Sự giằng xé đan xen giữa hiện tại và quá khứ, câu chuyện hòa hợp văn hóa của người Việt tại Đức được tác giả Karin Kalisa đưa ra trong tiểu thuyết “Con rối tha hương”.
Con rối tha hương bản tiếng Việt -Ảnh: Nho Quân. |
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện có khoảng 125.000 người. Phần nhiều trong số họ ở Đức từ những năm 1980, sang CHDC Đức (Đông Đức) theo hợp đồng lao động, đào tạo nghề giữa hai nước. Họ ở lại, sinh con đẻ cháu trên nước Đức.
Đời sống của cộng đồng người Việt tại Đức thu hút sự quan tâm của không ít người dân bản địa. Karin Kalisa – nhà khoa học Đức nghiên cứu các lĩnh vực ngôn ngữ, triết học và dân tộc học – viết một cuốn tiểu thuyết về người Việt với tiêu đề Sungs Laden (Cửa hiệu của Sung).
Tác phẩm được dịch giả Lê Quang chuyển ngữ sang tiếng Việt với tên Con rối tha hương. Trong khuôn khổ “Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam 2016”, buổi tọa đàm về tiểu thuyết này được tổ chức tối 5-5 tại Viện Goethe Hà Nội.
Con rối tha hương viết về một gia đình Việt kiều ba thế hệ sống tại Đức. Cậu bé Minh – thế hệ nhỏ nhất trong gia đình – đang học tiểu học được yêu cầu mang tới “Tuần thế giới mở” của trường một tiết mục văn hóa mang đậm màu sắc Việt. Cha mẹ Minh là Sung (tên bị viết lệch của Dũng) và Mây nghĩ mãi mà không tìm ra món đồ cần thiết.
Bà Hiền, bà nội Minh, đưa cho cháu một con rối nước. Vật phẩm ấy gây ngạc nhiên, cuốn hút nhiều người trong khu vực gia đình Minh sống. Từ đó, cuộc đời ba thế hệ gia đình Minh được kể, mở rộng ra cuộc sông người Việt tại Đức.
Theo dịch giả Lê Quang, tác giả Karin Kalisa không ngần ngại nói tới những “thói hư tật xấu” của người Việt tại Đức. Đó là những hành động như buôn hàng lậu, tật lắm lời…
Dịch giả Lê Quang kể đôi khi ở Đức anh gặp đồng bào mà không dám chào, vì cứ lo sợ liệu người đồng hương kia có buôn bán hàng lậu hay không. “Ấy vậy mà, không ngờ Kalisa lại nhìn những chuyện ấy với ánh mắt bao dung đến vậy”.
Một tiệm tạp hóa Á châu của người Việt ở Đức – Ảnh: freitag.de |
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ – người có ngót 30 năm sống tại Đức – thừa nhận nữ tác giả nói rất đúng về cộng đồng người Việt khi ấy. Tác giả Quyên hồi tưởng, năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, vấn đề công ăn việc làm cho người Việt tại Đông Đức khi ấy rất khó khăn, vì thế họ làm nhiều việc để mưu sinh.
Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, khi đọc những đoạn Karin Kalisa vạch ra thói xấu của người Việt, ông không bực mình mà trái lại còn tủm tỉm cười. Sở dĩ ông có cảm giác ấy, bởi Karin nói về tật xấu không phải với thái độ miệt thị, trì chiết, lăng mạ.
“Cách nói của Kalisa giống như cách những người yêu phê bình nhau”, ông Thọ nói.
Tác giả Karin Kalisa – Ảnh: morgenpost.de |
Vấn đề hòa hợp cộng đồng của người Việt tại Đức cũng là một nội dung quan trọng mà Karin Kalisa phản ánh trong tiểu thuyết. Trong tác phẩm, nội tâm nhân vật Sung (Dũng) là đại diện cho tâm sự của nhiều người Việt tại Đức.
Sung sinh ra ở Đức, lớn lên ở Đức, anh yêu vài cô gái tóc vàng mũi cao, nhưng rồi cuối cùng vẫn không nhận ra mình. Trong anh có sự giằng xé đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai.
Chỉ tới khi Sung tìm hiểu về cuộc đời của đấng sinh thành, tìm về nguồn cội, anh mới tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình.
Sự khơi mở của văn hóa Việt trên nước Đức được tác giả thể hiện khéo léo trong tiểu thuyết. Con rối mà bà Hiền mang theo như một vật kỷ niệm, khi trao cho đứa cháu sinh ra tại Đức, bà không ngờ rằng nó được những người Đức yêu thích.
Việc khu phố dựng một sân khấu thủy đình để biểu diễn rối nước, người Đức mua con rối cho mình chính là biểu hiện của sự hòa hợp văn hóa. Tiểu thuyết có những đoạn thơ mộng, như việc cửa hàng của Sung bán nón lá. Một thời gian sau những người tóc vàng da trắng trong vùng cũng đội nón của người Việt qua lại trên phố.
Dường như người Việt ở Đức không chỉ vượt qua những giằng xé về căn nguyên nguồn cội, mà văn hóa của họ dần dần len vào đời sống của người Đức.
Sungs Laden – bản nguyên gốc tiếng Đức của Con rối tha hương. -Ảnh: papiergefluester |
Đánh giá về Con rối tha hương, Lê Quang nhận định tác phẩm được viết với tinh thần nhân văn lớn. Dịch giả chuyên chuyển ngữ văn học Đức cho rằng tác giả để cái kết có hậu khiến tiểu thuyết giống một truyện cổ tích thời mới.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ cảm xúc khi đọc Con rối tha hương: “Tôi cũng là người từng tha hương, đọc cuốn này tôi thấy vui có, buồn có, thấm thía lắm. Tôi như gặp lại những người bạn ở Đức cũ, cuộc sống cũ. Một tác giả Đức phải tinh tế lắm mới viết về người Việt mà chạm tới cảm xúc người Việt như vậy”.
Bà Meyer-Zollitsch – Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội – cho biết bà từng trò chuyện với tác giả Karin Kalisa. Nữ tác giả kể rằng tại Berlin, hàng ngày bà đi qua những cửa hiệu của người Việt Nam. Một ngày kia Kalisa tự hỏi mình không biết trong các cửa hiệu đó, người Việt bán những gì.
Bà quyết định vào một cửa hàng làm quen với người bán, các đồ vật Việt. Dần dần, đời sống cộng đồng người Việt tại Đức là mối quan tâm của Karin.
Những người Việt tại đó kể cho Karin nghe câu chuyện về chính cuộc đời họ, đó cũng là chất liệu để bà viết nên cuốn tiểu thuyết.
“Có lẽ chính những câu chuyện cuộc đời của người Việt đã tạo cho tiểu thuyết của Karin độ chân thực, tinh tế” – bà Meyer nói.
Theo Nho Quân – TTO