Nhà văn, nhà báo người Mexico, Elena Poniatowska vừa nhận giải thưởng văn học Cervantes 2014, giải thưởng quan trọng nhất cho tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Đức vua Juan Carlos và nhà văn Elena Poniatowska

Ngày 23/4, Đức vua Tây Ban Nha, Juan Carlos tuyên bố tác giả đoạt giải thưởng văn học Cervantes 2014 trong một buổi lễ trang trọng tại trường Đại học Alcala (thị trấn Alcala), nơi sinh của nhà văn nổi tiếng Miguel de Cervantes.

Elena Poniatowska, 81 tuổi, là người phụ nữ thứ tư được nhận giải thưởng Cervantes trong 40 năm qua. Đây được coi là giải thưởng “Nobel văn học Tây Ban Nha” với phần thưởng trị giá 125.000 euro (tương đương 3,6 tỷ đồng).

Tác phẩm của bà thường khám phá những bất công trong xã hội của đất nước Mexico. Một trong những tác phẩm điều tra nổi tiếng nhất của Elena Poniatowska đó là Massacre in Mexico (tạm dịch Vụ thảm sát ở Mexico). Tác phẩm được coi là biên niên sử năm 1968. Thông qua các cuộc phỏng vấn nhân chứng và người thân của nạn nhân, tác giả viết về vụ thảm sát hàng trăm sinh viên biểu tình dưới bàn tay của quân đội.

Ở một tác phẩm phi hư cấu khác, Nothing, Nobody: The Voices of the Mexico City Earthquake, bà viết về hậu quả của trận động đất năm 1985, trong đó có hơn 10.000 người chết và những hành động chưa hiệu quả của chính phủ.

Elena Poniatowska sinh ra ở Pháp. Cha bà là người Pháp gốc Ba Lan, mẹ là người gốc Mexico, bà chuyển tới quê mẹ sống khi mới 10 tuổi. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những bài báo đăng trên tờ Excelsior và hàng loạt tác phẩm đăng trên các tờ báo tự do khác.

Có nhiều bài báo bà viết về vai trò của phụ nữ Mexico trong lịch sử đất nước như Las Soldaderas: Women of the Mexican Revolution. Thông qua các bức ảnh và ngôn từ, câu chuyện về nữ chiến sĩ được Poniatowska khắc họa rõ nét và sâu sắc.

Trong bài phát biểu nhận giải, bà nói vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho vai trò của phụ nữ. Cùng với đó, bà bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn tới nhà văn vỹ đại Gabriel Garcia Marquez, người đã qua đời tuần trước. Bà cho rằng, tiểu thuyết One Hundred Years of Solitude (Trăm năm cô đơn) đã “chắp cánh cho nền văn học Mỹ-Latinh”. Bà cũng nhắc đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Miguel de Cervantes, Don Quixote tại buổi lễ.

Phương Linh theo BBC