Gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và NXB Kim Đồng vừa công bố thêm một số trang nhật ký do gia đình sưu tập được thêm trong khoảng thời gian gần một năm trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhận trách nhiệm đưa đoàn văn nghệ sĩ lên chiến khu đánh giặc bằng vũ khí văn nghệ của mình.

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng


Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được biết đến là tác giả của tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”, kịch “Vũ Như Tô” và các truyện thiếu nhi đặc sắc, như “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”… Đồng thời, ông cũng là một người viết nhật ký chuyên tâm. Trong cuộc đời khá ngắn ngủi của mình (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất năm 48 tuổi), ông đã có ba mươi năm viết nhật ký gần như liên tục, suốt từ năm 18 tuổi cho đến không lâu trước khi qua đời.

Năm 1996, gia đình nhà văn đã cho công bố toàn bộ nhật ký của ông, in thành ba tập với khoảng 1700 trang. Đó là những trang viết đầy tâm huyết của một người khát khao đóng góp với đất nước và cách mạng bằng ngòi bút của mình; là cuộc đời riêng tư của một cá nhân nhưng qua đó cũng cho thấy phần nào bối cảnh đất nước và đời sống văn học trong suốt những năm 1930-1960 với bản lề là cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi ra đời, “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” đã được nhiều bạn đọc, đặc biệt là những người yêu văn chương quan tâm tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng các văn sĩ ở Việt Bắc (ảnh do gia đình cung cấp, đã được in trong cuốn nhật ký của nhà văn)


Gần đây, gia đình nhà văn đã sưu tầm được thêm một số trang nhật ký của ông trong khoảng thời gian gần một năm trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhận trách nhiệm đưa đoàn văn nghệ sĩ lên chiến khu đánh giặc bằng vũ khí văn nghệ của mình. Những trang nhật ký này không chỉ giúp hoàn thiện bức chân dung về một nhà văn dấn thân, nhập cuộc, mà còn giúp bạn đọc có thêm những tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, khi cả nước bước vào cuộc trường kì kháng chiến gian khổ để giành độc lập.

Năm 1996, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã công bố toàn bộ nhật ký của nhà văn với 1700 trang, được in thành 3 tập sách


Tri ân nhà văn, nhà cách mạng đã nỗ lực hết mình vì sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, đồng thời cũng là một người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi, vị Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, NXB Kim Đồng giới thiệu đến bạn đọc bộ nhật ký này của ông với phần bổ sung do gia đình nhà văn cung cấp.

Để giúp độc giả tiện theo dõi, HNMO xin trích đăng một phần trong trang nhật ký được gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mới công bố.
10-12-1946
Gặp Văn Cao. Nói chuyện Hải Phòng. Xử giảo Việt gian. Quạt rơm cho cháy bom để đốt trường bay Cát Bi. Nhiều tự vệ mất hàng 4, 5 chục vạn. Có thanh niên tưởng sắp hút [thuốc phiện], nay rất tinh thần.
Muốn tả Hải Phòng tỉnh của vô sản.
Gửi cho vợ 500$ và các quần áo nói phải đi xa.

11-12-1946

Buổi họp. Nghĩ thêm những khẩu hiệu cụ thể(1).
Phải tổ chức văn nghệ sĩ cho chu đáo. Đi đến đâu phải có tổ chức, phân công, xếp đặt.
Đọc: 100 lettres của Ehrenbourg(2).
Nhan nhản [khẩu hiệu]: Thanh niên sống chết với thủ đô. Sẵn sàng chờ mệnh lệnh của Chính phủ.
Trời mát. Cảnh đẹp. Vậy mà chiến tranh sau lưng!
—————-
(1) Để tuyên truyền, cổ động khi chiến tranh nổ ra.
(2) I.G. Ehrenbourg (1891-1967): nhà văn Nga Xô viết; đây có lẽ là cuốn sách tập hợp một trăm bức thư của ông.

12-12-1946
Trời trở lạnh. Chị phụ nữ tiếp tế thay chiến sĩ.
Đêm. Tiếng hát lộn xộn của trẻ con ở các làng đưa ra: Diệt phát xít, Chiến sĩ Việt Nam, Vô Nam, v.v… Tưởng tượng lúc Tây đến, không có tiếng hát nữa!
Nhu nhược. Không có thì giờ nhất định làm việc. Đau đớn không biết viết gì. Từ Bắc Sơn(1) đến nay không được một vở kịch nào cả! Phải tổ chức cuộc sống. Làm việc cho có phương pháp. Phải ít ra là có một vài vở kịch kháng chiến.
————–
(1) Vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng đã được công diễn từ tháng 4, xuất bản thành sách tháng 7 năm 1946.

13-12-1946

Mưa phùn. Quân sĩ xe bò trên những thân cây lá xùm xòa. Nhiều cây bị đẵn trơ màu vàng bạch. Nhiều cây bị cưa như một vành dây.
Đ.P. Tứ đến xin đi Việt Bắc.

17-12-1946
Trời đẹp quá, mà sao thiên hạ không yên, người ta không bỏ được lòng tham, chiến tranh nấp ở đâu đây!
Sao không được yên mà kiến thiết, mà sáng tác?
Quân Pháp bắt tự vệ, phá hầm. Nã súng đại bác phá nhà. Ở Máy điện, chúng bắn chết một vệ quốc quân gác chung.
Chúng cho Việt gian rải truyền đơn hô hào dân chúng không tiêu giấy bạc Cụ Hồ.

18-12-1946

Sáng sớm, chúng bắn ở trong thành. Có tin chúng charger (nạp đạn) 9 [máy bay] phóng pháo. Có tin lính Đức nổi loạn.
Hà Nội vắng. Tự vệ càng đào hầm. Vệ quốc quân oai phong đứng bảo vệ.
Trên đường Hà Nội – Hà Đông, người chạy loạn, đem tản cư cả tài sản.
Trung ương nhạc viện đến. Một đêm ca nhạc ở thôn quê.
Mỹ(1) bảo mình xấu quá vì phì nộn. Làm gì chả phì nộn vì chả làm gì!
——————
(1) Nguyễn Công Mỹ, Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ.

19-12-1946
Pháp đòi giữ công an!(1) Các phố tấp nập đắp chướng ngại vật. Có nơi ngả cây, cành lá còn um tùm. Các cửa nhà Hoa kiều có dấu cờ thanh thiên bạch nhật, và chua: nhà Hoa kiều, người Việt và người Pháp đừng động tới!
Tối đợi Hương(2) để bàn về việc xếp đặt phát hành sách báo. Tin Pháp đòi tước khí giới tự vệ, hẹn đến 8 giờ 20.
Anh em phải đợi 19 giờ tất có chuyện.
Cùng Châu(3) thuê xe bò để đem sách vở và piano đi. Khoảng 20 giờ 03, ở cửa hàng nước. Bỗng đèn điện lu rồi tắt. Biết ngay là có chuyện. Tiếng súng nổ, rời rạc, rồi bắt đầu rền. Trên đường một couple attardé (đôi tình nhân muộn màng) về như cơn bão.(4)
Cùng Châu về: bị tự vệ giữ không cho về. Gặp xe Trần Huy Liệu đi, có vẻ hốt hoảng. Thấy [Nguyễn Đình] Thi…
Thi kể chuyện, đang ngồi trầm ngâm, bỗng Liệu thét:
– Diệt Pháp!
Cùng Thi, Liệu đem máy radio chạy vào Hà Đông. Hỏi thẻ ở giữa đường rất rát. Tới Hà Đông. Tỉnh bộ lố nhố những người. Vẻ nghiêm trọng.
Vào Thanh Oai. Thời khoa học mà tự vệ đều cầm giáo mác. Xe hàng chạy nhiều, hình như bộ đội. Ở các đường vào làng có bộ đội tiến vào, lom khom và lặng lẽ.
Trên xe với Hương. Xe của quốc phòng. Hương nhanh nhẹn, mau lẹ và uy quyền. Thời bí mật thật là thời của người thanh niên này.
Về Khương Hạ: Văn Cao ở đấy với mấy người công nhân. Tin phá được trường bay. Chiếm trường Bưởi, Tây hàng ở nhà Shell. Không tin là quân mình đã chiếm được Gia Lâm. [Nếu thế thì] đẹp quá!
Trên con đường hẻm, bên một đống rơm, người ta tổ chức khám xét người chạy qua. Một người giơ đèn dầu, một người xem xét giấy má. Còn thì một tốp ngồi trên một chiếc chiếu, chung quanh một ngọn đèn. Luôn luôn có những người kêu gọi: Đồng bào nào chưa có nơi ăn chốn ở thì tạm vào chỗ tản cư, có chỗ ngủ, có nước tử tế. Ở điếm, người ngủ lúc nhúc. Rất cảm động cách tiếp tản cư. Có người thở dài. Có người nói: Khổ nhưng cứ nước độc lập là được rồi.
Súng vẫn bắn và liên thanh lạch tạch.
Suốt đêm không ngủ. Đi đi lại lại. Trời toàn sao.
4 giờ sáng, theo anh Cuống đi tìm anh Hoan(5). Ngóc ngách. Vào một nhà cổ, bàn kê ở ngạch cao, có đèn. Anh Hoan về, đeo súng, giắt lựu đạn. Trèo lên trèo xuống có vẻ một cow boy(6).
5 giờ ra đi. Loạn xạ trong nhà. Có một chị nữ tự vệ đưa đường.
Tin thắng trận càng ngày càng xác nhận. Người ta vui vẻ chỉ lên nền trời, có vành trăng và hai ngôi sao hai bên thấy rõ lắm. Cho là điềm lành. Pháo đỏ: anh tự vệ cho là dấu hiệu của quân mình.
—————–
(1) Ra tối hậu thư đòi nắm giữ công an ta, tức là nắm quyền trị an của Hà Nội.
(2) Đồng chí Mười Hương tức Trần Quốc Hương, cán bộ Đảng phụ trách Văn hóa cứu quốc.
(3) Có lẽ là Ngô Quang Châu, một thành viên Văn hóa cứu quốc.
(4) Những hình ảnh đầu tiên của thời khắc Toàn quốc kháng chiến được tác giả ghi lại trong lúc rút từ Hà Nội ra Hà Đông.
(5) Người trưởng tự vệ đã được nói đến trong nhật ký ngày 3-12.
(6) Cao bồi, chỉ người chăn bò ở Mỹ trước kia.

20-12-1946

Tới Hà Đông. Người chạy loạn. Thanh niên bắc loa truyền tin lời bé và vụng về.
Người ta mừng. Người ta khinh Tây rát. Người ta nói: Nào, xem Hồ Chí Minh có dám đánh không.
Đến phủ T.O. (Thanh Oai) người tấp nập. Hân hoan. Một người hỏi mình sao không ở Hà Nội mà về đây. Thẹn. Quả thật là có những câu hỏi như thế. Có người bào chữa cho mình: mỗi người một việc.
Vào một làng sạch sẽ. Ở gác. Có cả sách của VHCQ (Văn hóa cứu quốc) để từ bao giờ. Hôn B.C.T. (Bùi Công Trừng). Tiếng súng trống chầu dứt.
Phạm Duy theo. Cũng làm tự vệ. Ném 4 lựu đạn, rồi đi. Ở nhà Diêm ta cướp được. Duy chứng kiến lúc treo cờ.
Đêm ngủ yên. Chập tối, súng bắt đầu lại nổ. Tin Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tây đầu hàng không điều kiện. Có tin [Tây] ở Hà Nội cũng muốn hàng.


Theo Hoàng Lân – Hà Nội mới