Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân

Lan Hữu1, cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nhượng Tống vừa được tái bản lần thứ hai sau gần ba phần tư thế kỷ, chính là một tài liệu quan trọng góp cho việc tìm hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một nhà văn lớn mới chỉ được biết đến sơ sài, với rất nhiều chi tiết nhầm lẫn.

Cách tồn tại của Nhượng Tống ở trong hậu thế rất giống một nhà văn lớn khác cùng thời: Khái Hưng. Sau này cả hai vẫn sẽ được biết đến, nhưng chủ yếu là theo lối phiến diện. Văn nghiệp của Nhượng Tống thường chỉ được nhìn nhận qua các bản dịch, trong khi ông còn là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia tài năng. Về phần Khái Hưng, người ta chỉ biết đến Hồn bướm mơ tiên hay Nửa chừng xuân và một số tác phẩm khác, trong khi Băn khoăn, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, in năm 1943, mới thực sự là một kiệt tác. Rất có thể, toàn bộ mảng văn xuôi đồ sộ của văn chương tiền chiến Việt Nam chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là  Tố TâmLan Hữu và  Băn khoăn. Trong bộ ba ấy, chỉ mình Tố Tâm có được số phận tương đối xứng đáng với giá trị của mình.

Nhưng lịch sử văn chương là câu chuyện của các giá trị, nếu không thì ta sẽ không có lịch sử văn chương. 

Một cuốn tiểu thuyết được coi là lớn, là “giá trị” một cách toàn diện nhất, khi bên trong nó chứa đựng những điều kỳ diệu, giống như hạt mầm giấu kín ở đâu đó, sẽ hồi sinh và nảy nở mãnh liệt khi gặp được môi trường phù hợp và xứng đáng. Tố Tâm đã có một số phận như vậy, và giờ đã đến lúc chúng ta cần trả về đúng vị trí một tác phẩm khác, không kém phần kỳ diệu – Lan Hữu của Nhượng Tống. Đến nay, ngoài lần ra mắt năm 1940, nó mới chỉ tái xuất một lần duy nhất, tại nhà xuất bản Á Châu (Hà Nội) đầu thập niên 50, vài năm sau khi Nhượng Tống qua đời.

Nhưng ngoài những giá trị của một cuốn tiểu thuyết, Lan Hữu còn có thể được đọc như một tài liệu quan trọng góp cho việc tìm hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Vì gia cảnh, Nhượng Tống phải bỏ học rất sớm vào năm mười tám tuổi, sau khi thân phụ qua đời (người cha bất đắc chí, tuy từng là “thủ khoa thành Nam”, nhưng giữa một thời kỳ lịch sử u tối, đã chán chường mà chết: cái chết này được thuật lại rất cặn kẽ trong Lan Hữu). Vụ việc liên quan đến mấy mẫu đất gây thiệt hại lớn cho gia đình Nhượng Tống cũng được kể lại trong Lan Hữu. Đặc biệt, tác giả viết rất chuẩn xác về dòng dõi của mình: “nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ”. Nhượng Tống thuộc một gia đình rất thành đạt về học vấn suốt nhiều thế hệ, tiền nhân của ông từng là thầy dạy hai nhân vật lớn của “thành Nam” là Nguyễn Khuyến và Trần Bích San.

Nhượng Tống bộc lộ tài năng văn chương rất sớm, mười sáu tuổi đã có bài đăng trên Khai Hóa (tờ báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), đúng như trong Lan Hữu có kể. Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống còn dài: vài năm sau Khai Hóa là đến giai đoạn cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báovới yếu nhân Mai Du Lân; ngay sau đó, ông sẽ cùng vài người bạn lập ra Nam Đồng thư xã, in một số sách, tài liệu. Nhượng Tống là thành viên sáng lập của Việt Nam Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học; vì được Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ ở Huế năm 1929 rồi bị mật thám Pháp bắt nên Nhượng Tống tình cờ mà thoát khỏi chuỗi án tử hình đẫm máu của thực dân đầu thập niên 30, trong đó chấn động hơn cả là “vụ Yên Bái”, khi những người đồng chí thân thiết của ông như Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bỏ mình dưới lưỡi dao máy chém. Thoát chết nhưng Nhượng Tống phải chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo (trong Lan Hữu cũng có lúc ông ám chỉ chuyện này: “đày tôi ra Côn Đảo ba năm, tôi không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội”) và tiếp theo là những năm dài bị quản thúc ở quê, định kỳ phải ra Phủ Lý trình diện mật thám. Nhượng Tống còn viết báo thêm vài năm từ sau 1945, ở các tờ như Chính nghĩa, Thời sự… Ông mất năm 1949 ở Hà Nội.

(Trong các tài liệu tra cứu phổ biến nhất hiện nay, ta thường đọc ở tiểu sử Nhượng Tống hai chi tiết: sinh năm 1897 và được thả từ Côn Đảo về năm 1936; hai chi tiết này đều sai, vì Nhượng Tống tuổi Bính Ngọ, sinh năm 1906 và sau các sự kiện của Việt Nam Quốc dân đảng, Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo trước 1936 nhiều, bởi trước đó mấy năm ông đã lấy vợ ở quê nhà Ý Yên; các chi tiết này hiện nay đều còn lại văn bản để kiểm chứng.)2

Trong Lan Hữu, Nhượng Tống buộc lòng phải giấu đi nhiều chi tiết để tránh kiểm duyệt của chính quyền (thế nhưng vẫn bị kiểm duyệt bỏ thêm nhiều chỗ)3. Chí khí cách mạng của ông có lẽ thể hiện đậm nét hơn cả trong Lan Hữu ở đoạn luận thơ với cha và bác (người bác thích Lý Bạch, người cha nhiều phẫn uất lại thích Lục Du); khi được hỏi, cậu bé Ngọc nhận là mình thích nhất thơ Đỗ Phủ, bởi: thơ ấy gồm “biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy… Thơ như thế mới thật là ‘khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán’.” Câu chuyện này cũng được Nhượng Tống kể lại bằng thơ, bài thơ ấy dùng làm lời tựa cho bản dịch Thơ Đỗ Phủ in năm 1944, sau Lan Hữu bốn năm; đoạn đầu của bài thơ như sau:

Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ
Trong thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ.
Một hôm thầy tôi hỏi: “Tại sao?”
Đứng dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ
Rằng: “Tại thơ ông là đời ông:
Lạ, đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ,
Mà còn chan chứa một lòng thương
Những kẻ nghèo nàn, phường xấu số.
Vì tấm lòng ấy nên nhiều khi
Đối với quan lại với vua chúa
Ông thường chê trách, thường mỉa mai,
Không thèm nịnh hót, không xu phụ.
Ngoài một thiên tài hiếm có ra,
Ông còn một tâm hồn hiếm có…”
Nghe xong, thầy tôi gật đầu cười
Dạy rằng: “Ồ! mày thật con bố!
Thế nhưng bất lợi ở thời này!
Rồi đó xem: Đời mày sẽ khổ!”

Lan Hữu, qua chuyện nhân vật Ngọc dịch “Táng hoa từ”, còn nhắc ta nhớ đến Nhượng Tống trong vai trò một dịch giả kiệt xuất. Giai đoạn rực rỡ nhất của sự nghiệp dịch thuật Nhượng Tống là mấy năm trước 1945, chủ yếu in ở nhà xuất bản Tân Việt với ông chủ Lê Văn Văng là một người thân tình với ông. Tính riêng “Lục tài tử thư” do Kim Thánh Thán bình chọn, ông đã dịch ít nhất năm: Ly Tao, Thơ Đỗ Phủ, Nam Hoa kinh, Mái Tây (Tây sương ký), Sử ký. Có tài liệu cho biết Nhượng Tống từng dịch cả Hồng Lâu MộngĐạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu của “Lục tài tử thư” là  Thủy hử. Trước đó, cuối thập niên 20, ông cũng đã dịch Ngọc Lê Hồn của Từ Chẩm Á với nhan đề tiếng Việt Dưới hoa cùng một số tác phẩm nhỏ khác. Từ năm 1945, Nhượng Tống còn viết vài vở kịch, dịch một ít Liêu Trai chí dị và tác phẩm Hương ngọc; dùng bút danh Mạc Bảo Thần để dịch Đại Việt sử ký toàn thư và  Lam Sơn thực lục. Ông còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập – tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo.
Danh mục tác phẩm của Nhượng Tống

Nhượng Tống có khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó rất nhiều đã bị lãng quên hoàn toàn. Danh mục tác phẩm, nếu được làm kỹ lưỡng và chính xác, sẽ giúp rất nhiều cho việc tìm hiểu và đánh giá văn nghiệp của ông, người được đương thời chủ yếu nhìn nhận dưới vai trò tiểu thuyết gia và nhà thơ, trong khi về sau, nếu có được nhắc đến, thì chủ yếu được nhấn mạnh ở vai trò dịch giả và nhất là ở vai trò nhà cách mạng.

Nhượng Tống có hai giai đoạn trước tác rõ ràng: thập niên 20 và thập niên 40. Trong những năm 30, Nhượng Tống gần như không hề xuất hiện trên văn đàn.

Nhượng Tống có bài đăng trên báo Khai Hóa từ rất sớm, năm 1922 khi ông mới 16 tuổi. Sau đó là quãng cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo, ví dụ trong năm 1924 có các bài “Nên đặt thêm hai kỳ Đấu xảo Canh nông”, “Chủ nhật thăm mộ”, “Nhân công ở ta tại vì đâu mà thiếu”…

Cuối thập niên 20 là giai đoạn Nam Đồng thư xã. Vì Nam Đồng thư xã có mục đích chủ yếu là tuyên truyền, nên nhiều khi không rõ được tác giả của từng tác phẩm, ngoài một số trường hợp đặc biệt. Nhượng Tống là yếu nhân của Nam Đồng thư xã, nên chắc chắn các ấn phẩm ở đây đều có bàn tay chăm sóc của ông. Tác phẩm ký tên ông giai đoạn này có Trưng Vương, cuốn thứ I, II (1927).

Cùng ở giai đoạn thập niên 20, Nhượng Tống còn có các tác phẩm:

– Dưới hoa (tức Ngọc lê hồn) (dịch), nhà in Long Quang, “Vạn quyển thư lâu”, 1928 (in lần 2)
– Bả phồn hoa (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928
– Chị cùng em (dịch), Vạn quyển thư lâu, 1928 (trước đó Nhượng Tống đã dịch tác phẩm này đăng nhiều kỳ trên Thực nghiệp dân báo)

Giai đoạn thập niên 40:

– Lan Hữu (tiểu thuyết), Lê Cường, 1940
– Mái Tây tức Tây sương ký (dịch), Tân Việt, 1943
– Sử ký Tư Mã Thiên (dịch), Tân Việt, 1944
– Ly tao (dịch), Tân Việt, 1944
– Thơ Đỗ Phủ (dịch), Tân Việt, 1944
– Nam hoa kinh (dịch), Tân Việt, 1945
– Lam Sơn thực lục (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
– Đại Việt sử ký toàn thư (dịch, bút danh Mạc Bảo Thần), Tân Việt, 1945
– Tân Việt cách mệnh đảng, Việt Nam thư xã, 1945
– Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam thư xã, 1945
– Hỗ trợ. Thảo luận (tức là “thảo luận về việc hỗ trợ”), Việt Nam thư xã, 1945
– Hương ngọc (dịch), Tân Việt, 1947
– Trời Nam mưa gió (ca kịch), Thời sự, 1949
– Thượng thư (dịch, in sau khi Nhượng Tống đã chết), Tân Việt, 1963

Năm 1946, cũng trên báo Chính nghĩa, Nhượng Tống đã viết một loạt bài về các nhân vật cách mạng, chủ yếu là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng cũng viết cả về những người như Phạm Hồng Thái hay Lê Cần. Loạt bài này có lúc không ký tên, có lúc ký T. hoặc NT. Ta có thể xác định được đây là các bài của Nhượng Tống nhờ so sánh văn phong và nội dung với cuốn Nguyễn Thái Học.

Thời gian gần đây, một số trước tác của ông đã được tái bản như Nguyễn Thái HọcLy Tao (dịch), và  Lan Hữu (tiểu thuyết).


1Nxb Văn học và Tao Đàn ấn hành tháng 9/2015, 183 trang, giá bìa 58.000 đồng

2Các chi tiết liên quan đến cuộc đời Nhượng Tống sử dụng trong bài viết đều đã được xác nhận bởi bà Hoàng Lương Minh Viễn, con gái độc nhất của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, hiện vẫn sống ở Hà Nội.

3Thời điểm Ngọc gặp lại Lan và Hữu ở chùa Hương ở cuối truyện, tính theo tiểu sử Nhượng Tống thì lúc đó ông đã mở Nam Đồng thư xã, có thể đã tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng không nói rõ, chỉ có câu “Nhưng tôi không phải là người của các cô, không phải là người của bất cứ ai trong bọn đàn bà các cô” (tr. 182) , ám chỉ việc mình đi làm cách mạng; năm 1940 là thời điểm Nhượng Tống mới bắt đầu bớt bị quản thúc nhưng vẫn bị chính quyền đặc biệt để ý.


Theo tài liệu của Cao Việt Dũng – Nguồn Tia sáng

Exit mobile version