Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á vừa phối hợp Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng chính thức công bố cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng”.
Sau 3 năm nghiên cứu, biên dịch, nhóm nghiên cứu đã cho ra mắt cuốn sách song ngữ Anh – Việt, dày 288 trang, in khổ 18,5 x 27,5cm do NXB Đại học Quốc gia TPHCM ấn hành. Cuốn sách này dịch nội dung văn khắc của gần 20 văn bia, mảnh vỡ văn bia, trụ tháp, phù điêu, đài thờ… của người Chămpa sang tiếng Anh và tiếng Việt.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng cho biết: Bộ sưu tập văn khắc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng có một giá trị đặc biệt với các loại hình văn bia niên đại sớm (như văn khắc Mỹ Sơn thế kỷ VII – PV) cho đến các loại hình niên đại muộn (như văn bia Drang Lai, thế kỷ XV – PV). Nội dung văn bia này rất đa dạng, hoặc là những bài tụng ca dâng cúng thần linh hoặc chỉ một con chữ để làm ký hiệu cho việc lắp ghép các bộ phận của một đài thờ đồ sộ như đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Đồng Dương đang trưng bày tại bảo tàng.
Trước nay chưa có một công trình nào nghiên cứu toàn diện bộ sưu tập văn bia của Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng mà chỉ rải rác một vài bản dịch tài liệu chuyên môn. Lần này, việc ra đời cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng” của nhóm chuyên gia Pháp thì bộ sưu tập văn bia này đã được khảo cứu tường tận. Đây là tập sách, công trình nghiên cứu đầy đủ nhất cho đến nay về văn bia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng.
Nguồn: SGGP