Trăn trở với sự thất truyền của một loại kiến trúc cổ độc đáo, cụ ông Nguyễn Văn Màng, 84 tuổi,  đã dành cả cuộc đời mình giữ “hồn” và truyền nghề cho thế hệ con cháu với hy vọng sẽ gìn giữ được nét cổ kính của người Huế xưa trong nhịp sống hiện đại.

Luôn tâm huyết với nghề…

 

 

Ông Nguyễn Màng ung dung ngồi trong căn nhà rường cổ của mình

Ngày ấy khi mới 15 tuổi, ông đã khăn gói bôn ba khắp nơi học nghề kiếm sống. Ông nhận thấy sự gần gũi của nhà rường Huế trong cuộc sống và khâm phục trước tài năng chạm trổ hoa văn tinh xảo trên các cột gỗ của người thợ nhà rường.
Chàng thanh niên Nguyễn Màng đã quyết tâm học thành tài với cái nghề này. Từ đó ông khăn gói đi khắp nơi tìm thầy, nghe biết ở đâu có thầy giỏi về kiến trúc cổ nhà rường là ông tìm đến để xin được học hỏi.
Ròng rã suốt 5 năm đi tìm thầy, Nguyễn Màng đã đi qua nhiều vùng đất khác nhau trên mọi miền đất nước, từ phố cổ Hội An (Quảng Nam) đến những vùng xa xôi ở Hà Nội. Từ những chuyến đi, ông  đã lĩnh hội được nhiều nét tinh hoa của những người thợ nhà rường trên khắp đất nước.
Ông kể lại: “Có lần nghe tiếng một nghệ nhân làm nhà rường có tiếng ở Kim Long (Huế), thế là tui tìm đến xin học. Thời đó, làm chi có xe máy mà đi như bữa nay. Hàng ngày, cơm nước xong xuôi tui phải cọc cạch trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ nát, đạp hơn 10km từ nhà lên Kim Long. Nhìn tui gầy gò, thầy học chân tình nói: “Cái nghề ni chỉ để “chơi” thôi, không có đam mê là không được. Học nghề mộc đóng nhà còn có đồng ra đồng vào”.
Nhưng với tấm lòng thành và ý chí của mình, dần ông đã thuyết phục được thầy cho theo học. Trên con đường tìm thầy học nghề, Nguyễn Màng đã chứng kiến không ít những ngôi nhà rường cổ có tuổi đời hàng trăm năm bị dỡ bỏ vì hư hại do thời gian. Ông tâm sự: “Những năm sau giải phóng, tui thấy ở phố Bao Vinh (Huế) nhiều ngôi nhà rường bị dỡ bỏ không thương tiếc. Nhiều cột kèo tui tìm thấy trong lò đốt bánh mì của người dân mà xót lắm”.
Từ nỗi trăn trở trước nạn “chảy máu” nhà cổ, tình yêu, sự say mê với nhà rường đến với ông lúc nào chẳng hay. Những năm sau ngày giải phóng, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, ông vẫn lặn lội lên TP Huế, đi Quảng Nam vừa làm thêm vừa tìm cách mua lại cột, kèo của những ngôi nhà rường cổ bị dỡ bỏ. Từ đó ông mày mò nghiên cứu đường nét chạm trổ tinh hoa của người xưa và học cách phục chế, đóng mới nhà rường.
Trong căn nhà chưa đầy 100m2 nơi ông Nguyễn Màng đang ở là cả một không gian cổ kính xưa, từ chiếc sập gụ, tấm cửa cho đến hương án. Lưu giữ trong căn nhà nhỏ này là cả một “bộ sưu tập” những kèo cột, vách ván, tấm trần mà ông đã sưu tầm, phục chế, giữ gìn trong 60 năm qua.
Với nghệ nhân Nguyễn Màng, phục chế, sưu tầm nhà rường cổ là niềm đam mê bất tận. Ông xem những cấu kiện của nhà rường mà mình lưu giữ như những báu vật trong gia đình. Nó đã trở thành một thú chơi công phu chỉ dành cho những người đam mê không giới hạn.
Với tài năng và kinh nghiệm của mình trong suốt 60 năm phục chế nhà rường cổ, tiếng tăm của ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến. Ông đã từng được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời phục chế, bảo tồn nhiều công trình có giá trị như: Ngọ Môn, điện Thái Hoà, đình làng Dương Nỗ. Năm 2014, trong dịp Đại lễ 1000 năm văn hiến Thăng Long, ông được cử đi Hà Nôi để dựng một ngôi nhà rường với kiến trúc cổ xưa để trưng bày cho du khách tham quan.
Suốt cuộc đời, ông Nguyễn Màng luôn tâm huyết với nghề phục chế kiến trúc cổ nhà rường và để góp phần lưu giữ “hồn Huế” trên đất Cố đô. Nghệ nhân Nguyễn Màng đã truyền nghề cho 3 người con trai của mình là Nguyễn Hữu Đỉnh (55 tuổi), Nguyễn Hữu Lanh (51 tuổi) và Nguyễn Hữu Lẻ (48 tuổi). Ông còn đầu tư mở rộng xưởng phục chế nhà rường và nhận thêm 4 người học trò để truyền nghề. Họ là những người trẻ đang được ông gửi gắm, gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông.

Đem nét cổ kính vào nhịp sống hiện đại

Chia sẻ với chúng tôi về nét độc đáo của kiến trúc nhà rường ở xứ Huế so với các nơi khác, ông Nguyễn Màng nói: “Nhà rường Huế có nét độc đáo riêng biệt so với những vùng khác bởi vẻ duyên dáng và thanh tao. Bộ phận nào ra bộ phận đó đều được chạm trổ kì công và tinh xảo.
Nhà rường xứ Huế là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người xưa, vừa mang trong mình sự thanh tao, nhẹ nhàng của cuộc sống đời thường vừa mang tính tâm linh về sự hòa hợp của thiên nhiên và con người. Vì vậy, bác mong nhà rường luôn được ưa chuộng chứ không bị mai một bởi nhà hộp, nhà lầu như hiện nay”.
Khi cuộc sống hiện đại chúng ta luôn phải chạy đua với nhịp sống vội vàng đầy áp lực thì việc tìm đến một nơi thanh thoát, nhẹ nhàng mang nét cổ kính xưa để thư giãn tâm hồn thì nhà rường cổ chính là nơi nên lựa chọn để có thể thả tâm hồn mình về với thiên nhiên, đất trời xưa.
Nói về nhu cầu của thời đại, ông Nguyễn Màng cho biết, hiện nay cũng có rất nhiều gia đình giàu đã quen sống trong nhà cao tầng, họ muốn tìm đến một không gian sống khác lạ hơn nên đã chọn kiến trúc cổ nhà rường để làm nơi thư giãn lúc gia đình hội họp, sum vầy.
Cũng có nhiều gia đình nhờ ông phục chế những ngôi nhà rường mới để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Một ngôi nhà rường cổ được phục chế làm mới luôn có giá từ 250-300 triệu đồng, phụ thuộc vào chất liệu gỗ được sử dụng.
Khi nghĩ về kiến trúc nhà ở của Huế, khách du lịch luôn nghĩ đến những ngôi nhà rường cổ với những tấm bình phong chắn trước cửa nhà bởi đó là nét văn hóa độc đáo thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Vì vậy tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Màng luôn muốn đem nét cổ kính ấy vào trong đời sống hiện đại để những thế hệ sau biết về tài năng chạm trổ tinh hoa của cha ông xưa, đồng thời phục vụ cho nghiên cứu kiến trúc cổ.
Ai đến Huế, muốn đắm mình trong những không gian cổ kính đầy thơ mộng thì hẳn không thể bỏ qua những ngôi nhà rường. Hãy dạo một vòng trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta sẽ được chứng kiến nét cổ kính của những ngôi nhà rường cổ được trưng bày trong lung linh ánh sáng. Huế còn giữ được nhà rường có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Màng.
“Rường” là một cách nói rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù to lớn đến đâu, nhà rường Việt Nam cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Số gian trong nhà được phân định bằng các hàng cột. Chỉ có hai chái ở đầu nhà là được phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn.
Huế xưa kia là kinh đô của một nước có nền kiến trúc trọng mộc, cho nên từ các cung điện trong thành nội, các dinh, phủ vương công cho đến nhà cửa của thị dân khá giả ở đây đều thuộc dạng nhà rường.
Vì phải gánh chịu nhiều mưa bão cho nên nhà rường ở Huế thường không đươc xây cao lắm. Làm thế cũng để tránh không vượt quá chiều cao của Hiểu Lâm Các, cấu trúc cao nhất trong Đại Nội. Thêm vào đó, mái nhà Huế có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh, cho nên nhà rường Huế đa phần có diện tích nhỏ. Mang cấu trúc mái vòng ôm vào để tránh mưa bão, gió mạnh ở vùng nhiều thiên tai này.
Khác với các vùng khác, nhà rường ở Huế không chuộng gỗ lim vì người dân cho rằng loại gỗ này rất độc, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thêm vào đấy, lim là loại thiết mộc không thể tự huỷ, trái với quy luật sinh, lão, bệnh, tử của nhà Phật. Vì vậy lim được coi là loại gỗ bất tường, không nên sử dụng trong việc làm nhà. Thay vào đó, nhà rường ở Huế được làm từ các loại gỗ bản địa phổ thông như kiền, gõ, và nhất là mít rừng từ Quảng Trị.
Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế là một bức hoạ nổi, với đủ loại đề tài, hoa văn, tuỳ theo khiếu thẩm mỹ và chí hướng của chủ nhân. Nhiều ngóc ngách không ai để ý đến có khi cũng được chạm trổ bằng những chi tiết nhỏ nhất mà mắt thường có thể thấy được.
Theo Xuân Đào – Pháp luật

Exit mobile version