“CÒN VỚI NON SÔNG MỘT CHỮ TÌNH”

(Kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Có thể nói rằng ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài biệt tài chỉ huy quân sự của một vị tướng soái mang tính huyền thoại mà lịch sử và thế giới đã ca ngợi và tôn vinh, ông có một điều đặc biệt có lẽ ngoại trừ Bác Hồ ra ít có ở một vị lãnh tụ nào trong thế kỷ 20, thế kỷ 21 này có được, đó là ông sống trong lòng nhân dân. Hình ảnh một phụ nữ ở Phú Quốc, vượt biển về Cần Thơ chỉ để thắp nén nhang thờ vọng ông ở Hội cựu chiến binh. Hàng ngàn, hàng ngàn người sắp hàng dài cả vài cây số lặng lẽ, trật tự vào nhà Đại tướng để nghiêng mình vĩnh biệt ông, để khóc thương ông, dù chưa đến ngày cả nước để tang ông. Điều đó khẳng định rằng ông còn sống mãi, còn mãi trong mọi người. Với tôi càng hơn vậy. Những kỷ niệm về ông trong tôi là một góc thiêng không bao giờ quên được. Trong tôi thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt đời là vị chỉ huy tối cao, một vị chỉ huy nằm sâu trong tâm thức, có một sức hút, sức truyền cảm to lớn, ngay cả những lúc khó khăn nhất của Đại tướng, sức hút đó trong tôi vẫn nguyên vẹn và đến hôm nay khi ông đã về cõi tiên thì sức hút đó, tình cảm to lớn của ông vẫn lan tỏa, vẫn mạnh mẽ, sâu sắc như khi Người còn trên cõi dương này.

 


Năm 1955, tập kết ra Bắc tôi được phân về đơn vị thiếu sinh quân, ngày ấy tôi chỉ là một cậu bé 15 tuổi mới có 3 năm làm liên lạc. Trong đơn vị tôi có các bạn ở trung đội thiếu niên thành Huế, các trinh sát tí hon Sài Gòn, Đà Nẵng… Trước khi chúng tôi về các trường học sinh miền Nam để học văn hóa thì vinh dự được Đại tướng đến thăm. Lần lượt các bạn thiếu sinh quân của mỗi vùng miền chào báo cáo Đại tướng (như Thủ trưởng đơn vị đã dạy trước). Đến phiên tôi, trong bộ áo lính mới toanh, tôi hồi hộp bước lên, đứng nghiêm cách Đại tướng 5 mét và đưa tay chào theo qui chuẩn nhà binh:

– Kính thưa Đại tướng… cháu có mặt.

Đại tướng cười, ông kéo tôi vào lòng, vỗ nhẹ như nựng trên má tôi và nói :

– Thưa Đại tướng thì không xưng là cháu.

Hôm đó cả Trung đội chúng tôi người lớn nhất cũng chỉ 16 tuổi, mỗi người ở một địa phương khác nhau, nhưng trong vòng tay của Đại tướng chúng tôi như con một nhà, đang quây quần bên người cha, người bác vĩ đại.

Hơn 10 năm sau, khi đó tôi công tác ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng, tôi thường được gặp Đại tướng trong các buổi Đại tướng gặp thăm các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra Bắc chữa bịnh. Một lần tôi nhắc lại chuyện lần đầu gặp Đại tướng, ông vui vẻ giải thích thêm:

– Chúng tôi là lớp đi trước, lớp đàn anh. Trong quân ngũ, trong làm việc mà xưng hô như gia đình thì khó làm việc, các anh cứ gọi tôi là anh, anh Văn là được rồi.

Thật ra tuổi ba tôi còn ít hơn ông 4 tuổi, ông là bậc đàn anh của ba tôi, nhưng theo ý Đại tướng , từ đó tôi gọi ông là anh, anh Văn. Lòng tôi đỡ áy náy hơn khi tôi đọc lại bức thư gởi bộ đội của Bác Hồ ngày 22 tháng 12 năm 1949. Trong thư Bác viết : ” Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta“.

ó

Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh trở về, tôi được tham gia đoàn đại biểu Thanh niên Giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 9 ở Sophia. Tại Đại hội, 134 nước đã nhiệt liệt hoan nghênh Việt Nam và ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ. Họ mang ảnh Bác Hồ và ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên áo, trên mũ, họ in tên Đại tướng. Khi tuần hành, họ hô vang: “Việt Nam – Giáp, Giáp, Giáp”. “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh – Giáp, Giáp, Giáp”. Họ hô đi hô lại, điệp khúc như một khúc quân hành vang vang trên sân vận động, trên đường phố và trong những đêm trắng ủng hộ Việt Nam, gây trong chúng tôi nhiều xúc động mãnh liệt.

Khi về đến Hà Nội, đến thăm Đại tướng, tôi thưa lại chuyện này. Đại tướng xúc động và nói: “Đó là những tình cảm cao quý mà thế giới đã dành cho dân tộc ta. Chúng ta hãy cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu trao gửi đó”. Sự khiêm nhường đó càng để lại trong tôi sự trân trọng và kính phục to lớn hơn đối với Đại tướng.

ó

Sau ngày Bác Hồ mất (1969), LS. Nguyễn Hữu Thọ ra viếng Bác rồi ở lại Hà Nội. Một lần vào khoảng năm 1972, Luật sư gọi tôi cùng đi với ông đến thăm Đại tướng. Hai nhà lãnh đạo nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, biểu hiện sự thân tình của hai nhà trí thức lớn.

Bất ngờ Luật sư hỏi Đại tướng :

– Anh Văn có thấy thách thức quá lớn khi quân Mỹ có vũ khí hiện đại quá không?

– Đại tướng gật đầu : Chúng hiện đại bao nhiêu thì sự dã man của chúng càng nhiều, lòng căm thù của nhân dân sẽ càng cao. Chúng ta sẽ thắng vì chúng ta có dân, tôi chỉ mong làm sao bớt được thương vong cho dân mình.

Và với niềm tin mãnh liệt, Đại tướng hỏi lại Luật sư :

– Anh lo gì nhất khi miền Nam được giải phóng ?

– Tôi lo nhất là đội ngũ cán bộ quản lý chính quyền. Mới hôm qua họ là người cầm súng, liệu có quen được không ?

Đại tướng gật đầu: Tôi cũng nghĩ như anh, chúng ta phải đào tạo và cái cuối cùng vẫn phải nhờ dân quản lý, có dân là có tất cả , làm sao để đảm bảo phát huy dân chủ, tôi lo anh em binh lính của mình, khi đó với men say chiến thắng , tự đắc ra oai với dân thì nguy lắm. Tôi sẽ căn dặn các đơn vị từ bây giờ.

Câu chuyện ngắt quãng bởi những chuyện đời thường nhưng nó thể hiện tầm nhìn xa của Đại tướng và càng rõ nét ông luôn dựa vào dân, chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân chính là sản phẩm tuyệt vời của Đại tướng tổng tư lệnh và chính điều đó đã tạo nên chiến thắng tuyệt vời của dân tộc ta.

ó

Tôi nhớ năm 1974, từ mặt trận Quảng Trị về, tôi đến thăm Ông. Khi bước vào phòng khách là lúc Ông đang lướt trên những phím đàn piano bài hát “Kết đoàn”. Khi xong bản nhạc, Ông đứng dậy vui vẻ bắt tay tôi và hỏi: “Anh có thích bản này không?” Tôi kính thưa với Ông là chúng tôi vẫn thường hát bài “Kết đoàn”. Ông cười: “Anh biết không, khi biết tôi tập đàn piano, Bác Hồ bảo tôi đánh đàn cho Bác nghe. Nghe xong, Bác hỏi tôi có đánh được bài Kết đoàn không? Tôi chủ quan, tập đủ bài đông tây kim cổ mà không tập bài Kết đoàn”. Anh Văn cười rồi nói tiếp: “Anh hiểu ý Bác không? Bác dặn chúng ta phải đoàn kết, nhân dân ta, Đảng ta phải đoàn kết. Chỉ có đoàn kết mới có sức mạnh. Nói điều này, nhiều người nói được, nhưng tổ chức làm được thì chưa tốt”.

ó

Sau giải phóng miền Nam, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn với Đại tướng, tôi thường đến thăm ông, điều đặc biệt tôi luôn thấy ông thư thái, thản nhiên và lúc nào tấm lòng ông cũng vì nhân dân vì đất nước. LS. Nguyễn Hữu Thọ cũng thường gửi thư, quà tặng ông. Một lần Luật sư gởi tặng ông cây bút của Pháp và giao tôi mang ra tặng đại tướng. Ông liền mở ra khai bút và viết thư cám ơn Luật sư, cuối cùng có câu tái bút: “Tôi viết bằng bút của anh gởi tặng”. Ông rất vui với những tình cảm như thế. Có một lần trong lúc nói chuyện với tôi, ông đọc một câu thơ, có lẻ của Giáo sư Đặng Thái Mai (bố vợ ông) :

Cho hay tất thảy đều trôi nổi

Còn với non sông một chữ tình.

Rồi ông nói với tôi : ” Phú ơi, cái gì rồi cũng qua đi, Tình là còn mãi mãi”.

Tôi nhập tâm lời dạy của ông và mãi mãi trọn đời sẽ sống bằng cái tâm cho một chữ tình với đời, với nhân dân, với đất nước.

ó

Năm 2002 tôi báo cáo với ông về tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” do tôi biên soạn từ hàng trăm tác phẩm viết về Bác. Ông cho rằng cách làm này là sáng tạo. Ông nói :

“Một người không thể nhìn thấy và viết đủ về Bác Hồ được. Tuyển từ nhiều người để nối lại thành cuộc đời Bác là cách làm thông minh “. Hôm đó ông tặng tôi mấy tác phẩm của ông viết về Bác.. Nghe tôi thưa nhà xuất bản Thanh niên chuẩn bị in lần thứ 5 quyển: ” Đường Bác Hồ đi cứu nước”, ông hứa sẽ có vài lời.

Mấy ngày sau Đại tá Nguyễn Huyên – trợ lý của ông chuyển cho tôi mấy lời của Đại tướng:

Tác phẩm ” Đường Bác Hồ đi cứu nước” là một công trình sưu tập, biên soạn công phu. Tôi hoan nghênh Tiến sĩ Trình Quang Phú đã có nhiều cố gắng tuyển chọn và biên soạn thành công tác phẩm này.

Tôi rất vui được biết tác phẩm đã tái bản lần thứ 4 và mong quyển sách ” Đường Bác Hồ đi cứu nước” sẽ góp thêm với bạn đọc, nhất là các bạn trẻ những tư liệu qúi về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Nội, Mùa thu 2002

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bút tích này Nhà xuất bản Thanh Niên in trang trọng ở trang đầu của tác phẩm. Đến nay sách đã tái bản đến lần thứ 10 vẫn luôn in lời của Đại tướng. Tôi cám ơn ông đã nâng sức tác phẩm và cho ngòi bút của tôi, tôi coi đó là tình cảm thiêng liêng mà ông đã dành cho sự nghiệp văn chương của tôi.

ó

Thường cứ đến ngày 25 tháng 8 ngày sinh nhật của ông, tôi đến chúc mừng. Vào những ngày này ông có rất nhiều khách, nhưng biết tôi ở miền Nam ra, ông và phu nhân, Giáo sư Đặng Bích Hà cũng luôn dành thời gian tiếp tôi. Một lần vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của ông, tôi và nhà tôi được đến vào cuối giờ, ngay khi ông vừa đi thăm Cao Bằng Pắc Pó trở về. Nhận bó hoa chúc mừng của chúng tôi, ông quay qua nhắc chị Hà lấy tặng chúng tôi mấy ống cơm lam của đồng bào dân tộc ở Pắc Pó tặng. Ông nói: “Ngày xưa Bác Hồ cũng hay ăn cơm này, đồng bào dân tộc nấu dẻo lắm. Anh mang về miền Nam cho các cháu biết cơm lam”. Chúng tôi mang về, các cháu đã chuyền tay nhau nâng niu ống cơm lam và trân trọng đến không dám chẻ ra ăn vì sợ mất đi một kỷ niệm qúi giá.

Mùa xuân năm 2004, Đại tướng và phu nhân vào Nam ăn tết. Theo giờ hẹn, chúng tôi đến thăm, nhưng hôm đó lại đúng lúc đại tướng đang dùng cơm, đ/c cảnh vệ mời chúng tôi ngồi uống nước, như thế là đúng đạo nghĩa lắm rồi. Nhưng không, ông từ bàn ăn bước ra phòng khách bắt tay chúng tôi rồi: ” Xin lỗi, chờ mình một chút”, ông mời chúng tôi uống nước, rồi trở vào dùng cơm tiếp. Chuyện đời thường ấy in đậm trong tôi. Một vị tướng soái cao cả như vậy nhưng từ những xử sự nhỏ nhất ông cũng rất tỉ mĩ . Sự cẩn trọng ấy chỉ có ở người có nhân cách tầm cao.

Hôm đó ông tiếp chúng tôi rất thân mật, nhiều lần hỏi vợ tôi về việc làm ăn kinh doanh ở Công ty. Ông mang ra một cuốn sách dày, quyển “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng” bìa cứng, dày đến 400 trang do ông chủ biên và nói: ” đổi mới, một chút nghe”, ông cười rất tươi. “Năm nay tôi chúc tết anh chị bằng sách thay cho thiệp xuân”. Nói rồi ông để sách lên đùi và ghi ngay ở trang đầu sách.

Chúc đồng chí Trình Quang Phú và gia đình năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc, mọi sự tốt đẹp.

Xuân Giáp Thân 2004″

Ông ký và ghi rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chúng tôi hân hoan hạnh phúc với lời và cách chúc của ông. Ông trao sách cho tôi và dặn : “Anh là người nghiên cứu về Bác phải hiểu sâu tư tưởng của Bác”, tôi “dạ” rồi ôm quyển sách áp vào ngực trái với cả sự kính trọng, xúc động dâng trào và lan tỏa khắp cơ thể. Ông dành cho tôi nhiều tình thương yêu cao cả quá.

ó

Cũng năm đó tỉnh Phú Yên quê tôi, các đ/c lãnh đạo quyết định thành lập giải thưởng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Các đ/c đề nghị tôi trao đổi với Đại tướng, tôi mang ý này báo cáo với ông. Ông vui vẻ nói :

“Việc làm này có ý nghĩa lắm. Anh biết tôi vô cùng qúi trọng anh Ba Thọ (LS. Nguyễn Hữu Thọ) .Tôi sẽ có thư để hoan nghênh việc làm này. Anh nói với các đ/c Phú Yên, tôi rất cám ơn các anh chị trong ấy, tôi có nhiều tình cảm với quân dân Phú Yên lắm”

Hôm sau tôi trở lại theo lời hẹn, ông trao cho tôi bức thư ngoài bì ghi rõ gởi ” đ/c Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Phú Yên”, do chính tự tay Đại tướng viết. Ông nói : Tôi nhớ đ/c Chủ tịch Ủy ban Tỉnh tên là Lộc nhưng không nhớ họ gì nên chỉ ghi đ/c Chủ tịch , kể ra không đúng lắm, anh nói các đ/c ấy thông cảm (đ/c Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Tấn Lộc ngày ấy là chủ tịch UBND Tỉnh). Ông còn biết đ/c Nguyễn Thành Quang  lúc đó là Bí thư tỉnh ủy Phú Yên có cùng ngày sinh với ông, và sinh sau ông 3 thập niên. Ông dặn tôi nhớ theo dõi hoạt động của giải thưởng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và cho ông biết . Bức thư gởi tỉnh Phú Yên, Đại tướng viết:

Kính gửi : Ủy ban nhân dân Tỉnh Phú Yên và Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc sinh thời là tri thức cách mạng lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo xuất sắc cho khối đại đoàn kết dân tộc. Với nhiều nghĩa tình với Phú Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã coi Phú Yên là quê hương thứ hai của mình.

Tỉnh Phú Yên ban hành giải thưởng Nguyễn Hữu Thọ là việc làm có ý nghĩa sâu sắc trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ, đồng thời thể hiện tình cảm trân trọng của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Là người bạn, người đồng chí thân thiết của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tôi rất cảm động khi được lãnh đạo Tỉnh Phú Yên cho biết sẽ ban hành giải thưởng Nguyễn Hữu Thọ.

Tôi tha thiết mong rằng lớp lớp tuổi trẻ Phú Yên, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Phú Yên sẽ không ngừng học tập và lao động sáng tạo để cùng Đảng bộ và nhân dân Phú Yên chiến thắng giặc nghèo khó, đưa Phú Yên tiến nhanh cùng cả nước.

Tôi tin rằng giải thưởng Nguyễn Hữu Thọ sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng lớp trẻ tiến lên ngang tầm thời đại.

Chào thân ái và thắng lợi.

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2004

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi vô cùng cảm ơn ông đã dành những tình cảm sâu đậm với Phú Yên quê hương yêu dấu của tôi.

Từ năm 1993 đến 2008, trong những lần thăm ông, tôi thường được ông tặng sách, giờ giở lại có hơn chục tác phẩm được ông ghi ký tặng. Có khi là do GS Đặng Bích Hà ghi ông ký, nhiều khi chính ông ghi, ghi đủ họ tên của tôi và ký tặng. Có lần chị Hà gọi: “Anh Văn mời anh đến chơi, có sách mới tặng anh đây”. Ngày trước mỗi lần nhận sách Đại tướng tặng, tôi thấy lòng vui và vinh dự. Giờ đây, trước tình cảm trời biển mà nhân dân và thế giới dành cho ông, tôi càng thấy rằng những nét bút và chữ ký của ông trên những trang sách dành cho tôi là vô giá, là niềm vinh dự lớn lao, là tình yêu thương cao đẹp không có gì sánh nổi. Lúc này tôi càng hiểu sâu sắc câu thơ “Còn với non sông một chữ tình” mà ông đã đọc cho tôi nghe. Thưa anh Văn, chữ Tình mà anh đã để lại với non sông, với dân tộc và với nhân loại là trọn vẹn, đầy đủ, vĩ đại và vô cùng sâu sắc. Mười ngày qua, ngày nào tôi cũng khóc anh, khóc bằng nước mắt, khóc từ trái tim và tấm lòng. Khi viết những dòng này nước mắt cũng rưng rưng theo dòng chảy của những tình cảm sâu đậm dâng trọn cho anh.

ó

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời thường nhắc đến các liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, ông đã nghẹn ngào khóc thương và nói trong nước mắt: “Đó là những chàng trai phù đổng đã bay lên trời”. Hôm nay ngày 13/10/2013 tức mồng 9 tháng 9 năm Quí Tỵ, sau 103 năm làm nhiệm vụ thiên sứ ở dương gian, Đại tướng đã về trời trong nước mắt tiếc thương của hàng triệu, hàng triệu người trên khắp mọi miền đất nước. Họ đã khóc bên quan tài ông, khóc trước bàn thờ ông, dù là bàn thờ vọng ở rất xa thi hài ông, họ đã khóc thương trên đường ông đi, họ đã khóc trước màn hình của Truyền hình Việt Nam khi theo dõi trực tiếp lễ tiễn đưa ông… Người xưa nói: khóc thương quá người ra đi sẽ khó đành lòng. Đại tướng ơi, Anh Văn kính yêu ơi, Đại tướng hãy yên lòng ra đi, những gì ông để lại cho đời, cho dân là vô cùng lớn lao và sâu đậm. Hơn lúc nào hết, lúc này, chắc linh hồn Đại tướng thấy rõ đời thương ông như thế nào. Nhân dân đã yêu thương tôn kính Đại tướng, thế giới nể trọng khâm phục tướng quân như thế nào?

Lúc ông còn trên cõi dương mọi người đã quí trọng ông nhưng chính lúc này, khi tiễn ông về cõi tiên mới thấy hết sự vĩ đại của ông, sự thương yêu kính trọng của quân dân Việt Nam, mới thấy ông đã sống trong lòng nhân loại, ông được thế giới khâm phục kính nể như thế nào?. Anh Văn ơi, anh thấy không hàng triệu con tim đang thổn thức, hàng triệu triệu tấm lòng của cả Nnăm châu đang tiễn đưa anh. Cả dân tộc đang buồn đau.Nhưng chính lúc này, lúc đau thương nhất này là lúc mọi người bên nhau, thương yêu và nhường nhịn nhau. Ông ra đi không một lời để lại nhưng chính sự ra đi của ông là một hiệu triệu, một tập hợp tự nguyện, một đồng lòng hợp sức của muôn dân, là cuộc biểu dương lực lượng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trước mọi kẻ thù như sinh thời đại tướng vẫn hằng mong muốn.

ó

Không còn gặp ông  bằng xương bằng thịt, không thể thấy ông cười, không được bắt tay ông , nhưng tôi nghĩ lúc nào ông cũng bên chúng tôi, ông vẫn còn trên cõi đời này, ông sống mãi trong lòng dân tộc. Người ta nói rằng tố chất của một vị tướng soái là phải có Nhân, Trí, Trung, Liêm, Dũng, Tín. Trí tuệ của ông , lòng trung với Đảng với dân của ông, sự khiêm tốn, liêm khiết của ông, lòng dũng cảm, can đảm trong chiến đấu và trong cuộc sống của ông, chữ tín và lòng tin của ông  là ở bậc siêu phàm. Hơn thế, ông là vị tướng soái mà chữ Tâm và chữ Nhẫn luôn trực bên mình. Theo Hán tự chữ Nhẫn có chữ tâm nằm dưới chữ đao. Có thể hiểu rằng nhẫn là khi tâm phải chịu đựng mọi bất cập của đời kể cả cái khốc liệt nhất là binh đao. Nhẫn là từ tâm, từ trái tim chân chính. Ông thương dân, thương lính và yêu thương cuộc đời. Ông  kiên gan chấp nhận những ngang trái, Nhẫn để thanh thản hơn và Nhẫn để yêu thương nhiều hơn. Thế giới gọi ông là vị tướng huyền thoại. là vị tướng thiên tài của thế kỷ. Nhân dân gọi ông là anh hùng dân tộc, là vị nguyên soái trong lòng dân. Với cõi tâm linh ông là bậc tiên thánh. Chúng tôi biết lòng ông vẫn đau đáu về những loạn lạc chết chóc vì chiến tranh vô nghĩa đang diễn ra trên thế giới, về sự đói nghèo, những khó khăn về kinh tế của đất nước. Và chắc chắn ông mong muốn một sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng và của nhân dân cho một Việt Nam thịnh vượng.

Hôm nay khi viết những dòng này thì Đại tướng, người anh Cả của chúng ta đã qui tiên. Xúc động đang trào dâng, đau thương đang nặng trĩu, không thể viết được tất cả, chỉ xin ghi ở đây vài kỷ niệm thiêng liêng ấy như một nén nhang lòng, xin một lần được đứng nghiêm kính chào để tiễn biệt Đại tướng, người anh Cả đầy yêu thương và kính trọng của cả nước và của riêng mình.


Trình Quang Phú

Ngày 13 tháng 10 năm 2013

 

Nguồn: Rút trong tập “Còn với non sông một chữ Tình” (Trình Quang Phú – NXB Hội Nhà Văn)


Exit mobile version