Tonvinhvanhoadoc.vn: Cuộc đời người lính không quân không chỉ là chuỗingày ngao du trên bầu trời, mà còn là công việc đầy trắc trở, rủi ro và cả những nguy hiểm liên quan đến tính mạng. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, phi công chiến đấu là công việc chỉ dành cho những người ưu tú nhất, can đảm nhất, chịu đựngđược môi trường khắc nghiệt nhất. Câu chuyện về các anh luôn trở thành bản hùng ca trong trái tim nhân dân.

Khi cả nước đang ngóng chờ tin lành từ biển cả, ngóng chờ 9 sĩ quan phi công và cán bộ trên chiếc máy bay CASA 212 trở về, Tôn vinh văn hóa đọc xin giới thiệu chùm bài viết về những người lính không quân của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, để quý vị có thể hình dung được phần nào công việc của các phi công quân đội

NHÀ VĂN VÕ THỊ XUÂN HÀ

Nắng Vũng Tàu vàng rực. Xe của đơn vị trực thăng Vũng Tàu thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đưa tôi đến trước một ngôi nhà. Đây là con đường mang tên Nguyễn Hới, một đường phố nhỏ hình thành sau giải phóng, dành cho gia đình các cán bộ sĩ quan của không quân. Có thể cũng có những thay đổi về chủ nhân, nhưng đa số là những con người trực tiếp và gắn bó với những đường bay. Cuộc đời của họ nối dài theo từng chuyến bay.

Một ngôi nhà giản dị nằm lọt giữa những tòa biệt thự khang trang. Đón chúng tôi là nụ cười của một người lính. Hình như chỉ có cây cảnh và nắng gió làm nền cho nụ cười rất hiền hậu của ông.

Đại tá phi công Nghiêm Xuân Tích, người có rất nhiều chiến công trong suốt hơn bốn mươi năm trong quân ngũ, giờ về hưu và gắn bó ở nơi đây, trên vùng đất biển Vũng Tàu.

Tôi nhìn ông như nhìn một chứng nhân bí ẩn, chìm khuất trong biết bao chứng nhân làm nên lịch sử của không quân Việt Nam nói chung và đội ngũ trực thăng Việt Nam nói riêng…

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cùng đại tá phi công Nghiêm Xuân Tích

NHỮNG NĂM THÁNG GIAN NAN

Cuối năm 1998, đại tá Nghiêm Xuân Tích, Trưởng Trung tâm chỉ huy điều hành bay, người đã từng đào tạo nhiều lớp phi công trực thăng, cầm quyết định hưu.

Ông chưa vội về nhà. Người đàn ông 60 tuổi còn rất nhiều điều tâm huyết với nghiệp bay ngồi lặng lẽ một góc sân bay nhìn lên bầu trời. Bầu trời hôm đó xanh trong. Thỉnh thoảng một chiếc trực thăng cất cánh bay ra phía những dàn khoan ngoài biển.

Cả cuộc đời binh nghiệp, hơn 40 năm trong quân ngũ, 35 năm trong nghề, tiếp xúc với độc hại của phóng xạ, tai nghe tiếng động cơ máy bay gầm rú thường xuyên. Bây giờ ông dường như không nghe thấy rõ âm thanh náo loạn của cuộc sống đời thường. Âu cũng là cái may của người lính già.

Trong ông ngân lên mấy câu thơ của nhà thơ Nhật Tiến:

Về nghỉ hưu, nên tóc chẳng còn xanh

Không phải nhuộm, để dối mình còn trẻ

Chẳng bon chen, không phải lo giữ ghế

Chẳng phải chờ, nghe ngóng, đợi nâng lương…

Về nghỉ hưu, trở thành “Cựu quân nhân”

Cái chất lính, suốt đời không thay đổi

Vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, sôi nổi

Sống có tình, sống trọn nghĩa “Hiếu – Trung”

Những kỷ niệm xưa cũ chợt ào về như chiếc trực thăng trên bầu trời kia, hình bóng đã vút lên cao xanh, mà thanh âm mới bắt đầu đọng lại trên mặt đất…

*

Cuối tháng 12 năm 1958, anh trai làng Nghiêm Xuân Tích ở thôn Vĩnh Đông, xã Minh Tân – nay là làng Vĩnh Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, nhận được giấy báo nhập ngũ. Năm đó, anh mới tròn hai mươi tuổi, và vừa cưới vợ chưa được một năm. Vợ anh, cô gái làng duyên dáng Nguyễn Thị Trình cũng vừa mười tám tuổi. Nhìn tờ giấy báo nhập ngũ, hai vợ chồng mới cưới tuy nao nao trong lòng, nhưng lại rất tự hào. Thời đó, chuyện nhập ngũ của trai tráng như một niềm tự hào của gia đình và bà con thôn xóm. Hai vợ chồng anh chưa có con, cũng đỡ cho anh khi chia tay gia đình để lên đường.

Yên Lạc là một huyện trù phú của Vĩnh Phúc. Đất và người Yên Lạc – Vĩnh Phúc là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn hào hùng của lịch sử dân tộc; vùng đất và con người Yên Lạc xưa và nay có nhiều trăn trở, nhiều thành tựu đáng được ghi vào sử sách để các thế hệ con cháu mai sau tự hào. Dường như khí tiết hào hùng của Hai Bà Trưng, của các anh hùng dân tộc quê đất Yên Lạc vẫn như văng vẳng đâu đây; những người con Yên Lạc xưa và nay đã khai phá, mở đường, xây dựng quê hương đất nước đã khích lệ tinh thần của những thanh niên đang ở lứa tuổi sung sức sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ Quốc.

Cha anh động viên:

–  Ở nhà cũng chỉ cắm mặt xuống ruộng. Cứ yên tâm mà lên đường con trai ạ.

Nhìn quanh bạn bè cũng có giấy báo đi bộ đội cả. Nhà có 5 anh chị em. Anh là con trai thứ hai, nhưng là con thứ ba trong gia đình. Nên cũng yên tâm khi lên đường nhập ngũ.

Chuẩn bị mọi bề yên ổn, chia tay cha mẹ anh chị em, chia tay người vợ trẻ và hàng xóm bà con thật vui vẻ. Anh cảm thấy trách nhiệm của mình từ nay đã rõ ràng và quyết liệt hơn.

Đầu năm 1959, anh nhập ngũ, đóng quân tại Vĩnh Yên.

Anh lính binh Nhì thật khiêm tốn với trình độ văn hóa mới học hết cấp một. Đó là một điều vô cùng thiệt thòi của anh so với các đồng đội khác. Dáng người Tích bấy giờ lại rất thấp bé so với anh em trong đơn vị, vì thế mọi người thường gọi anh là Tích còm, vì vỏn vẹn chỉ có 46 cân.

Nhưng anh lại là một trong những nhân tố tích cực gương mẫu của đơn vị. Cũng do trí tuệ của anh thuộc hàng thông minh, nên việc tiếp thu các bài giảng chính trị và bài huấn luyện đối với anh rất dễ dàng.

Dĩ nhiên qua các buổi huấn luyện lý thuyết và thực hành tập luyện, anh cũng chứng minh năng lực tiếp thu của mình. Tuy người thấp bé, nhưng sức lực anh cũng rất dẻo dai bền bỉ.

Không hiểu sao anh lại lọt được vào con mắt xanh của một đoàn giám định đi chọn lựa tuyển phi công. Khi anh có tên trong danh sách gọi đi khám giám định sức khỏe, hầu hết đều ngạc nhiên. Ngay cả bản thân Tích cũng rất ngạc nhiên, vì anh thuộc hàng thấp bé trong đơn vị, dù dẻo dai nhưng ai cũng nghĩ để lọt vào hàng ngũ chọn tuyển phi công thì ít nhất cũng phải cao to thế nào. Nhưng được gọi thì hãnh diện quá, lên đường thôi.

Đại tá phi công Nghiêm Xuân Tích

Tốp những người lính được chọn đi giám định sức khỏe đến Thậm Thình, thuộc chân núi Đền Hùng rất tự hào vì không ngờ hai chữ phi công xa vời vợi lại có thể đến với chính mình. Tích lại càng không bao giờ nghĩ rằng anh sẽ trúng tuyển, và rồi sẽ gắn bó cả cuộc đời mình với những cánh bay.

Thế mà trúng thật. Lại được đi học bên Liên Xô. Tạm biệt quê hương, tạm biệt đồng đội, chỉ kịp chạy về chào gia đình và người vợ trẻ, rồi anh vọt theo đồng đội ra ga Hàng Cỏ. Ngày 2/6/1961, đoàn những người lính trẻ được tuyển học phi công bắt đầu lên tàu Liên vận Việt Nam để đến Bằng Tường. Đến Bằng Tường, họ chuyển sang tàu của Trung Hoa để đến Bắc Kinh. Đợi ở Bắc Kinh mấy ngày, rồi tiếp tục lên con tàu thứ 3 của Liên Xô, đón đoàn sang Mát-xcơ-va. Mười mấy ngày trên tàu là mười mấy ngày lo ngay ngáy về việc học, cũng là mười mấy ngày hình thành trong trí não của người lính trẻ về những vùng đất mới.

Mặc dù rất háo hức, nỗi háo hức được đi đến những vùng đất xa lạ đầy quyến rũ với tuổi trẻ; và rất tự hào vì mình được khám phá những miền quê mới, điều mà khi còn ở làng, anh không bao giờ dám mơ. Nhưng nỗi lo lắng cũng ngự trị thường trực trong đầu Tích. Làm sao có thể tiếp thu được rất rất nhiều thứ để trở thành phi công? Khi mà anh mới học hết cấp một? Làm sao có thể hình dung, liệu mình có trụ nổi không, hay lại bị thải về nước? Nếu như vậy thì thật không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè gia đình… Ánh mắt người vợ trẻ khi đưa tiễn anh cứ hiện lên rõ mồn một.

Không, nhất định mình sẽ không lùi bước. Cho dù có gặp trăm ngàn gian nan.

Mọi sinh hoạt tập thể cũng có đỡ hơn phải loay hoay một mình nơi mà bản thân anh không hề nghe nổi một tiếng gì, huống hồ lại còn phải nghe giảng, ghi chép, đọc tài liệu tiếng Nga. Toàn bộ đều là tiếng Nga ngự trị trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ; ám ảnh anh, thôi thúc anh.

Cô giáo dạy tiếng Nga cũng khá kiên trì với nhóm học trò Việt Nam sang đây học phi công. Đất nước Việt Nam đang rất gian lao và cũng rất khí phách anh hùng. Cả thế giới những dân tộc tiến bộ đang nhìn Việt Nam ngưỡng mộ. Cô không biết rõ về họ, chỉ biết cô được giao nhiệm vụ trong vòng ba tháng phải trang bị cho họ vốn từ nhất định để có thể nghe giảng bài bằng tiếng Nga, học lái máy bay bằng tiếng Nga, và không có phiên dịch.

Tích rất chật vật với từng con chữ. Sau mấy tháng học tiếng một cách gian nan, là bước vào học chuyên môn. Ban đầu hầu như anh không nghe được giảng viên nói gì. Sau cũng cố gắng chép được những từ chưa hiểu để đêm về tra từ điển. Cứ tra từng từ, hỏi từng cụm từ. Lọc thanh âm nghe tiếng và cố học thuộc. Nhiều lúc thấy nản vô cùng. Thầy dạy chuyên môn cứ một tay cầm phấn viết, một tay cầm giẻ lau, bắt học viên phải theo, phải trả lời bằng được.

Đêm về, anh nằm suy nghĩ: đến cái chết mình còn không sợ thì chẳng sợ gì hết. Phải quyết tâm chiếm lĩnh khối kiến thức để đoạt được vị trí chính thức của một phi công Việt Nam anh hùng. Các bộ môn đọc tên đã thấy hoảng, nào là khí động học, động cơ máy bay, nào là thông tin thiết bị hàng không… Rất nhiều bộ môn chỉ nghe tên thôi cũng đã thấy choáng ngợp, thậm chí chưa hiểu gì. Vậy mà anh đã nhập tâm dần, nắm được dần. Kết quả của 3 năm học là tấm bằng tốt nghiệp loại Tốt. Tức là anh đã giành được tấm bằng Đỏ.

Những người có tấm bằng Đỏ được giữ lại học thêm một thời gian nữa. Họ được học và rèn luyện những kiến thức sâu hơn, những bài học khó hơn như bay mây, bay đêm, bay trong điều kiện phức tạp.

Sau đó là thêm một tấm bằng Xanh, với điểm Ưu.

Tháng 7 năm 1964, anh mang hai tấm bằng vinh quang về nước. Và được phân công nhiệm vụ về sân bay Gia Lâm.

Đầu năm 1965 anh được phong chuẩn uý. Anh được điều động lên sân bay Kép (Bắc Giang). Sân bay này hồi đó cũng chỉ là một bãi đất, cỏ mọc lúp xúp. Những phi công trẻ được tập bay và rèn luyện chuẩn bị chiến đấu trong bất kỳ tình huống nào.

Năm 1966, anh được phong thiếu uý, và về lại sân bay Gia Lâm. Anh ở sân bay Gia Lâm cho mãi đến đầu năm 1975, khi đã đeo lon thượng uý, thì chuẩn bị vào Nam tham gia giải phóng miền Nam.

Trong suốt những năm tháng này, nhiều lần anh gặp những sự cố nguy hiểm đến tính mạng, như vụ máy bay Mỹ ném bom đánh cháy kho xăng Đức Giang. May các phi công không ai bị thiệt mạng.

Nhưng lần ghi nhớ nhất, đó chính là lần các anh tập để vào Nam tập kích trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Đợt đó, được cấp trên cho biết, tại Huế chiến sự đang rất cam go. Toàn bộ ngụy quân đóng chiếm xung quanh cứ điểm quan trọng của Huế cũng đã bị ta làm tan rã. Nhưng lực lượng ngụy quân rút vào đồn Mang Cá thì không sao công phá để tiêu diệt được. Do trong đồn Mang Cá có hầm cố thủ rất lớn và kiên cố. Quân ngụy chui hết vào đó thì không có cách gì tiêu diệt, trừ phi trực thăng trực tiếp ném bom. Thế là được lệnh tập bay trong đêm, không được bật đèn.

Vào đúng cái đêm 8 tháng 3 năm 1968, cách nay đã 46 năm, phi công Nghiêm Xuân Tích điều khiển máy bay tập những giờ tập cuối cùng trước khi bay vào Huế tập kích. Không may, do trời tối, máy móc cũng trục trặc không kịp xử lý, máy bay bị rơi xuống Sài Đồng khi mới cất cánh được một vài phút. Vụ tai nạn đó chỉ hỏng mất một trực thăng, còn anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Qua tai nạn, các anh vẫn ngày đêm ém quân và tập luyện, chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tích nhiều lần tham gia và chở những phi công Mỹ bị ta bắn rơi vè Hà Nội để khai thác thông tin tác chiến, bất kể đêm hay ngày. Các anh đã làm nên rất nhiều kỳ tích trên bầu trời, khiến những tên phi công Mỹ cũng phải kinh ngạc với kinh nghiệm lái của phi công ta.

Năm 1968 cũng là năm mà ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam, khi tròn 30 tuổi, và cũng tròn 10 năm quân ngũ.

LÀM CHỦ ĐƯỜNG BAY

Cầm mấy cuốn Dự thảo về Lý thuyết bay, Huấn luyện bay cho trực thăng MI – 8, do đại tá Nghiêm Xuân Tích soạn thảo, không khỏi ngỡ ngàng vì khối kiến thức chuyên môn sâu và tổng hợp ở tầm vĩ mô của ông. Ông nhấn mạnh, ông chỉ phù hợp với đội ngũ sĩ quan hoạch định kế hoạch, chứ không phải hàng sĩ quan của nền kinh tế thị trường.

Ông cứ nhắc đi nhắc lại nỗi niềm đau đáu cả đời của mình, rằng: nếu được học hành tử tế từ nhỏ thì ông sẽ học khá hơn, học được nhiều hơn.

Trong tập Lý thuyết bay, với một số bài bay huấn luyện trực thăng MI – 8, ông nhấn mạnh phương châm và tư tưởng chỉ đạo viết Lý thuyết bay, là căn cứ vào thực tế hoạt động bay của Công ty, căn cứ vào tính năng kỹ thuật của trực thăng do nhà chế tạo quy định; và nhấn mạnh tập lý thuyết này chỉ thể hiện một phần cơ bản của phương châm: “Từ dễ đến khó; từ thấp lên cao; từ giản đơn vào phức tạp”.

Những bài lý thuyết được soạn khá kỹ lưỡng, người ngoài đọc không hiểu nổi. Lý thuyết bay do ông soạn gồm 12 chương, 64 bài cơ bản. Như các chương: Kỹ thuật điều khiển cơ bản, Bay không vực tập điều khiển, Cất cánh, Bay lên bay bằng bay xuống, Hạ cánh, Bay vòng kín, Bay che buồng lái, Bay độ cao giới hạn cực thấp, Bay xử lí bất trắc, Huấn luyện đặc biệt, Bay đường dài, Cuối cùng là Bay đội hình.

Ông từng tham gia đào tạo rất nhiều lớp phi công. Làm Trưởng Trung tâm chỉ huy điều hành bay. Chức vụ mà ông nắm cao nhất là Phó trung đoàn trưởng phụ trách, vào tháng 12 năm 1978 ở sân bay Cam Ranh (Trung đoàn 930).

Trước đó, ông cùng đồng đội được phân công vào Đảng nhân dân cách mạng, đeo tấm băng nửa đỏ nửa xanh da trời để vào Nam tham gia giải phóng.

Trước khi nhận nhiệm vụ vào Nam, ông cũng đã từng được tập lái trực thăng Mỹ. Người hướng dẫn tận tình cho ông và đồng đội chính là phi công Hồ Duy Hùng, người được ta cài vào hàng ngũ bên kia, được đưa đi đào tạo phi công ở Mỹ. Nhưng khi về nước, ông Hùng bị nghi ngờ, thanh tra, và bị thải hồi. Tại Đà Lạt, tổ chức được báo cho biết có 2 chiếc máy bay UH-1 hạ cánh ở Đà Lạt. Sau một thời gian nằm im, làm đủ mọi nghề tự do, ông Hùng được tổ chức cho nội ứng giúp, đã làm nên kỳ tích. Ông đã vào Đà Lạt lấy ra được một chiếc mang ra Lộc Ninh. Bên ta đã tìm cách vận chuyển ra Bắc. Ông cùng ở với ông Hùng ở sân bay Hoà Lạc, được kèm cặp kỹ lưỡng về loại máy bay này của Mỹ. Cùng học lái loại trực thăng này với ông còn có ông Nguyễn Xuân Trường, sau này là Tổng giám đốc Công ty Bay (hiện đã nghỉ hưu), ông Nguyễn Đình Khoa, Anh hùng lực lượng vũ trang.

Để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam, họ được đưa vào sân bay Phù Cát (Bình Định), và được kèm cặp tiếp ở đó.

Phi đội Quyết Thắng, mà phi đội trưởng là Nguyễn Văn Lục (người Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vào sau. Nhưng được lệnh bay để ném bom uy hiếp sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28 tháng 4.

Còn ông nhận nhiệm vụ cùng đồng đội tham gia thành lập Đội bay mang ký hiệu UH–1 ngay sau khi giải phóng Sài Gòn. Đội bay lấy máy bay ở Phù Cát, ở Cần Thơ bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Ban ngày thì rèn bay. Đến khoảng 5h-6h chiều, Đội bay lại cho mấy chiếc cất cánh, nhằm uy hiếp những lực lượng chống đối còn nằm rải rác trong thành phố. Đây là biện pháp dùng vũ khí luận, chỉ dùng để uy hiếp kẻ địch ngoan cố. Trên khoang máy bay không hề có loại vũ khí gì ghê gớm. Mỗi phi công và cán bộ điều hành đều thấm nhuần những bài học từ ngoài miền Bắc, chuẩn bị cho mình những tình huống có thể xảy ra, đặc biệt nếu không may bị kẻ thù tìm cách chống phá điên cuồng, thì cũng phải có cách uy hiếp chúng thật triệt để. Còn nếu dân có hỏi mọi việc, thì không ai được tự ý trả lời khi chưa hiểu chính sách của Đảng và cách mạng. Tất cả đều phải quán triệt câu trả lời là “để báo cáo lãnh đạo xem xét”.

Ông tâm sự, thực ra cấp trên rất biết, rằng so với trình độ văn hóa của các sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn, thì các anh lính trẻ của ta đâu có được học hành tử tế. Họ phải lên đường cầm súng bảo vệ tổ quốc, việc học dở dang. Nên khi dân hỏi, tốt nhất cứ trả lời là về báo cáo cấp trên.

Sau giải phóng, ông còn ở Tân Sơn Nhất, sau đó chuyển ra trường đào tạo phi công ở Nha Trang. Ông ở đó cho đến tháng 7 năm 1978 thì chuyển ra Cam Ranh.

Trước đó là chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1977, khi ông và đồng đội trong Đội bay UH-1 vẫn hàng ngày dùng “vũ khí luận” để kiểm soát vùng trời phía Nam, thì chiến tranh biên giới xảy ra vô cùng khốc liệt. Lính của Pôn Pốt – Khơ me Đỏ tàn sát dân Việt vô cùng dã man. Chiến tranh lan rộng khắp các tỉnh biên giới Tây Nam.

Đội bay được lệnh chiến đấu.

Họ bay từ Tân Sơn Nhất, tập kết ở Trảng Bàng (Củ Chi), và sân bay Thất Sơn (An Giang). Rồi tập kích sang khu vực đang có chiến sự. Từ trên máy bay nhìn xuống rất rõ những tên lính Khơ-me Đỏ đang bắn điên cuồng, giết chết đồng bào, dồn dân vào trại tập trung. Nỗi căm thù trào dâng trong lòng những người phi công anh hùng. Chiến tranh chống xâm lược Mỹ vừa kết thúc chưa được bao lâu, thì cuộc chiến tranh biên giới lại lần nữa giáng xuống đầu những người dân vô tội của cả hai dân tộc.

Máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ khá hiện đại. Có loại vũ khí rốc-két bắn cực nhanh và chuẩn xác. Ngồi trên máy bay nhìn rõ từng tên lính Khơ-me Đỏ, đầu tóc rối bù, mặt hằn lên niềm khoái trá giết chóc. Ông vừa lái, vừa nhấn nút điều khiển rốc-két. Từng tên lính gục xuống dưới làn đạn từ trực thăng xả xuống. Chúng cũng đồng loạt chĩa súng lên nhằm thẳng những chiếc trực thăng của ta mà nã đạn. Có nhiều vết đạn đã trúng bụng trúng cánh trực thăng. Khi bay về căn cứ an toàn, những tay lái phi công ngả mũ chào nhau, miệng mỉm cười như mình vừa qua một cuộc thi khó. Họ cùng nhau đếm vết đạn trên máy bay, đùa cười như cánh trẻ. Cái chết vừa lướt qua họ và chào thua.

Cũng có chiếc máy bay bị bắn rơi. Nhưng phi công cố gắng lái về đất Việt và hạ cánh được xuống trên mảnh đất quê nhà. Đồng đội và nhân dân cũng cứu được`để đưa về sân bay an toàn.

Những trận đánh anh hùng đó được ghi nhận trong lịch sử chiến đấu của trực thăng Việt Nam.

Qua những trận đánh hào hùng đó, mà tình đồng đội càng thêm gắn bó.

Bằng giọng kể hóm hỉnh, đại tá phi công Nghiêm Xuân Tích kể:

“Tôi được cử sang Liên Xô học lái máy bay Mi-4. Đây là loại máy bay được trang bị đầy đủ vũ khí, trang-thiết bị. Năm 1975 sau khi giải phóng Sài Gòn, chúng tôi được giao đi tiếp quản máy bay UH1A của Mỹ và dùng máy bay này làm nhiệm vụ truy quét FULRO ở Lâm Đồng và Đak Lak. Sau đó, lại cùng đồng đội sang Campuchia chiến đấu chống bọn Pôn-pốt Iêng-xa-ri, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đó là những năm từ 1977 đến 1979”

Nhắc đến đồng đội, ông bùi ngùi nhớ lại vị chỉ huy, người đồng đội cùng sẻ chia gian khó với mình. Đó là Anh hùng LLVT nhân dân – đại tá Nguyễn Đình Khoa:

“Đại tá Nguyễn Đình Khoa luôn được đồng đội tin tưởng, được cấp trên giao dẫn đầu đội hình chiến đấu. Với tinh thần quả cảm, không sợ gian khổ, hy sinh, ông đã cùng chúng tôi lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (1979). Năm 1980, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông ấy lại sang Học viện Ga-ga-rin (Nga) để học tiếp.

Học xong, ông Khoa về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 ở Hòa Lạc đến năm 1987. Những năm 1987-1997, ông làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Từ 1997 đến 2000 làm Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 18 (Binh đoàn Không quân trực thăng Việt Nam). Năm 2000, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá-“đây là quân hàm cao nhất ở đơn vị trực thăng vận tải”. Ông Khoa vừa là bạn chiến đấu vừa là chỉ huy trực tiếp của tôi một thời.

Còn tôi thì được tặng Huân chương chiến công Hạng 3 sau cuộc chiến chống chiến tranh biên giới Tây Nam. Bạn chiến đấu thì nhiều kỷ niệm lắm. Bạn cùng nhập ngũ lên đến chức vụ cao cũng có…”

Liệt kê Huân Huy chương của ông thì còn nhiều: Huân chương kháng chiến hạng Hai, Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Ba…

Ông kết luận cuộc đời mình với hai kết luận:

“Cuộc đời của tôi không biết thế nào là đi cửa trước cửa sau. Cả một đời oanh oanh liệt liệt”

“Và tôi nhắc lại, tôi chỉ phù hợp là tạng sĩ quan hoạch định chiến lược, không hợp với hình ảnh người sĩ quan của nền kinh tế thị trường”

Sau hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, cấp trên thấy ông xa gia đình đã lâu, nên điều ông ra Bắc. Thế là ông được chuyển ra sân bay Hòa Lạc. Tại đây, ông bắt đầu những giờ truyền dạy kinh nghiệm và những bài giảng trực tiếp cho lớp phi công trực thăng trẻ.

Nhờ những tháng năm được đào tạo bài bản cùng những kinh nghiệm thực tiễn đã giúp ông có được một khối kiến thức mà sau này ông đã truyền lại cho các hệ phi công trực thăng. Ngay cả những mẹo nhỏ mà chỉ có thực tiễn chiến đấu mới đúc kết ra được.

Có thể đọc được rất nhiều những kiến thức rộng mà ông dành tâm huyết để lại cho các thế hệ phi công trực thăng.

“Giải thích nguyên nhân sự nguy hiểm bởi gió cạnh phải và xuôi ở thời điểm rơi và tiếp đất:

Gió cạnh phải sẽ làm cho trực thăng trôi dạt sang bên trái. Không chỉ do sức gió mà chóp quay cũng bị nghiêng sang bên trái. Ngoài ra còn có moomen của cánh quạt đuôi tạo ra: Luôn hướng về bên trái.

Phi công sẽ khắc phục sự trôi dạt sang bên trái bằng phương pháp: Nghiêng cần lái ngược chiều trôi dạt (nghiêng sang bên phải). Trường hợp đãnghiêng hết cỡ mà cũng không cân bằng được với các mômen trên, trực thăng dễ bị lật đổ bên trái.

Gió xuôi lớn sẽ làm cho trực thăng luôn có xu hướng lao về phía trước theo chiều gió. Phi công khắc phục bằng phương pháp: Kéo cần lái về phía sau nhằm khử xu hướng chuyển động tiến và cân bằng lực. Xà đuôi và cánh quạt đuôi dẽ bị va đập xuống mặt đất.

Kỹ thuật thực hiện:

– Để trực thăng ngược gió

– Vặn vòng ga sang hết bên phải, trong khi cần ga ở vị trí dưới tận cùng.

–  Vòng quay đạt phạm vi 95+-1%. Mở máy phát điện xoay chiều.

–  Mở tự động lái: Rãnh nghiêng và chúc ngóc.

–  Kiểm tra sự làm việc của động cơ và hệ thống truyền động lực (theo các chỉ số trên đồng hồ và qua âm thanh)

–  Nhận báo cáo của các thành viên tổ bay, đã chuẩn bị cho cất cánh.

–  Từ từ nâng cần ga lên phía trên tạo cho trực thăng tách rời mặt đất.”

Hay như trong tài liệu ông soạn thảo về Hướng dẫn bay, có những đoạn khá gây tò mò cho người ngoại đạo.

“Thứ tự thực hiện:

Từ thời điểm nhận được lệnh của CHB cho phép quay máy, lăn bánh ra vị trí xuất phát và chỉ lệnh cho phép thực hiện bài tập.

Quay máy thành công cả hai động cơ. Kiểm tra các tham số hoạt động của trực thăng và động cơ cũng như các trang thiết bị lái và dẫn đường, toàn bộ hoạt động tốt. Tăng ga, thực hiện lăn bánh ra vị trí thực hiện bài tập.

Mở tự động lái: Rãnh nghiêng và chúc ngóc.

Ẩn đồng hồ ghi thời gian bay. Thực hiện theo nội dung bài tập.”

“Biện pháp bảo đảm an toàn:

1. Quay tại chỗ (đổi hướng) khi “Treo”

Những giới hạn chủ yếu:

– Quay tại chỗ cho phép thực hiện với tốc độ góc vô cùng không quá 12 độ/giây

– Khi quay đổi hướng, không được chuyển động hết cỡ bàn đạp với thời gian dưới 03s

– Vận tốc gió dưới 5m/s, cho phép quay 3600 ở chế độ bay treo.

– Vận tốc gió từ 5-10m/s, quay không quá 900 so với hướng gió”

“Những khuyết điểm thường gặp:

1. Khi quay đổi hướng:

– Không giữ được vị trí trực thăng tương ứng với mặt đất. Nguyên nhân: Khi quay không sử dụng đúng cần lái để chống gió hoặc trực thăng trong quá trình quay bị trượt cánh.

– Không giữ được tốc độ quay ổn định, đặc biệt khi quay bên trái (trực thăng có xu hướng tăng tốc độ góc)

– Không giữ H ổn định. Nguyên nhân: Phi công không đón trước để tăng, giảm cần ga khi quay (quay bên trái trực thăng có xu hướng tăng độ cao)

– Không dừng đúng hướng nhiệm vụ khi quay đủ vòng tròn hoặc quay theo hướng chỉ định. Nguyên nhân: Giữ tốc độ góc không đều và hướng đón trước để trực thăng ngừng quay không tính đến quán tính.

2. Bay di chuyển:

– Không giữ được H. Nguyên nhân: Vận tốc di chuyển không ổn định (V lớn)

– Trực thăng di chuyển không theo đúng hướng khi gió cạnh hoặc xuôi. Nguyên nhân: Phi công nghiêng cần lái và bàn đạp để chống gió chưa đủ”

“Biện pháp bảo đảm an toàn:

– Động tác kỹ thuật điều khiển nhẹ nhàng không bị giật cục

– Tốc độ góc không quá 120/s

– Sử dụng bàn đạp để chuyển đổi hướng quay, thời gian không dưới 03s

– Di chuyển lùi ở H > 5m”

Những tư liệu  trên đây có thể không xa lạ với những phi công đã qua học tập và rèn luyện, cũng không xa lạ với những học viên đang học tập để trở thành phi công. Nhưng lại vô cùng hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu chút ít về cái nghề rất gian nan, nguy hiểm, nhưng cũng rất vinh quang này. Chỉ cần đọc những dòng tài liệu đó, người đọc đã mường tượng ra những bài tập, những khối kiến thức rộng và sâu ẩn sau đó mà một phi công phải tiếp thu nằm lòng.

Vậy mà khi tiếp xúc với ông, người đối diện chỉ như đang nói chuyện với một ông già hưu trí, đôn hậu vui vẻ, không màng chuyện xa xôi.

Gió từ phía biển Vũng Tàu thổi tới mát rượi. Bầu trời Vũng Tàu có lẽ đẹp nhất phương Nam. Một màu xanh dịu trải dài mênh mông xa tít tắp như có bàn tay thần thánh trải những tấm lụa dịu êm trên bầu trời, che cho nắng gắt mưa tuôn khi xuống vùng đất này thì hết thảy đều nhẹ nhàng.

Ông chỉ tay ra vườn, nơi có trồng những cây hương nhu:

“Cây thuốc cứu người đấy”.

Ông rất tâm đắc với những chậu cây cảnh mà hàng ngày ông tưới và tỉa cành bị vàng úa hay bị sâu ăn.

Ông luôn nói đi nói lại câu:

“Chuyện đời tôi chỉ hay với cá nhân tôi thôi. Chẳng có gì hay với văn chương đâu”

Nhưng cứ hễ nhắc đến ai trong đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị trong Tổng Công ty Trực thăng, là mắt ông lại sáng bừng lên khoe: học trò của tôi đấy.

Ông hào hứng kể lại một kỷ niệm, tuy chỉ là một chuyện rất nhỏ, nhưng cứ in đậm trong lòng người phi công già.

“Trong quá trình huấn luyện đào tạo phi công, tôi đã truyền thụ cả lý thuyết và thực hành bay cho nhiều phi công Việt Nam và các nước bạn. Trong đó có 4 phi công Lào. Tên Lào của họ tôi không nhớ rõ. Nhưng họ có tên Việt là Triều, Hồng, Liễu, Minh. Học xong các phi công này về nước, họ đảm nhiệm vị trí chức vụ gì, tôi không được biết. Nhưng hy vọng họ đều là những người thành đạt, những phi công giỏi. Vào khoảng năm 1995, có phái đoàn quân sự cấp cao của Lào sang thăm Việt Nam, nghỉ tại khách sạn Samy Hotel, một khách sạn hạng sang ở Vũng Tàu. Có mấy người đến sân bay Vũng Tàu, hỏi thăm và tìm gặp tôi. Nhưng do họ hỏi thăm giám đốc sân bay tên Tích, nên cảnh vệ sân bay đã trả lời là không có giám đốc nào tên Tích cả. Thế là khách phải ngậm ngùi quay đi.

Sau tôi được các cháu cảnh vệ kể lại. Tôi nghĩ: Thật là may, cũng thật tiếc và cảm động. May vì hồi đó thời bao cấp rất hạn chế cho việc tiếp khách nước ngoài. Tiếc thì tiếc quá chứ, vì cơ hội gặp lại học trò, để hỏi thăm họ thành đạt ra sao đã không có. Và thật cảm động vì tình nghĩa thầy trò, tuy cách xa, nhưng chắc chắn họ không bao giờ quên những năm tháng được đào luyện nghề ở Việt Nam, và có những người thầy âm thầm giúp họ như tôi…”

CÂY CAO BAO NHIÊU BÓNG DÀI BẤY NHIÊU

Tháng 10 năm 1983, ông được chuyển ra sân bay Hòa Lạc để gần gia đình. Và vẫn được giữ nguyên chức vụ Phó Trung đoàn Trưởng.

Mặc dù chiến tranh bom đạn, phải xa nhà nhiều. Nhưng ông bà vẫn kịp có với nhau 4 người con, 2 trai 2 gái. Con trai trưởng sinh năm 1966, vào đúng thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh bom miền Bắc. Miền quê Yên Lạc trù phú trở thành nơi cho nhiều gia đình ở Hà Nội về sơ tán tránh bom Mỹ. May thay, những năm tháng đó, người vợ tần tảo vẫn cùng anh chị em lo toan được cho cha mẹ chồng và đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Suất lương sĩ quan phi công trực thăng của ông cũng giúp nhiều cho con cái ăn học trưởng thành, giúp thêm cho bố mẹ. Nhưmng điều mà ông giúp gia đình lớn nhất, đó là niềm tự hào về ông đối với hàng xóm và quê hương. Mỗi lần ông về phép thì làng quê như có hội. Những đứa trẻ mới lớn lên nhìn người phi công quân đội như nhìn một ông thánh. Nhưng vẻ giản dị và tính tình vui nhộn của ông khiến cho lũ trẻ cũng như những người già trong làng rất mến mộ. Gia đình con cái ông được sống trong sự yêu thương đùm bọc của bà con làng xóm, quên đi bao gian nan vất vả của cả cộng đồng trải qua chiến tranh, cũng như sau đó là những ngày tháng khốn khó của sự đổ nát sau chiến tranh.

Công cuộc tìm kiếm dầu khí ngoài biển khơi lại cần đến những tay lái có kinh nghiệm và đẳng cấp cao như ông. Cấp trên muốn hỏi ý kiến ông về việc lại điều động ông vào Vũng Tàu. Không băn khoăn nhiều, ông quyết định chấp hành sự điều động lần này. Và ông đã nhận quyết định vào sân bay Vũng Tàu vào tháng 7 năm 1984.

Lúc này ông được phong quân hàm trung tá.

Không có chiến sự, nhưng lại là sự thử thách mới, có thể nói là bước ngoặt trong cuộc sống của gia đình ông. Một lần nữa lại phải tính chuyện nhà cửa con cái và chuyện định cư.

Nhưng cũng lại là một lần nữa, lần thứ hai trong đời, ông phải va chạm với bức tường chắn ngoại ngữ, và bắt buộc phải chinh phục nó.

Các dàn khoan ngoài biển của Việt Nam đã kéo các chuyên gia các nước tư bản nhảy vào đầu tư liên kết; đồng thời là dàn phi công các nước tư bản cũng có mặt, như phi công Pháp, Anh, Oxtraylia, Nauy…

Phi công Việt Nam tuy trình độ tay nghề cao không thua kém, nhưng ngoại ngữ tiếng Anh rất hạn chế. Phần lớn chỉ sử dụng được tiếng Nga. Khi bay ra giàn khoan, thường các chuyến bay phải có phi công Việt Nam lái và kèm với phi công chính của đối tác. Bay chiến đấu đã là sự dũng cảm và khéo léo, đối mặt với cái chết trong gang tấc. Nhưng điều khiển trực thăng ra các giàn khoan, lại cần sự khéo léo nhanh nhạy, phản ứng nhanh và uyển chuyển. Vì không cẩn thận sẽ làm nổ cả máy bay và giàn khoan.

Những điều khiển của Trung tâm điều hành bay cũng do chuyên gia các nước điều khiển. Nếu không hiểu tiếng sẽ không thể điều khiển máy bay theo sự chỉ huy của họ.

Không còn cách nào khác là lại phải học tiếng Anh. Ban đầu ông tự học theo giáo trình Streem Like. Nhưng sau không sao tập trung học được, vì một ngày phải bay mười mấy chuyến ra giàn khoan ngoài biển.

Khi ông lái trực thăng những chuyến đầu, phi công đối tác lắc đầu bảo:

“Trình độ lái thì không thua gì chúng tôi, nhưng ông phải hiểu được tiếng để nghe lệnh”

Đó là một phi công của một công ty khai thác liên kết dầu khí của Anh. Ông ta nói chậm một tràng và lắc đầu:

“Cái gì ở ông cũng tốt. Nhưng trình độ tiếng Anh của ông yếu quá”

Ông ta nhờ bà vợ dạy cho ông. Chính ông ta cũng trực tiếp dạy. Ban đầu gần như là sự bất lực trong tiếp thu tiếng Anh giao tiếp, chưa nói đến những từ chuyên môn. Đến nỗi ông thầy phải đập bàn. Ông bực mình cũng cãi lại:

“Đây là giáo trình tiếng Anh cho trẻ con Anh. Nhưng trẻ con Anh của các ông mà không học nổi thì bố mẹ nó nói nó vẫn hiểu. Còn tôi là người Việt Nam. Bây giờ tôi với ông giao hẹn thế này: trong một tháng, tôi học tiếng Anh, ông học tiếng Việt. Sau đó cho người kiểm tra”

Ông ta phì cười giơ tay hàng. Và hứa sẽ dạy kiên nhẫn hơn.

Ông giao hẹn với vợ, khi bà đã chuyển vào sống cùng:

“Trong vòng một tháng, tôi làm gì mặc tôi. Nếu có ngồi như ngủ gật, như say rượu cũng mặc tôi”

Thế là bò ra học như con trẻ. Và viết được cả những đoạn văn ngắn bằng tiếng Anh. Cuối cùng ông thầy phải khen ngợi:

“Tôi đánh giá cao trình độ của phi công Việt Nam, dù ngoại ngữ hơi kém”

Ông biết, trong giao tiếp với đối tác tư bản, họ rất uyển chuyển, luôn khen ngợi để động viên khuyến khích, và có cả sự ngoại giao. Vì vậy, ông không cho phép  mình được hài lòng với bản thân. Ông càng tăng cường học thêm những vốn từ chuyên môn để nghe hiểu được những thông số và lệnh chỉ huy từ Đài chỉ huy trên giàn khoan khi trực thăng bay lên ra khơi và chuẩn bị hạ cánh xuống giàn khoan giữa biển.

Những năm này ông là người có công với sự hình thành nên khu tập thể các gia đình phi công ở gần sân bay. Khi đó mảnh đất xung quanh sân bay Vũng Tàu vẫn chỉ là một mảnh đất hoang ít người lui tới. Ông gợi ý cho Giám đốc là ông Trần Minh Châu (sau là Tổng Giám đốc Cụm cảng Hàng không, đã mất), lên tỉnh xin cấp đất cho đơn vị làm khu tập thể. Họ lập Dự án, và tỉnh đã đồng ý. Ông được mời vào Ban quản lý phân phối nhà đất. Đơn vị cho xây nhà. Nhưng thời kỳ đầu nhà xây xong rồi mà không người ở. Hàng chiều ăn xong, ông lại lững thững ra kiểm tra một loạt dãy nhà xem có bị phá hay bị hư hỏng gì không. Đấy là những năm 1986-1987.

Sau này, gia đình anh em phi công lần lượt đến sinh sống, và hình thành nên một khu dân cư ấm cúng.

Cuối năm 1988, ông được thăng quân hàm đại tá.

Ông không còn nhớ nổi đời ông đã có bao nhiêu chuyến bay chiến đấu, bao nhiêu chuyến bay ra giàn khoan, bao nhiêu giờ bay và bao nhiêu bất trắc…

Hưu rồi nhưng ông vẫn được mời làm cố vấn cho nhiều chương trình.

Lại còn làm tổ trưởng tổ dân phố gồm toàn những gia đình người của sân bay. Tròn 10 năm làm cái chân tổ trưởng dân phố, ông trở nên một người quan trọng của nhiều người nhiều gia đình xung quanh cái sân bay ngày càng sầm uất hơn bởi sự gia tăng khai thác dầu khí.

Bây giờ con trai cả của ông bà đã gần 50 tuổi, con trai thứ 2 là thiếu tá kỹ thuật sửa chữa bảo dưỡng máy bay của sân bay Vũng Tàu. Các con đều trưởng thành. Mọi thứ cũng không quá căng thẳng về sinh hoạt chi tiêu, bởi đồng lương ngót nghét mười triệu của một đại tá về hưu cũng đủ để lo toan sinh hoạt và những việc lớn trong gia đình.

Nhưng khi đến nhà ông, ai cũng nhìn thấy cái nồi cơm điện mà ông tự cắm tự nấu đặt ngay ngắn một góc nhà.

Ông kể bà nhà ông đang ra Bắc chữa bệnh. Bà bị u xơ gì đó và cũng đang gặp được thày được thuốc. Ông bà đành xa nhau một thời gian, như hồi xưa ông đi chiến trận. Nhưng trận chiến lần này, người phải chinh chiến lại là bà.

Ông cười, đọc tiếp mấy câu thơ mà ông cứ tâm đắc:

Về nghỉ hưu thỉnh thoảng ghé thăm quê

Lúc “hiếu – hỷ”, khi lại về việc “họ”

Thấy quê mình còn nghèo còn khó

Muốn giúp mà “lực lại bất tòng tâm”

Về nghỉ hưu, vẫn một bát, một mâm

Tự phục vụ, rồi tự mình đi chợ

Bởi cháu nhỏ giành của ông người vợ

Nghỉ hưu rồi, mà vẫn bị “cô đơn”…

*

Tuy vậy tôi vẫn nghĩ ông không hề cô đơn.

Những buổi tôi ngồi trò chuyện cùng ông, thi thoảng ông lại có khách. Khách phần lớn là những bác những bà hàng xóm sang chơi, hỏi thăm hay xin nắm lá thuốc nào đó. Phần lớn lại là người Bắc, có cả những bác người gốc Hà Nội, tiếng nói vẫn trong văn vắt chất giọng Hà Thành. Hóa ra toàn người nhà phi công cả. Họ trò chuyện đủ việc, đọc thơ cho nhau nghe.

Mùng 8 tháng 3 vừa rồi, ông gọi điện ra cho tôi để chúc mừng. Ông nói rằng ông đã đọc gần hết tập truyện tôi tặng. Và ông cùng bạn bè rất tâm đắc với cái câu triết lý của tôi trong một truyện ngắn:

“Trời phân định rạch ròi ra cái đẹp là để chúng sinh biết đã đẹp thì chớ chứa đựng quân tử. Đẹp là để cho chúng ta ngưỡng mộ, ngắm nhìn. Không phải để cho chúng ta dựa vào. Quân tử là để cho chúng ta dựa vào, không phải để cho thiên hạ chiêm ngưỡng ngắm nhìn.”

Tự nhiên tôi nghĩ rằng, ông chính là một bậc chính nhân quân tử.

Và ông không phải là một cái cột trụ đẹp chỉ để cho thế hệ sau chiêm ngưỡng ngắm nhìn!

Exit mobile version