Scandal tình ái giữa cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và nữ thực tập sinh Nhà Trắng – Monica Lewinsky đã khiến Lewinsky trở thành “người nổi tiếng bất đắc dĩ”. Đây được coi là “vụ scandal của thập niên 1990”, nó đã vĩnh viễn làm thay đổi tiền đồ của Lewinsky.


Đã có thời điểm, Lewinsky trở thành tâm điểm của những tranh cãi vì scandal tình ái với ngài Tổng thống. Vụ việc bắt đầu được truyền thông đưa tin từ đầu năm 1998, khi đó Lewinsky 25 tuổi. Cô từng có thời gian thực tập tại Nhà Trắng hồi năm 1995-1996, khi đó, ông Bill Clinton đang là đương kim Tổng thống Mỹ.

Tháng 3/1999, Lewinsky cho ra mắt cuốn tiểu sử “Monica’s Story” (Câu chuyện của Monica), trong đó thể hiện góc nhìn của cô về vụ scandal tình ái với ông Bill Clinton. Khi cuốn sách ra mắt, nó đã trở thành câu chuyện chính được đề cập đến trong một số ra của tờ tạp chí Time.

Cũng tại thời điểm xuất bản cuốn sách, Lewinsky được mời phỏng vấn trên truyền hình, chương trình này đã thu hút tới 70 triệu người Mỹ đón xem và trở thành một con số kỷ lục của đài ABC khi phát sóng một bản tin.

Kể từ năm 25 tuổi cho tới thời điểm hiện tại – 41 tuổi, Lewinsky đã trở thành nhân vật được đề cập trong vô số bài báo và xuất bản phẩm. Tuy vậy, ngoại trừ scandal tình ái đã xảy ra, Lewinsky không bao giờ gây thêm bất cứ một vụ lùm xùm nào trên mặt báo.

Năm 1999, khi có một người nhận ra Lewinsky ở sân bay và tiến lại xin chữ ký, cô đã từ chối với lý do: “Tôi được người ta biết tới vì những điều không đáng tự hào”.

Cuộc đời “nữ thực tập sinh” sau vụ scandal tình ái nổi tiếng Nhà Trắng

Dù bước ra từ một scandal tình ái làm ảnh hưởng tới cả tiền đồ sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, nhưng Lewinsky đã cố gắng sống tích cực nhất có thể. Cô từng nhận lời mời xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, bất kể thái độ đả kích của chương trình dành cho cô ra sao.

Thực tế, đối với báo chí và dư luận Mỹ ở thời điểm hiện tại, Lewinsky đã không còn bị nhìn nhận như một “kẻ tội đồ”. Trong suốt gần hai thập kỷ qua, người phụ nữ này đã cố gắng “sống sót” trải qua những búa rìu, bão tố dư luận, những sự quan tâm, chú ý không mong muốn.

Tháng 9/1999, Lewinsky “tranh thủ” sự quan tâm của công chúng để cho ra mắt một dòng túi sách do cô tự thiết kế. Lewinsky cũng từng tham gia đóng quảng cáo. Cô chia sẻ rằng dù bản thân rất muốn có một cuộc sống riêng tư, kín tiếng hơn, nhưng cô cũng cần tiền để duy trì cuộc sống.

Năm 2000, cô được nhận vào làm cho kênh Channel 5 của Anh, chuyên đưa tin về những xu hướng văn hóa mới ở Mỹ.

Năm 2002, Lewinsky xuất hiện trong chương trình “Monica – đen và trắng” – một tập trong seri “Bí mật nước Mỹ” (America Undercover) do kênh HBO thực hiện, trong chương trình này cô đã trả lời tất cả mọi câu hỏi do khán giả gửi về.

Lewinsky còn từng là MC của một chương trình truyền hình thực tế chuyên về chuyện hẹn hò. Chương trình từng lên sóng hồi năm 2003.

Thực tế trong suốt quá trình từ năm 1998 đến thời điểm này, Monica liên tục phải đối mặt với sự đả kích, tẩy chay, lên án của dư luận, cô gặp phải rất nhiều khó khăn trong công việc.

Năm 2004, khi ông Clinton ra cuốn tự truyện “Cuộc đời tôi” (My Life), Lewinsky đã trả lời phỏng vấn báo chí, thể hiện quan điểm không tán thành của cô đối với những gì ông đã viết trong cuốn sách về scandal của hai người.

Năm 2005, Lewinsky nhận ra rằng cô sẽ không bao giờ có thể bước ra khỏi bóng đen của vụ scandal, rằng công việc và cuộc sống cá nhân của cô sẽ không bao giờ hết khó khăn. Cô quyết định dừng mọi công việc để theo học chuyên ngành tâm lý xã hội, lấy bằng tiến sĩ. Kể từ đây, Lewinsky tránh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Trong suốt gần một thập kỷ sống “ẩn dật” từ năm 2005, Lewinsky chuyển tới sống ở nhiều thành phố nhưng vì ai cũng biết đến cô nên Lewinsky rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm.

Một mối quan hệ tình cảm lâu dài của Lewinsky những tưởng đã đưa đến một cuộc hôn nhân, nhưng cuối cùng hôn lễ đã không diễn ra như mong đợi. Cho đến giờ, Lewinsky vẫn độc thân.

Tháng 5/2014, Lewinsky bắt đầu “tái xuất” trở lại với một bài báo viết cho tờ tạp chí Vanity Fair. Bài báo có tiêu đề “Nỗi xấu hổ và sự sống sót”, trong đó cô đã viết về chính cuộc đời và những trải nghiệm của mình sau scandal.

Tháng 7/2014, Lewinsky nhận lời tham gia chương trình phỏng vấn trên truyền hình của kênh National Geographic. Chương trình có tên “Thập niên 1990: Thập niên vĩ đại cuối cùng”, trong đó, nhiều sự kiện đáng nhớ từng xảy ra tại Mỹ hồi thập niên 1990 đã được nhắc lại, đương nhiên, không thể thiếu “scandal Lewinsky”. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của cô sau hơn một thập kỷ im lặng.

Tháng 10/2014, Lewinsky bắt đầu xuất hiện trước công chúng nhiều hơn và đưa ra những bài phát biểu chống lại nạn bắt nạt trên mạng. Lewinsky cho rằng mình chính là nạn nhân đầu tiên của việc bị bắt nạt và quấy rối trên mạng.

Trong lần “tái xuất” này, Lewinsky nhấn mạnh vào những trải nghiệm của bản thân sau vụ scandal: “Tôi đã sống sót, và điều mà giờ đây tôi muốn làm là giúp đỡ những nạn nhân khác cùng sống sót vượt qua những câu chuyện quá khứ đã khiến họ phải khốn đốn”.

Tháng 3/2015, Lewinsky tiếp tục thực hiện những bài phát biểu chống lại nạn bắt nạt trên mạng và kêu gọi mọi người hãy cùng xây dựng một cộng đồng mạng giàu lòng nhân ái hơn.

Theo Bích Ngọc – báo Dân trí

 

Exit mobile version