Tâm trạng chung của học sinh Hàn Quốc là lo lắng căng thẳng trước kỳ thi quan trọng này.Nguồn: Internet

Có một điểm khá trùng hợp với Việt Nam là ở một số nước Châu Á, việc thi tuyển vào ĐH gần như là cuộc “tổng động viên” của không chỉ học sinh, phụ huynh mà còn thầy cô, công an, cảnh sát, tình nguyện viên… với mong muốn các em trải qua một kỳ thi thành công.

Tại Hàn Quốc, trước giờ vào thi, học sinh lo một thì cha mẹ lo đến mười. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được ví là “kỳ thi địa ngục”, là mốc quan trọng đánh dấu nghề nghiệp tương lai của thí sinh, thậm chí là nhân tố ảnh hưởng đến hôn nhân tương lai. Tại Cung Cảnh phúc ở Seoul, từ năm 1994, trước mỗi kỳ thi ĐH, Hàn Quốc đều tái hiện lại nghi thức chuẩn bị cho khoa cử, người ta mặc nghi phục truyền thống, cầu nguyện cho các thí sinh tham dự kỳ thi năm đó. Tại nhiều trường cấp 3 ở nước này, vào trước mỗi kỳ thi, các em nữ sinh thường mặc Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) để hành lễ trước phụ huynh và giáo viên. Xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu rộng của quy phạm đạo đức và quan điểm Nho giáo, thứ bậc trong các quan hệ phân cấp rất rõ ràng, cha mẹ coi việc con cái thi đỗ vào trường đại học tốt là một biểu tượng thành công trong cuộc sống.

Người Hàn Quốc có câu “Tứ đang ngũ lạc” (nghĩa là ngày chỉ ngủ 4 tiếng sẽ được nêu tên trên bảng vàng, ngày ngủ 5 tiếng thì không đỗ đạt gì hết) để hình dung trọng trách học tập. Phụ huynh Hàn Quốc đều cho rằng, con cái đi học là lúc gánh nặng kinh tế trong gia đình tăng đột biến, con cái sẽ tiếp tục kỳ vọng của cha mẹ về tương lai. Chính vì thế, để đầu tư cho giáo dục, các bậc phụ huynh không tiếc tiền. Theo thống kê, mỗi gia đình Hàn Quốc chi từ 700 – 1.000USD mỗi tháng cho con đi học các lớp phụ đạo. Do vậy, học sinh và phụ huynh thường chịu rất nhiều áp lực, căng thẳng trước kỳ thi. Mỗi năm đến kỳ thi đại học, tất cả các đền chùa cầu nguyện ở Hàn Quốc đều chật cứng người. Đối với đa số học sinh Hàn Quốc, đạt điểm cao là một “tấm vé” vào đời thành công, có cơ hội làm việc tại những công ty lớn, hoặc làm công chức nhà nước.

Còn tại Singapore, một trong những trường ĐH “hot” nhất không chỉ tại nước này mà còn toàn khu vực Châu Á là National University of Singapore (NUS). Thứ hạng của trường này đang tăng dần trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới (mới đây NUS lên vị trí thứ 1 ở Châu Á và thứ 24 thế giới). Cũng nhờ vậy mà việc đăng ký vào NUS đang ngày càng trở nên được quan tâm trong cộng đồng những bạn trẻ có ước mơ du học ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm của nhiều sinh viên đã từng học tại đây, để được xét tuyển vào NUS, học sinh cần ôn luyện tập trung, có định hướng. Việc học ôn hầu hết là để phục vụ cho việc thi University Entrance Exam (thi đầu vào ĐH) với 2 môn thi bắt buộc là Toán và Tiếng Anh. Tùy vào ngành học của bạn mà bạn sẽ thi những môn thứ 3 (có trường hợp là thứ 4) khác nhau.

Đối với du học sinh muốn thi vào đây, trước khi nộp đơn vào, các em nên có điểm thi IELTS, SAT hoặc TOEFL cao trước khi thi. Không những việc này giúp tăng khả năng được nhận thi của bạn mà còn giúp bạn miễn kỳ thi trình độ tiếng Anh của NUS sau khi được nhận. Học sinh cũng nên có thời gian chăm chút cho bảng điểm của mình và nên tạo dựng được một hình ảnh tốt về sự tăng trưởng và toàn diện trong điểm số. NUS không quá chú trọng các hoạt động ngoại khóa, tuy vậy bạn vẫn nên có 3 đến 5 hoạt động đáng nói đến trong hồ sơ của mình. Ngoài ra, giải Olympic quốc tế/ quốc gia sẽ cho các ứng viên một lợi thế không nhỏ trong việc xét tuyển vòng đầu của NUS (giải quốc tế sẽ cho phép thí TS qua thẳng vòng xét tuyển và miễn thi University Entrance Exam, nếu ngành chọn có liên quan trực tiếp tới môn được giải), vậy nên những TS có giải quốc gia/ quốc tế sẽ hết sức có lợi thế khi đăng ký vào NUS.

Theo Nhật Lam – Lao động cuối tuần (số 32, 08/08/2015)

Exit mobile version