CUỘC CHUYỆN VỚI CỤ RÙA

Truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Đêm 31.10.2008, đêm hội Halloween, mưa tưng bừng. Cả Hà Nội chìm ngập trong dòng nước lạnh lùng trả thù đời của chàng Thủy Tinh.

Tớ lội bộ ra đầu ngõ 278, đường Thái Hà.

Xem trên mạng, ai chả biết đường Thái Hà ngập nặng, nước tuyền một màu vàng đục, chả biết thể loại nước gì. Cái mương thối đầu ngõ nhà tớ, có lần một tay ăn trộm bị phát hiện, hoảng quá nhảy ào xuống mương trốn. Rồi chết sặc phổi vì nhiễm độc bùn thối. Cái mương này cứ thấy bảo sắp kè bờ, sắp này sắp nọ. Nhưng mãi không ai dám nhận thầu công trình kè mương Thái Hà, vì nghe nói (suốt ngày tớ chỉ được mỗi cái việc hóng hớt và “nghe nói”), số tiền bỏ ra để giải tỏa, đền bù, xây kè… ngang với số tiền làm một công viên Wandisney mini ở Việt Nam.

Thế nên nước ngập ở Thái Hà có màu vàng lờ lợ là thế.

Đang giơ máy ảnh ra định chụp này chụp nọ thì tớ bỗng thấy có cái gì động đậy dưới chân. Nghĩ chuyện khéo có đám ăn hôi, nhân mưa lụt đi rình rập qua đêm cướp của giết người bịt miệng nên cất ngay cái máy ảnh vào túi áo bò.

Ngoảnh xuống thì bỗng đâu lù lù một đống…

He, xin lỗi Cụ. Là con lỡ mồm. Con xin chào Cụ Rùa thiêng.

Dưới đây là cuộc đàm đạo hạ cố của Cụ Rùa với tớ trong mười lăm phút. Tớ nghĩ ngay đến việc phải viết một thiên phóng sự ghi lại giờ phút lịch sử thiêng liêng này.

 

Thiên phóng sự về cuộc đàm đạo hạ cố của Cụ Rùa với Tớ

– Trời đất, con đâu có ngờ lại được diện kiến với Cụ trong bối cảnh này. Con xin cúi đầu lạy chào Cụ Rùa Thiêng.

– Khỏi, khỏi chào ta kiểu cách như vậy. Đang hết cả hơi. Mưa thế này, đến cái sọ còn chả ráo được huống chi là ta đang bị đám rác rưởi túm chặt đây.

– Ối, trời ơi. Để con, để con. Sao cái đám rác rưởi này dám phạm thượng vậy. Nước chảy thành sông thành hồ rồi mà còn chật chỗ trôi sao?

– Được rồi, bay gỡ là gỡ cái đám rác, sao lại kéo cả râu của ta?

– Hê hê. Con lỡ tay. Con cứ ngỡ là Cụ cả đời cứ ở cái hồ Hoàn Kiếm, chả phải đi đâu. Nào ngờ Cụ lại đến được tận đây.

– Bay coi thường ta. Ta có phép khinh công, khi cần có thể ngao du thiên hạ. Mà nước lớn thế này, ta có thoát khỏi tầm kiểm soát của mấy tay Ép-Pi-Ai Đội Ngũ Canh Gác Hồ cũng là chuyện nhỏ.

– Vâng, là chuyện nhỏ. Nhưng bình thường Cụ hay ở lì đàm đạo nhân tình thế thái với mấy Cụ khác ở cái phiến đá dưới đáy Hồ Gươm, thành thử chả mấy ai còn nhớ phép khinh công của Cụ. Thế cho nên con cứ ngỡ Cụ bị nước cuốn trôi ra tận đây cơ đấy.

– Được cái bay cũng nói thẳng nói thật đây. Vậy chứ bay là ai? Đêm hôm con gái con lứa mò ra đường làm gì? Nghe nói cái khu vực này của Thái Hà là lắm… lắm con gái đứng đường lắm.

– Thưa Cụ, con không phải gái đứng đường, mà là gái dặm đường.

– Gái gì?

– Gái dặm đường.

– Nghe lạ tai. Ta đã nặng tai đâu cơ chứ. Thế là thế nào? Nghe còn có vẻ gớm hơn cái loại gái kia, nhỉ?

– Quả có gớm hơn loại gái kia. Là thế này ạ: con viết lách đủ các thể loại viết. Con không dặm đường gian khó thì lấy đâu ra cái mà viết. Vậy nên còn nặng nhọc hơn cả loại gái kia. Gái kia thiên hạ không ai biết được tên cúng cơm, rặt những Thúy những Loan những Hoa những Hồng. Chứ còn chúng con thì vua biết mặt chúa biết tên, muốn làm cái gì mà mình thích khó lắm, cứ phải làm cái thiên hạ thích. Khi làm không nổi, hoặc là thích chơi chòi này nọ, thiên hạ nổi giận giống như muốn đem chúng con ra giá treo cổ. Có khi chúng con hơi quá tay, lại có khi vụng về, viết giống y sì đúc như thiên hạ làm, Cụ bảo làm giống làm thì còn khá, chứ viết giống làm thì có phải là đồ quạ đen không? Viết thì phải cành vàng lá ngọc lả lơi theo gió chứ lị. Thế là báo thì bị treo bút vạ lây cả làng, sách thì bị thu hồi hoặc băm ra.

– Băm? Trần đời ta chưa thấy ai nói sách bị băm.

– Vâng, thì chúng con nào đã dám viết cái gì để đến nỗi bị băm. Là chúng con tránh bị băm, chúng con rụt đầu lại, như họ nhà rùa ấy ạ. Chết, con lỡ mồm. Cụ bỏ quá.

– Ta không rụt đầu lại thì đi ngần ấy đường đất từ Hồ Gươm đến đây có mà bị rụng cổ vì mấy cây to bất thần gãy đổ xuống ngang đường. Đấy, khi chiều vừa đi đến đoạn đường Bà Triệu là bỗng nhiên rắc một cái, sầm một cái, một cái cây sấu cổ thụ đổ ngang vào lưng xe buýt. May không đứa nào chết, vì là xe buýt bị ngập chết máy ngang chừng.

– Nếu có đứa nào chết thì báo chí lại được phen tăng tia-ra.

– Báo chí người Việt ta mà máu lạnh cứ như bọn đế quốc sài lang ấy nhỉ.

– Vâng riêng trận lụt lịch sử này, báo chúng con ăn theo cũng phải dăm số.

– Thế bay đã viết gì về cái trận lụt này?

– Dạ, chưa. Riêng con đứng đắn, không ăn theo, không chụp giật. Bí mật đến phút chót.

– Sao thế?

– Dạ, còn chờ sếp duyệt rồi mới viết, viết ngay lỡ có chuyện gì sếp đổ vạ cho mình đi tù thay. Con đã đưa ra mấy đề tài chờ duyệt rồi. Đề tài thứ nhất: Các đại gia mất mát gì qua trận lụt lịch sử này của Hà Nội? Đại gia là thành phần quan trọng của xã hội hiện nay đấy Cụ ạ. Đại gia mất một thì coi như dân mất mười. Lại có mấy vấn đề nóng hổi như xe ô tô tiền tỷ bị ngập nước. Đại gia tiêu sài thế nào trong mấy ngày mưa lụt? Vân vân và vân vân. Đề tài thứ hai: Dân đen được gì qua trận lụt lịch sử ở Hà Nội? Trong đó có miêu tả rất sinh động cảnh ăn theo mưa lụt mà hốt bạc của đám thợ chữa xe máy, ô tô; đám hôi của mấy xe chết đứng giữa dòng nước, cứ việc mở cửa xe ra bóc đệm da, tháo vô lăng, đồng hồ… rồi đám dắt hộ xe, mỗi xe kiếm một trăm ngàn việt nam đồng của cánh lao động hàng ngày ế sưng ế sỉa hay đứng ở chợ người. Thứ ba…

– Khoan, chợ người là cái chợ gì?

– Cụ lạc hậu thế nhỉ? Sống thời nào mà quan liêu lạc hậu thế không biết. Chết, con hay quen mồm mắng thiên hạ, thành thử…

– Không sao, cứ nói cho hết nhẽ đi.

– Dạ, Cụ anh minh. Chợ người không như chợ nô lệ ngày xưa ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ của loài người đâu ạ. Chợ người này là do người ta tình nguyện đứng thành tốp ở một nơi ngã ba ngã tư đường phố, người nào cần thuê nhân công thì đến đấy chọn lựa.

– Thế thì cũng chả khác chợ kia là mấy.

– Có khác chứ ạ. Chợ kia là bị cưỡng ép bán. Bắt cóc hoặc mua đi bán lại nô lệ, mang họ ra chợ nô lệ buộc dây đứng hàng dãy cho các ông bà chủ đến chọn, ngã giá. Còn chợ này là mình tự nguyện mang mình đi bán. Xã hội dân chủ công bằng văn minh tự do, ai thích bán mình cứ bán. Tóm lại là bán sức lao động của mình thôi chứ không bán thân thể mình. Nội tạng thì có cánh khác, đất nước khác, xã hội khác. Xã hội ta văn minh sáng suốt không nói chuyện mua bán nội tạng.

– Hiểu rồi. Thảo nào ta ở dưới đáy Hồ Gươm, cứ thấy bao ni lông đựng rác ném uỳnh uỵch xuống hồ.

– Ơ, chuyện bán mình với chuyện ném rác xuống Hồ Gươm có gì là chung nhau về bản chất đâu cơ chứ.

– Đúng là bay mới biết một mà chưa biết hai. Thì đấy, chung quy cũng là từ cái chữ dân chủ tự do của bay mà ra thôi. Bề trên nói kẻ dưới không nghe hoặc có nghe mà không hiểu hoặc hiểu nhầm, hoặc cố tình hiểu nhầm. Cho tự do, thế là coi trời bằng vung, coi hồ nước là cái hố đựng rác.

– Vâng, đành cưỡng ép hiểu theo ý Cụ ạ.

– Thôi nói tiếp chuyện lụt đi. Đề tài bay đăng ký với sếp tiếp theo là gì?

– Dạ, lẽ ra chuyện nghiệp vụ chuyên môn là con không có nói ra đâu đấy ạ. Nói ra sợ thằng bên cạnh nó cuỗm mất đề tài, nó biến báo hay hơn mình, thế là nó cá kiếm.

– Này, bay đừng có rủa cánh nhà cá thế. Mới đây chúng nó ngộ độc chết lăn cả họ. Ta chả làm gì được. Đến giờ vẫn đang đau thắt cả ruột.

– Thảo nào. Thiên hạ kêu om lên là cá Hồ Gươm chết hàng loạt. Lại còn chụp ảnh đưa tá lả lên mạng những thây cá trắng lấp lóa chết tươi chết tử.

– Ta còn suýt không giữ nổi cái thân già nữa là.

– Chà, thật gian nan cho Cụ quá.

– Nói thế chứ ta thấy bay sống còn khổ hơn.

– Không, chúng con quen rồi.

– Thế cái đề tài thứ ba về lụt ở Hà Nội là gì vậy?

– Cụ cũng tò mò gớm. Thế này ạ, đề tài thứ ba là chuyện phong thủy.

– Phong thủy thế nào?

– Dạ, các cụ vẫn bảo thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vừa rồi Hà Nội của chúng ta mở rộng. Đường chân trời bát ngát. Phố xá sung sướng vì được nảy nở. Hoa trái tưng bừng. Nên có lẽ thủy thần ghen ạ. Chính xác thì là Thủy Tinh ghen.

– À, ra thế. Dạo này lắm đứa mông má, áo ngắn tũn một dây hai dây nhong nhong ngoài đường quá. Thủy Tinh nào chả ghen. Ta ở dưới hồ còn nóng hết cả tiết nữa là. Mở rộng Hà Nội thì lại càng phát triển phố xá, nhà hàng, siêu thị, bến bãi. Rồi lại cái món trang trại, sân gôn. Dạo này thấy mấy cô phục vụ nhặt bóng ở các sân gôn về mua sắm hơi nhiều. Nào thời trang mua ở Parkson, Big-C, Hà Thành Plaza. Nào túi xách năm ngàn đô nhãn hiệu LV. Lơ đễnh nhìn thiên hạ rồi bước lên mấy chiếc Roll Royce, Mẹc, Lexus, gót giày bóng loáng dẫm lên thảm chùi sành điệu. Các cô đi qua hồ, váy ngắn, chân dài, lênh khênh nhìn xuống hồ. Ta ở dưới nhìn lên chóng cả mặt.

– Cụ thế mà cũng cả nghĩ gớm. Thế sự đa đoan gớm.

– Ta sống ở hồ không nhớ nổi tuổi, sống lâu thành tinh, không phải giống nòi Việt thì là giống gì?

– Nhưng đề tài phong thủy là con xin Cụ kín cho ạ. Chưa đứa nào cánh con biết, chúng nó mà biết thì con mất một đề tài hấp dẫn đấy ạ.

– Ta gặp bay chứ có gặp ai đâu mà sợ hở ra. Ta mà tiểu nhân thế à?

– Dạ, xin Cụ bớt giận. Quân tử ở ta giờ mọc lên như nấm, tiểu nhân lấy đâu ra đất sống nữa. Chính thế mà con đâm nghi ngại, con hơi cẩn thận tí với Cụ. Lát nữa ở đầu đường Tây Sơn giáp Chùa Bộc, thể nào Cụ chả gặp một tay săn ảnh, bạn con, đi lang thang lội nước kiếm cơm. Tay ấy mới mở triển lãm ảnh nghệ thuật lừng lẫy. Chộp được đề tài này là tay ấy không buông tha đâu, sẽ chụp hết ý tưởng của con. Vì con cũng viết báo kiếm cơm mà. Viết báo thì cũng phải chụp ảnh minh họa, ảnh phóng sự kèm theo. Chậc, ra phía Cầu Giấy Chùa Hà, thể nào Cụ cũng gặp một tay nhà thơ đang lội nước lấy cảm hứng thi ca. Tay ấy là nhà thơ dân tộc Tày, bạn con, tay ấy nhanh hơn sóc đấy ạ, tài lắm. Nếu biết đề tài phong thủy của con, tay ấy sẽ làm bài thơ Vắng rừng cho mà xem. Lại nổi như cồn, con làm sao chặn được. Còn nữa, phía đầu đường Trịnh Hoài Đức thể nào Cụ chả gặp một cây bút nữ, là bạn của con, là cây bút ngang ngửa con, tên là… Cô ta mà biết, thể nào cũng tuôn ra một tràng tiểu thuyết đề tài phong thủy, viết liền một mạch không xuống dòng. Vừa rồi mới viết xong một cuốn không xuống dòng rồi đấy. Khiếp, thiên hạ cứ đua nhau viết như lên đồng thế thì con theo làm sao nổi?

– Biết rồi. Gớm, bay đúng là gái dặm đường. Nói cho mà biết nhé, ta nằm dưới hồ, nhưng là hồ thiêng, hồ trung tâm, hồ độc nhất vô nhị, nên ối đề tài.

– Ôi Cụ ơi, khéo Cụ ngã kìa. Cái xe kia đích thị là xe đi cứu hộ. Đề tài gì Cụ cho con với? Con sẽ tìm cách biếu Cụ cái phong bì, mấy hôm nữa Ban tác giả Còi của con họp cuối năm…

– Cái gì? Tác giả Còi?

– Vâng, Cụ nghe lạ tai lắm hay sao?

– Còi thổi hay còi cọc? Cái này là phải làm rõ đấy nhé. Bọn Tây dạo bộ quanh Hồ Gươm nhiều khi như gà mắc thóc với cái chữ Việt ta đấy.

– Vâng, chúng con hiểu quá đi chứ. Phải giữ gìn sự trong sáng tinh tế của tiếng Việt. Nhưng cũng phải chăm lo cho người viết. Chăm thì phải chăm đúng người đúng tật. Nên mới phải phân loại Còi để quy hoạch một nhóm được chăm sóc.

– Toàn trí tuệ tinh hoa của đất nước mà còn phân loại ra được hạng Còi?

– Có gì ăn đâu mà chả còi. Mà có ăn thì cũng phải ép xác không ăn cho ra dáng nghệ sĩ là phải khốn khó, chiều ý thiên hạ. Suýt nữa còn bị tước quyền đi xe máy ấy chứ. May có bọn to Còi, tức bọn to kèn nó đồng loạt thổi.

– Cánh bay là hay tự vỗ ngực. Không có thần thiêng hồ nước đất đai mách bảo bề trên, chúng bay có to gì cũng vứt.

– Vâng. Quay lại cái chuyện phong bì. Hôm này chúng con họp bàn công tác, con sẽ ký thay tay viết Còi N, cậu ta đi đón vợ con ở quê, báo là sẽ không lên kịp để họp. Con xập xí xập ngầu, chỉ cần ký thay tên cậu ấy, lấy phong bì rồi chuyển tặng Cụ.

– Rõ cái giống thật thà quá hóa dại. Phong bì thì ta lấy làm gì cho rác hồ ra.

– Ấy, Cụ thật là trong trắng thánh thiện quá. Cụ ơi, là phong bì bên trong có… có…

– Hiểu rồi. Tiền chứ gì? Được bao nhiêu mà đã sĩ? Cùng lắm năm mươi ngàn là “hết nước”. Ối, xe gì mà cứ lao phằm phằm thế kia. Chả coi thiên hạ ra gì nữa. Đi đứng thế này có ngày chúng nó xéo nát ta mất.

– Hay Cụ đợi ngớt tí nước, vợi vợi bớt mưa, con lấy xe máy chở Cụ về hồ? Coi như thay cái phong bì kia?

– Có nhẽ phải nhờ bay thế thật.

– Cụ đợi con về cất cái máy ảnh. Thời này chả tin được bố con thằng nào, để trong túi nhỡ thằng nào ngồi sau thó mất. Con sẽ lấy cái mũ bảo hiểm cho Cụ mượn.

– Ta có cái mai ngàn năm thế này, rụt đầu vào, cần gì mũ?

– Ấy chết. Mũ là mũ mà mai là mai. Cái này công an ta nắm rất chuẩn xác. Quy định rõ ràng rồi. Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm phạt hai trăm, xót ruột bỏ bố. Cụ thì là bề trên không cần tiền. Con thì thân gái dặm đường.

– Thôi được rồi. Chở ta về hồ rồi thì sau cần gì cứ ra hồ, gọi ta theo cách này,  nhá…

Cụ Rùa ghé tai tớ nói nhỏ cách tìm Cụ bên hồ. Mà tớ cũng chỉ định thi thoảng moi tí đề tài của Cụ cho.

Tớ lội nước về nhà, lấy xe máy với mũ bảo hiểm ra đầu ngõ.

Nhưng mưa vẫn như trút. Mà Cụ Rùa thì không đợi tớ, đã bỏ đi mất từ lúc nào…

– Thái Hà, đêm mưa lụt 1/11/2008 –