Nguyễn Khắc Phê

Tiếp nối “Từ Dụ Thái hậu” – bộ tiểu thuyết được tặng Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 – 2019), sau hơn 3 năm “thai nghén”, bộ tiểu thuyết 2 tập “Công chúa Đồng Xuân” của tác giả Trần Thùy Mai vừa ra mắt bạn đọc.

Tiểu thuyết 2 tập “Công chúa Đồng Xuân” của tác giả Trần Thùy Mai

“Công chúa Đồng Xuân” có 66 chương, dày 700 trang khổ lớn. Về nhiều phương diện, “Công chúa Đồng Xuân” khác với “Từ Dụ Thái hậu”. Điều dễ thấy là, trong khi Thái hậu Từ Dụ được hậu thế tôn kính, thì Đồng Xuân (tên “cúng cơm” là Gia Phúc, được Thái hậu nhận làm “con út”) ít được nhắc tới. Vậy, tại sao tác giả lại chọn một người không có gì tiêu biểu, thậm chí lắm tai tiếng làm tên sách? Trên trang “Vanvn.vn” của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 5/1/2023, tác giả Minh Hùng viết: “…Công chúa Gia Phúc (Đồng Xuân Công chúa) gắn liền với vụ “hòa gian” tai tiếng của bà với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình”…

Thực ra chuyện “vụ án” chỉ là cái cớ – hoặc là “cái đinh” để tác giả treo bức tranh lớn về một giai đoạn lịch sử đầy những bi kịch của đất nước, từ triều vua Tự Đức cho đến Hàm Nghi. Như thế, “Công chúa Đồng Xuân” ôm chứa những sự kiện lớn của lịch sử từ cuộc khởi nghĩa “Chày vôi”, chuyện anh em giết nhau tranh giành ngôi vua, đến những vụ thảm sát “Tả đạo” và cuộc chiến không cân sức giữa quân đội Hoàng gia với bọn xâm lược, dẫn đến sự kiện “Thất thủ Kinh đô”… Trên nền các sự kiện ấy là những nhân vật gây không ít tranh cãi và ngộ nhận, như: Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Tường và cả Thái hậu Từ Dụ khi bà quyết định quay trở lại Huế, không đi theo Tôn Thất Thuyết ra Tân Sở. Hai bộ tiểu thuyết về triều Nguyễn của Trần Thùy Mai cùng một dòng chảy lịch sử, nhưng theo tôi, “Công chúa Đồng Xuân” có chiều kích rộng lớn hơn, sâu sắc hơn.

Những điều trên mới chỉ là dấu hiệu cho biết đề tài, nội dung tác phẩm rất phong phú, đa dạng. Nhưng trong “Công chúa Đồng Xuân”, với những sự kiện, nhân vật từng có sự đánh giá khác nhau thì góc nhìn của nhà văn rất được bạn đọc quan tâm. Tác giả cho biết, do tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin và cách nhìn nhận về những vấn đề lịch sử đã cởi mở hơn, nên người viết có thuận lợi hơn trước. Tuy vậy, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua những định kiến, nên nhà văn phải rất bản lĩnh, trí tuệ mới nêu được cách nhìn khác có sức thuyết phục người đọc, nhất là khi chạm đến các vấn đề khá nhạy cảm như “hòa hay chiến”, canh tân và bảo thủ, đạo giáo và ngoại bang…

Điều còn khó khăn hơn, với khối lượng nhân vật, sự kiện rộng lớn như thế, làm sao dựng nên một tiểu thuyết hấp dẫn? Và một người như Đồng Xuân, làm sao đóng được vai trò kết nối cả trăm nhân vật hoạt động trên cả ba miền Trung Nam Bắc trong một vở bi kịch lớn kéo dài nửa thế kỷ với 66 màn mà vẫn giữ được khán giả? Rất mừng Trần Thùy Mai đã làm được điều đó…

Bàn về nghệ thuật tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”, ở đây chỉ nêu vài khía cạnh. Trước hết, đó là khả năng xây dựng hệ thống nhân vật có liên hệ đến nhiều sự kiện lớn của đất nước. Từ công chúa Đồng Xuân, tác giả đã tạo nên cả một màng lưới nhân vật gắn kết với nhau chặt chẽ. Đồng Xuân là vợ Nguyễn Lâm, tức là con dâu của Nguyễn Tri Phương; Lâm lại là bạn võ nghệ với anh em Đoàn Trưng, thầm yêu Châu (em Đoàn Trưng); bạn Lâm còn có tráng sĩ Nguyễn Chí người miền Nam, có liên hệ với đại quan Phan Thanh Giản, với nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ và các linh mục… Sau khi Nguyễn Lâm hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội, Nguyễn Chí có điều kiện thổ lộ tình yêu của mình với Đồng Xuân… Vụ án “hòa gian” oan trái từ mối tình này, đến gần cuối tác phẩm mới được tác giả miêu tả. Đây mới chỉ là một “nhánh” của cây “cổ thụ” là mạng lưới nhân vật trong tiểu thuyết. Tất nhiên, bên cạnh hầu hết là các tên tuổi có thật trong sử sách, tác giả đã dựng thêm vài nhân vật trong giới hạn hư cấu hợp lý của nhà tiểu thuyết.

Tiểu thuyết hấp dẫn còn nhờ tính đa thanh của tác phẩm. Trần Thùy Mai không ngại miêu tả những cảnh ái ân giữa vua Thiệu Trị và Tự Đức với các ái phi, giữa vợ chồng Đồng Xuân – Nguyễn Lâm, giữa Đồng Xuân và người tình Nguyễn Chí. Tác giả “tỉ mẩn” liệt kê cả các vị thuốc và cách chăm sóc công chúa khi mới sinh con, những “gia vị” lúc Thiện phi tắm gội, để thêm sức cuốn hút vua Tự Đức yếu nhược vào “bữa tiệc” ái ân.

Bên cạnh những đoạn văn đậm nét riêng tư và phong vị Huế như thế, khung cảnh oai hùng và bi tráng trận đại chiến tại cửa ngõ Sài Gòn vào một ngày Xuân hơn 160 năm trước (ngày 24/2/1861), dễ làm bạn đọc liên tưởng đến trận Waterloo (Oa-téc-lô) nổi tiếng (ngày 18/6/1815), tuy tính chất hai cuộc chiến khác nhau…

Thật đau xót là với đội quân khoảng một vạn lính và hai vạn dân công, với đồn lũy cũng đáng gọi là vĩ đại vào thời điểm đó, với ý chí chiến đấu quên mình của binh lính và tướng lĩnh, kỳ vọng của đại tướng Nguyễn Tri Phương, của cả vua Tự Đức là chặn được bước tiến của đội quân xâm lược đã thất bại. Gần một vạn lính và dân phu đã hy sinh, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương và Phạm Đăng Nhật – em trai Từ Dụ Thái hậu cũng tử vong!… Bài học thất trận từ hơn 160 năm trước hình như vẫn còn tính thời sự. Khi đất nước lạc hậu so với đối phương hàng thế kỷ, lại “cô đơn” không bạn bè giúp sức thì một cá nhân dù thừa dũng khí và tài nghệ như danh tướng Nguyễn Tri Phương cũng không thể “lật được thế cờ”!

Cuộc khởi nghĩa “Chày vôi”, các vụ bạo loạn tranh giành ngôi báu và khung cảnh kinh thành ngày “Thất thủ Kinh đô” cũng lôi cuốn bạn đọc, không chỉ nhờ cách miêu tả cận cảnh, không né tránh những chi tiết khốc liệt và bi thảm mà còn do tác giả đã gửi gắm vào các nhân vật những suy tư, dằn vặt thật đáng suy ngẫm về những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn và mất nước…

Tất nhiên, vẫn có thể còn những lập luận khác – tiểu thuyết và nhà văn chỉ đặt vấn đề chứ không phải là nơi có tiếng nói quyết định cuối cùng. Một tác phẩm gợi ra được những cách nghĩ khác cũng là một thành công của tác giả…

Nguồn: https://baothuathienhue.vn

Exit mobile version