Từ bao giờ đến bây giờ, cà phê trở thành tri kỷ tri âm của một bộ phận người Việt, làm chứng nhân cho những hỉ nộ ái ố của những phận người.

Một hôm nào đó như bao hôm nào, ta nghe tiếng rơi tí tách của từng giọt cà phê mà lòng ngổn ngang bao điều, rồi từng ngụm cà phê đen đắng chát ngấm qua đầu lưỡi, cuống họng, thấm vào từng mao mạch ta. Và ta lần giở từng trang Cà phê yêu dấu để cùng tác giả của nó “nhìn ra thế giới loài người”.

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Bằng một lối văn phong tự nhiên, một giọng văn vừa cười cợt chế nhạo, tưng tửng, tỉnh bơ như không, vừa đằm thắm, đôn hậu, rưng rưng xúc cảm, một khí văn ám dụ, ma mị, một kiểu hành văn tạt ngang tùy hứng, Cà phê yêu dấu cứ thủ thỉ kể cho chúng ta những câu chuyện không đầu không cuối liên quan đến cà phê, rồi cũng từ đó mở ra những chuyện buồn muốn khóc về cuộc thế hiện tồn. Chuyện cơn chấn thương bởi chiến tranh tàn khốc. Chuyện vô thức tập thể về bức tường Nam – Bắc Việt. Chuyện đứt gãy thế hệ trong gia đình, ngoài xã hội. Chuyện thành phố chật chội đến tội nghiệp. Chuyện máy điều hòa hút hết sạch ngay cả thứ hương riêng biệt tạo nên tố chất của mỗi người. Chuyện gái nhân danh nghệ sĩ có giá một đêm hàng ngàn đô, gái quê gái sơn cước giá rẻ bất ngờ. Chuyện sự bức bối của những đời công chức quanh năm bận rộn với những ứng phó ở cơ quan. Chuyện những doanh nhân với những trận cuồng phong thua thắng, cạnh tranh. Chuyện thói quen uống bia thối trời thối đất, bán mông cho ghế, bán mặt cho bụi của những gã đàn ông đầu thế kỷ 21. Chuyện những kẻ nghiện hút, những ả cave ế khách. Chuyện những nam thanh nữ tú đi hát karaoke, đi sàn nhảy tối ngày. Chuyện những học sinh với môn học được gọi là lịch sử. Chuyện những đám khố rách áo ôm vất vưởng cò mồi làm thuê hội chợ. Chuyện những bà nội trợ ít có cơ hội vào quán vì trăm ngàn lý do. Chuyện những chị quá lứa lỡ thì thích đức hạnh yên ả thiên hạ cũng không cho hưởng… Đó là những nhát cắt nhằng nhịt sắc lạnh về một thế giới mà “một ngày trên đời này có biết bao nhiêu biến cố, bao nhiêu mưu toan, bao nhiêu gió hương tàn lụi”, bao nhiêu thân kiếp khốn khổ khốn nạn giữa vòng vây cơm áo, vòng vây cuộc người.

Tuy nhiên, thế giới Cà phê yêu dấu không đơn thuần là một bức tranh màu xám. Thực ra, đó là một thế giới lưỡng phân, một thế giới “lai”, thế giới mà bản chất của nó là sự song hành, chồng quyện, xâm thực giữa cái thuần khiết và cái cặn bã, giữa thái cực này và thái cực khác. Có mồ hôi thị thành và an nhiên đồng nội. Có mùi tiền và hương tình yêu. Có tính toán vật vã và mỉm cười vô ưu. Có cú vọ và thánh nhân. Có trần trụi thô mộc và lung linh huyền ảo. Có ê hề bát nháo và quyến rũ tha thiết. Có bằng phẳng tẻ ngắt và náo loạn sinh động. Có thực dụng và lãng mạn. Có ngục tù và tự do. Có bé nhỏ rúm ró và ngạo mạn tự đắc. Có mặc cảm nhược tiểu và tự tôn giống nòi…

Và trung tâm của bức tranh Cà phê yêu dấu là một người đàn bà đẹp nhưng u sầu, cô đơn và lạnh. Một công dân toàn cầu với trí tuệ sắc sảo, lịch lãm trong trải nghiệm, thấu thị, đáo để, tinh quái trong từng cái nhìn, cái ngẫm. Vừa thực tế vừa mơ mộng. Vừa vô cảm trống rỗng vừa bộn bề đa mang. Vừa khinh mạn vừa đắm đuối. Vừa muốn ruồng bỏ vừa thích dấn thân. Vừa thỏa hiệp vừa nổi loạn. Vừa buông xuôi an phận vừa khao khát đổi đời…

Thì ra, lãng mạn, mơ mộng, cái cách thế có vẻ xa xỉ giữa đời sống ráo hoảnh, thực dụng này lại đôi khi/nhiều lúc rất có thể là phương cách tối ưu để ta cân bằng đời sống cá thể, nhẹ nhàng hóa những nặng trĩu khiến “mệt quá thân ta này”.

“Đừng tin gì hết. Nhưng mà cũng đừng bi quan chán nản”.  “Hãy sống bằng tất cả trái tim mình”. “Nếu đóng chặt trái tim mình anh sẽ giá lạnh”. “Cõi nhân gian đẹp hơn con người nhìn thấy”… Cứ thế, Cà phê yêu dấu ám dụ ta vào trường đối thoại. Trong đó ta được trải nghiệm, ngẫm suy.

 

Cửu Gianh, tháng 7/2013

Hoàng Đăng Khoa

Exit mobile version