Một trong những thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam từ sau 1986 là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Văn học về đề tài tha hương góp một phần đáng kể vào thành tựu đó. Khảo sát một số tác phẩm văn xuôi đầu thế kỉ XXI, nhất là sáng tác của các nhà văn đã từng sống ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy có kiểu con người dấn thân. Đây cũng là một nét đặc thù của hình tượng con người tha hương, góp phần làm sâu sắc hơn nhận thức của người đọc về con người, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Dấn thân là một ý niệm thường đi liền với ý niệm tự quyết – một phạm trù của triết học hiện sinh. Tự quyết là “tự chứng minh rằng tôi là một chủ thể tự do và tự đảm nhận”(1). Quan niệm như thế, tất nhiên, chỉ có thể xuất hiện ở những con người hiện sinh – “con người ưu tư về định mệnh của mình và ưu tư tìm cách phát triển nhân cách của mình tới mức hoàn hảo”(2). Do vậy, chữ “dấn thân” chúng tôi dùng ở đây vừa mang nghĩa thường dùng và, ở một mức độ nào đó, vừa mang ý nghĩa của triết học hiện sinh về con người.

1. Những cú sốc trên hành trình dấn thân
Trong vài ba thập kỉ trở lại đây, phần lớn việc xuất ngoại của người Việt là tự nguyện. Nhưng một phần không nhỏ trong số đó do thiếu thông tin, hiểu biết, hoặc vì một mục đích mà họ cho là to lớn hơn, nên không hình dung hết hoặc là bất chấp tính chất nguy hiểm, sự gian nan của hành động mình đang làm. Trong nhiều trường hợp, những thiếu thốn kể trên cộng với sự khác biệt về văn hóa đã tạo cho họ những cú sốc tinh thần ghê gớm.
Tiêu biểu cho đặc điểm này là Quyên trong tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ. Đồng ý rời bỏ gia đình, quê hương ra đi tìm miền đất hứa cùng người chồng có học thức, có tình yêu, hẳn là Quyên chưa bao giờ hình dung lại có ngày cô bị lạc chồng trên đường vượt biên từ Nga sang Đức; rớt lại giữa khu rừng hoang dã, lạnh lẽo; rơi vào tay thảo khấu; bị cưỡng hiếp, mang thai, đến khi thoát hiểm tìm được chồng thì bị chồng ruỗng rẫy, khinh bỉ, cuối cùng phải tìm đến cái chết để mong chấm dứt quãng đời tủi nhục, đắng cay. Có thể nói, Quyên là một trong những điển hình cho bi kịch của những thân phận tha hương vỡ mộng được thể hiện khá sinh động trong tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ.
Một mức độ khác của dấn thân là sự liều lĩnh, cùng đường, nhắm mắt đưa chân của những người không còn sự lựa chọn nào khác. Các sáng tác của Trần Dũng (Những người đàn ông, Nam), Nguyễn Lam Thủy (Ngày cuối cùng ở Budapest, Đi buôn vàng) nói tới những bi kịch đó với sự thê thảm gấp bội. Trong Những người đàn ông, sau những tháng ngày lăn lộn ở xứ người, Cường nhận ra “mơ ước kiếm được nhiều tiền một cách hoàn toàn chính đáng, thật viển vông”. Và để tồn tại, Cường đã phải làm những công việc nguy hiểm đến tính mạng như mò xác một triệu phú ở vùng biển ô nhiễm, khai thác thủy ngân, bán thận với giá chỉ bằng hai con trâu ở quê nhà, đi tù thuê theo đơn đặt hàng bí mật của những quan chức cao cấp, những nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng, giết người thuê… Rồi ngay cả những công việc chết người ấy nhiều khi cũng trở nên khan hiếm, để có tiền trả món nợ ở nhà vẫn không ngừng phình ra, Cường và một người cùng cảnh đã liều lĩnh chấp nhận việc trợ giúp robot chui vào khắc phục sự cố nhà máy điện nguyên tử. Kết cục cho Cường hẳn là chỉ có một cách hình dung sau gợi ý của nhà văn: “Anh bưng hai tay lên miệng, nôn thốc nôn tháo. Một quầng lửa đỏ nhờ nhờ thoáng dâng lên trước mắt anh, kèm theo một cơn đau mơ hồ”.
Đọc các truyện của Trần Dũng, người đọc có thể nhận ra mối quan tâm đặc biệt của tác giả dành cho những người đàn ông – những người phải mưu sinh rất cực nhọc ở xứ người. Không chỉ những người lao động chân tay, phổ thông phải hao tổn sức lực, ngay cả người có học vấn, để tồn tại được ở một đất nước văn minh bên trời Âu, cũng cần phải nỗ lực hết sức, thậm chí kiệt sức. Nam (Nam) đã tốt nghiệp đại học trong nước nhưng khi đến Anh gần như phải làm lại mọi thứ từ đầu. Điều đáng quý ở Nam là một ý chí và nghị lực rất phi thường. Đến nước Anh chỉ với bằng C tiếng Anh nhưng Nam đặt ra mục tiêu phải đạt được học bổng của một trường đại học và sau khi ra trường lại tiếp tục phấn đấu “để giữ vững được chức vụ kĩ sư trưởng ca của một trong hai sở điện lực Luân Đôn”. Để hoàn thành ước mơ, Nam như già trước hàng vài chục tuổi, đầu hói và trí não thì “hầu như quên cả xuất xứ của mọi hành động”. Có thể nói, mỗi bước đi lên trên con đường gây dựng sự nghiệp ở xứ người, Nam đều phải trả giá bằng cả những mất mát của tình cảm riêng như tình chồng – vợ, cha – con, lẫn những tài sản vô hình quý giá là sức lực và trí tuệ.
Truyện ngắn Ngày cuối cùng ở Budapest của Nguyễn Lam Thủy có ý nghĩa như một thiên phóng sự ghi lại hành trình dấn thân bi thảm của Long. Chuyện thật đến nỗi người ta muốn hình dung về nó như là một ghi chép “người thật việc thật” hơn là một truyện ngắn. Tính chất hư cấu của truyện chỉ có thể được nhận ra trong cách nhà văn để cho nhân vật hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời mình vào ngày cuối cùng lưu lại Budapest. Ngày cuối cùng ở Budapest, cũng là ngày đầu tiên sau bảy năm ở Hungary, Long được thanh thản ngắm thành phố đẹp nhất xứ Đông Âu này, còn trước đó Long chẳng biết nơi nào khác ngoài nhà ở và chợ. Dù điều kiện lao động hết sức nghiệt ngã, Long vẫn phải ra sức làm để có tiền gửi về cho người mẹ nghèo khổ, góa bụa trả món nợ đã vay cho con đi xuất khẩu lao động. Nhưng kết cục của những năm tháng phiêu bạt xứ người dành cho Long là một “bản án tử hình”: Long mắc bệnh ung thư gan. Ngày cuối cùng ở Budapest, nhìn dòng Danube trong xanh, Long nhớ về sông Hồng quê mẹ trong một hình dung vừa hãi hùng, vừa êm dịu.
Nhìn chung, dấn thân hiểu theo nghĩa thông thường là đặc tính phổ quát của hầu hết con người tha hương. Ra đi, tự nó đã là một trải nghiệm rất mới lạ, việc đến một vùng đất mới hoàn toàn khác quê mình còn là một thử thách nghiệt ngã hơn nữa, do vậy, ngạc nhiên, bất ngờ, lúng túng, hoảng loạn, vấp ngã, thất vọng, tuyệt vọng… là những trạng thái khó tránh khỏi của con người tha hương đã được thể hiện sinh động và ám ảnh trong nhiều tác phẩm văn xuôi đầu thế kỉ XXI.

2. Thay đổi như là một sự lựa chọn để thích nghi
Trong môi trường mưu sinh nghiệt ngã như vậy, để có thể sống được, những người Việt nhập cư đã buộc phải tự thay đổi mình để thích nghi với hoàn cảnh. Để có thể tồn tại được ở nước Đức văn minh, giàu có, Phi (Quyên) buộc phải từ bỏ nhiều thói tật như nói chuyện oang oang, bạ đâu cũng khạc nhổ, khi ăn uống cứ tỉnh queo ném xương thịt cá đầy lên gạt tàn thuốc… và nhất là tật ngoáy mũi. Những thay đổi như thế, dù có đem lại cho Phi nhiều khả năng thích nghi hơn, thì vẫn không đủ sức tạo ra một kiểu con người mới, hoàn toàn phù hợp với xã hội hiện đại Âu Tây. Ở Phi không thể có được sự lột xác, nhiều nhất cũng chỉ là sự pha trộn, chắp vá, ghép buộc. Cuộc sống của Phi trên đất khách do vậy vẫn đầy rẫy những điều bất ổn.
Ngoài việc bắt buộc phải từ bỏ thói tật để thích nghi với điều kiện sống mới trong trạng thái khổ sở, đau đớn, dằn vặt, nhiều người đã chủ động tiếp thu cái mới như một sự thỏa mãn những đòi hỏi tất yếu của quy luật sinh tồn. Phúc (Không ai yêu thương tôi) sau chuyến vượt biển thất lạc gia đình lúc lên tám tuổi, đến Canada trở thành con nuôi của ông bà Thompson như bước vào một hành tinh lạ với vốn tiếng Anh lõm bõm nhờ học được trong mấy tháng sống ở trại tị nạn. Vậy mà, sau mười năm, Phúc đã lột xác hoàn toàn, không còn dấu vết gì của căn tính Việt trên con người gã. Không chỉ nhằm mục đích hòa nhập, nhiều người còn chủ động thay đổi hòng xóa bỏ dấu vết. Trong Quà tặng của trời, một đứa con gái Việt học lớp 7 ở Đức đã không muốn đi cùng mẹ khi ra đường vì xấu hổ khi mẹ học mãi không thuộc một từ tiếng Đức và phải chứng kiến cảnh “… người Việt Nam bán thuốc lá lậu, bị cảnh sát đuổi bắt chạy tán loạn, rồi có cả những người quen của bố mẹ nó bị khóa tay tống vào ô tô đưa lên đồn”. Có thể thấy, sự thay đổi quyết liệt như thế phần nhiều xuất hiện ở lớp người trẻ tuổi, dễ thích nghi. Trong khi đó, thế hệ thứ nhất, hoặc là không đủ khả năng thích nghi, hoặc là vẫn muốn gìn giữ nếp cũ và gốc gác của mình. Điều này đã tạo nên những xung đột không dễ giải quyết giữa các thế hệ trong nhiều gia đình người Việt di cư. Đó cũng chính là căn nguyên sinh ra những công dân được ví như banana – những quả chuối ngoài da thì vàng nhưng trong ruột lại trắng, luôn chứa trong lòng nhiều bi kịch, lớn nhất là bi kịch thiếu căn cước, bi kịch thân phận của những công dân toàn cầu.
Nhìn chung, dù không bắt đầu từ một định đề của chủ nghĩa hiện thực về mối liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, các nhà văn cũng không thể không chỉ ra một sự thay đổi khó cưỡng của những người Việt di cư trong hoàn cảnh sống mới. Dĩ nhiên, đó là một quá trình không đơn giản, nhất là đối với những người đã sống phần đời quan trọng ở cố hương. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, môi trường sống mới đã khiến người ta thay đổi tới mức không còn chút dấu vết nào của cố hương lưu lại. Điều này tạo nên nét đặc thù của hình tượng con người tha hương so với quan niệm về con người trong các mảng đề tài khác.

3. Dấn thân tìm ý nghĩa của tồn tại
Dấn thân tìm ý nghĩa của tồn tại là quan niệm con người mang ít nhiều sắc thái của triết học hiện sinh. Quan niệm này có thể thấy rõ trong các tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, Thuận. Trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, các nhân vật đều được bắt đầu số phận bằng sự ra đi. Sự ra đi cả trong Và khi tro bụilẫn Mưa ở kiếp sau đều nhằm để tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn của đời người: “Ta/ tôi là ai?”. Cả hai tiểu thuyết Và khi tro bụi và Mưa ở kiếp sau đều cho người đọc một cảm nhận sâu sắc rằng, những hiện hữu như chiến tranh, đồng tiền, đạo đức, nhân cách, tội ác, trừng phạt, sám hối… – những vấn đề lâu nay tưởng rất quan trọng – lại chưa phải là tất cả của tồn tại. Trong thế giới nghệ thuật của Đoàn Minh Phượng, có một hiện hữu ghê gớm hơn: hư vô và hủy diệt. Do vậy, có thể nhận ra từ đó một quan niệm nhân sinh tuy không mới nhưng vẫn cần nhắc đi nhắc lại rằng: được sống là hạnh phúc, và mọi phạm trù nhân vị đều đáng được trân trọng. Điều này rất phù hợp với tinh thần của thuyết hiện sinh: “Thuyết hiện sinh muốn tạo nên một giới nhân loại như là toàn bộ các giá trị khác với giới vật thể”(3).
Một khía cạnh khác trong quan niệm về con người chịu ảnh hưởng thuyết hiện sinh của Đoàn Minh Phượng là việc miêu tả con người với ý thức “tự đạt đến bản thân mình”, tỉnh ngộ để tự “ý thức về giá trị cao quý của nhân vị mình”. Nghĩa là con người “phải tự trực tiếp hiểu mình mà không qua trung gian nào cả”(4). Để đạt được điều ấy, các nhân vật của Đoàn Minh Phượng thường phải dấn thân hoàn toàn. Trong Và khi tro bụi, An Mi (An) ra đi trong một trạng thái chấn thương nghiêm trọng về tinh thần. Đó là sự hoảng loạn cực độ sau khi tận mắt chứng kiến cái chết vì bom đạn của người mẹ. Dấn thân hoàn toàn, An Mi trở thành một chủ thể tự do. Nhưng “tự do” không phải theo nghĩa “không bị cấm đoán”, “không bị giam cầm hoặc không bị làm nô lệ”(5) mà là “phải chịu trách nhiệm với mọi hành động của bản thân mình”(6). Trên hành trình ấy, dù phải trải qua nhiều nỗi lo sợ, thậm chí nguy hiểm nhưng An Mi vẫn tin vào bản năng sống. Cuộc sống với An Mi là một cuộc dấn thân để tìm ra đáp số cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Mọi câu trả lời từ phía khách quan, với An Mi, đều không thỏa đáng, không có sức thuyết phục. Làm sao An Mi có thể là cô Sophie hay Michael, mà chỉ có thể là cô, là An – đứa trẻ mồ côi đến từ một đất nước có chiến tranh đang khao khát tìm về với cội rễ, với bản thể. Đó là câu trả lời hữu lí nhất mà An Mi đã tự tìm thấy cho mình.
Cũng là cảm thức hiện sinh nhưng xu hướng tìm kiếm và thể hiện của nhà văn Thuận không giống Đoàn Minh Phượng. Thuận tập trung xây dựng các kiểu nhân vật phi lí. Phi lí có nghĩa thường dùng là “không hợp với lẽ phải thông thường”(7). Phi lí (absurde) cũng là một phạm trù hiện sinh được đề xuất bởi Camus với ý nghĩa là diễn tả “cái vẻ trơ trơ, vô ý thức và vô vị của cuộc đời”. Với ý nghĩa hiện sinh này, việc ý thức về tính chất phi lí sẽ giúp con người vùng dậy, thoát khỏi “trạng thái sự vật để vươn lên tới thiên chức làm những nhân vị tự do và tự chịu trách nhiệm”(8). Trong các tiểu thuyết của Thuận, nhân vật được miêu tả vừa có vẻ phi lí hiểu theo nghĩa thông thường, vừa có vẻ phi lí hiểu theo cách của triết học hiện sinh. Liên (Paris 11 tháng 8) là một con người đầy mâu thuẫn: chưa từng yêu mà lại chán chuyện yêu đương, chưa từng hi vọng mà đã tuyệt vọng, chưa tiếp xúc mà đã chai sạn, chưa sống hết đời đã muốn chết, rất giàu tình cảm mà cũng rất lãnh cảm, có khi rất sôi nổi có lúc lại rất lạnh lùng, sống trong hiện tại nhưng lòng luôn nhớ về quá khứ… Đặt Liên bên cạnh Mai Lan, Thuận như muốn làm nổi bật lên nhiều phi lí khác: Liên xấu xí, Mai Lan xinh đẹp; Liên vụng về, Mai Lan khéo léo; Liên mặc cảm, Mai Lan rất tự tin… Nhìn chung, trong cảm nhận của Thuận, thế giới đầy rẫy mâu thuẫn. Ý nghĩa hiện sinh của hình tượng là diễn đạt của nhà văn về sự vô vị của cuộc đời. Bất luận trong hoàn cảnh nào, với ai, Liên vẫn là một thực thể vô nghĩa. Quay quắt trong nỗi cô đơn, Liên không sao tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Không có gì đẹp đẽ hơn để miêu tả về Liên ngoài những “im lặng”, “không nói gì”, “gật đầu”, “lại gật đầu”, “lắc đầu”, “chẳng hiểu gì”, “ngây ngô”, “ngượng nghịu”… Liên chỉ có một thứ vũ khí để tự vệ mỗi khi bị “tấn công” là hai con mắt gườm gườm. Khi vũ khí không còn đủ sức mạnh che chở cho Liên, với một tâm hồn trống rỗng, Liên tuyệt vọng nhìn cái chết đang tới. Nhưng chính việc tự quyết về cái chết của mình, chấm dứt tình trạng buồn nôn của cuộc đời vô nhân vị lại khiến Liên trở nên một nhân vị độc đáo. Bởi vì khi con người tự cảm thấy sự phi lí của một tình trạng “sống thừa ra” (se survivre – chữ của J. P. Sartre), một cuộc sống máy móc, sống để mà sống, là khi con người có ý thức sâu xa về tính chất độc đáo hiện sinh của mình.
Trong Chinatown, sự phi lí cũng hiện hữu rõ rệt trong thân phận của những kẻ tha hương. Đó là một người đàn ông gốc Hoa tên Thụy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng không có quê hương. Đó là một người con gái Hà Nội có mối tình sâu nặng với chàng trai gốc Hoa ở phố Lương Ngọc Quyến tên là Âu Phương Thụy, đã từng du học ở Nga, hiện sống trên đất Pháp mà tâm tưởng cứ ám ảnh không nguôi hình bóng phố Tàu. Có thể thấy, cả Thụy, cả người thiếu phụ xưng “tôi” và đứa con của họ đều là hiện thân của cái gọi là công dân toàn cầu bị mắc kẹt giữa các nền văn hóa. Họ có thể có tới ba bốn quốc tịch, nhưng lại không thể thuộc về một đất nước nào. Tình cảnh ấy khiến cho những thân phận tha hương thường chất chứa nhiều bi kịch mà đau đớn nhất là bi kịch phi tổ quốc, thiếu quê hương.
Cần phải nói rằng những tác phẩm mà chúng tôi nhắc đến trên đây chưa phải là tất cả văn học về đề tài tha hương. Cũng như có thể nói, những tác phẩm văn học về đề tài tha hương có mặt cho đến thời điểm này chưa thể nói hết được cuộc sống gian truân, thăng trầm của số đông người Việt trên đất khách. Kiểu con người dấn thân hay hình tượng con người tha hương hẳn là còn nhiều đặc tính cần được khám phá, thể hiện. Bởi vậy, văn học về đề tài tha hương vẫn đầy triển vọng. Quan sát, lí giải những sáng tác này là việc làm cần được tiếp tục theo đuổi. Nó giúp ta nhìn nhận sâu hơn về số phận con người trong một không gian, bối cảnh mới, cũng là đánh giá chân xác, khách quan hơn về những đóng góp của bộ phận văn học Việt ở ngoài nước cho nền văn học dân tộc. Điều này vẫn luôn cần thiết, nhất là trong bối cảnh xã hội và văn học hiện nay
L.T.A

———
1, 2, 8. Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, tr.48-49, 50, 44.
3, 4, 6. Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.928, 920.
5, 7. Trung tâm từ điển học Vietlex, Từ điển tiếng Việt (2009), Nxb Đà Nẵng, tr.1376, tr.1000.

Nguồn VNQD

Exit mobile version