Từ việc ”đội” giá, ùn ùn tái bản sách, treo quảng cáo như quần áo phong cách Mạc Ngôn, váy phong cách ”Phong nhũ phì đồn”… nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc đang tận dụng danh tiếng của chủ nhân Nobel để bán hàng.
Stephen Guo, một người bán sách 36 tuổi ở Bắc Kinh, truy cập vào trang dangdang sáng sớm 12/10 – một ngày sau khi Mạc Ngôn được công bố thắng giải Nobel Văn học 2012. Guo hy vọng có thể mua được hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng – “Ếch” và “Phong nhũ phì đồn” – nhưng gần như tất cả sách của Mạc Ngôn đều trong tình trạng “đã hết”.
Dangdang là siêu thị sách online lớn nhất ở Trung Quốc. Không tìm thấy những gì mong muốn, Stephen Guo tìm đến những cửa hàng sách trực tuyến lớn khác như amazon và cũng nhận được những thông báo tương tự. Anh phải đợi đến 2 ngày sau, cho tới khi một vài cuốn sách của Mạc Ngôn trở lại trạng thái “có sẵn” trên dangdang, nhưng giá của chúng đã tăng 20%.
Mạc Ngôn, 57 tuổi, trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học. Ông nổi tiếng từ năm 1987, khi tiểu thuyết “Cao lương đỏ” được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim cùng tên và gây tiếng vang toàn thế giới. Mạc Ngôn cũng thắng giải văn học Mao Thuẫn, giải thưởng văn học uy tín nhất của Trung Quốc, vào năm ngoái cho tiểu thuyết mới nhất – ”Ếch”.
Sách của Mạc Ngôn luôn trong tình trạng ”đã hết” và tăng giá ngất ngưởng sau thông tin ông đoạt giải Nobel.
Trong suốt một tuần trước khi công bố giải Nobel Văn học 2012, thông tin về khả năng Mạc Ngôn thắng giải đã kích thích sức mua với sách của ông. ”Các tác phẩm của Mạc Ngôn được bán ra với số lượng tăng 6 – 7 lần trước khi ông chính thức nhận giải, và chúng tăng tới 10 lần ở hiện tại”, Wang Fan một thành viên quen thuộc của dangdang nói.
Các cửa hàng sách cũng dấy lên một cơn sốt mua bán sách của Mạc Ngôn. Hôm 15/10, tại Tòa nhà sách Bắc Kinh, cửa hàng sách lớn nhất ở Trung Quốc, người đọc đã giành giật để mua các cuốn sách của nhà văn thắng giải Nobel. Một nhân viên bán hàng cho biết trên Global Times, toàn bộ sách của Mạc Ngôn đã bán hết trong vòng một tuần. ”Cứ 10 phút lại có một khách hàng đến hỏi về sách của Mạc Ngôn và chúng tôi mỏi miệng khi phải trả lời: ”Tất cả đều đã bán hết”, người bán hàng nói.
Ùn ùn tái bản sách Mạc Ngôn
Các nhà xuất bản bận rộn với việc tái bản các cuốn sách của ông để đáp ứng nhu cầu mua của độc giả. ”Tất cả bản in cũ của sách Mạc Ngôn đều đã bán hết trước 11/10 và 200.000 bản in 16 tác phẩm tuyển chọn của Mạc Ngôn đang được in lại”, Cao Yuanyong, biên tập của Nhà xuất bản văn học nghệ thuật Thượng Hải cho biết. Tuyển tập 16 tác phẩm của Mạc Ngôn, bao gồm 11 cuốn tiểu thuyết dài và 5 truyện dài – là những cuốn sách xuất sắc trong sự nghiệp của Mạc Ngôn.
Bìa các cuốn sách cũng được thay mới, trên đó có đề tên tuổi Mạc Ngôn là “người thắng giải Nobel Văn học 2012”. Trong ba ngày sau khi Mạc Ngôn giành giải thưởng, đã có 100.000 đơn hàng đặt sẵn cho các tác phẩm tuyển tập tái bản của Mạc Ngôn. Mỗi cuốn sách được nhà xuất bản bán ra với giá 600 tệ (2 triệu đồng). Các ấn phẩm tái bản mang về cho nhà xuất bản khoảng 60 triệu tệ (200 tỷ đồng) chỉ trong ba ngày.
Nhưng lợi nhuận lớn nhất có thể thuộc về công ty Genuine & Profound Culture Development tại Bắc Kinh. Công ty này nắm quyền tái bản phần lớn sách của Mạc Ngôn, bao gồm một số tiểu thuyết đã xuất bản và quyền xuất bản điện tử những tác phẩm khác chưa công bố của ông. Công ty cũng thu lợi từ những bộ phim và chương trình truyền hình chuyển thể từ tác phẩm của Mạc Ngôn.
”Công ty đã ký hợp đồng với Mạc Ngôn từ cách đây 6 tháng để xuất bản các tác phẩm của ông và sẽ sớm ra nắt một tuyển tập đầy đủ bao gồm 20 cuốn sách của Mạc Ngôn”, Mao Sheng, một quản lý thương mại của công ty, cho biết.
Nhiều cơn sốt ăn theo giải thưởng của Mạc Ngôn.
Giải Nobel của Mạc Ngôn mang về bội tiền cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Ở Cao Mật, tỉnh Sơn Đông – quê hương Mạc Ngôn, các quan chức du lịch địa phương bắt đầu phục dựng ngôi nhà cũ của Mạc Ngôn để biến nó trở thành một địa chỉ văn hóa. Bảo tàng văn học Mạc Ngôn ở Cao Mật cũng được tôn tạo thêm từ hai tầng thành bốn tầng, theo nguồn tin từ báo chí Trung Quốc.
Trên kongfz, một trang web bán sách cũ, một bản sao tiểu thuyết của Mạc Ngôn, “Đàn hương hình”, có chữ ký của nhà văn và xuất bản năm 2001, có giá hơn 180 nghìn tệ (hơn 620 triệu đồng).
Trong đêm Mạc Ngôn thắng giải, Sichuan Langjiu, một công ty rượu nổi tiếng, lập tức công bố một bài báo do Mạc Ngôn viết về sản phẩm của họ. Trong khi đó, các sản phẩm với những lời quảng cáo như ”giày của bố mang phong cách Mạc Ngôn”, ”đồng hồ nam phong cách Mạc Ngôn”, ”váy mùa thu theo phong cách ‘Phong nhũ phì đồn” được bán trên website taobao, trang mua bán online lớn nhất của Trung Quốc.
Trong khi cơn sốt Mạc Ngôn vẫn chưa dứt, chủ nhân mới của giải Nobel Văn học nói với báo chí tại Bắc Kinh hôm 25/10 rằng việc thắng giải Nobel là thứ vinh dự “thoảng qua như phù du”. ”Tôi hy vọng chúng ta có thể hướng sự quan tâm từ giải Nobel văn học tới bản thân nền văn học, từ giải thưởng của Mạc Ngôn tới tất cả các nhà văn Trung Quốc hiện đại. Đây là điều tôi mong đợi nhất”, ông nói.
Nguồn: Vnexpress