Những ngày đầu năm Quý Tỵ, người mê sách có tin vui: NXB Tổng Hợp TP.HCM in lại bốn cuốn: Bên lề sách cũ, Nửa đời còn lại, Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tạp pín lù của cụ Vương Hồng Sển. Bốn cuốn sách được in bằng giấy xốp nhẹ, bìa cứng, khiến nhiều người trước đây đã có trên giá sách riêng hoặc đọc qua bốn tác phẩm trên vẫn muốn mua lại ấn bản lần này để đọc lại, sưu tập.
Thú vị hơn, qua bốn cuốn sách này, người đọc có dịp gặp lại, chia sẻ với cụ Vương Hồng Sển trong tư cách một độc giả khiêm cung mà bộc trực, dí dỏm.
Những dòng ghi chú cẩn trọng của cụ Vương bên lề những cuốn sách cũ, trên 2.000 thẻ giấy trong khi đọc sách đã cho thấy một lối đọc tỉ mỉ cẩn trọng của một độc giả lý tưởng. Và rõ ràng, cái sự cẩn trọng truy cứu đến cùng hiểu biết nơi một người đọc là điều trước tiên cần học hỏi.
Bằng việc đọc – phê phán, theo lối nói của Mạnh Tử là “tận tín thư tắc bất như vô thư” (cả tin vào sách chẳng bằng không có sách) ông chỉ ra rất nhiều sơ suất, qua loa trong việc biên khảo, dịch thuật của nhiều người trong chốn học giới, trong đó, có cả những tên tuổi bấy lâu được coi khả tín, đứng tên trên những công trình quan trọng. Cụ vui vẻ tự nhận đó là việc “câu cua”: “Có câu ví: “hãy cho bền chí câu cua, dầu ai câu chạch câu rùa mặc ai!”. Và nghề “câu cua” của tôi là thu mót từ tập sách, cuốn sách bày bán bên lề, và “câu cua” cũng là lối viết bên lề tờ sách, miễn đừng đụng chạm?”
Cụ Vương dành phần lớn dung lượng cuốn Bên lề sách cũ để bàn luận về các địa danh bị phiên âm, diễn giải sai trong những cuốn sách quan trọng về Nam kỳ. Đó là sự “tá hoả tam tinh” trước những bản dịch Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí (Lê Quang Định soạn, Thượng Tân Thị dịch), Gia Định thành thông chí của sử gia Trịnh Hoài Đức (do Tu Trai và Nguyễn Tạo dịch) và cả cái sai do sự thiếu xác minh ở cuốn sử mới Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 của Tạ Chí Đại Trường…
Bên cạnh việc đọc, ghi chú một cách tỉ mỉ, độc giả Vương Hồng Sển còn lần lại lịch sử, văn hoá Khmer (ông viết là Cơ-me), đi thâm nhập thực tế nghiên cứu cơ chế ngữ âm, thổ ngữ, lần dò theo giai thoại, điển tích các vùng miền… Vàm (trong Vàm Cỏ) là gì, tại sao nguồn sông Sài Gòn thì được gọi là Thuỷ Vọt chứ không phải là Thuỷ Bột hay Băng Bột như trong bản dịch của Tu Trai và Nguyễn Tạo, vì sao Gò Vắp chứ không phải Gò Bôi như cách dịch của Thượng Tân Thị; chỉ ra, giải nghĩa những địa danh Việt gốc Miên như Sốc Trăng (từ chữ Srok khléang, nghĩa là sốc có kho bạc), Sa Đéc (từ chữ Psar dek: chợ bán sắt), Mỹ Tho (Mé-sâ: người con gái có nước da trắng), Cần Thơ (Prek Rusei: sông tre), Bến Tre (kompong rusei: vũng tre), Cà Mau (Tuk Khmau: nước đen) hay rạch Bến Nghé (kompong kau-krabey: vũng trâu nghé)…
Và đâu chỉ có chi li tìm kiếm những sai sót để phê phán thẳng thắn, không tiếc những lời lẽ nặng nề bộc trực của người đọc thất vọng về những bản sách quá nhiều lỗi nặng, mà đôi khi tỏ bày sự hoan hỉ khi đọc những cuốn sách, những bài viết dày công phu của bạn hữu cùng thời như Lê Hương với cuốn Người Việt gốc Miên xuất bản năm 1959, Nguyễn Hiến Lê với Thiên ký sự 7 ngày trong Đồng Tháp Mười, học giả Lê Thọ Xuân với Lối phê phán dịch thuật “hấp dẫn, đọc vui”…
Và đâu đó, ta gặp một Vương Hồng Sển là người đọc, người viết khiêm nhượng trong cái cách tự trào đầy thoải mái: “Trên không với tới trời cao, dưới vô phương tới đất thấp, đúng là “thiên bất đáo địa bất chí” chỉ giỏi tài chê? Chữ Hán thì dốt, chữ Nôm tịt mù, tiếng Miên nghe đài phát thanh nói không hiểu câu nào, thế mà lớn gan dám viết thẻ về từ ngữ Cơ-me, quả tôi là thằng không biết lượng sức mình. Nhưng nếu không viết thì làm sao quên được nỗi buồn, lại nữa nay không đóng cọc thì ngày sau khó mà tìm dấu? Vì vậy thôi thì cứ viết?” (tr.170, Bên lề sách cũ).
Với giọng điệu lúc nào cũng tưởng như lượt bượt tài tử, chúng ta bắt gặp thái độ, tinh thần khoa học trong hành xử với sách: “Tỷ như tôi soạn ra đây các danh từ cũ tôi đã gặp, sách cũ viết sao tôi chép lại làm vậy, các bạn hãy lấy đó làm cái mốc nêu tạm trong lúc nầy, để rồi một ngày kia có người hay giỏi hơn tôi, sẽ nương theo tài liệu tạm ấy, sửa đổi lại cho đúng đắn, cân nhắc cho cẩn thận, thì cái công hôm nay của tôi không uổng” (tr.29, sách đã dẫn)
Những cuốn sách của cụ Vương Hồng Sển luôn cho thấy một cốt cách học giả uyên bác, nghiêm cẩn, nhưng, rất bình dị, tự tại trong phần việc của một độc giả yêu sống cho sách.
Nguồn: sgtt.vn