Yêu thích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, vào cuối thế kỷ XIX, một sĩ quan Pháp đã thực hiện tranh hóa toàn bộ truyện thơ này. Sau hơn 100 năm “ngủ yên”, bản thảo đã được số hóa, xuất bản đến công chúng.

Số phận đặc biệt

Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khoảng năm 1851 – 1859. Văn bản truyện tồn tại, lưu truyền dưới dạng văn học dân gian, sau đó phổ biến rộng rãi bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Bộ sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện do NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành, gồm 2 tập, với 3 ngôn ngữ Việt – Pháp – Anh. Tập 1 in toàn bộ hình ảnh minh họa từ bản thảo truyện thơ Lục Vân Tiên, tập 2 nói về quá trình thực hiện, nghiên cứu kèm theo bài bình, lời chú giải các câu thơ, điển tích, điển cố trong bản thảo truyện Lục Vân Tiên.

Câu chuyện mở ra từ hơn 5 năm trước, khi GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thăm thư viện Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp. Trong rất nhiều tư liệu cổ về Việt Nam và Đông Dương, ông đặc biệt chú ý đến một tác phẩm dày, được bọc bởi lớp giấy cổ đơn sơ. “Đó là ngày 30.9.2011, tôi được giới thiệu các công trình về Việt Nam và Đông Dương. Có một tác phẩm đập vào mắt tôi ngay lập tức, dạng bản thảo rất dày ở ngoài ghi rõ Truyện Lục Vân Tiên, do Eugène Gibert tổ chức biên tập vào thế kỷ XIX. Dự cảm đây có thể là một di sản vô cùng quý giá nên tôi đã trao đổi với các học giả thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ cùng nghiên cứu”, GS. Phan Huy Lê chia sẻ trong buổi công bố hai tập tranh màu Lục Vân Tiên cổ tích truyện tại Hà Nội tháng 5 vừa qua.

Theo nghiên cứu, bản thảo truyện Lục Vân Tiên này được hoàn thành năm 1895. Khi đó, Eugène Gibert đang là sĩ quan hải quân Pháp ở Đông Dương có tình yêu mến với văn hóa Việt Nam, đặc biệt thích tìm hiểu tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cảm hứng từ bản tiếng Pháp do Anbel des Miches dịch năm 1883, ông đã tập hợp một nhóm trí thức, nghệ nhân tranh, đứng đầu là họa sĩ cung đình Lê Đức Trạch thực hiện minh họa. Sau đó, bản thảo được tặng lại cho thư viện của Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn năm 1899 rồi nằm im lìm trong kho lưu trữ 117 năm đến khi được GS. Phan Huy Lê phát hiện.

Không chỉ quý giá bởi đã góp vào kho truyện Lục Vân Tiên một di bản có niên đại rõ ràng, bản thảo do Eugène Gibert biên tập còn là biểu trưng của một cuộc kết duyên nghệ thuật giữa Việt Nam và Pháp thế kỷ XIX. Như lời PGS. Pascal Bourdeaux, Viện Viễn Đông Bác cổ: “Tác giả là nhà thơ nổi tiếng của miền Nam, dịch giả là một người yêu văn chương, lên ý tưởng thực hiện là một sĩ quan vô cùng thích văn hóa Việt Nam, vẽ minh họa là một nghệ nhân tranh cung đình nhà Nguyễn. Sự kết hợp ấy đã tạo ra tác phẩm độc nhất vô nhị ở nửa sau thế kỷ XIX”.


Bản thảo truyện Lục Vân Tiên có tranh minh họa

Giá trị nghệ thuật cao

Tất cả sách văn học cổ điển đến cuối thế kỷ XIX đều chưa có minh họa, hoặc nếu có cũng chỉ là một vài hình vẽ mang tính chất tượng trưng. Đây là bản thảo văn Nôm đầu tiên được minh họa từ đầu đến cuối. Sự kết hợp giữa thơ ca và hội họa dưới đôi tay khéo léo, kỳ công của nghệ nhân đã tạo nên giá trị độc đáo cho tác phẩm. Hơn 2.000 câu thơ chữ Nôm chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn có lời thơ tương thích với nhau kèm theo hình ảnh minh họa nội dung đó. Trung bình mỗi tranh lớn có khoảng 4 câu thơ nằm chính giữa, bao quanh là các tranh nhỏ. Phía trên và dưới thường vẽ theo lối toàn cảnh nhằm tạo điểm nhấn, hai bên là tranh phác họa chân dung, mô tả chi tiết tính cách, hành động, tâm trạng nhân vật, đan xen họa tiết sông nước, cây cỏ… Thống kê bản thảo truyện Lục Vân Tiên gồm 139 tranh lớn, 1.200 hình màu và 633 họa tiết. Mỗi tranh gồm 3 lớp giấy, phía phải và trái dùng giấy canson ghi lời chú giải và phần vẽ minh họa, ở giữa là giấy pelure để bảo vệ hình vẽ khỏi nhòe.

Dù “phủ bụi” suốt hơn một thế kỷ nhưng các bức tranh vẫn giữ nguyên hình ảnh tươi tắn, rõ ràng. Màu sắc sinh động và hài hòa, đường nét phóng khoáng mà tinh tế, tạo cảm giác về sự pha trộn giữa phong cách của tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Huế) và cả hội họa cung đình. Nhưng cách làm lại dựa trên kỹ thuật mới lạ hơn so với dòng tranh khắc dân gian thời đó, họa sĩ không in khắc mà chỉ vẽ nét rồi tô màu. GS. Phan Huy Lê nhận định: “Tôi cho đây là tác phẩm có giá trị đặc biệt về nghệ thuật, xứng đáng giữ vị trí hàng đầu trong nghệ thuật minh họa tác phẩm văn học Việt Nam”.

Trong lời đề dẫn của Eugnène Gibert có ghi, ông để nghệ nhân Lê Đức Trạch tự do thể hiện hình vẽ giúp bảo đảm các hình ảnh mang đậm tính chất dân gian, phản ánh đời sống xã hội một cách chân thực. Qua đó, người xem có thể hình dung toàn diện về đời sống, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ khi đó, từ không gian sống, dụng cụ sinh hoạt, cách ăn mặc, đi đứng, lễ nghi… PGS. Pascal Bourdeaux cho rằng, các bức tranh minh họa đậm chất Việt Nam, hội tụ những tinh túy trong từng nét vẽ về người, về đất, văn hóa, tập tục đặc trưng của Việt Nam đã khiến Lục Vân Tiên cổ tích truyện vô cùng gần gũi. “Với giá trị to lớn về mặt nội dung và nghệ thuật, tác phẩm cung cấp nhiều chú giải khoa học cho các học giả tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật, hội họa đương đại cũng như nghiên cứu truyện Lục Vân Tiên. Việc xuất bản tác phẩm ra nhiều thứ tiếng chính là giúp phát huy giá trị phi vật thể trong kho tàng văn hóa Việt Nam”.

Theo Lê Thư – Đại biểu Nhân dân

Exit mobile version