Hàng loạt tiểu sử về tác giả Chiến tranh và Hòa bình đã được xuất bản. Hiếm có cuốn sách nào bỏ qua tính cách lập dị, khó chịu của Tolstoy. Cuốn mới đây nhất của A.N. Wilson mang tên “Tolstoy” cũng khắc họa chi tiết khía cạnh này.
Giới phê bình gọi Tolstoy là “Shakespeare của tiểu thuyết”. Nhưng lúc sinh thời, nhà văn vĩ đại không coi Shakespeare ra gì. Ông từng thẳng thắn chia sẻ điều này với đồng nghiệp thân thiết Chekhov: “Cậu biết đấy, tôi không thể nào chịu nổi kịch của Shakespeare. Nhưng kịch của cậu thậm chí còn dở hơn”.
Tolstoy, có lẽ, đã nói như vậy với Chekhov một cách thành thực như cách nói giữa hai người bạn thân. Nhưng những nhận xét trong đó đều là suy nghĩ thực. Tác giả Chiến tranh và Hòa bình từng viết một tiểu luận chê bai Shakespeare như một nhà văn nông cạn, thiển cận, không tài cán và không có tính tư tưởng gì sất. Tóm lại thì Shakespeare không bao giờ xứng đáng được coi là “nhà tư tưởng”. Liệu đó là biểu hiện của sự ghen tỵ, tính tự cao tự đại hay một cách nhìn mù quáng? Theo Wilson, mỗi thứ có một ít.
Trong phần giới thiệu cuốn sách, Wilson khẳng định, Tolstoy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Thiếu ông, Gandhi, Mandela, Solzhenitzyn sẽ thiếu hụt đi chút gì đó trong nhân cách. Nhưng một phần lớn của cuốn sách, Wilson dành để viết về cuộc hôn nhân bão tố của nhà văn lớn.
Tolstoy và vợ.
Trước khi kết hôn cùng cô gái 19 tuổi Sofya Bers, Tolstoy bắt cô đọc hết cuốn “Nhật ký hư hỏng” của mình – điều khiến bà Sofia Tolstoy về sau thú nhận: “Tôi không bao giờ vượt qua được cú sốc đó”. Tuy vậy, họ vẫn sống bên nhau, thỉnh thoảng có hạnh phúc. Bà chép cho ông không ít bản thảo tiểu thuyết và sinh cho ông liên tiếp 8 người con.
Điều khiến Sofia luôn luôn tức tối là ông Tolstoy không bao giờ chịu rời ngôi nhà ở trang trại Yasnaya Polana. Được xây dựng giữa rừng cây, cách Moscow khoảng 130 dặm, ngôi nhà khá sơ sài, không có thảm trải, nội thất ít ỏi và người phục vụ cũng ít. Sofia thích sống ở Moscow đô hội, nơi đáng lẽ bà được coi là một quý bà cũ tầng lớp thượng lưu. Còn nhà văn thì coi thường điều đó.
Đặc biệt, Tolstoy còn theo đuổi lối sống khắc kỷ, từ chối mọi bổng lộc từ bên ngoài. Ông yêu cầu mọi người trong gia đình, cả bản thân ông, phải sống thanh bạch như những người nông dân. Tự trồng rau, tự phục vụ chính mình. Khách đến nhà cũng vậy. Ông buộc khách phải tự đổ bô dù nhà ông vẫn nuôi người phục vụ. Thay vì tận hưởng một cuộc sống giàu có nhàn hạ, tính cách khác thường của nhà văn đẩy những người quanh ông vào các mối bất hòa thường trực.
Từ đó, cuộc sống vợ chồng Tolstoy căng thẳng hơn bao giờ hết. Họ thường xuyên xỉ vả nhau bằng những từ ngữ gây tổn thương trong các cuốn nhật ký của mình. Tolstoy thú nhận: “Làm tình với bà ấy thật kinh khủng”. Thế nhưng, họ thỉnh thoảng vẫn quấn lấy nhau, nếu không làm sao 8 đứa con lại liên tiếp ra đời.
Tolstoy cũng mỉa mai vợ cả trong tiểu thuyết. Trong cuốn The Kreutzer Sonata, ông viết về một người chồng ghen tuông đã ra tay sát hại vợ mình vì đã tình tứ với một nhạc sĩ đếm làm khách tại nhà. Đó là nhà văn đang ám chỉ đến bà Sofia – người cũng đem lòng yêu thầm thầy giáo dạy nhạc của mình. Tolstoy quyết định không giết vợ mà rời xa bà. Ông bỏ nhà ra đi. Bà đã như điên dại và thức ngày thức đêm để chờ ông về. Nhưng ông đã không bao giờ về nữa. Nhà văn qua đời vì chứng viêm phổi ở nhà ga Astopovo.
Hà Linh
Nguồn: eVan.