Franz Kafka là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất của thế kỉ XX. Tác phẩm của Kafka, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân, thật sự là những cái mốc của quá trình văn học thế giới(1). Kafka là một hiện tượng mà sự lặp lại sẽ trở thành vô vị(2). Sáng tác của Kafka nói chung, truyện ngắn nói riêng thể hiện sự thay đổi về phương thức phản ánh hiện thực, đó là tiếp cận hiện thực theo hướng huyền thoại hóa, xây dựng một thế giới nghệ thuật đầy phi lí. Kafka sáng tác không nhiều truyện ngắn trong suốt cuộc đời sáng tác. Tuy nhiên những truyện ngắn của ông cũng đủ để làm một cuộc cách tân lớn trong văn học. Một trong những yếu tố tạo nên cuộc cách tân lớn đó chính là cốt truyện.


Cốt truyện không phải là một yếu tố tất yếu cho mọi tác phẩm văn học mà chỉ tồn tại trong những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự và kịch. Theo Trần Đình Sử, cốt truyện được hiểu là hệ thống các sự kiện được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản nhất, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm(3).

Trần Đình Sử cũng cho rằng, cốt truyện thực hiện các chức năng rất quan trọng trong tác phẩm: gắn kết các sự kiện, bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người, tạo ra một ý nghĩa về nhân sinh(4).

Khác với các thể loại tự sự khác, truyện ngắn với các đặc trưng của nó thường tái hiện một khoảnh khắc nào đó của đời sống nhân vật chứ không phải là một quá trình, vì thế cốt truyện của truyện ngắn thường khá sâu và vai trò của các chi tiết, đặc biệt là các chi tiết tiêu biểu, là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nếu truyện ngắn sáng tác theo lối truyền thống thường phát triển theo năm bước: trình bày, khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc, thì truyện ngắn hiện đại thế kỉ XX dường như không chú ý lắm đến cốt truyện, nhiều truyện ngắn còn có xu hướng hủy diệt cốt truyện. Đọc Kafka, người đọc nhận ra nhà văn ít khi xây dựng cốt truyện trên cơ sở những hành động bên ngoài của nhân vật, yếu tố cơ bản của cốt truyện không còn là hệ thống sự kiện bên ngoài tạo nên hình thức vận động của cốt truyện nữa. Trong nhiều truyện ngắn của Kafka, cốt truyện được hư cấu rất đơn giản, dường như không cần đến sự tổ chức, sắp xếp. Từ đó có thể thấy, Kafka không coi cốt truyện là yếu tố hấp dẫn hàng đầu của truyện ngắn nữa. Với những truyện ngắn của mình, Kafka hướng người đọc theo chiều sâu của sự suy nghĩ, khám phá ý nghĩa của chúng.

Nếu như các truyện ngắn sáng tác theo phương thức truyền thống thường ưu tiên hàng đầu cho cốt truyện và đó đồng thời cũng là nhân tố hàng đầu tạo nên cái hay, dở, sự hấp dẫn hay nhàm chán của tác phẩm, thì trong truyện ngắn của Kafka, cốt truyện có vai trò khiêm tốn hơn. Cốt truyện truyện ngắn Kafka không có những xung đột căng thẳng kịch tính, những mâu thuẫn gay gắt cần được giải quyết nhanh chóng. Trái lại cốt truyện thường được nới lỏng, giãn ra, các chi tiết sự kiện hiếm khi xuất hiện dồn dập và cũng không lắt léo. Vì thế, truyện rất khó tóm tắt. Độc giả khó có thể tóm tắt truyện ngắn Mười một người con trai, chỉ có thể biết xuyên suốt cả câu chuyện là nhân vật tôi – người cha kể về mười một người con của mình, ở đó, mỗi người con chỉ là những mảnh nhỏ lắp ghép đầy thiếu hụt, không có ai hoàn thiện. Cũng thật khó để tóm tắt các truyện Hang ổ, Cây cầu, Những thân cây…

Một số truyện cũng tạo ra kiểu phát triển theo năm bước như cốt truyện truyền thống, ví dụ như Hóa thân, nhưng về thực chất, cốt truyện ấy lại không có vai trò gì lắm trong việc thể hiện nội dung cơ bản của tác phẩm. Nếu có thể tóm tắt truyện ngắn Hóa thân người đọc chỉ biết một số thông tin sau: một nhân viên chào hàng tên là Gregor Samsa một buổi sáng thấy mình bị biến thành côn trùng khổng lồ. Từ đó, anh sống biệt lập với gia đình và bị gia đình ruồng bỏ. Cuối cùng, không chịu nổi sự phiền toái mà Samsa mang lại, gia đình anh đã quyết định là anh phải biến mất khỏi cuộc đời này. Câu chuyện kết thúc với cái chết của Gregor. Đó là toàn bộ cốt truyện chính trong truyện ngắn mang dung lượng lớn này. Cốt truyện ấy chưa đủ để nói lên nhiều điều trong lớp nghĩa mênh mang mà nó đang ẩn kín đằng sau tác phẩm: con người bị tha hóa, bị lưu đày trong thế kỉ Chúa đã chết.

Khi cốt truyện được nới lỏng thì Kafka lại đặc biệt chú ý đến vai trò của chi tiết. Để xây dựng cốt truyện, Kafka không có ý định dồn nén các chi tiết mà lại cho chúng lắp ghép với nhau. Trong khi các sự kiện khá đơn giản thì các chi tiết lại rất phong phú, phức tạp. Chúng cứ chồng chéo lên nhau, lắp ghép vào nhau trong một trật tự rất phi logic. Truyện Hóa thân bắt đầu bằng chi tiết Gregor Samsa hóa côn trùng, sau đó lại xuất hiện hàng loạt những chi tiết khác kì quái hơn. Sự thay đổi trong giọng nói của anh với những âm thanh the thé léo nhéo ghê rợn, rền rền như một tiếng thầm thì khiến cho các từ thốt ra chỉ rõ ràng lúc đầu, rồi tiếng đó dâng lên dội lại quanh các từ, phá hủy ý nghĩa của chúng đến mức người nghe không dám chắc là mình có nghe đúng hay không(5) là một chi tiết rất sâu sắc và tinh tế trong việc thể hiện sự tha hóa của con người: con người không thể nghe được những lời mình nói, trong cộng đồng người, không ai hiểu ý nghĩa lời nói của nhau. Tiếp đó, để sự tha hóa tiến lên một mức cao hơn, Kafka đưa ra chi tiết Gregor từ chối những thức ăn thơm ngon mà trước đây anh rất thích để ăn những thức ăn thừa, ôi thối. Đó là một điểm nhấn quan trọng để tách Gregor ra khỏi thế giới con người. Nhưng có lẽ, Kafka còn muốn nói nhiều hơn thế. Ở Gregor không chỉ có quá trình tha hóa mà còn có khát vọng trở lại cuộc sống con người. Kafka đưa ra hàng loạt chi tiết: những hồi tưởng về thời gian quá khứ xa xôi khi Gregor còn là chỗ dựa cho cả gia đình; anh cố gắng hết sức trườn ra khỏi giường để hi vọng có sự thay đổi; anh không nghĩ đến thời gian hiện tại mà luôn nhìn về những ngày tháng tươi đẹp đã qua; anh muốn níu giữ chúng như níu giữ một cái gì đó thuộc về số phận mình bởi nếu anh buông tay thì có nghĩa là anh hoàn toàn chơi vơi, bất lực trong cái thực tại mênh mang những đe dọa và quyền lực. Quá trình chống lại sự tha hóa còn cao hơn khi Gregor nghe thấy tiếng đàn của Grete. Hơn ai hết, Gregor luôn là người hiểu tiếng đàn của cô em gái nhất. Quên đi hình dạng côn trùng, anh cố gắng tiến lại gần Grete mong bày tỏ cảm xúc, tình cảm của mình. Nhưng một lần nữa, anh bị hiểu nhầm. Mọi người trong gia đình sợ hãi và xua đuổi Gregor không thương tiếc. Bên cạnh đó, những chi tiết về sự ghê tởm, khiếp sợ hay sự thay đổi thái độ, phân biệt đối xử của gia đình đối với Samsa trong thời gian anh hóa thân cũng là những chi tiết đắt, góp phần bộc lộ nội dung tư tưởng của tác phẩm. Lần đầu tiên nhìn thấy Gregor trong bộ dạng côn trùng, mẹ anh hoảng sợ đến nỗi mở toang cửa sổ, thò mặt ra ngoài bất chấp thời tiết bên ngoài vô cùng giá lạnh, còn bố của anh thì không chút thương tình… vừa xua anh về phòng vừa rít lên “Xéo đi! Xéo đi!” như một kẻ man rợ(6), rồi chính ông bố là người ban cho anh một cú đầy giải thoát khiến Gregor bay vọt vào trong phòng, máu tuôn đầm đìa(7), ông bố cũng là nguyên nhân gián tiếp góp phần gây ra cái chết của Gregor khi trút cả một đĩa táo ném từng quả một về phái anh trong lần gặp thứ hai. Một quả táo đã trúng vào lưng Gregor và lún sâu xuống, lâu ngày nó thối rữa trên lưng Gregor khiến anh chậm chạp hơn trong mỗi bước di chuyển. Bố mẹ Gregor đều đã không còn tình thương với anh. Chỉ còn duy nhất cô em gái quan tâm, chăm sóc Samsa nhưng cũng được một thời gian ngắn, sau đó em gái anh không còn nghĩ đến việc mang vào cho anh những gì có thể làm anh hài lòng nhất, mà thay vào đó, mỗi sáng mỗi trưa, hai lần trước giờ đi làm, cô hấp tấp dùng chân đẩy vào phòng anh bất cứ thức ăn nào vớ được, và mỗi buổi tối, bằng một nhát chổi, cô quét sạch tất cả ra ngoài, bất kể món ấy anh mới chỉ nếm sơ qua hay để nguyên không động tới – điều này xảy ra thường xuyên nhấ (8), rồi chính cô tuyên bố Nó phải ra đi(9). Không ai trong gia đình này còn chút tình thương yêu nào đối với Gregor Samsa nữa, với họ, anh chỉ là một gánh nặng, một vật đáng ghê tởm. Vậy mà trước khi Gregor hóa bọ, tất cả họ ăn trắng mặc trơn, không làm gì cả và sống hoàn toàn dựa vào đồng lương của anh. Cho nên, Gregor bị ghẻ lạnh, bị lãng quên ngay trong ngôi nhà của mình. Đến lúc hóa côn trùng, anh mới nhận ra sự thật phũ phàng đó. Và cái chết của anh ở cuối truyện có thể coi là một sự bừng tỉnh và giải thoát anh khỏi kiếp sống lưu đày giữa những người thân trong gia đình. Trước khi đi vào cõi chết, Gregor vẫn nghĩ đến gia đình với tất cả tình yêu thương trìu mến, trong khi đó gia đình anh lại cảm ơn Chúa về sự ra đi của anh, họ như trút được một gánh nặng. Họ quyết định đi chơi dạo phố cả ngày.

Đó là những chi tiết rất quan trọng trong sự phát triển cốt truyện của truyện ngắn Hóa thân, nhờ những chi tiết này mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ. Chính vì vậy, chúng là những chi tiết rất đắt giá bởi chúng hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của Kafka về cuộc sống và con người. Thông qua những chi tiết ấy, Kafka muốn nói nhiều về thân phận của con người trong sự cách li hoàn toàn với xã hội. Sự khác lạ ấy khiến cho mọi người không thể chấp nhận và sẵn sàng rũ bỏ, như sẵn sàng rũ bỏ những quá khứ êm đẹp ngày nào. Không chấp nhận Gregor hiện tại có nghĩa là người ta đã quên Gregor trong quá khứ. Con người đang phải sống rất cô đơn giữa tất cả mọi người chẳng khác gì một đống cát, bốc trong tay thì thành nắm, buông ra thì rời thành từng hạt, lấy nước càng hòa trộn vào thì càng tản ra.

Đằng sau rất nhiều những chi tiết tiêu biểu trong một cốt truyện được giãn ra, được nới lỏng là những triết lí thâm trầm. Truyện Nữ ca sĩ Giôdêphin hay là truyện kể về dân chuột là một trường hợp như vậy. Toàn bộ cốt truyện là sức mạnh của tiếng hát, tài năng và lòng say mê nghệ thuật của Giôdêphin, sự cảm nhận khi cuồng nhiệt, khi thờ ơ của dân tộc chuột. Viết về điều này, Kafka không tạo ra tuyến cốt truyện hành động, mà đơn thuần chỉ là sự cảm nhận của nhân vật tôi về số phận của tài năng và nghệ thuật. Những lớp ý nghĩa của truyện được bổ sung cho nhau bởi các chi tiết: Giôdêphin say mê nghệ thuật ngay cả trong những thời kì mà dân tộc chúng tôi gặp phải những rối ren phức tạp nhất, thời kì mà những khổ đau, những nỗi lo lắng phiền muộn làm cho con người ta tìm đến với tiếng hát(10), cũng chính cái không khí lo âu nặng nề do cái thế giới thù địch dân tộc chúng tôi gây nên, đã làm cho số đông khán giả từ chỗ vốn say mê tiếng hát trở thành thờ ơ với nó. Đầu óc họ buộc phải đối phó, giải quyết những nhu cầu bức thiết hơn(11)… Những chi tiết này đã giúp Kafka viết nên một triết lí về cuộc sống: con người nhiều khi chỉ biết đánh nhau, sinh đẻ, mưu toan làm việc như một cái máy mà quên đi mất những cái rất nhỏ bé xung quanh, để đến khi mất nó rồi mới thấy điều đó là quý giá… Và cuộc sống sẽ nhàm chán lạc điệu biết bao nhiêu nếu không có những giây phút thanh thản, yên lặng của tâm hồn. Xa hơn nữa, tác giả muốn cảnh báo một nguy cơ của cuộc sống con người: con người sẽ biến thành đồ vật, máy móc trong một xã hội thừa thông tin, thiếu tâm hồn. Cũng như vậy trong Vô địch nhịn ăn, nghệ sĩ nhịn ăn muốn trở thành nhà vô địch của mọi thời đại. Ông bầu của anh nhốt anh vào trong một cái cũi y như người ta nhốt một con thú, cái cũi đặt cạnh chuồng thú để người đi đường tiện thể dừng chân xem anh. Đây là một chi tiết đầy bi đát nói lên sự nghiệt ngã của thân phận con người nói chung, của người nghệ sĩ nói riêng trong một xã hội mà máy móc đã lấn át hoàn toàn những rung cảm tâm hồn. Những người khao khát vươn lên đến sự tuyệt đối của nghệ thuật lại không được coi trọng, bị quên lãng. Dần dần, người ta không còn hứng thú xem nghệ sĩ nhịn ăn biểu diễn nữa. Người nghệ sĩ với thành tích nhịn đói đã biến mất trong tâm trí mọi người. Anh chết mà không ai biết, người ta tìm thấy anh sau khi dùng sào bới đống rơm ra. Và sau đó họ nhốt một con báo vào thế chỗ của nhà nghệ sĩ. Đó là những chi tiết với sức ám ảnh lớn về thân phận con người. Chúng ta nhận thấy, cốt truyện truyện ngắn Kafka được nới lỏng nhưng với việc sử dụng các chi tiết tiêu biểu, Kafka đã mang đến cho người đọc những trăn trở không nguôi về thân phận con người.

Với cốt truyện được nới lỏng, Kafka chú trọng khai thác hiệu quả của những chi tiết, đôi khi đó là những chi tiết mang tính chất khủng khiếp: đó là chi tiết cái chết như bị ma nước lôi kéo của Georg Bendemann trong Lời tuyên án; chi tiết về hành động vô thức chuẩn bị cho cái chết của Josef K. Trong Giấc mơ, anh cào đất và thấy mọi thứ dường như đã được chuẩn bị từ trước, một lớp đất cứng mỏng đã được đắp lên chỉ để gìn giữ hiện vật, ngay bên dưới nó, một cái hố mở ra, bờ hố thoai thoải, K. chìm xuống hố, lưng lướt nhẹ trên luồng không khí mềm mại(12); chi tiết về cỗ máy đặc biệt dùng để tàn sát con người trong Trại lao cải gồm ba bộ phận với nguyên lí hoạt động: Chiếc răng dài làm nhiệm vụ viết chữ, còn chiếc răng ngắn làm nhiệm vụ tưới nước rửa cho sạch máu để dòng chữ luôn luôn được hiện ra rõ ràng. Nước pha lẫn máu được dẫn vào chiếc máng nhỏ rồi chảy vào một chiếc máng chính và từ đó chảy xuống hố(13). Đây là những chi tiết làm tăng thêm tính chất quái dị, khủng khiếp và mở rộng hơn ý nghĩa của câu chuyện. Con người luôn luôn phải đối mặt với những điều thật khủng khiếp, tựa như một giấc mơ.

Một số truyện ngắn của Kafka lại giống như những bài thơ (Làng gần nhất, Những thân cây, Thông điệp của Hoàng đế). Với những truyện ngắn – bài thơ như thế, cốt truyện không thể rõ ràng, nó đơn giản trong tính phức tạp của hình tượng, nó không có lối kết cấu kịch tính nhưng những gì mà Kafka muốn nói lên trong đó thì không bao giờ vơi cạn. Đó là khát vọng và bi kịch của con người, khát vọng muốn vươn lên cái tuyệt đối trong khi cuộc sống và khả năng của con người là hữu hạn. Cuộc sống có lúc là dòng chảy lặng nhưng nhiều sóng ngầm, là những tiếp nối của những con đường không giới hạn: gã sẽ chẳng bao giờ đi hết được đám đông ấy, và dù nếu có đi được, gã cũng không đi hết nổi, gã sẽ phải đấu tranh để đi xuống cầu thang và dù nếu gã có đi xuống được, gã cũng sẽ không đi hết… và cứ thế cho đến hàng ngàn năm, để cuối cùng gã xông ra cái cổng xa nhất, nhưng không bao giờ, không bao giờ có thể xảy ra chuyện đó(14). Mang sức nặng của tâm trạng, truyện ngắn Kafka giống như một bài thơ dài với điệp trùng ý nghĩa không dễ tóm tắt.

Truyện ngắn Kafka đã thể hiện một chủ đề lớn và có ý nghĩa thời đại: thân phận của con người. Chủ đề này đã trở thành chủ đề trung tâm của cả một dòng văn học phi lí và là mối quan tâm hàng đầu của các nghệ sĩ thế kỉ XX. Kafka đã đưa tầm cỡ lớn lao của chủ đề này vào trong khung cốt truyện truyện ngắn của mình. Vì thế, tuy cốt truyện được nới lỏng nhưng ý nghĩa của truyện lại vô cùng sâu xa. Bằng những chi tiết khác lạ, kì ảo, đã được trung hòa hóa, Kafka mang lại tiếng nói đa âm về thân phận con người, về những mối đe dọa nguy hiểm tới tâm hồn và cuộc sống con người.

Như vậy, với cốt truyện được nới lỏng thì các chi tiết đóng vai trò rất quan trọng trong khung cốt truyện của Kafka. Những chi tiết này không nhằm xây dựng trong truyện ngắn Kafka một cốt truyện hoàn chỉnh, mà nó chỉ là những dấu ấn mang tính biểu trưng, nó khiến cho cốt truyện truyện ngắn Kafka tuy được nới lỏng nhưng lại có một ý nghĩa sâu xa vượt ra khỏi biên giới của câu chữ. Kafka đưa tất cả các sự kiện vào dòng suy tưởng, dòng ý thức của nhân vật, từ đó, mỗi câu chuyện trở thành những ám ảnh về nỗi cô đơn của con người. Chính vì thế, cốt truyện trong truyện ngắn Kafka thiên về bề sâu, chú ý gợi hơn là tả. Đọc truyện ngắn Kafka, người đọc sẽ bất lực trong việc tìm trong những câu chuyện ấy một cái sườn chính. Nhưng chắc chắn trong đó có rất nhiều các biểu tượng và các chi tiết khai thác hoài không cạn.

Trong những truyện ngắn phát triển theo cấu trúc truyền thống, mọi xung đột đến cuối cùng vẫn được giải quyết một cách rõ ràng dù cho xung đột có kịch tính, căng thẳng đến đâu. Vì thế nó mang tính toàn vẹn. Ở truyện ngắn hiện đại, xu hướng của nó là lối kết thúc mở. Sau kết thúc, tình trạng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết một cách toàn vẹn, dòng vận động của truyện chưa chấm hết, lời giải đáp không rõ ràng, số phận nhân vật chưa được thể hiện trọn vẹn. Lối kết thúc này để ngỏ đưa đến cho người đọc những kiến giải khác nhau để họ tự lựa chọn, mở ra nhiều hướng đối thoại với người đọc.

Kafka cũng xây dựng trong truyện ngắn của mình một cốt truyện không khép kín, nó được tạo nên từ sự để ngỏ hành động thông qua những cuộc ra đi không dứt của nhân vật. Có cuộc ra đi là cái chết (Hóa thân, Lời tuyên án, Nữ ca sĩ Giôdêphin hay là truyện kể về dân chuột), có cuộc ra đi chẳng đến đích bao giờ (Làng gần nhất, Thông điệp của Hoàng đế, Một thầy thuốc nông thôn), có cuộc ra đi là giấc mơ khủng khiếp (Giấc mơ)… Trong Làng gần nhất, Kafka kể về người thanh niên đến ngôi làng gần nhất. Chàng trai trong câu chuyện là một thanh niên trẻ, khỏe, có phương tiện, có ý chí… nhưng cả cuộc đời vẫn không thể đi đến đích được. Như vậy, hiển nhiên là phi lí. Nhưng ẩn chứa đằng sau sự phi lí đó là một thông điệp sâu xa. Làng gần nhấtThông điệp của Hoàng đế tạo nên tính chất mơ hồ rộng lớn cho câu chuyện. Đó là xuất phát điểm đầu tiên của kết thúc tác phẩm mở. Người ta có thể đặt các giả thiết: hoặc sứ giả không thể đi hết hậu cung do nó quá rộng thì đó là lỗi của Hoàng đế; hoặc ông ta không thể đi mà cứ chôn chân tại đó do có nhiều cám dỗ thì đó là lỗi của ông ta. Chúng ta không hề biết thông điệp có nội dung gì và nhân vật bạn hoàn toàn xa lạ với giới triều đình. Truyện khép lại khi số phận của bức thông điệp vẫn còn đang di chuyển trong cái mê lộ của hoàng cung, mãi mãi không thể nào đến tay người nhận. Như vậy làm sao có thông điệp? Cũng không có người nào nhận được? Vậy là không có sự thấu hiểu giữa con người với con người, mọi cố gắng giao tiếp giữa con người đều không thể thực hiện được. Đó là sự phi lí của tồn tại trong thế giới này. chính là một ẩn dụ cho mục đích sống của con người, quyết tâm của chàng trai cũng là quyết tâm của con người. Như thế, những mục đích cụ thể thì ai cũng có thể đạt được, nhưng mục đích cuối cùng thì không bao giờ đạt được. Nếu hiểu theo hướng này thì câu chuyện là sự ca ngợi ý chí phấn đấu và vươn lên của con người trong cuộc sống. Nhưng còn có một cách hiểu khác: cuộc đời con người dù đạt được mục đích lớn đến đâu thì cuối cùng chờ đợi họ ở phía trước cũng chỉ là cái chết mà thôi. Đó chính là sự hữu hạn của con người trong vũ trụ vĩnh hằng. Đó là cách thức để ngỏ lí do của hành động, tạo khoảng cách giữa sự việc và mục đích, nghĩa là luôn có sự vận động để đạt tới mục đích nhưng cái đích đó thì không bao giờ đạt được. Như thế thì làng gần nhất lại trở thành làng xa nhất… Sự để ngỏ hành động trong

Khó có thể tìm thấy một kết thúc trọn vẹn, đóng nắp trong truyện ngắn Kafka, thậm chí ở một số truyện người ta còn không tìm thấy đoạn kết. Truyện Hang ổ có một số đoạn khá dài, tới nửa số trang của câu chuyện miêu tả những tiếng động đã làm cho con thú săn mồi già yếu không yên, nhưng lại chấm hết khi người đọc và thậm chí ngay cả con vật ấy cũng chưa biết tiếng động xuất phát từ đâu, con vật giải quyết sự việc này như thế nào. Như vậy, cái dấu hiệu chấm hết, khép lại của câu chuyện chỉ là một cái kết ảo, nó giống như một lời mời gọi người đọc tự mình điền nốt vào tác phẩm những chỗ khuyết thiếu. Hiệu quả của cái kết ảo này thật là to lớn. Trong khi lối kết thúc đóng lại nhấn mạnh vào tính tất yếu của mọi chuyện ở đời, thì lối kết thúc mở nhắc ta nghĩ đến tính dở dang chẳng hề kém hiển nhiên của sự vật. Ở Kafka, tính dở dang của sự vật được nâng lên thành tính dở dang của cả một khả năng, một số phận. Với Kafka, dở dang là bản chất của thế giới. Truyện ngắn của Kafka giống như một câu hỏi lớn không có lời đáp.

Nhiều truyện ngắn của Kafka kết thúc với những câu hỏi đầy day dứt, trăn trở. Đó cũng là yếu tố làm nên kết cấu mở trong truyện ngắn của nhà văn. Không thấy câu trả lời, rõ ràng người đọc tự nhiên muốn giải đáp, tham gia tìm ẩn số cho câu hỏi ấy. Đó là trường hợp của truyện ngắn Về nhà: Điều gì sẽ xảy ra nếu bây giờ có ai mở cửa và hỏi tôi một câu? Chẳng phải chính tôi lúc ấy sẽ ứng xử như một kẻ muốn giữ bí mật của riêng mình hay sao?(15); truyện ngắn Những kẻ qua đường: Và dù gì đi nữa, chẳng lẽ bạn không có quyền cảm thấy mệt mỏi hay sao? Chẳng phải bạn đã uống nhiều rượu hay sao?(16); truyện ngắn Người canh gác: Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm vậy”. Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”(17)

Cốt truyện không khép kín tạo ra tính chất đối thoại giữa tác phẩm và bạn đọc, tạo ra những tình huống giao tiếp giữa tác giả và độc giả. Tác giả đưa ra cho người đọc tiếp nhận và hoàn thiện nó. Truyện ngắn Kafka đã mở ra khả năng giao tiếp vô hạn với người đọc khi nó luôn luôn là một câu đố cần có lời giải, một khoảng trống cần điền nốt, một sự im lặng cần lên tiếng. Đọc truyện ngắn Kafka như là đọc một lời mời gọi tha thiết hãy sáng tạo cùng tác giả. Chính vì thế truyện ngắn của ông mặc dù đã chấm hết nhưng không bao giờ kết thúc.

Với việc tạo nên tính chất không khép kín của cốt truyện trong truyện ngắn Kafka, vai trò của đoạn kết trở nên vô cùng quan trọng. Kết thúc của truyện ngắn Kafka nhiều khi luôn là những cái chết thật buồn của nhân vật. Nó là sự chấm dứt của một thời hạn lưu đày, chấm dứt một cuộc sống xa lạ, bơ vơ ngay trong lòng của những cuộc sống khác: cái chết của Gregor Samsa trong Hóa thân, của Georg Bendermann trong Lời tuyên án, của chàng nghệ sĩ trong Vô địch nhịn ăn. Có cái chết đến rất thanh thản, nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh: hơi thở mong manh cuối cùng của sự sống thoát ra khỏi hai lỗ mũi anh(18); anh vẫn giữ tay bám lấy thành lan can, và qua chấn song lan can, anh đợi một chiếc ô tô chạy qua để nó át đi tiếng rơi của anh… và anh buông hai tay rơi xuống nước(19); chàng nghệ sĩ nói những câu cuối cùng của anh, và trong đôi mắt hết sinh khí của anh vẫn ánh lên niềm tin chắc chắn, mặc dù niềm tin này không còn vẻ tự hào như hồi xưa nữa, rằng anh vẫn cứ tiếp tục nhịn ăn(20); có cái chết là một hình phạt nặng nề đối với nhân vật, dường như có một sức mạnh vô hình buộc nhân vật phải chết: Anh lao ra khỏi cửa, chạy trên hè phố mà có ảm giác như bị ma nước lôi kéo(21), tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó(22)… Và ý nghĩa bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm khi mà cái chết của những nhân vật đó đến ngay sau giây phút mà dường như họ tìm ra lời giải cho những bí mật, những trăn trở của mình. Gregor Samsa khi biết rằng mình vẫn còn khát khao làm người, vẫn muốn sống cuộc sống con người lúc anh nghe thấy tiếng vĩ cầm của cô em gái, thì cũng là lúc anh buộc phải ra đi. Bác nông dân trong Trước cửa pháp luật cũng chỉ biết rằng cánh cửa pháp luật ấy là để dành riêng cho bác lúc bác bắt đầu trút hơi thở cuối cùng. Cây cầu đã thôi làm cầu khi chưa kịp hoàn thành cái nhiệm vụ làm cầu của mình. Những cái chết ấy đã cho thấy: số phận đã đi nhanh hơn những nhân vật – những con người nhỏ bé này một bước, không thể thay đổi được. Sức mạnh của số phận là vô hạn và cái bẫy của tình thế thì thật khủng khiếp.

Có những truyện ngắn của Kafka có mở đầu mà không có kết thúc. Truyện Chó sói và người Ả Rập là một trường hợp như vậy. Tự nhiên nguyên sơ và hoang dã đã lên tiếng mạnh mẽ qua dàn đồng ca của chó sói. Khát vọng hài hòa giữa con người với tự nhiên – khát vọng vĩnh cửu – được thể hiện cấp bách hơn bao giờ hết. Đàn sói muốn có không gian để thở, muốn loài vật phải được chết một cách tự nhiên chứ không phải chết dưới lưỡi dao của người Ả Rập. Phải chăng ngay từ những năm đầu thế kỉ XX, Kafka đã nhìn thấy sự phá hoại thế giới tự nhiên của những con người văn minh, hiện đại? Kết thúc truyện không rõ ràng: cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Đấu tranh không phải để tiêu diệt mà để sinh tồn. Đàn sói (kẻ thù sinh tử của loài người) vẫn phải chấp nhận kẻ giết mình bởi chúng cần tồn tại. Cũng giống như vòng tuần hoàn sinh thái trong tự nhiên và xã hội, mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên nhằm đi tìm sự hài hòa vẫn luôn tồn tại, vận động không ngừng. Và truyện là một cái kết – mở mãi mãi để ngỏ kết luận cuối cùng cho trí tưởng tượng và óc suy tưởng của độc giả.

Với nhiều cách kết thúc khác nhau, truyện ngắn của Kafka giống như một dòng chảy ngầm miên man không ngứt bởi bao sự bất thường. Đó là những kết thúc mở, góp phần tạo cho truyện ngắn Kafka những huyền thoại không dứt về con người và cuộc đời.

Đánh dấu những cách tân trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, Kafka đã mở đầu cho sự phá bỏ cốt truyện trong văn học hiện đại thế kỉ XX. Giảm nhẹ vai trò của cốt truyện nhưng ý nghĩa của truyện lại tầng tầng lớp lớp. Nó chân thực như cuộc sống với đầy đủ các tính chất: nhạt nhẽo, xô bồ, phi lí, nghiệt ngã… Tuy nhiên, khi tiếp cận cuộc sống ấy, ta lại phải tiếp cận nó dưới một hình thức khác, bởi vì mỗi một kết thúc cốt truyện như vậy đã làm cho truyện ngắn Kafka mang một ý vị thâm trầm về thân phận con người và về tình trạng bi đát của họ.

Đoàn Thị Việt Nga

———————————————

(1), (2) – Nguyễn Văn Dân, “Kafka với cuộc chiến chống phi lí”, Văn học nước ngoài, số 4-1996, trang 181.

(3) – Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia HN, H., 1998, trang 85.

(4) – Trần Đình Sử (chủ biên), Giáo trình lí luận văn học, Tập 2, NXB Đại học Sư phạm, H., 2005, trang 57.

(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (18), (19), (21) – Franz Kafka, Tuyển tập tác phẩm, NXB Hội nhà văn – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2003, trang 18, 32, 33, 56, 65, 735, 737, 780, 704 – 705, 798, 67, 758, 757.

(15), (16), (17) – Truyện cực ngắn của Franz Kafka, http://www.my.opera.com

(20) – Franz Kafka, Hang ổ, Lời tuyên án, Mười một người con trai, Trước cửa pháp luật, Vô địch nhịn ăn (Nguyễn Văn Dân dịch), Văn học nước ngoài, số 4-1996, trang 152.

(Tạp chí Văn học nước ngoài số 6/2012)