Cơn lũ vẫn chưa qua: Cú bứt phá của thân phận và nghị lực

NVTPHCM- Cầm cuốn sách lên, nhìn vào tựa đề tôi, nghĩ ngay đến một câu chuyện vùng sông nước miền Tây dát đầy sự khổ nhọc trước dòng nước cuồn cuộn, ướt át dâng cao, bao trùm nỗi cơ cực trên những phận đời chân chất. Ừ, lại là những phận đời với bao cơn lũ hung hãn. Và khi đã đi qua, những di sản nghiệt ngã mà nó để lại vô cùng dai dẳng? Nhưng lật những trang đầu tiên tôi đã hồ nghi về “cơn lũ” mà Nguyễn Thị Kim Hòa muốn tuôn xả.

Bìa sách: Cơn lũ vẫn chưa qua

Cuộc đời này, loài bướm ma, hộp ngọc trai đen, loài cú lợn, “mốt” đẻ mướn cùng hình ảnh là trái tim đàn bà mà tôi nhìn thấy trong những tác phẩm từng đọc, những bộ phim từng xem, hay đơn giản là những gương mặt thân quen “của” Kim Hòa trong cái hố chảo rộng lớn mà nhân vật Dương mơ thấy như gói gọn trong bốn chữ “thân phận đàn bà”. Từ một xã hội phân tán bởi những cảm tính sơ sài cố hữu đã giam lỏng trái tim vốn dĩ trong sáng, mong manh và đẩy nó vào tận đáy đen sâu thẳm, nhớp nháp, không thể nào gột rửa. “Cơn lũ” ấy được định hình rõ làm sao, Kim Hòa, người hẳn đã trải qua những cơn lũ của bệnh tật, sự thua thiệt trong bao phen sóng gió với hơi sức cùng kiệt của một cô gái sống từng khắc trong xã hội ngày nay, chẳng ai dám chắc cả, ngoài Kim Hòa. Còn Dương, người ta thấy rõ lắm một bông hoa đã được đặt tên, trong suốt cuộc đời Dương, sự thanh thản của loài hoa vô ưu hình như không chung một thế giới với Dương, nét trong sáng hồn nhiên của áng mây xanh dường như không chung một vùng trời. Kim Hòa phác họa hình tượng một người phụ nữ rõ nét với nhân vật Dương xuyên suốt câu chuyện, người chưa vượt qua cơn lũ này lại thấy cơn lũ khác, và cũng chính là sự cam chịu cùng tính gan lỳ của người đàn bà, Dương chưa bao giờ muốn khuất phục và không ngừng tiến về phía trước, dù cuộc đời có toan nhấn chìm cô xuống tận cùng sâu thẳm.

 

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh một người mẹ độc thoại với đứa con trai nhỏ bé đã lìa trần của mình, khiến tôi hình dung đến cuộc đời đầy biến cố của một người đàn bà. Người đàn bà ấy chính là Dương. Được sinh ra bởi người mẹ mắc bệnh tâm thần và bà mụ Năm tốt bụng là người đỡ đẻ, không biết cha mình là ai, Dương lúc ấy được gọi là Mèo, lớn lên trong gia đình của cậu mợ mình. Với thân phận như thế, con bé Mèo dơ dáy, xấu xí luôn bị bạn bè trêu chọc, sự khinh rẻ của người đời dành cho Mèo là một bức tranh xám màu trong đời sống thiếu lòng bao dung của con người. Bạn thân thiết nhất của Mèo là anh Cộc, người sau này đã bỏ nhà đi vì không thể chịu đựng nỗi cái chết thảm thương của người yêu. Thực hư về cái chết của người yêu Cộc chỉ thoáng qua với đôi trang sách, nhưng nó hằn lên một nỗi ám ảnh khôn cùng bởi nhân phẩm của người đàn bà bị chà đạp một cách vô nhân tính, đọc đến đây tôi tự hỏi kẻ nào, lũ người nào đã làm việc đó? Hãm hiếp một cô gái và bỏ cô ta lại trên một cái mương cạn để rồi nạn nhân của sự đồi bại thú tính ấy chết trên chiếc xe bò, sau khi cô gái bám víu sức lực cuối cùng để tìm đến nhà người yêu mình. Và chăng, tác giả không muốn vạch trần cái tội ác này là để cho người đọc tự cảm nhận một xã hội đầy bất trắc luôn rình rập những thân phận bé mọn? Nhưng dù sao trong văn chương cũng không cần phải làm rõ như một hồ sơ bản án, bản án duy nhất mà Kim Hòa muốn nói đến là cả cuộc đời nhân vật Dương. Hoặc có thể mấu chốt chính trong thủ pháp của tác giả là muốn đưa người đọc đến với nỗi hoài nghi, căm phẫn và cũng như hy vọng vào một cái gọi là tình người trong thế giới mong manh này. Anh Cộc của nó bỏ đi biệt xứ thì còn bà mụ Năm là người quan tâm nó, bà già đỡ đẻ này muốn con bé mồ côi được học hành tử tế. Từ đó tên con bé Mèo được thay thế bằng một cái tên tử tế, một ngày cô giáo đặt cho em cái tên đó dựa trên sự tích một loài hoa, dù bất kể điều gì xảy ra thì chúng luôn hướng về ánh sáng mặt trời, hoa hướng dương hay Nguyễn Thị Hướng Dương là cái tên mới của em, hay cũng sẽ là một cuộc đời mới của em?

 

Có một cái tên như bao người sống trên dương gian, được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, Dương tràn trề hy vọng khi nghĩ tới một cuộc đời khác, một cuộc đời mà em ao, được học hành tới nơi tới chốn, được làm cô giáo của những đứa trẻ trong làng. Nhưng cuộc đời Dương lại vội vàng sang trang theo một hướng khác, ít ai ngờ nhưng cũng chẳng hề hi hữu, bởi thình lình em phải hầu toà vì đã tự vệ bằng cách chặt đi ngón chân của gã đàn ông toan làm nhục mình. Dường như kẻ yếu vẫn mãi đơn độc trong cái xã hội này. Và từ đó cuộc đời chữ nghĩa của em chỉ mãi là một giấc mơ xa vời, xa như những đường tàu mù khơi, xa như chính thân phận mà em ao ước, xa như cách mà Kim Hòa muốn. Theo dòng thời gian, cuộc đời đưa đẩy Dương trở thành một con buôn ngơ ngác giữa bến xe khách, và một cô gái mới chập chững vào đời, Dương không thể nào lường hết những hiểm họa ẩn đằng sau những lời chèo kéo bán buôn. Đó là một xã hội không hề có trật tự, không bao giờ có trật tự, có chăng thì trật tự được thiết lập từ kẻ mạnh, kẻ có thể thao túng một thế giới của đáy xã hội. Và trong lúc oằn mình nếm trải những trận đòn chí mạng và tự hỏi cuộc đời mình sẽ đi về đâu, cô gái mới tập tễnh bước vào đời đã được cứu vớt bởi một tay giang hồ thứ thiệt. Tình yêu, Kim Hòa vẽ lên một bức tranh tình yêu đầy bi tráng cho mối tình của Dương và kẻ đã cứu mạng mình, Đan, tay anh chị đâm thuê chém mướn mà bao kẻ giang hồ lừng lẫy cũng phải phải khúm rúm khi nhìn thấy y. Cũng như bao người con gái, Dương thèm khát có một tình yêu, thèm khát được chở che, thèm khát được sống với người mình yêu đến hết cuộc đời. Nhưng nơi tối tăm này, nơi ánh sáng chưa bao giờ đi qua dẫu chỉ một lần, Dương hiểu rằng tình yêu như vậy chỉ là một ước muốn xa vời, ngay cả khi làm tình với Dương, người đàn ông ấy cũng không muốn đi vào trong cô. Rồi một đêm nọ, chứng kiến một phát đạn kết liễu đời người đàn ông ấy, Dương mới biết rằng tình yêu y dành cho cô thật cao cả, những lúc làm tình y không muốn vào trong cô bởi y ý thức cuộc đời mình rồi cũng sẽ có một kết cục bi thảm, là cái giá mà y phải trả cho bàn tay nhuốm máu bấy lâu của mình? Có thể như vậy, nếu như không phải vì y biết mình đã mắc phải căn bệnh thế kỷ, căn bệnh si-đa, ngay cả trong giây phút cuối cùng y cũng không muốn Dương chạm vào mình để tay cô phải nhuốm thứ máu dơ bẩn ấy. Đâu đó trong cái đáy của xã hội, người ta vẫn biết cư xử với nhau bằng tình yêu và lòng bao dung là thế. Nhưng kết cục đó có thỏa đáng với trái tim Dương không? Chắc chắn sẽ không có câu trả lời, vì cuộc đời Dương còn dài ngằn ngặt ở phía trước. Hãy tiếp tục theo ngòi bút của Kim Hòa, người mà bạn phải thốt lên sự khâm phục về nghị lực và sự thông minh hóm hỉnh ngoài đời.

 

Nguyễn Thị Kim Hoà (thứ 4 từ trái sang) và các bạn văn trẻ trong buổi ra mắt Tủ sách văn học sách 8X

do NXB Văn Hoá Văn Nghệ tổ chức tại Hội Sách TP.HCM 2014

Những lời độc thoại với đứa con trai đã chết lại tiếp diễn, hé mở một bước ngoặt khác của cuộc đời Dương. Bỏ lại phía sau những tháng ngày u buồn, quên đi những cái tên mà mỗi khi nhớ đến chỉ làm cô trở nên héo úa. Dương rong ruổi ngược xuôi trên những chuyến tàu với niềm hy vọng tìm một nơi nào đó có thể an cư lạc nghiệp, ngoi mình về phía ánh sáng mặt trời, thứ ánh sáng vốn đã mờ đi với chị sau bao biến cố. Rồi duyên số đẩy đưa, Dương gặp Thụ trong cơn khát mưu sinh, người đã rước Dương về nhà và xin cưới chị sau khi biết rằng người đàn bà mà anh ta yêu chưa hề mất đi “cái ngàn vàng”, bởi trước đó chị khăng khăng mình đã có một đời chồng. Cuộc sống đơn sơ nhưng ấm cúng của một gia đình mà Dương là người làm mẹ đang dần phát ra thứ ánh sáng mà chị hằng mơ ước, thứ ánh sáng của niềm hạnh phúc. Sợ nó bị phân tán, sợ nó bỗng dưng biến mất, Dương cẩn thận vun đắp những hạnh phúc giản đơn bằng trái tim từng trải của mình, bằng nỗi ước ao dè nén bấy lâu trong cuộc sống vốn chỉ có những đắng cay mất mát. Lòng tin yêu, sự dịu hiền và nỗi cam chịu được Dương vận dụng như một phép màu. Thế rồi, chỉ một biến cố nhỏ đã khiến cho cuộc sống gia đình Dương luôn ở bên bờ vực, khi mọi hy vọng nhen nhóm bị dập tắt, khi một gã đàn ông không còn đủ tự tin về bản thân, khi cuộc đời lụn bại, anh ta lại trở nên đê hèn quay sang chì chiết, hành hạ chính người mình thương yêu. Từ đó, những vết nhơ trong quá khứ của Dương được đào bới đến tận cùng, mà cái tận cùng ấy không bao giờ có đáy, không bao giờ được dừng lại. Ở đoạn này, Kim Hòa không khoét sâu hơn, không miêu tả rõ hơn như vậy, có lẽ bởi nhân vật người chồng của Dương không phải là kẻ dã tâm, mà chỉ là một gã đàn ông không có bản lĩnh, kẻ đớn hèn không làm chủ được mình sau những biến cố. Một cuộc giằng co, tranh chấp diễn ra, Dương là người rơi vào thế bị động và bị cô lập trong một gia đình trên dưới chăm chăm xem chị như một bát nước bị hất đi. Những kẻ từng mở gấm cời hoa đón Dương về cũng là những kẻ hất hủi xô đẩy chị ra khỏi ngôi nhà đó. Thay vào đó, một lần nữa thân phận của người đàn bà được Kim Hòa đẩy lên cao trào khi Dương quyết định không để niềm hạnh phúc cuối cùng của mình bị tước đoạt, niềm hạnh phúc ấy là con cái, là máu mủ của người đàn bà. Và trong sự tranh chấp ấy, một bi kịch xảy đến, đứa con trai khôn ngoan của Dương không may phải lìa đời khi người ta mang chị của nó đi, cái chết của thằng bé xảy ra trước mặt Dương. Dương có còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời không? Khi một đứa con về với cát bụi, một đứa bị người ta tước đoạt. Dương đã phải tìm đến vũ khí của kẻ cùng đường, kẻ chợ búa, kẻ tù tội mà miệng lưỡi người đời gán ghép đổ vạ cho chị. Không có tình người, không có công lý, Dương không thể cam chịu mãi mãi. Để rồi hình ảnh một người đàn bà và cô con gái đi trên một con đường xa tít tắp, con đường ấy không biết sẽ dẫn họ về đâu đã kết thúc câu chuyện của Kim Hòa.

 

Đọc sách của Nguyễn Thị Kim Hòa tôi cảm nhận được sự thống khổ tận cùng của một người đàn bà thân cô thế cô trước những cảm bẫy và thử thách nghiệt ngã, và có những khoảng lặng yên bình trong cuộc đời Dương tưởng sẽ kéo dài như thế, nhưng sự yên ắng ấy bao giờ cũng báo hiệu một cơn lũ khủng khiếp toan nhấn chìm tất cả. Từ một cô bé  hiền lành, Dương trở thành một thiếu nữ không có sự lựa chọn giữa chốn bụi đời, và khi thoát ra khỏi bóng tối của xã hội, Dương danh chính ngôn thuận trở thành một người vợ, người mẹ dịu hiền. Cũng chính từ đó, cuộc đời Dương sẽ đối diện với những bóng ma của quá khứ, vết nhơ của tuổi trẻ mà cuộc đời đã phủ lên Dương một cách tàn nhẫn. Đừng ví cuộc đời người đàn bà này như một nốt sol trầm vì nghe hàn lâm quá, tôi chỉ dám tưởng tượng Dương như một con giun bị xéo đến tận cùng của những đổi chác được hơn trong xã hội này, xã hội vốn đã ít công bằng cho đàn bà, càng ít công bằng hơn khi người đàn bà ấy có một lý lịch đen đúa. Lý lịch, người ta chỉ cần đến nó khi không còn lý lẽ. Vậy mà Dương nào có chịu khuất phục. Bút pháp của Kim Hòa đã trở nên sắc bén khi phác họa một nhân vật tuyệt vời và cốt truyện chứa đầy những tình tiết tréo ngoe nhưng không kém phần nhân văn.

 

“Nhiều đêm, Dương mơ về một cái chảo khổng lồ. Lòng chảo to lắm, Dương chạy mãi chạy mãi không ra khỏi nó. Cùng chạy như Dương có rất nhiều, rất nhiều khuôn mặt đàn bà khác nữa.” Nguyễn Thị Kim Hòa khéo léo ẩn dụ trong câu văn đắt giá như vậy, chỉ một đoạn ngắn của giấc mơ, đã ám ảnh con người ta đến từng nhịp lặng, thấm thía được nội dung của câu chuyện.

 

Nghiền ngẫm từng câu chữ trong Cơn lũ vẫn chưa qua bên những ngày nắng như đổ lửa, gặm nhấm từng khắc đổ dài trên dòng thời gian đang lặng lẽ trôi qua. Gấp cuốn sách có chữ ký của tác giả, tôi tự hỏi Kim Hòa đã viết một tác phẩm như vậy với 100% bằng chữ viết tay và chỉ trong hai tư thế “đứng” và “nằm” vì căn bệnh cột sống, thì liệu Dương có vượt qua được những cơn lũ đang chực chờ phía trước hay không?

 

Câu trả lời là hãy nhìn theo những gì Hòa làm thì sẽ rõ…

Sài Gòn, 11.6.2014

Lê Hữu Nam – nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version