Sau thời gian triển khai hành trình tìm kiếm, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1 – 2013). Danh sách được sắp xếp theo thứ tự a,b,c… theo tên các tỉnh.

Cốm xanh – Hà Nội
Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Vào những chiều thu, vào làng cốm ta sẽ được thưởng thức cái hương thơm ngọt ngào lan tỏa, cùng tiếng chày giã cốm thậm thịch thâu đêm. Từ cốm, người Hà Nội có thêm bánh cốm và chè cốm… những món ăn không kém phần thi vị bởi cái dẻo thơm của cốm, bùi đậm của đậu xanh, sần sật của sợi dừa xắt mỏng.
2. Bánh phu thê – Bắc Ninh
Bánh phu thê được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh có 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.

14. Cà phê Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam. Tuy cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, xuất phát từ Buôn Ma Thuột chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp. Hiện tại theo số liệu niên giám thống kê cách đây vài năm, Đắk Lắk có 174.740 ha cà phê. Đắk Lắk cũng là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha.

15. Nem lai Vung – Đồng Tháp

Nghề làm nem phát triển mạnh ở xã Tân Thành, xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung và được xem là làng nghề truyền thống lâu năm nhất ở Đồng Tháp. Cách làm và chế biến nem khá công phu. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Mức độ lên men, chua mau hay chậm là do lớp lá bọc bên ngoài dày hay mỏng.

23. Bánh đậu xanh – Hải Dương

Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh được đóng theo cách: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam.

28. Tỏi Lý Sơn – Quảng Ngãi

Địa danh huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ gắn liền với quê hương của Hải đội Hoàng Sa, mà đảo tiền tiêu này còn nức tiếng với sản vật hành tỏi có hương vị đậm đà, thơm ngon không đâu sánh bằng. Huyện đảo Lý Sơn từ lâu nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của một vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc.

46. Chè san tuyết Suối Giàng – Yên Bái

Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng tương tự như Sa Pa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè san tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non. Ngay từ những năm 60, thống kê có tới gần 40.000 cây chè san tuyết cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè san tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai ham thích tự nhiên.

Các đặc sản còn lại trong Top 50 gồm: Đường thốt nốt và khô cá lóc – An Giang, Cá thu một nắng và mứt hạt Bàng – Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hạt điều – Bình Phước, Mực một nắng và nước mắm Phan Thiết – Bình Thuận, Tôm khô – Cà Mau, Khô mè Cẩm Lệ – Đà Nẵng, Măng Le khô – Đắk Lắk, Bánh phồng tôm Sa Giang – Đồng Tháp, Mật ong – Gia Lai, Táo mèo – Hà Giang, Măng đắng – Hòa Bình, Tương bần – Hưng Yên, Nước mắm nhỉ Nha Trang và yến sào – Khánh Hòa, Nước mắm Phú Quốc và tiêu Phú Quốc – Kiên Giang, Sâm Ngọc Linh – Kon Tum; Atisô, chè Bảo Lộc và mứt Đà Lạt – Lâm Đồng, Kẹo sìu châu – Nam Định, Nhung hươu và tương Nam Đàn – Nghệ An, Nem Yên Mạc – Ninh Bình, Kẹo mạch nha và quế Trà Bồng – Quảng Ngãi, Chè vằng – Quảng Trị, Bánh in và bánh pía – Sóc Trăng, Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng – Tây Ninh, Chè – Thái Nguyên, Chè lam Phủ Quảng – Thanh Hóa, Mè xửng và tôm chua – Huế, Bánh cáy – Thái Bình, Kẹo cu đơ – Hà Tĩnh, Chè đắng – Cao Bằng.

Hồng Nhung

Nguồn: Dantri

Exit mobile version