu như tôi có nhiều thứ trong tay, chỉ có điều tôi không có chính mình.
Ở tuổi ba mươi tư, nhờ một cú sốc tình cảm, mà tôi nhận ra là tôi đang chịu đựng cuộc sống, đang gồng mình lên gánh cuộc sống trên vai mà đi mải miết, không kịp nhìn ngắm chính mình. Khi tôi dám quyết định chấm dứt lối sống ấy, tôi đã nói với một người thuộc bậc cha chú, khi người ấy cứ cố gắng nài nỉ tôi đừng thay đổi, rằng tôi giống như một con ngựa cái, bụng mang dạ chửa mà lại kéo một cái xe chở nặng những bao gạo lên dốc, càng lên cao, tôi càng đuối sức. Tôi cần phải giải cứu chính mình, hất cái xe nặng nề kia đi, tìm một cái ổ có cỏ khô êm ái và đẻ một con ngựa con.
Nói như vậy, tôi cũng chẳng cầu người ta sẽ hiểu tôi, mà cái chính là, tôi đã quyết định tìm lại chính mình. Sống cho đúng là mình, không chờ đợi tới tuổi bốn mươi, không để dành mơ ước nữa. Tôi tự nhủ, hãy sống từng ngày như là không có ngày mai.
Tôi biết, bi kịch này không của riêng tôi, mà của chung những người Việt thuộc thế hệ tôi và trước tôi nữa. Chúng ta chịu đựng cuộc sống, chứ không tận hưởng nó. Chúng ta hoàn toàn không biết cách tận hưởng nó, dù chúng ta biết là mình chỉ sống một lần trong đời. Nguyên nhân thì xưa như trái đất, chúng ta lo miếng ăn hôm nay, ngày mai, ngày kia nữa, quẩn quanh như vậy.
Khi tôi sang châu Âu, gặp một số người Việt, trong đó có Thu Thảo, một phụ nữ Việt ở tuổi U40, đã tám năm nay sinh sống và làm việc tại cộng hòa Czech, trong một nhà hàng Trung Quốc. Thu Thảo làm việc rất chăm chỉ, cô đi lại thoăn thoắt trong nhà hàng, nói tiếng Czech rất trôi trảy với khách dù cô chỉ tự học mà không mất một xu đến trường. Cô nói, cô đã lấy chồng, sinh con tại Czech và quyết định sống cả đời ở đây. Nhưng có một điều cô chưa thể sống như người Czech, dù rất muốn, đó là người ta sống rất thanh thản, họ làm việc kiếm tiền và sau đó có thể tiêu hết số tiền đó cho vui chơi, giải trí. Họ tận hưởng cuộc sống thực sự và sống thư nhàn. Họ không luôn lo lắng tất bật như người Việt. Thậm chí những người Việt như Thu Thảo bên này, có đi chơi cũng khó vui được toàn vẹn, vì kể cả khi du lịch, đầu óc vẫn vướng bận lo nghĩ chuyện làm ăn, chuyện nọ xọ chuyện kia nên nét mặt đăm chiêu. Tôi chất vấn Thu Thảo rằng cô đã được sống trong một môi trường văn minh, có việc làm ổn định, có bảo hiểm mọi mặt, thì cô còn lo điều gì? Thu Thảo đáp, nếu thân em thì em lo gì đâu, nhưng em còn người nhà sống ở Việt Nam, cuộc sống của họ còn chật vật, em cần kiếm thêm, làm thêm để có chút tiền gửi về giúp đỡ gia đình.
Nghe Thảo nói vậy, tôi nhớ đến câu chuyện của Thu, một phụ nữ Việt lấy chồng Bỉ. Chồng cô là một doanh nhân, kinh doanh thực phẩm, kiếm tiền khá hơn, thế nhưng Thu cũng không thoát khỏi lo lắng, khi hai năm một lần cô về Việt Nam, là trong cô lại canh cánh nỗi lo, phải biếu người này bao nhiêu, người kia chừng nào. Hầu như cả họ trông mong cô về, mà họ hàng thì đông, biếu mỗi người 50 Euro tới 100 Euro cũng tốn của cô tới cả chục ngàn, số tiền cô tằn tiện tích cóp cả năm. Người trong họ cứ nghĩ đi Tây như cô, lấy chồng Tây là giàu, nên không biếu không xong. Mệt lắm. Vì thế, lẽ ra có việc cô thuê Tây làm, nhưng cô lại ôm đồm tự làm, dù nhọc gãy lưng, cốt để tiết kiệm tiền mà về thăm quê. Thế là cô lại è vai gánh vác cả họ.
Còn người dân ở Czech, cuộc sống thật đơn giản bởi, không quan niệm nặng nề như ở Việt Nam, rằng cứ phải học đại học rồi mới tính đến việc làm. Dân ở đây, khi hết cấp trung học phổ thông, tròn 18 tuổi, anh có thể đi làm. Với những công việc đơn giản như phục vụ trong nhà hàng, dọn vệ sinh công cộng, chăm sóc cảnh quan, thì chỉ cần được hướng dẫn vài ngày là anh có thể làm việc tốt và kiếm đủ tiền nuôi thân. Qua 18 tuổi, bố mẹ không nhất thiết phải đầu tư tiền cho anh học đại học. Nếu anh muốn học, anh có thể vay tiền ngân hàng để đi học ngành anh yêu thích, sau này khi ra trường, anh kiếm việc làm và trả món nợ đó dần dần. Hoặc có cách phổ biến là đến 18 tuổi, anh đi làm kiếm tiền rồi vừa làm vừa học nghề mà anh thấy yêu thích. Như vậy, anh rèn được tính tự lập, phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình, biết chắc về sở trường, sở thích của mình để chọn nghề và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi anh làm đúng nghề anh yêu, anh mới có thể đam mê nó và làm nó thành công được. Anh mới tận hưởng được sự sung sướng khi sáng tạo, khi đạt được thành tựu trong việc làm mỗi ngày. Anh sẽ không bao giờ phải chịu đựng công việc chỉ vì cần có nó để có lương tháng, có miếng ăn hàng ngày.
Như vậy, vấn đề tiên quyết của người châu Âu là làm việc mình yêu thích toàn thời gian, làm với niềm say mê thích thú từng phút một, và làm với chất lượng cao, với sự sáng tạo của khối óc, do đó họ luôn khiến cho công việc phát triển tốt hơn. Làm hết mình, khi chơi cũng chơi hết mình, không phải lo lắng vì công việc với bao trách nhiệm chưa hoàn thành. Sau năm ngày làm việc, cuối tuần họ nghỉ ngơi, đi dã ngoại, thả diều, cắm trại, câu cá, du lịch khám phá, chơi trượt tuyết, leo núi, và nhiều trò chơi mạo hiểm, thú vị khác… Những thú vui đó giải phóng năng lượng, thoải mái đầu óc, khiến họ sáng tạo tốt hơn khi trở lại làm việc vào tuần mới.
Còn người Việt thì căng thẳng hơn với nhiều lo toan cho mình và cho người khác. Ta đang làm việc này rồi nhưng lại nghĩ ra việc khác làm thêm để kiếm thêm. Nhất định ta phải có của cải tích lũy. Đơn cử như vấn đề y tế chẳng hạn. Mẹ tôi là một bà giáo đã về hưu, bà có bảo hiểm y tế hẳn hoi, nhưng mỗi khi đi khám bệnh, bà lại ngoan ngoãn đứng vào “khu vực khám tự nguyện” nghĩa là khu vực phải trả tiền túi của bà một trăm phần trăm. Tại sao mẹ tôi có bảo hiểm y tế mà không dám dùng? Vì bà sợ khi bà khám và chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm, sẽ không được y bác sĩ khám chữa tận tình. Với một thực trạng đơn cử đó, nếu bà không có tiền tiết kiệm để dành, thì bà làm sao được phục vụ tử tế khi bị bệnh? Như vậy, không lo lắng không xong. Hoặc khi ta đã phải chi rất nhiều tiền cho con cái học hành, từ đại học tới cử nhân rồi tiến sĩ, những mong sau này ta về già con sẽ chăm ta. Nhưng ta cũng vẫn lo tích lũy thêm nữa, nhỡ rủi con ta ích kỉ, không chịu chăm ta thì ta còn có tiền mà thuê ô sin chăm sóc khi ta yếu đến mức không lê nổi chân. Thật quá thể nhiều nỗi lo khiến ta phải mang vác cuộc sống nặng nề mà không thể tận hưởng nó như người châu Âu thảnh thơi kia được.
Người châu Âu, khi đủ 18 tuổi, dù còn đi học hay đã bắt đầu đi làm nuôi thân, thì có quyền sống riêng, không nhất thiết phải sống cùng bố mẹ. Họ có quyền tự do sống theo cách của mình, có quyền tìm việc làm như mình muốn, phù hợp với khả năng của mình, không phải chịu sức ép của cha mẹ. Còn cha mẹ Việt thì không thế, ngoài việc lo tìm trường cho con học, sẽ lo luôn cả việc làm cho con sau khi ra trường, lo tìm vợ, chồng mà trong con mắt mình là phù hợp với con, lo nhà cửa cho con ở… Ta cứ sợ để con tự quyết nó sẽ sai lầm, nó sẽ bị lừa gạt. Nhưng như thế là ta đang vi phạm nhân quyền mà không hề biết. Và vô hình chung, ta cứ tự mình trói mình vào chữ LO cả đời mà không hay.
Đến bao giờ người Việt nói chung có thể thoát khỏi sự vô minh đó mà tận hưởng cuộc sống, tận hưởng việc mình làm? Theo tôi thì còn lâu lâu lắm, ít nhất nửa thế kỉ nữa. Ngay lúc này, mỗi khi bạn bè, người quen biết thấy tôi dài chân đi các nơi, đều tỏ ra ghen tị rằng sao tôi sướng hơn họ, được đi nhiều hơn họ. Tôi hỏi rằng nếu họ thấy đi khám phá, du hí đây đó là sướng, sao họ không lên đường như tôi? Thì câu trả lời chung của mọi người là không có điều kiện, đang phải làm việc, cơ quan không cho đi, còn nợ tiền mua nhà, mua đất, mua biệt thự, ô tô, còn lo tiền cho con học hành, lo tiền chữa bệnh cho mẹ già, v…v… Vâng, tôi thừa hiểu những nỗi lo đó. Những nỗi lo tự trói buộc mình. Tôi cũng đã từng như thế, và rồi thoát được. Giờ đây tôi không đứng tên sở hữu một mảnh đất nào, tôi không đứng tên sở hữu một cái xe hơi nào. Tôi chỉ đứng tên dưới những tác phẩm của mình. Và tôi tự do. Tôi làm việc mình thích là viết và viết và đi rồi viết, khám phá, nghiên cứu những vấn đề mới mẻ của cuộc sống. Tôi có thể ở bất cứ nơi đâu, đến bất cứ nơi nào mà tôi muốn và tự xoay xở được. Tôi yêu cuộc sống như thế hơn là việc phấn đấu phải lên vị trí cao nào đó, đứng tên một biệt thự riêng, hay có một xe hơi đẹp, có con học trường Tây cho bằng bạn bằng bè.
Kiều Bích Hậu (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)