Cao một mét bảy lăm, da trắng, người vừa vặn thanh tú, có thể nói Hiếu cũng được trai. Nhà ở Rạch Cùng, nơi tất cả dòng chảy của mạn tứ giác Long Xuyên gọi nhau họp lại lần cuối cùng rồi mới thong thả giã từ về với biển. Hỏi nhà Hiếu ra đó lâu chưa, Hiếu bảo: Em hổng biết. Hồi nhỏ xíu em đã thấy hàng dừa nước với quầy quả nâu nâu xúm xít như bầy con nít ở xóm. Đã thấy những mương nước mặn rặt những rặng ô rô. Cũng lạ. Người ở Rạch Cùng thường lặn lội với đất phèn nước mặn và gió biển, hết thảy từ con nít tới người lớn như cùng màu da nâu nâu, đen đen; riêng Hiếu được trời phú cho nước da trắng hồng, rất ư là nữ tính. May mà cặp mắt với đôi chân mày rậm rịt như chân mày tướng, chiếc mũi cao, miệng rộng và hàng ria mép đã đồng thanh lên tiếng khẳng định giới tính là nam, chứ không thì người ta sẽ gọi là “nhỏ” Hiếu vì cái tội má hồng da trắng rồi.

Với ngoại hình ấy, giá như có một sự học khá thì ắt Hiếu cũng có tương lai sáng rỡ. Điểm mặt bầy con tám đứa, ba má kì vọng nhiều ở Hiếu. Kì vọng từ ngày mới sanh Hiếu ra, thấy vẻ khôi ngô, cả dòng họ rồi ba má đều thầm van vái sau này Hiếu làm cho xóm Rạch Cùng nở mày nở mặt. Ấp ủ là thế nhưng mọi sự oái ăm lại đến ngay cả Hiếu cũng không thể ngờ.

Tám tuổi Hiếu mới học lớp một. Con nít ở ngoài rạch đứa nào cũng thế. Bởi mấy năm đó mới giải phóng, trường lớp chỉ có ở trung tâm các xã, chứ ấp nghèo và trăn trở như Rạch Cùng thì chưa có trường. Chừng căn nhà lá ở ngã ba Mương Củi được dựng lên với mấy cái bàn ghế đóng liên thông, chằng chịt lấy nhau thì tất cả bầy trẻ từ bảy tuổi trở lên mới vào lớp một. Người ta biểu quá tam ba bận, nghĩa là ba năm ngồi lớp một thì cũng đủ điều kiện để vinh danh là “anh hùng dốt”. Ấy mà, Hiếu tới bảy năm lớp một. Tới năm thứ tám thì Hiếu nhứt định không chịu đến lớp nữa. Mười lăm, mười sáu tuổi mà còn học lớp một nữa thì ai coi được. Công cán bảy năm theo đòi đèn sách, hai bốn chữ cái khi đứng mình ên thì Hiếu còn biết nó là A hay B, chứ nó dắt díu khoác vai hoặc ngoéo chân nhau thành vần thành chữ thành dòng thì Hiếu chịu. Về số thì Hiếu tạm khá hơn, ai biểu viết từ một tới mười, ngẫm hồi lâu Hiếu cũng viết xong. Nhưng đừng bắt Hiếu cộng trừ chúng, để thời gian đó Hiếu đi bẻ bông bí mướn cho bà Mười Hoa còn êm hơn.

Chấm dứt nghiệp đèn sách năm mười lăm tuổi, Hiếu ở nhà phụ ba làm rẫy, tối thì đi bắt ba khía, bắt nhái…, hết thảy mấy nghề mò mẫm nơi kênh rạch sông nước đều qua tay Hiếu dễ ợt. Kể cả việc chằm lá là việc của phụ nữ, Hiếu cũng mần tỉnh queo. Được ba năm, Hiếu ra phụ việc cho đại lí bán phân bón thuốc trừ sâu Tư Phát ở Sóc Xoài. Việc của Hiếu là vác phân, lấy thuốc chuyên chở tới tận nhà cho khách.

Minh họa: Lê Anh Vân


Bữa đầu, chủ đại lí biểu phải bịt khẩu trang, đeo găng tay khi vác phân và vào kho lấy thuốc trừ sâu trừ cỏ. Hiếu cười, nhằm nhò gì, ở nhà tui đeo bình, xịt cả hai chục công ruộng đâu bịt bạt gì cũng đâu có sao. Rồi cứ thế, Hiếu an nhiên vừa hút thuốc, uống nước trong lúc mần việc, bà Tư Phát nói riết hổng được cũng buông. Thây kệ nó. Có thân hổng giữ mai mốt đừng đổ thừa nha. Hiếu bảo: Dì đừng ngắt lương của tui là được.

Sự bướng bỉnh của Hiếu đâu qua mắt được nhỏ Phụng. Bữa sáng, Phụng chặn Hiếu ở ngay sàn nước lên xuống:
– Anh Hiếu! Sao không bận áo? Sau này chất độc nhiễm vào người sanh con bị dị tật đó.
Hiếu thoáng đỏ mặt. Con gái gì mà dạn hết cỡ. Không như bé Sáu ở Rạch Cùng, vừa dịu dàng, nhỏ nhẹ, vừa dễ thương. Đôi mắt, ngọn môi của Sáu cứ thường trực trong tâm trí Hiếu. Khi đôi mắt, ngọn môi ấy hiện lên thì bao phân năm chục kí cứ như bao gòn trên vai Hiếu. Thây kệ Phụng. Đừng ỷ thế con chủ mà vẻ chị hai với Hiếu. Gắng mấy mùa nữa, dành dụm đủ tiền nạp tài, tiền mua bông vòng, tiền làm chục mâm cưới bé Sáu là Hiếu sẽ bái bai cái vựa phân này không hẹn ngày trở lại.

Nhưng không chỉ vài ba mùa mà tới gần chục mùa Hiếu mới bứt ra được, hay nói cho đúng là mới dành dụm đủ số tiền cưới vợ. Đâu phải Hiếu ăn xài, lười biếng gì, mà bởi ba má già yếu, lãnh tiền công về phải chi đủ thứ nên sự dành dụm đành chia năm sẻ bảy, làm cho con heo đất Hiếu nuôi chạy theo thời gian một cách nặng nhọc mới đặc ruột. May mà bé Sáu bền bỉ chằm lá âm thầm đợi Hiếu, như nước của Rạch Cùng thủy chung với Rạch Cùng, thủy chung bồi phù sa cho những quầy dừa no căng hơn, cho búp dừa mỗi ngày thêm cứng cáp dẻo dai hơn.

Ngày đám nói, Hiếu bận quần kaki đen, áo sơmi trắng, thắt caravat, mang đôi giày đen. Tóc chải kiểu bảy – ba, xịt gôm mướt rượt, thơm lựng. Túi áo giắt cây viết mạ vàng nhìn sang chảnh. Đây là cây viết bữa bé Sáu đi chợ biên giới Hà Tiên mua về tặng Hiếu. Bé Sáu tặng cả cuốn sổ biểu để Hiếu chép bài ca. Mấy người dì của bé Sáu xì xầm: Trời ơi! Chồng bé Sáu như dân thành phố. Nói chuyện cũng ưa, con nhỏ thiệt có phước. Bé Sáu âu yếm nhìn Hiếu. Hiếu thấy trong ánh mắt Sáu là cả biển cả trời và sự sống. Hiếu lòn tay bấm nhẹ vào eo Sáu như ngầm bảo: Cưng quá! Vợ yêu của anh!

Đêm ấy, lần đầu tiên hai đứa ngồi chung chiếc võng ở vườn. Chao ôi! Ở cái xứ cha mẹ người lớn gì đâu mà khó quá chừng. Từ lúc quen nhau, mỗi khi đến nhà chơi chỉ ngồi ở bộ ngựa trước, mỗi đứa một bên, chính giữa là cây đèn Hoa Kì sáng vật vã. Ngắm bé Sáu qua ánh đèn, lòng Hiếu rộn lên, nhưng chỉ dám ngắm và chuyện bâng quơ không đầu không cuối. Hiếu cũng biết rằng, dù có ánh đèn, nhưng còn cả mấy cặp mắt từ những lỗ vách đang nín thở theo dõi từng cử chỉ của Hiếu. Mấy mùa cúng đình, ngỡ hẹn được đi chung với Sáu, nhưng đi cùng Sáu bao giờ cũng có ít nhất hai người lớn là dì hoặc cô đi kèm. Bởi vậy việc nắm tay hay ôm hôn Sáu là một ước mơ xa xỉ đối với đời trai của Hiếu. Chỉ có đêm nay, đêm mà chính thức hai đứa gọi người lớn hai bên là ba má, Sáu mới dám ngồi chung với Hiếu trên chiếc võng này.

Hiếu choàng tay ẵm bé Sáu hẳn trong lòng. Da thịt con gái. Ôi! Sự khắc nghiệt của cuộc sống, của thời gian dường như trôi biến. Trong vòng tay của Hiếu là một lẵng sen đang ngào ngạt hương. Hiếu chạm chỗ nào cũng là búp đang thầm chín, thầm nở. Hiếu ghì chặt bé Sáu. Sáu nằm ngoan trong vòng tay Hiếu. Môi Hiếu dán chặt vào môi Sáu. Một thế giới mới. Hiếu như chạy, như bay, như lơ lửng. Bầy muỗi lao xao vây quanh. Cái hương tình của gió, của biển, của người như vút lên mây, trăng khẽ khàng vén kẽ lá nhìn xuống như khuyến khích vòng tay Hiếu khép chặt hơn, chặt hơn…

– Sáu ơi! Bắc cho ba bình thủy con!
Tiếng má vọng từ trong nhà ra khiến Sáu hốt hoảng gỡ tay Hiếu ngồi dậy. Trăng cười loang loang trên lá như biểu Hiếu: Từ từ mà. Cơm chưa ăn gạo còn đó. Gấp gì. Hiếu hậm hực trút cặp mắt đang dần tối lại như đêm vào trăng, thấy ghét.

Còn ba tháng mới tới đám cưới mà lòng Hiếu đứng ngồi không yên. Ngọn môi của bé Sáu như có ma lực dẫn dụ. Giữa trưa nắng Hiếu cũng ầm ầm phóng xuống dòng Rạch Cùng. Bầy nước xoáy vào da thịt Hiếu như vuốt ve chia sẻ và ngầm làm dịu những rắc rối trong Hiếu. Nhiều bữa, bầy nước như đầu hàng cơn nóng hực dai dẳng của Hiếu đành lững lờ thây kệ. Hiếu phải chui vào mé ô rô, cóc kèn cho nó đâm xước đâm xáo tóe máu trên da thịt, thì mới tỉnh và lóp ngóp lên bờ.

Bữa cách ngày cưới chừng một tuần, ba má vợ nhắn Hiếu đưa bé Sáu lên xã làm giấy kết hôn. Từ nhỏ đến lớn Hiếu biết gì là giấy kết hôn. Chị Ba Rạng bảo lên xã có cán bộ hướng dẫn, dễ ẹc à. Nghe thế, Hiếu cũng an tâm. Hiếu hăm hở bơi xuồng sang Rạch Cùng đón Sáu. Mô phật! Bữa nay hổng ai đòi theo. Hiếu lượm cây dầm bơi mũi quăng lên bờ. Má vợ cười bảo: Nước ngược để con Sáu phụ bơi chứ. Hiếu đáp: Hổng sao má ạ. Sáu ngồi tát nước cho con là được. Dì Bảy liếc má vợ Hiếu cười cười: Thằng Hiếu cưng vợ nó mà. Hổng bù tui với chị mỗi lần đi chợ bơi muốn rụng tay, mấy ổng chỉ ngồi hút thuốc. Sáu bẽn lẽn trong bộ bà ba tím và chiếc nón lá trắng bước xuống xuồng ngồi trên sạp lái. Chiếc xuồng khẽ tròng trành và rồi lướt nhẹ trên dòng Rạch Cùng, hút xa dần ánh mắt dõi theo của má vợ và dì Bảy.

Xuồng đi chừng nửa cây số, hai bên bờ đã bớt nhà, chỉ còn màu xanh của vườn dừa, vườn chuối, Hiếu lơi tay dầm kéo bé Sáu sát vào lòng, mũi xuồng xoay xoay rồi lủi vô rặng ô rô, Sáu mất đà ngã hẳn vào lòng Hiếu. Chỉ đợi thế, Hiếu dán cặp môi đang như sốt bốn mươi độ vào môi Sáu. Đoạn từ nhà lên xã hơn bảy cây số mà Hiếu cho mũi xuồng lủi vô rặng ô rô cỡ chục lần. Cứ năm phút lơi dầm thì lại hai mươi phút Hiếu hối hả bơi. Chừng nước chảy ngập con xuồng, Sáu cúi xuống cầm miếng đế dép Lào định tát. Hiếu giành lấy, miệng nói: Để anh. Sáu lấy khăn mùi xoa chặm những giọt mồ hôi trên mặt Hiếu, cảm giác yêu thương ùa tới rộng lòng.

Xuồng cập bến sông Vàm Răng cũng lố trưa. Hên. Cô cán bộ tư pháp hộ tịch cũng còn ở đó. Hiếu dắt Sáu vào ngồi đợi.
– Anh chị có đem theo hộ khẩu, chứng minh không?
– Có!
Cô cán bộ nhìn Hiếu, cũng chững chạc như hôm đám nói, áo sơ mi trắng giắt sang chảnh cây viết mạ vàng.
– Anh chị điền thông tin vào giấy này và cùng kí tên nha.

Hiếu cầm tờ giấy có viền màu đỏ, trong đó lung tung những chữ. Hiếu cũng giả đò dán mắt vào tờ giấy như đang đọc. Ui trời! Mồ hôi túa ra. Môi Hiếu lúc này không nóng bốn mươi độ nữa mà dường như chuyển đột ngột còn năm độ tái ngắt. Bữa hổm lỡ khoe với bên vợ học hết lớp chín, Sáu biểu vậy là ngon rùi, chồng hơn vợ tới bốn lớp thì mai mốt dạy con cũng giỏi.
– Anh chị điền nhanh cho em trình kí!
Cô cán bộ tên Ngà giục làm Hiếu luống cuống hơn. Hổng lẽ nói thẳng với bé Sáu là anh không biết chữ. Mà không biết chữ thì Sáu có thương mình nữa không. Mất mặt quá. Làm sao bây giờ.

Hiếu rờ tay lên túi áo. Cây viết bây giờ nó không phải làm duyên cho Hiếu nữa mà nó như tô đậm thêm cái bằng chứng về tội nói dối. Bảy năm lớp một, “anh hùng dốt” lúc này hiện lên khúc khích cười Hiếu. Chợt câu nói ông bà thảng qua: Thế gian đặng vợ hỏng chồng. Biết đâu trình độ lớp năm của Sáu sẽ cứu được Hiếu lúc này.
– Em đọc và điền vào đi. Chữ con gái mềm đẹp hơn anh!

Sáu thoáng lưỡng lự, nhưng nhìn ánh mắt đầy khuyến khích tin tưởng và cả khẩn cầu của Hiếu nên đặt tờ giấy trên bàn, lấy trong giỏ xách ra hai sổ hộ khẩu, hai giấy chứng minh và nắn nót viết.
Hiếu tươi tỉnh hẳn. Hiếu bước ra hành lang hút thuốc, khói thuốc cuộn tròn trước mắt Hiếu không chịu bay cũng không chịu tan. Hiếu lấy tay khoát mạnh, cái vòng khói ngoáy tít một lúc như đuôi thằn lằn bị đứt rồi mới chịu biến mất. Đúng là cảnh cũng biết bắt thóp người. Đang thừng thững với cái vòng tròn khói thuốc thì tiếng Sáu gọi:
– Anh vào kí nè.

Chết cha. Biết gì mà kí, hổng lẽ lăn tay, hổng lẽ gạch thập. Lăn tay là dùng ngón trỏ chấm vào cái hộp tăm bông đỏ chót như máu, rồi đặt lên chỗ cần kí lăn hết phần vừa chấm mực giống hồi làm chứng minh nhân dân. Gạch thập đơn giản hơn, chỉ cần gạch một cái dấu cộng vào chỗ kí là xong. Những chuyện đó chỉ dành cho người già, người mù chữ. Còn Hiếu thì trẻ phơi phới, mặt mũi lại sáng trưng. Làm sao giờ? Mồ hôi lại tươm tướp trên mặt Hiếu. Chợt nhớ mỗi lần má kiếm đồ không gặp đều nói: Vái trời cho con kiếm gặp con cúng nải chuối. Vái xong thể nào sau đó vài tiếng là tìm gặp. Hiếu cũng lầm rầm vái, dường như trời thương, một quầng sáng vút qua. Hiếu ngoắc Sáu ra: Em kí tên giùm anh đi, tay anh bơi xuồng hồi nãy giờ tê cứng ngắc. Sao được anh! Phải có chữ kí của chồng của vợ chứ. Khờ. Mình thương nhau gần chục năm rồi. Không có cái giấy này anh cũng thương em mà. Em cứ viết tên anh đi.

Tranh thủ lúc cô Ngà đang bận bịu lật sấp giấy tờ, Sáu tẩn mẩn nắn nót kí tên chồng bằng một chữ rõ ràng như thể cho trẻ đang tập đánh vần dễ đọc: Hờ iêu hiêu sắc hiếu.
– Anh chị đợi em trình kí chút!
Hiếu thở phào, tai qua nạn khỏi. Cầu trời cho từ nay tới bữa cưới đừng có vụ đọc viết gì nữa. Chừng cưới xong rùi thì nói thiệt, ván đã đóng thuyền chắc bé Sáu đâu nỡ, hổng chừng lại thành đồng minh giúp chồng giấu chữ giấu dốt cũng nên.

*
*    *

Ngoắt đi ngoắt lại cũng tám năm. Cái giấy kết hôn bữa đó được bé Sáu cẩn thận cất trong ngăn tủ giường hộp, Hiếu chưa một lần thăm nó, và cũng quên luôn. Hiếu chỉ nhớ nhất đêm mà vợ chồng Hiếu kết hôn thật sự trong buồng cưới.

Đó là đêm mùng chín tháng năm, sau tết mùng năm mấy bữa. Tội nghiệp Sáu, chùi hết bộ nồi cho sáng trưng thì cũng đỏ đèn. Lệ ở xóm cũng lạ. Nhà ai có đám cưới, đàn bà con gái lại tiếp nấu nướng dưới sự chỉ huy của bà thợ nấu đều răm rắp. Đêm nhóm họ, mấy đứa gái mới lớn ngồi đón mâm chén rửa mà vui. Bởi con gái muốn có chồng đàng hoàng phải siêng việc bếp núc, chứ ngồi reo ngoài bàn uống trà như đàn ông là kể như bỏ. Gái quê ngoan thế nhưng đáo để cũng không kém. Nhà trai rước dâu về, làm lễ, đãi khách xong thì cô dâu phải mặc bộ bà ba xuống bếp dọn dẹp. Cực khổ nhứt là cái vụ chùi nồi. Bọn con gái ở xóm chừa phần cho cô dâu đủ năm cái nồi nấu ba ngày đen thui đen thủi, cô dâu phải chùi cho trắng bóng như mặt kiếng. Nhưng việc đó đối với bé Sáu không gì là khó, bởi hôm trước Hiếu đã lén lấy mỡ thoa khắp bên ngoài nồi trước khi giao cho thợ nấu, rồi lại sang nhà bà Chín nấu rượu xin một thau tro trấu về để sẵn. Ngộ lắm. Cứ tro trấu với xơ dừa chà miết lên là nồi nào cũng bóng hới. Với lại, Sáu cũng đã từng chùi nồi tiếp cho chị Ba, chị Tư là chị dâu của Sáu nên bước thử thách dâu mới ngày đầu tiên kể như qua.

Đêm tân hôn ở quê thật lạ. Trời mưa liu riu. Cả nhà đã mệt nhoài vì lo đám cưới nên ai đấy đều ngủ sớm. Khuya, tiếng ếch bắt cặp oàm oạp gọi nhau sau vách hè. Hiếu ôm gọn vợ trong tay, bàn tay háo hức bật tung những chiếc nút bấm. Đêm chợt sáng bừng khi Hiếu chạm vào làn da Sáu. Không phải sáng mà là lửa. Lửa lại ngùn ngụt cháy trong Hiếu, Sáu cũng thế. Môi Hiếu háo hức lần tìm môi Sáu. Hai thân hình căng cứng quấn riết bện chặt vào nhau. Hình như thời gian ngừng lại. Cái gì thôi thúc, cái gì giục giã. Hiếu không thể chậm được nữa. Hiếu đã chờ giây phút này từ lâu lắm rồi. Hiếu chạy. Hiếu bay. Ôi! Gần tới đích rồi. Một chút nữa. Hiếu thở gấp. Thở gấp. Sáu cong người đón dòng nóng bỏng từ Hiếu. Vách hè lại rộ lên tiếng ếch rồi thoảng dần. Hiếu vùi mặt vào ngực vợ ngủ ngon lành.

Sau cưới chừng ba tháng thì bé Sáu bị ói. Ăn vô gì là ói nấy. Nhưng ăn dừa nước thì không ói. Tưởng gì chứ dừa nước là đặc sản của Rạch Cùng. Mỗi ngày Hiếu phải đốn từ ba đến bốn quầy cho Sáu chẻ ra ăn. Sáu trút nước và nạo cái dừa bỏ vào trong ca, thêm chút đường là ăn ngon lành. Dì Bảy nói thằng Hiếu với bé Sáu sanh con đẹp phải biết. Thì hẳn rùi. Vợ chồng con là trai đẹp gái xinh mà, vừa nói Hiếu vừa nheo nheo mắt cười với Sáu. Hạnh phúc như dòng chảy của Rạch Cùng lúc nào cũng đầy đặn dịu êm.

Hạnh phúc của kẻ quê dốt chữ như Hiếu cũng hứng nắng đội mưa, cũng lặn ngụp bắt tôm bắt cá mưu sinh ngỡ bình an, ngỡ bàn tay không hở kẽ nào. Người ta thường nói, người tính không bằng trời tính. Mà thiệt. Ở cái nơi cuối sông đầu biển Hiếu mong tình vợ chồng đơm hoa kết trái, vợ chồng con cái ríu rít bên nhau sớm hôm bên liếp rau rặng dừa là hạnh phúc rồi. Ai dè đâu, vợ Hiếu sinh con trai, giáp năm rồi hai, ba năm thấy nó chỉ dài ngoẵng chứ không thấy nói, thấy ngồi gì. Hai vợ chồng đã kiên trì tìm thầy kiếm thuốc, ẵm bồng con đi khắp các bệnh viện, nhưng cuối cùng đành mang nó về Rạch Cùng. Đêm đêm nó quấn riết lấy mẹ, buông ra là nó khóc ú ớ. Ngặt nữa là nó không chịu nằm giường, hai mẹ con cứ phải đu nhau trên võng. Hiếu giăng võng trong mùng để vợ con tòn teng, còn Hiếu thì nằm chèo queo dưới giường. Ngắm trẻ ở xóm chạy lưng tưng hoặc bi bô gọi ba gọi má, lòng Hiếu như thắt lại, quặn lòng thương vợ thương con hơn nhưng chẳng biết làm sao. Hiếu lại lao vào công việc. Ai mướn gì cũng làm.

Hiếu cùng thằng Mính con anh Năm Beo đi xịt thuốc sâu. Thấy Hiếu bịt khẩu trang mặc áo mưa đeo găng tay bít bùng, Mính cười: Chú kĩ quá. Hổng sao đâu.
Hiếu khùng lên kéo nó tuồn tuột vào nhà, chỉ vào đứa con và nói: Mày thấy có sao không? Đó. Hồi đó tao cũng ngạo nghễ như mày, bây giờ em mày tám tuổi không biết cười cũng không biết đi. Thấy vui không?

Thằng Mính ngẩn người, rồi chảy nước mắt lí nhí đáp: Con biết rồi chú.
Từ bận đó, bọn trai trong xóm khi đi xịt thuốc sâu thuốc cỏ hết thảy đều bịt khẩu trang, áo nón bao tay bít bùng, có đứa còn cẩn thận uống nước đá chanh trước và sau khi đeo bình xịt.

Sáu giờ người gầy nhom, hậu quả của những đêm trắng ru con. Tóc Hiếu cũng bạc nhiều. Mỗi đêm hai vợ chồng nắm tay nhau theo nhịp võng mà thương nhau hơn. Nuôi con càng lớn càng dặt dẹo khó nết. Âu cũng mệnh trời. Rạch Cùng bao năm vẫn cứ hàng dừa nước cho quả như nâu hơn, lá xanh hơn dài hơn mà phận người vẫn cứ lam lũ, trầy trợt.

Nghe nói người ta sắp làm đê ngăn mặn, hàng dừa nước này sẽ được dời ra sát mí biển. Ngã ba Mương Củi sẽ được xây cống ngăn mặn chắc chắn. Khi đó ruộng lúa sẽ sạ hai vụ, ba vụ… con nước Rạch Cùng sẽ trở dòng. Nếu chuyện đó xảy ra thì nhất định Hiếu sẽ đi kiếm thầy học chữ. Hiếu nghĩ do hồi nhỏ ham chơi nên chữ giận mà bỏ Hiếu, chứ giờ có tuổi không chừng chữ nó niệm tình mà làm bạn cũng nên. Phải có con chữ mới đọc này đọc kia để hiểu biết. Đi tiệm mua từ bọc xà bông, chai dầu gội, gói mì chủ tiệm nhắn: Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nha. Hiếu toàn phải đọc hình… đoán chữ.

“Để em dạy cho anh”, bé Sáu thầm thì. Em không chê anh à? Khờ. Là vợ chồng rồi, “xấu chàng hổ ai chứ”. Ừ. Học thầy không tày học… vợ. Hiếu kéo vợ sát vào lòng và hôn lên đôi môi đang sắp sốt. Đứa con nằm trên võng mở mắt nhìn ba má nó như sắp cười. Và hình như trời cũng sắp mưa thì phải. Những hạt mưa đầu mùa tắm cho con nước Rạch Cùng giục mầm dừa nước tiếp tục bám chặt vào bùn đất mặn phèn mà thi cao thi xanh với thời gian.

Vũ Thiên Kiều (Văn nghệ quân đội)