Thơ Nôm của Nguyễn Du: Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn là những câu hỏi về xã hội, về đời người, kiếp người. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng là một câu hỏi mãi mãi; ở trên là hỏi chung cho mọi người, ở dưới là hỏi cho mình nữa, hỏi thiết thân đến mình, nhưng mình đây chẳng qua là một bản người cụ thể, cá thể trong loài và kiếp người chung.

Đại thi hào Nguyễn Du

Trong thơ của thời kỳ triều Lê, Nguyễn Du hỏi:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,

Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.

Cái hùng tâm muốn mưu đồ nghiệp chung và cái sinh kế cho tấm thân mình đều là mờ mịt cả, người tráng sĩ bạc đầu buồn ngẩng mặt lên trời! Bi hướng thiên, với cái đầu bạc của một người còn trẻ tuổi! Hoàn cảnh riêng của Nguyễn Du, trải qua một thời ly loạn, theo như nói trong thơ, đã chịu nhiều thiếu thốn, cơ cực; hoàn cảnh đó làm cho Nguyễn Du dễ thống nhất câu hỏi về bản thân: – sinh sống ra sao, với câu hỏi cho xã hội: – thời thế đi đến đâu?

Mới chớm rét đà cảm thấy nỗi khổ không áo (Bài Đêm thu); Bếp núc suốt ngày không có khói lửa (Bài Tạp ngâm); Tóc bạc còn loay hoay chỉ vì cơm áo (Bài Ngồi đêm): đó là mấy câu thơ ở dưới triều Lê. Trăm năm thân thế gửi ở phong trần – Hết ăn nhờ ở miền sông lại ở miền biển – Ba tháng xuân, bệnh liên miên, nghèo không thuốc – Cuộc phù sinh ba mươi năm, vẫn vì cố thân mà phải lo (Bài Khởi hứng lan man I); Bước chân như cỏ bồng không rễ luôn luôn chuyển – Qua cả hai miền Nam, Bắc, túi vẫn rỗng không. Trăm năm nghèo xác trong chốn văn chương – Thân sáu thước nổi chìm trong khốn khó.

Những cực khổ thiếu thốn, những phiêu bạt, nổi chìm ấy tất có liên quan đến niềm thông cảm của Nguyễn Du đối với những người đói nghèo lao khổ, những người “đòn gánh chín dạn hai vai” (Văn chiêu hồn); Nguyễn Du nói trong Thơ chữ Hán: “Tiếng hát nơi thôn xóm giúp ta học những câu về trồng dâu, trồng gai – Tiếng khóc nơi đồng nội như nhắc lại những lúc chinh chiến”.

Mặc dầu bị hạn chế trong vòng thời đại của mình, bị hạn chế trong tư tưởng mình, Nguyễn Du, người đã nói trong Văn chiêu hồn: “Giàu sang càng nặng oán thù”, “Rải thây trăm họ làm công một người”, cũng nói trong Thơ chữ Hán:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc

Hình thế không lưu bách chiến danh

Xưa nay chưa thấy nước ngàn năm

Non núi chỉ lưu danh bách chiến.

Chưa có triều phong kiến tồn tại được mãi, và hình thế núi non chỉ để lại cái tiếng là nơi trăm trận đánh nhau! Và câu thơ Thiên niên phú quí cung tranh đoạt (trong bài Thăng Long) cũng nói cái ý đó; cái ngai vàng giàu sang, hàng nghìn năm rồi, chỉ bày trò cho bọn phong kiến giành giật.

Nguyễn Du thường than thở về nỗi ở trong xã hội (phong kiến) khóc cười cũng không tự do. Người cháu của Nguyễn Du, Minh Quyên, trong bài viết Nguyễn Du, có câu: “Chú tôi xảo toàn được 19 năm”, tức là Nguyễn Du phải khôn khéo mới giữ được tính mệnh trong 19 năm làm quan triều Nguyễn. Danh lợi doanh trường luyện tiếu tàn: trong trường danh lợi, một tiếng cười hay cái nhăn mặt, có khi cũng không được tự do (bài Xuân tiểu lữ thứ): cười gượng là chuyện cũng thường tình, và cũng đã khổ chứ đến cái nhăn mặt mà cũng phải gượng, thì Nguyễn Du đã khổ đến bao nhiêu! Khi đi sứ sang Trung Quốc, trên đường qua ải Nam Quan, Nguyễn Du làm một bài thơ rất kín đáo.

Năm mây chiếu ngọc vâng ban

Chiếc xe muôn dặm, Nam Quan mấy trùng

Tóc sương là bạn đi cùng,

Hai tuần chỉ thấy trập trùng núi xanh.

Ơn vua chưa trả đỉnh đinh

Mùa xuân nhuần thấm, nhưng mình lạnh xương.

Theo tôi hiểu, bài thơ này chỉ muốn nói: Chiếu nhà vua từ trên mây năm sắc đưa xuống, cử tôi làm chánh sứ, nhưng tôi chả có lý thú gì! Tôi cứ lạnh buốt từ trong xương lạnh ra! – Nhưng muốn nói cái đó, Nguyễn Du đã phải bọc trong nhung êm, trong gấm đẹp một cách trào phúng sâu cay! Nguyễn Du chắp hai tay lạy vua trước đã:

Quên ân tự hải, hào vô báo

thì mới trôi được câu sau:

Xuân vũ như cao, cốt tự hàn.

Nói phong cảnh núi non trập trùng, để dễ tiếp theo nói cảnh mưa xuân như mỡ (béo bổ); mưa từ nghĩa đen ngoài trời đã thành cơn mưa móc của vua; cái mưa trời ấy (cũng như cái mưa ơn) chỉ làm cho tôi lạnh toát!

Tác giả Truyện Kiều là trữ tình, nhưng cũng không phải là không biết trào phúng khi cần thiết; những hình tượng trào phúng châm biếm của Nguyễn Du có bề rộng lớn, có chiều sâu xa. Chính Nguyễn Du đã nói về mình: “Tính tự nhiên như chim hạc có ống chân dài không thể cắt ngắn đi được”, nhưng trong thực tế, người ta cũng đã bắt hạc phải ngắn chân, và đối với chim phượng, thì:

Sinh bình văn thái tàn lung phượng

Phù thế công danh tẩu hác xà.

Văn chương bình sinh như chim phượng nhốt trong lồng nát; công danh phù thế như con rắn chui tọt vào trong hang; văn chương là đẹp đẽ thế, mà bị gò bó, cứ phải cựa quậy; còn công danh chức tước thì là vào chỗ bị tắc tị không có lối ra! (bài Tiễn bạn họ Nguyễn vào Nam).

Nguyễn Du có khi nói, không biết là khóc hay là cười:

Vô luyện vị ưng chiêu quỉ trách

Bất tài đa khủng tốc quan phi.

(Bài Dạo chơi trên sông)

Mình làm những việc, những chức hiền lành (ví dụ như chức Tham tri bộ Lễ?), có lẽ không làm cho quỉ oán trách; mình bất tài, nên rất sợ việc quan hay mang tiếng sai lầm!

Nguyễn Du là người, như Khuất Nguyên, mang những vấn đề ngàn năm, của triệu người, nên cái đau khổ của ông là một đau khổ lớn, có tính cách đại diện cho nhân loại: Vô cùng kim cổ thương tâm xứ: chuyện xưa nay biết bao là nỗi đau lòng (bài Mạn hứng II) hoặc như trong bài Cuối xuân mạn hứng: Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại – Thiên tuế trường ưu vị tử tiền: “Chiếc thân không thể ra ngoài vòng hữu hình” (“Vòng hữu hình” đây phải chăng là sự chuyển động của vật chất?) và “trước khi chết, cứ lo lắng mãi những việc ngàn năm”.

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du rất hay nói đến tóc bạc. Trên đây, là “tráng sĩ bạch đầu” dưới đây còn nhiều nữa: Đầu bạc đáng buồn vì không cách giấu mình – Bạch đầu buồn chẳng trở về quê – Mấy sợi tóc bạc lòng thòng xuống vạt áo – Bạc đầu còn được thấy Thăng Long – Mái đầu ta cũng bạc hoa râm – Tóc bạc phơ phơ trước gió chiều – Trên gối nằm nơi đất khách, hai mái đầu bạc bù xù…

Thơ của Nguyễn Du cho ta biết Người bạc tóc rất sớm:

Tự thán (II)

Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi

Xuyên tạc thông minh hại tính trời

Nào có văn chương hay hớm thật,

Lầm chăng tạo hoá ghét ghen hoài

Dở dang văn võ, nghèo đành vậy,

Lần lữa xuân hè, lão đến rồi…

Bài Tự thán (I), đặt trên Bài II, cũng làm dưới triều Nguyễn, thật là một lời than thở tê tái:

… Trời đất đã phú cho cái cốt tướng kém cỏi

Tuổi tác lại trả cho cái râu mày già nua

Trận gió tây dào dạt, một cây cỏ bồng đứt gốc này

Không biết rồi bay về tận đâu!

Đọc những lời tiêu tao này, chúng ta rất muốn biết cụ thể, chính xác những vất vả, luân lạc trong cuộc đời thật của Nguyễn Du, những gió mưa gì đã làm cho đầu thi sĩ sớm bạc đến như vậy! Trong thơ cổ điển Việt Nam, Nguyễn Trãi cũng bạc đầu như thế:

Lòng một tấc song còn nhớ chúa

Tóc hai phần bạc bởi thương thu.

Nhưng “Tuổi năm mươi đầu đã bạc”, Nguyễn Trãi thì bạc đầu sớm như thế cũng đã sớm rồi; Nguyễn Du thì lại bạc đầu sớm quá hơn nữa! Tuy nhiên, có đọc Thơ chữ Hán, ta mới biết là Nguyễn Du đầu bạc; và tuy nhiên hơn nữa, Nguyễn Du, dù có thơ chữ Hán, vẫn không để được một ấn tượng đầu bạc trong sự tưởng tượng của ta. Nguyễn Du là tác giả Truyện Kiều, Truyện Kiều mãi mãi tóc xanh, Truyện Kiều không bao giờ bạc tóc!

*

Trong thơ thời kỳ đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Du, có bài Đọc Tiểu Thanh. Tôi không biết trong những thơ chữ Hán khác của mình, Nguyễn Du có gọi đến Tố Như nữa không, còn trong tập in đây, cái tên Tố Như chỉ xuất hiện có một lần. Có một lần nhưng trong hai câu thơ rất tiêu biểu. Trong chế độ phong kiến kéo dài hàng mấy nghìn năm ở Trung Quốc, đã xuất hiện một khái niệm văn học – và thực tế, đã có trong đời sống – là trang tài tử, là khách tài tình: người mang tài và mang tình, nhiều tài và nhiều tình. Cái chế độ phong kiến ấy càng kéo dài, càng tan rữa và hà khắc, nó không dung nổi tài hoa; những Đỗ thập nương phải làm kỹ nữ, những Thuý Kiều phải bán mình, những Giả Bảo Ngọc  phải uất hận; những người trong pho truyện Tình sử, vì tình của họ đầy quá mức thông thường hay cái mức của lễ nghi cổ hủ, đã phải “khối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan”; cái xã hội ấy cũng không dung nổi những hồng nhan: đẹp quá là đã không tuân theo cái mực thước phong kiến rồi; “hồng nhan bạc mệnh” phải đâu chỉ là một thành kiến để thở than, bốn chữ đó là tổng kết kinh nghiệm của hàng ngàn năm sự đời dưới chế độ phong kiến. Bởi vậy, trong văn học cổ điển, dần dần hình thành một thứ hữu ái của những kẻ “nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ”; họ có một ý thức thông cảm lẫn nhau, bênh vực cho nhau, uất ức mà khóc nhau; nếu tìm một thuỷ tổ của bọn “tài tử” này, thì có lẽ phải kể từ Khuất Nguyên chết ở sông Mịch La; và Nguyễn Trãi cũng thường kể đến Đỗ Thiếu Lăng, tức Đỗ Phủ, (Sầu nặng Thiếu Lăng biên  đã bạc – Nguyễn Trãi), cái người hay thơ ngang với Lý Bạch mà rất cùng khổ như Nguyễn Du nói: “Cùng khổ đến thế này có phải là tại hay thơ đâu”: tình hữu ái này vượt cả không gian nối liền những tài tử ở Trung Quốc và Việt Nam, còn thời gian thì đối với họ, một nghìn năm cũng chưa cũ; ở Việt Nam, cái khái niệm “tài tử” có lẽ là kết lại cuối cùng ở Chu Mạnh Trinh. Có thấy cả như thế, mới hiểu tại sao khi Nguyễn Du “đọc truyện Tiểu Thanh  lại xúc cảm đến như vậy… Son phấn như có thần, sau khi chết người ta còn tiếc thương: Văn chương còn có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng về những bài thơ sót lại sau khi đốt. – Sự oán hận xưa nay, khó mà hỏi trời được; nỗi oan phong vận dị kỳ kia, ta tự mình lại buộc lấy mình. – Ba trăm năm nữa ta không biết – thiên hạ ai người khóc Tố Như”.

Tập Thơ chữ Hán đựng đầy cái uất ức của Tố Như; trên tôi đã nói: thơ trong này để lại cảm giác chung một buổi chiều thu tê tái. Buổi chiều đó là xã hội phong kiến ở Việt Nam, ở Trung Quốc, phản ánh trong tâm hồn Nguyễn Du. Trên con đường đi sứ ở Trung Hoa, Nguyễn Du được thấy nhiều cảnh xưa đã nổi danh trong lịch sử, trong văn học; đây là những dịp tức cảnh, đề vịnh, cảm hoài. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, chính cảnh của xã hội ghê gớm đau thương, tích luỹ cái buồn vào tâm hồn người thành một thiên tính thứ hai: tâm hồn đã bất mãn với xã hội, lại “buồn trông” cái xã hội buồn: cái vòng ảnh hưởng qua lại này, chỉ có Cách mạng mới phá được. Đi qua dưới chân núi Thương Ngô (tỉnh Hồ Nam), nhớ lại hai bà vợ của Thuấn khóc chồng nơi đây, “nước mắt chan hoà vẩy vào khóm trúc thành màu lốm đốm”, chuyện đã mấy ngàn năm rồi, mà nhìn phong cảnh trước mắt, vẫn tưởng thấy rành rành như đã ghi trong sách! Hoàng hạc lâu, cái lầu nổi tiếng và ghi sâu vào tâm tình người đến nỗi, trong một bài Nam ai ca Huế ở Việt Nam trước đây vẫn còn nhắc tiếng ve dắng dỏi kêu sầu – Bên lầu Hoàng – hạc, Nguyễn Du qua đây nhìn thấy dấu vết, vẫn buồn lại cái hắt hiu trong thơ Thôi Hiệu đời Đường; nghĩ: vì bài thơ hay của Thôi Hiệu, mà cây cỏ lúc bấy giờ cũng truyền lại đến ngàn sau. Nhật mộ hương quan hà xứ thị, “Hoàng hôn đâu bóng quê hương đó?”, từ đời Thôi Hiệu đến đời Nguyễn Du vẫn còn hà xứ thị, vẫn cứ còn hỏi “ở nơi đâu?”; sở dĩ hỏi quê mà xa xót đến như vậy, là vì đây còn là hỏi cả hướng đời!

Qua sông Hoài, cảm nhớ Hàn Tín, cảm nhớ Văn Thiên Tường; viếng mộ Đỗ Phủ đời Đường; thăm mộ Âu Dương Tu, người trung trực, một trong tám nhà văn nổi tiếng đời Đường, Tống; thăm mộ Nhạc Phi; thăm mộ Chu Du; thăm mộ Tỷ Can; thăm mộ Phạm Tăng, mưu sĩ của Hạng Võ… Thấy tượng Tần Cối “trái tim chết của nó một đời chứa đầy nọc độc!”. Qua đình Tô Tần, rất khinh bỉ cái “khí cục con người ấy nhỏ bé lắm thay!”: những mưu lược của y không phải là để đẩy lui quân Tần, mà cốt cầu phú quý để về vênh vang với chị dâu, vợ, em, cha, mẹ; đâm đùi vào vế cố học, chỉ là để mưu cầu quyền lợi riêng. – Qua đài Đồng Tước nguy nga của Tào Tháp xưa, chỉ thấy còn lại cái nền, gió lạnh ào ào, cỏ lau dào dạt, cảnh thu hiu hắt: cảnh cáo với những kẻ muốn gây công danh sự nghiệp ích kỷ, rằng những cái ấy chẳng đứng vững được đâu! Và qua sông Minh Giang, tỉnh Quảng Tây, “Trận lụt vừa mới rồi, làm nước sông vẩn đục”. Lại qua Hồ Nam, ở đất Thương Ngô, chứng kiến “Trận lụt mới, nước nhiều thêm mấy thước”; buổi chiều mưa cũng ở Thương Ngô; “dòng sông mới lụt, nước tràn phẳng cả ba miền Sở”; về sau, trong bài Phản Chiêu hồn, mới nói đến kết quả của trận lụt.

Kìa chẳng thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam.

Chỉ có gầy nhom, không béo tốt.

Và trông thấy sông Hoàng Hà một vùng mênh mông, ước rằng:

Giữa mùa thu này, nếu có bè nổi đi qua

Ta cao hứng sẽ theo để lên trời lần nữa.

Thơ trong khi đi sứ phần nhiều là điếu cổ, mượn cái cổ mà nói cái kim, một cách như rút những qui luật của lịch sử làm kinh nghiệm, làm bài học. Do trên đường dài thay đổi do ôn lại một khoảng lịch sử Trung Quốc dài mấy nghìn năm, những thơ khi đi sứ bớt cái vẻ đơn điệu của thơ ở trong nước; tuy vậy, vẫn còn một không khí trầm trầm.

Nhưng Nguyễn Du là một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Ở những tâm hồn như thế, theo tôi hiểu, có những cái vượt bậc đột ngột: có những cái lượng biến thành chất kỳ diệu.

Bình bạc vỡ tuôn đầy giọt nước

Ngựa sắt giong thét ngược tiếng đao

tôi nghĩ đến mấy câu thơ dịch Tỳ bà hành, có tiếng bình bạc vỡ; chất bạc thường tình có vỡ sao được? nói bình bạc vỡ, tức là đột ngột lắm; và cái tiếng đao đeo thét lên khi ngựa sắt chạy, nó thét ngược; bởi vì ngựa chạy nhanh lên phía trước, thì nó phải bị hất mạnh ra phía sau, ngược với chiều ngựa chạy, và nó thét lên phải xé trời! Cái buổi chiều thu tê tái trong Thơ chữ Hán đây, bỗng nhiên có sấm chớp mưa gió bão bùng, có bài Phản Chiêu hồn, căm giận trên đầu tóc dựng!

Tôi nghĩ rằng chính cái bình tĩnh, trầm ngâm, buồn uất âm ỉ trong tập thơ đã tích luỹ làm thành bài Phản Chiêu hồn, lúc đó nhà thơ lộ cái chân tướng tập trung nhất, cao nhất của mình, nộ khí xung thiên, đứng dậy thét! – Ta có thể nói rằng mấy bài thơ khác nhau châu tuần, báo hiệu cho bài Phản Chiêu hồn.

Tôi không muốn chỉ hai bài “Qua Tương Đàm, viếng Tam Lư Đại phu” hay bài “Tháng năm xem đua bơi”  trực tiếp nói về Khuất Nguyên: mà cốt ý tôi muốn chỉ bài Người hát rong ở châu Thái Bình và bài Sở kiến hành (Chuyện mình trông thấy) Nguyễn Du thường vẫn thở than chung về cái nghèo khổ của người ta, nhưng với hai bài này, Nguyễn Du đã đặt ngón tay vào tận trong vết thương lở loét của xã hội. Thơ làm lối kể chuyện, rất hiện thực, xẻn lời văn:

– Ở châu Thái Bình, có người loà, mặc áo vải thô, đứa trẻ dắt đưa ra bến sông. Tự xưng là người già hành khất ở ngoài thành, đi hát rong xin tiền để ăn bữa sớm mai. Bấy giờ thuyền gần đó có người thích nghe hát, dắt tay ông già loà đưa xuống thuyền, đến bên cửa sổ…

Người ăn mày già xin tiền để ăn bữa sớm mai, nhưng ở ngoài thời gian thì:

Lúc này, trong thuyền đã tối, không có đèn.

Cơm thừa canh đổ, trông rất bừa bãi.

Ông già sờ soạng men bực ngồi,

Mấy lần giơ tay ngỏ ý tạ ơn.

Tay vuốt dây đàn miệng cất tiếng,

Vừa múa vừa hát, luôn không nghỉ…

Trong xã hội phong kiến tan rữa, sẵn thây vô chủ bên sông, đến xác vô chủ còn nhan nhản lúc nào cũng sẵn, huống chi ăn mày thì biết cơ man nào. Nguyễn Du đã lấy một nét quá phổ biến, nảy ra, đưa vào thơ, làm cho nổi bật cái bi thảm, mà do đó cũng thấy tấm lòng Nguyễn Du, nhìn người ăn mày thứ một vạn cũng như nhìn người ăn mày thứ nhất, không bao giờ tê liệt lòng cảm thông:

Hơn chục người xem, im thin thít lắng nghe

Chỉ thấy gió sông ù ù và trăng sông vằng vặc.

Ông già miệng sùi bọt, tay mỏi rời,

Ngồi yên, đặt bàn, ngỏ lời đã đàn hát hết.

Người ăn mày hát dạo đã có đủ lương tâm nghệ sĩ, đã hát là phải trổ hết tâm lực gần một trống canh: nhưng chỉ được ném cho năm sáu trự tiền đồng! Thế mà bước khỏi thuyền, cụ vẫn còn quay lại ngỏ lời chúc tụng! Nguyễn Du viết:

Cứ tưởng đất Trung Nguyên mọi người đều no ấm,

Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có những người khổ thế này.

Kìa, trông thấy thể lệ cung đốn các người đi sứ,

Thuyền thì đầy gạo, thuyền thì đầy thịt

Những người trong đoàn ăn uống thoả thuê còn thừa thì bỏ

Cơm nguội, đồ ăn thừa, đổ chìm cả xuống lòng sông!

Bài Sở kiến hành cũng vẽ hai mẹ con dắt nhau bỏ đất quê đang đói lớn, đi ăn xin dọc đường tha hương, kế ấy làm lâu sao được! Rồi cũng sẽ chết mà thôi.

Mẹ chết đã đành rồi,

Trông con thêm đứt ruột!

Nỗi lòng đau đớn lạ thường

Trông ra mặt trời như vì người mà vàng úa.

Gió lạnh hiu hiu thổi đến

Người đi đường, xiết nỗi băn khoăn;

Hôm qua ở trạm Tây Hà,

Cỗ bàn cung đốn linh đình biết bao

Nào là gân hươu, vây cá

Thịt lợn, thịt dê đầy bàn,

Các quan lớn không chọc đũa

Người tuỳ tùng chỉ nếm qua loa,

Bỏ mứa nào có tiếc gì!

Thuyền bên cạnh cũng cao lương chê chán…

Cái sĩ diện của phong kiến tàn khốc như thế! Càng quan to, càng tỏ ra mình lớn lao sang trọng, tất phải ăn cho chê chán ở nhà, chứ còn giữa những tiệc công khai ê hề, thì không thèm chọc đũa; bọn hầu hạ lau nhau cũng tỏ ra mình quan trọng, vờ rằng cao lương mỹ vị cũng chẳng xứng với mình! Mặt khác, (và đây là mặt chính) chúng nó thường xuyên cứ luôn luôn phải ăn ngon, đến nỗi sợ cả thịt – Và cái xã hội có giai cấp ác nghiệt như là có những bức tường thuỷ tinh đáy không xuyên qua; người thừa cứ đổ xuống sông! người chết đói mò ăn không được! – Nguyễn Du nói cụ thể, tỉ mỉ trong hai bài thơ, như là chuyện đau khổ của mình. Trong bài Nắng dữ trên đường đi Hà Nam, giữa cảnh nắng cháy tràn, gió tắt im phăng phắc, sau khi tả những người đi đường vẫn qua lại dưới ánh mặt trời gay gắt, tả ngựa mỏi mệt kêu rít lên, Nguyễn Du chẳng đã vứt cái mũ ông quan mà gọi đó sao!

– Anh em phu xe ở đâu đây

Cùng trông nhau, chúng ta cảm thấy cùng vất vả!

Từ những thơ trên đây, cái tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, khi vào trong bài Phản Chiêu hồn , thì thành căm phẫn.

Cố nhiên, Nguyễn Du không thể nào căm phẫn với một thái độ cách mạng, lật đổ tung hê cả cái gốc bất bình và xây dựng một xã hội tiến bộ hơn. Rất tội cho những người sinh trước ta hai trăm năm, họ không được như ta. Đau đớn cho Nguyễn Du là căm tức cái xã hội phong kiến quá, mà không đánh được nó; không đạp đổ được nó. Nguyễn Du hầu như là tự đánh bản thân bằng một lời nói dỗi tuyệt diệu: – Khuất Nguyên ơi Khuất Nguyên! Người chớ nghe lời mời của Tống Ngọc mà về nơi đây! Đi luôn mãi mãi đi! Không có chỗ để cho người đeo hoa lan thơm tho mà trở về đâu! Cuộc đời này là mười cửa điện tùng xẻo của Diêm vương! đừng có về mà trẫm mình trong cái sông Mịch La lan tràn này một lần nữa!…

Nói dỗi như vậy, Nguyễn Du buộc tội cái xã hội kinh khủng kia, và bài thơ bi tráng, gằm gằm, cười gằn, khóc uất, giận đến xé trời, như hơi văn bi kịch nhất của Sếchxpia! Chúng ta vì bài thơ này mà cảm phục Nguyễn Du thêm mấy lần; không yêu thương con đến cháy ruột cháy gan, thì không thể có cái hơi văn bênh vực sự sống như người mẹ bảo vệ đứa con đứt ruột!

Bác bài phú “Chiêu hồn”

Hồn ơi, hồn ơi, sao không về?

Đông tây nam bắc không nơi nương tựa!

Lên trời xuống đất đều chẳng xong

Về thành Yên, Sính  làm chi nữa?

Thành quách y nguyên dân sự khác,

Cát bụi nhớp cả quần áo người!

Đi ra xe ngựa, về vênh váo,

Lên mặt Quì, Cao  tán chuyện đời!

Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc,

Mà xé thịt người nhai ngọt xớt!

Kìa hồn chẳng thấy: mấy trăm châu ở Hồ Nam

Chỉ có gầy nhom, không béo tốt!

Hồn ơi, vì cứ theo đường ấy

Sau Tam Hoàng  thôi chẳng hợp thời!

Đành sớm thu hồn về thái cực,

Chớ về đây nữa, người mỉa mai.

Hậu thế đều là họ Thượng quan!

Mặt đất đâu cũng sông Mịch La

Cá rồng không nuốt, hùm beo nuốt,

Hồn ơi, hồn ơi biết sao mà?

Khương Hữu Dụng và Xuân Diệu dịch

Tập Thơ chữ Hán chủ yếu lấy ở Thanh Hiên thi tập này đã bước đầu cung cấp cho ta những tài liệu quan trọng, tránh cho những bạn bây giờ khỏi bị cái tình trạng của những thanh niên yêu quốc văn dưới một thời Pháp thuộc, cầm hai câu thơ “khấp Tố Như” mà viết bài Chiêu hồn Nguyễn Du.

Những bài thơ chữ Hán này mở cho ta thấy “cái khía cạnh Tố Như”. Có thể nói là lần đầu tiên, nhiều người trong chúng ta mới được nhìn thấy một số nét về con người của tác giả Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn. Ở đây tôi chưa nói đến những câu thơ hay, những sáng tạo thơ ở trong Tập (ví dụ như:

– Những khóm tre nước lạnh lẽo làm cho túp lều có vẻ mùa thu

– Đám mây nổi vừa tan, coi vẻ đá như gầy đi

– Những bờ, những tảng đá lởm chởm, coi như tức giận nhau

– Hồi trẻ, ta cũng có tài năng ví như cây gỗ tốt

– Đi hàng nửa ngày, bóng cây mát vẫn theo lưng ngựa

– Chếnh choáng ngây thơ càng dễ thương (nói người gảy đàn ở Long Thành, lúc trẻ, v.v…)

Ở đây tôi cũng không đánh giá Thơ chữ Hán.

Ở đây, tôi muốn đi tìm Tố Như, tìm Tố Như để thấy Nguyễn Du, để soi vào văn Kiều và Chiêu hồn: tìm Tố Như để thoả lòng yêu thương dân tộc, yêu thương quốc văn, yêu thương những tài tử lớn, họ vượt qua những hạn chế của thời đại cũ, đóng góp tiếng nói lớn cho dân tộc Việt Nam, cho nhân loại – như Nguyễn Du.

(Rút từ Toàn tập Xuân Diệu- tập 6. NXB Văn học, H.2001)

(Nguồn: Vanvn.net)

Exit mobile version