Đối với những fan hâm mộ The Beatles, ngoài “tứ quái” làm nên danh tiếng của ban nhạc, còn một “thành viên thứ 5” luôn được nhớ đến bởi vẻ ngoài… “đẹp nhất The Beatles”, người đã gắn bó với ban nhạc từ ngày đầu gian khó nhưng có một cuộc đời buồn thảm.

Sinh ra ở Edinburgh, Scotland năm 1940, nhưng Stuart Fergusson Victor Sutcliffe lại lớn lên ở Liverpool, Anh. Sutcliffe sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Trong khi kiếm sống bằng nghề làm vệ sinh, Sutcliffe vẫn theo học ở Học viện Nghệ thuật Liverpool. Trong lớp mỹ thuật, Sutcliffe được xem là sinh viên giỏi nhất, chủ yếu sáng tác theo trường phái biểu hiện trừu tượng.

Stuart Sutcliffe trong một bức ảnh chân dung chụp ở Liverpool, Anh, năm 1961.

Chính tại ngôi trường này, Sutcliffe đã gặp người bạn học tâm đầu ý hợp John Lennon, hai người còn trở thành bạn cùng phòng. Sau một lần tranh của Sutcliffe bán được giá hời – 65 bảng (một số tiền “kha khá” đối với một họa sĩ trẻ vô danh thời bấy giờ), Lennon đã thuyết phục Sutcliffe đi mua một cây ghita bass, dù ở thời điểm đó, Sutcliffe chưa hề biết chơi đàn.

Sutcliffe sau đó lại “bị” Lennon thuyết phục gia nhập ban nhạc mà Lennon đã thành lập cùng với hai người bạn từ trước, gồm Paul McCartney và George Harrison. Họ làm thành bộ tứ thời “tiền The Beatles”.

Thuở đó, ban nhạc vô danh gồm những thanh niên trẻ say mê ca hát đã đổi qua rất nhiều tên, sau khi Sutcliffe gia nhập nhóm, Sutcliffe và Lennon đã nảy ra ý tưởng đặt tên nhóm là “The Beetles” (Những chú bọ cánh cứng) như một đối sánh với ban nhạc “The Crickets” (Những chú dế) đến từ bang Texas, Mỹ – một ban nhạc cũng rất nổi tiếng tại thời điểm bấy giờ.

Trong vài tháng sau đó, từ tên “The Beetles”, nhóm đổi thành những tên như “Silver Beetles” (Những chú bọ cánh cứng màu bạc), hay “Silver Beatles” và rồi cuối cùng mới là “The Beatles”.

Bức ảnh chụp năm 1960 cho thấy phiên bản đầu tiên của ban nhạc The Beatles, ảnh được chụp bởi John Lennon. Trong ảnh có quản lý Allan Williams và vợ – cô Beryl, đối tác âm nhạc Lord Woodbine, các thành viên Stuart Sutcliffe, Paul McCartney, George Harrison và Pete Best (tay trống của The Beatles từ năm 1960-1962).

Ban nhạc “Silver Beatles” với các thành viên Stuart Sutcliffe, John Lennon, Paul McCartney, tay trống Johnny Hutch (tạm thay thế thành viên Pete Best) và George Harrison. Họ cùng nhau biểu diễn ở Liverpool hồi năm 1960.

Tay ghita bass Stuart Sutcliffe thường được người hâm mộ The Beatles nhắc đến là “thành viên thứ 5 của ban nhạc”. Sutcliffe không phải một nhạc công giỏi. Thực tế, Sutcliffe chưa bao giờ có ý định trở thành một nhạc công và chưa từng “mó tới” một cây đàn cho tới khi bị Lennon thuyết phục đi mua một cây ghita bass.

Khi gia nhập nhóm, Sutcliffe đã cố gắng luyện tập nhưng vẫn bộc lộ khá rõ sự yếu kém về nhạc cảm so với những thành viên còn lại trong nhóm, nhưng điều đó “không hề hấn gì” đối với một ban nhạc vô danh, bởi Sutcliffe sở hữu một diện mạo hấp dẫn, rất bắt mắt khán giả, đó là một lợi thế cho nhóm khi đi biểu diễn.

Thời điểm này, khán giả chưa biết đến The Beatles và ban nhạc vẫn phải đi liên hệ để có được từng show biểu diễn.

Ảnh chụp năm 1961 ghi lại hình ảnh Sutcliffe chơi ghita bass với The Beatles tại một câu lạc bộ ở Hamburg, Đức.

Cùng với tay trống tuyển vội Pete Best, ban nhạc The Beatles tới biểu diễn ở Hamburg (Đức) tại các hộp đêm, để rèn luyện những kỹ năng biểu diễn. Chính tại đây, Sutcliffe gặp gỡ, yêu và nhanh chóng gắn bó với nữ nhiếp ảnh gia Astrid Kirchherr. Họ nhanh chóng đính hôn chỉ sau hai tháng gặp gỡ.

Cô Kirchherr đã cắt kiểu tóc “mop-top” trứ danh cho Sutcliffe và ngay lập tức, các thành viên còn lại của The Beatles cũng cắt kiểu tóc này. Thế rồi các bạn bè của họ cũng nhanh chóng cắt theo, họ gọi đây là kiểu tóc “The Beatles”.

Sutcliffe trên sân khấu cùng với The Beatles ở một hộp đêm tại Hamburg, Đức.

Đối với John Lennon – người đã “lôi kéo” Sutcliffe gia nhập The Beatles, Sutcliffe là người mà Lennon luôn kính trọng, luôn trông chờ được nghe sự thật. Sutcliffe là người sẽ nhận xét thành thực nhất cho Lennon về những sáng tác mới, Lennon rất tin vào Sutcliffe.

Tuy vậy, vì Sutcliffe kém tài hơn các thành viên còn lại nên đôi khi họ cũng đối xử rất gay gắt với Sutcliffe, để rồi sau đó lại phải giải thích cho Sutcliffe hiểu rằng không phải ban nhạc không yêu quý anh.

Sutcliffe chơi bass phía sau John Lennon và George Harrison tại một câu lạc bộ ở Hamburg.

John Lennon hát và chơi ghita, Stuart Sutcliffe và George Harrison ngồi đệm đàn phía sau.

Năm 1961, Sutcliffe quyết định rời ban nhạc The Beatles để tập trung vào hội họa và bắt đầu một cuộc sống gia đình ổn định với bạn gái – nữ nhiếp ảnh gia Astrid Kirchherr ở Hamburg, Đức. Sutcliffe còn nhận được học bổng của Học viện Nghệ thuật Hamburg và háo hức được đi học mỹ thuật – điêu khắc trở lại.

Tuy vậy, những dự định nghệ thuật của Sutcliffe đã bị dở dang khi Sutcliffe phải chịu đựng hàng loạt những cơn đau đầu dữ dội bất thường với tần xuất ngày càng liên tục, cuối cùng, Sutcliffe qua đời vì một cơn xuất huyết não vào ngày 10/4/1962 ở tuổi 21 khiến bạn gái và các thành viên trong ban nhạc The Beatles bàng hoàng sửng sốt.

Sutcliffe biểu diễn phía sau George Harrison. Ảnh chụp năm 1961.

Trong trí nhớ của George Harrison, đến mãi về sau, Harrison vẫn nhớ về lần cuối cùng Sutcliffe xuất hiện trở lại ở Liverpool – nơi họ đã gặp nhau lần đầu và cùng gắn bó trong những ngày tháng đầu tiên thành lập The Beatles.

Lần quay trở lại Liverpool (Anh) đó diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước khi Sutcliffe qua đời ở Hamburg (Đức), Sutcliffe đã đi khắp nơi, gặp gỡ, đi chơi với tất cả bạn bè như thể anh có linh cảm trước rằng mình sắp không còn cơ hội gặp lại mọi người nữa.

Ảnh chụp năm 1961 của Stuart Sutcliffe và bạn gái – nữ nhiếp ảnh gia Astrid Kirchherr. Sau khi đến Hamburg biểu diễn cùng The Beatles và tình cờ gặp gỡ Kirchherr, Sutcliffe không cùng các bạn trở về Anh nữa mà quyết định ở lại Hamburg với bạn gái.

Đối với fan hâm mộ The Beatles, ngoài “tứ quái” John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr – những con người làm nên danh tiếng của ban nhạc nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên rock, thì Stuart Sutcliffe luôn được nhớ đến như một “thành viên thứ 5” của The Beatles, người đã gắn bó với ban nhạc trong những ngày đầu khó khăn và phải chịu một cuộc đời ngắn ngủi, để lại nhiều nuối tiếc.

Theo Bích Ngọc – Dân trí ( dịch từ Mashable)

Exit mobile version