Con rái cá làng Nguyệt Lãng

Lê Bá Thự

Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo xứ Thanh. Nhưng làng quê nghèo khó này lại có cái tên đẹp và nên thơ – làng Nguyệt Lãng. Trong một bài thơ về làng tôi đã viết: Yêu biết bao cái tên đẹp làng tôi/ Làng Nguyệt Lãng hay vầng trăng đang trôi… Toàn bộ tuổi thơ tôi gắn bó máu thịt với ngôi làng quanh năm làm nghề nông này. Tôi biết làm ruộng từ hồi còn nhỏ. Năm 14 tuổi tôi đã đi bừa cùng mẹ tôi, mẹ một con bò, tôi một con bò, vì người nhỏ, thấp, tôi phải vác bừa lộn ngược khi đi đến ruộng và lúc ra về. Tôi gánh phân cực khỏe, lúc đầu vài chục cân, sau này tôi gánh đến 80kg phân chuồng là bình thường. Nhất là hồi gánh phân cho hợp tác xã nông nghiệp, gánh càng khỏe thì càng được tính nhiều điểm. Những công việc như nhổ mạ, làm cỏ lúa, gánh lúa, đập lúa, tát nước, đào khoai… là những công việc quen thuộc đối với tôi hồi niên thiếu.

So với các bạn cùng trang lứa tôi có biệt tài kiếm cá. Chả thế mà bọn chúng gọi tôi là “con rái cá làng Nguyệt Lãng”. Tôi kiếm cá ban ngày, tôi kiếm cá ban đêm, tôi kiếm cá khi trời mưa, tôi kiếm cá lúc trời nắng. Đến nỗi hồi đó người tôi đen sì như củ súng vì suốt ngày bêu nắng. Bố tôi xót con thường lấy khăn mặt quấn vào cổ tôi cho khỏi bị đen cháy vì nắng. Tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng chục kiểu, cách kiếm cá, bắt cá, bắt cua, bắt ốc, bắt ếch… của tôi hồi trước.

Ao trước nhà tác giả Lê Bá Thự

“Đánh câu cặm” (thuật ngữ làng tôi – có nghĩa là câu cắm xuống đất) bắt cá chuối (cá quả) là một trong số những cách như vậy. Cần câu là một que tre già to bằng ngón tay, dài gần một mét, một đầu vót nhọn để cắm vào đất cho dễ, đầu kia vót mỏng, toàn cật, vừa dẻo vừa dai, nối vào đó đoạn dây cước dài chừng 50-60 cm được buộc vào một lưỡi câu có ngạnh. Tối nào cũng vậy tôi mang vài chục cần câu như vậy đi cắm rải rác ở các bờ ao, bờ ruộng trong làng. Mồi câu là ngóe, lưỡi câu được chọc vào lỗ đít con ngóe để cho nó có thể đung đưa, chạy lên chạy xuống trên mặt nước, lôi cuốn cá. Thấy con mồi sống quá hấp dẫn, quá ngon lành cá chuối lao vào đớp và thế là bị mắc câu. Từ đầu hôm cho tới sáng, cứ độ 2 giờ đồng hồ tôi đi “thăm câu” một lần, để phát hiện và bắt những con cá bị mắc câu. Bắt cá xong tôi lại mắc mồi ngóe vào lưỡi câu để câu tiếp. Mỗi đêm như vậy, tuy mất ngủ,  tôi có thể kiếm được cả chục con cá chuối. Cá chuối hồi đó là cá tự nhiên nên thịt thơm, chắc, cực ngon. Bây giờ ao làng tôi, đồng làng tôi hầu như sạch bóng loại cá chuối hay cá quả tự nhiên này. Lắm khi tôi thấy tiếc.

Năm tôi 14-15 tuổi, nhiều người trong làng lấy làm ngạc nhiên khi đích mục sở thị tôi ngồi câu cá ở bờ ao. Câu cá gì mà một tay cầm cần câu nâng lên nâng xuống, còn tay kia cầm cái roi, hay cần đập nước, bằng cành tre, dài, dẻo, quất xuống nước liên tục, đều đều, tạo nên tiếng kêu “tỏm tỏm”, tạo bọt nước trắng xóa. Tôi đang ngồi câu cá hay tôi đang xua đuổi cá vậy? Tôi đang ngồi câu cá rạo (còn gọi là cá ngạo, có nơi gọi là cá ngão, cá thiếu) đó. Cá rạo thân dài, lườn lưng dày và hơi gù, mình dẹt dần về phía cuối bụng, vảy trắng bạc. Miệng cá rạo rộng và sâu,  môi mỏng và hơi vểnh lên phía trên. Món ăn ưa thích nhất của cá rạo là loài tép. Cho nên tôi thường móc vào lưỡi câu một con tép trắng. Vào mùa xuân, khi các ấu trùng của tép nở thành tép con, cá ngạo đi từng đàn để săn tìm. Đây là thời điểm thích hợp nhất để câu cá rạo. Hễ thấy có nhiều bọt nước là cá rạo lao tới đớp bọt, gặp mồi tép thì đớp luôn và bị mắc câu. Cá rạo rất phàm ăn cho nên câu rất dễ. Thường chỉ vài giờ đồng hồ ngồi câu như vậy là tôi kiếm được chừng mười lăm hai mươi con cá rạo loại to, đủ một bữa rán nhắm rượu và kho đầy một nồi đất. Thịt cá rạo thơm ngon, nhất là cái lườn lưng dày của nó rất nhiều thịt. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thèm cá rạo quê mà một thời rất thân thuộc đối với tôi. Nhưng buồn thay, món cá ngon lành này cũng chỉ còn là một kỷ niệm.

Hồi xưa, trước làng tôi, và cả trước nhà tôi, là một cánh đồng chiêm quanh năm ngập nước, cá, tôm, tép, cua, ốc… nhiều vô kể. Đồng làng chẳng những là nơi trồng lúa lấy lương thục mà còn là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thức ăn sạch, cho cả làng, vì hồi đó chưa hề sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Nước đồng làng tôi sạch đến nỗi, khi đang làm đồng trời nắng chang chang mà khát nước thì tôi chỉ cần ra chổ nước trong lấy nón múc nước uống một cách ngon lành, không hề có chuyện đau bụng. Hầu như suốt ngày tôi ở ngoài đồng, không làm lụng thì tôi kiếm cá, bắt cua, bắt ốc. Một trong những sở trường kiếm cá của tôi là đi úp nơm. Có nhiều cách úp nơm, tôi xin kể ra đây một cách mà tôi ưa thích. Sau vụ gặt tháng mười, sau khi cắt rạ, cánh đồng làng tôi nom mênh mông như một hồ nước cạn. Ở đó có rất nhiều cá, cá quả, cá diếc, cá rô vv… Đấy là lúc lúc lý tưởng cho tôi đi úp nơm kiếm cá. Tôi đeo chiếc giỏ sau lưng, một tay cầm chiếc nơm tre, lội xuống ruộng. Tôi lội ruộng, tôi nghiêng bàn chân phải, khoát nước, sao cho nước tóe ra thật rộng, thật xa, thật mạnh để dọa nạt cá. Mắt tôi chăm chú quan sát vùng nước trước mặt. Hễ phát hiện thấy vẫn đục nổi lên là ngay lập tức tôi úp nơm vào đó. Trong nơm đang có không con diếc thì con rô, không con rô thì con cá quả là cái chắc. Tôi chỉ cần thò tay vào bên trong, khoắng tròn là bắt được con cá bị “trúng nơm”. Người đi úp nơm kiểu này phải có kỹ năng, phải dẻo chân và dẻo bàn chân, phải nhanh mắt, tinh mắt và giỏi nhận biết, phải có nghề, phải nhiều kinh nghiệm. Các loài cá thường có phản xạ chui ngay xuống bùn lủi trốn khi mặt nước bỗng nhiên bị rung động và khi chui xuống bùn như vậy thì cá sẽ tạo ra vẫn đục trên mặt nước cho ta phát hiện. Dựa vào đặc điểm này người ta đã nghĩ ra cách úp nơm ruộng mà ở quê tôi người ta gọi là “úp nơm khoát” (khoát nước). Sau khoảng hai giờ úp nơm khoát như vậy là tôi có đầy giỏ cá mang về.

Nguyệt Lãng

“Kéo khăng” bắt cá ao. Đây là một cách bắt cá khá độc đáo mà hồi nhỏ tôi thường làm, nhất là mùa hè nóng nực. Cách bắt cá này đòi hỏi phải có hai người, một sợi dây thừng và hai chiếc cán dài, tôi thường sử dụng cán nạo tre. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu cán nạo, cách  đầu cán chừng 20cm. Hai người lội xuống ao, tay cầm nơm, mỗi người giữ một cán nạo, đầu có đây thừng chúc xuống dưới và bắt đầu rê dây thừng dọc theo đáy ao, mắt quan sát kỹ mặt nước nơi dây thừng rê qua, hễ phát hiện thấy tăm sủi lên thì dừng “kéo khăng” và ngay lập tức  một người lao tới úp nơm vào chính giữa điểm sủi tăm này. Chắc chắn trong nơm đang có một chú cá quả, hoặc cá diếc hoặc cá rô, thậm chí cá chép chui dưới bùn. Chỉ còn việc thò tay vào trong nơm, khoắng thật mạnh, cho con cá đang bị nhốt cũng xoay tròn quanh nơm, là bắt được con cá. Cách bắt cá này dựa theo đặc tính, theo đó trên đường bơi hễ bất thình lình vấp phải chướng ngại vật là cá chui ngay xuống bùn để trốn tránh nguy hiểm và làm sủi tăm. Những năm sống ở làng, mùa hè chúng tôi hay tắm ao, (toàn tắm truồng, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ, nhưng hồi đó tắm truồng ngụp lặn dưới ao là  “thứ khoái” của lũ trẻ con nhà quê chúng tôi), trước khi tắm tôi và thằng bạn cùng xóm thường rủ nhau “kéo khăng” kiếm vài con cá để rán, hoặc nấu canh chua mà ở quê tôi gọi là “nấu dấm cá” (làng tôi không có sấu, toàn nấu dấm cá bằng mẻ tự gây).

“Man ếch” (dùng đuốc sáng để soi và bắt ếch – thuật ngữ của làng tôi) được coi là cái thú có phần “dã man” của tôi. Ngày trước làng tôi cực kỳ lắm ếch. Ếch nằm trong các hố nhỏ, trong các bụi rậm, các bờ ao… Ngày hè lắm khi trời nắng dài ngày, khô hạn. Thường sau một đợt nắng nóng như vậy trời đổ mưa rào, nước chảy tràn trề, lênh láng, ngập làng xóm, ruộng vườn, trời trở nên mát mẻ, người, vật khỏe hẳn ra, thèm muốn nhiều hơn ngày thường, cây cối tốt tươi trông thấy. Buổi tối mát trời sau một trận mưa rào như vậy là một buổi tối lý tưởng đầy lãng mạn cho những đôi ếch đực ếch cái rủ nhau đi giao phối tại các vũng nước ngoài vườn, ngoài ruộng. Đây cũng là buổi tối lý tưởng cho tôi đi “man ếch”. Tôi kiếm mấy cây nứa khô, đập dập làm bó đuốc (hồi đó chưa có đèn pin như bây giờ). Tôi đốt đuốc và cuộc “man ếch” của tôi bắt đầu. Tôi đi tới những thửa vườn, thửa ruộng có tiếng ếch kêu. Từng đôi một chúng đang say sưa giao phối với nhau trong màn đêm, chẳng còn biết trời đất là gì. Còn tôi chỉ việc soi đuốc, chộp lấy từng cặp cho vào giỏ một cách ngon lành. Bây giờ mường tượng lại, tôi thấy mình quá dã man, quá tàn ác, phá hoại cuộc tình đang đỉnh điểm của những đôi ếch vô tội và vô hại. Nhưng còn biết làm sao ở thời mà miếng ăn là câu thúc hàng ngày. Vài chục đôi ếch bắt được trong một đêm thiên thời địa lợi như vậy là chuyện bình thường, bây giờ có nằm mơ cũng không có đươc, vì còn đâu những con ếch tự nhiên trong môi trường độc hại toàn là hóa chất. Thịt ếch tự nhiên ngon như thế nào thì chắc tôi khỏi nói các bạn cũng biết.

Thỉnh thoảng tôi lại về thăm quê, thăm làng. Lần nào cũng vậy, tôi ra đứng giữa cánh đồng trước làng mà tôi từng gắn bó thời niên thiếu, bây giờ là đồng cạn chứ không còn là đồng chiêm  trũng như hồi trước, ngắm cánh đồng, nhớ lại kỷ niệm xưa. Lúa đồng làng tôi bây giờ năng suất cao hơn xưa nhiều, hầu như năm nào cũng được mùa. Thế nhưng chất độc từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các loại phân hóa học đầu độc môi trường sống của các loài cá, tôm, cua, ốc ếch…(vốn là nguồn thức ăn tự nhiên rất dồi dào từng nuôi sống tôi và cả làng tôi) khiến chúng hầu như biến mất trên cánh đồng làng tôi. Cái được và cái mất. Tôi suy ngẫm: Chẳng biết mình nên vui hay nên buồn.

Hè 2016

Theo Lê Bá Thự

Exit mobile version