Hành trình đến Sa Pa (Lào Cai) từng có chút gì giống một hành trình trở về quá khứ, với chuyến tàu đêm từ ga Hàng Cỏ, phiên chợ cuối tuần với sắc chàm của những người H’Mông, sắc đỏ thắm trên những chiếc khăn đội đầu người Dao.

Những đứa trẻ ở Sa Pa trước ngôi nhà truyền thống được lợp bằng gỗ pơmu-P.Q.V.

Vài chục phút đi bộ ra khỏi thị trấn là những bản người H’Mông, xa hơn chút là những bản người Dao… nơi cuộc sống quanh những thửa ruộng bậc thang vẫn tiếp diễn như hàng trăm năm nay, bếp lửa vẫn ấm cúng dưới mái nhà lợp bằng những tấm gỗ pơmu bên sườn núi dãy Hoàng Liên.

Bản quy hoạch phá sản

Bây giờ, phố huyện Sa Pa đã “lột xác” hoàn toàn, không ai còn có thể nhận ra một Sa Pa với những ngôi nhà xây bằng đá trắng dưới tán samu trong một phố xá chen chúc kia. Món ăn “đặc sản” Sa Pa giờ đây là một loại cá cùng họ cá hồi được nuôi ở trên đèo Ô Quý Hồ và dưới Bản Khoang, những nồi lẩu nghi ngút khói…

Không ai còn nhận ra một Sa Pa từng quyến rũ kỳ lạ trong những bức ảnh của Nguyễn Thọ, một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng và là cư dân của Sa Pa.

Được biết đến nhiều bởi khí hậu ôn hòa, sự đa dạng của văn hóa, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu đa dạng của các bản làng…

Sa Pa có một tính cách hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch trong nước và quốc tế. Giữa những năm 2000, Sa Pa được biết đến thêm bởi một trong những hành trình khám phá thú vị xuyên rừng Hoàng Liên lên đỉnh Fansipan, một thử thách hấp dẫn với các bạn trẻ.

Từ cuối những năm 1990, Sa Pa được các kiến trúc sư người Pháp giúp quy hoạch trong một dự án tính đến cả việc bảo tồn và phát triển sự hấp dẫn của thị trấn này. Khi được công bố vào đầu những năm 2000, dự án ấy đã trở thành một niềm hi vọng.

Nhưng quy hoạch ấy nay đã gần như phá sản. Ông Trung, người đầu tiên xây khách sạn ở Sa Pa, hẳn đã không thể hình dung được sự đổi thay chóng vánh của thị trấn, khiến ngôi nhà ở cuối thị trấn, nhìn thẳng sang dãy Hoàng Liên của mình bị chắn ngang bởi những khách sạn mới ngày một cao tầng hơn mọc lên.

Cả một dãy phố mới với khách sạn và nhà hàng mọc lên ở chính con đường mà dân Sa Pa trước đây không dám ở, sau khi ông trùm họ đạo Sa Pa vội vã chuyển nhà đi khỏi đó sau cái ngày một viên đá lớn nửa đêm lăn từ sườn núi Hàm Rồng xuống ngay cạnh nhà.

Khi con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông tuyến giữa năm 2014, và cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng một ngôi chùa giữa vườn quốc gia sắp hoàn thành, Sa Pa lại náo động bởi một cơn sốt mới với những công trường xây dựng phủ khắp cái nơi vốn đã chật chội này.

Dãy dài xe buýt đậu quanh sân vận động huyện cuối tuần, hàng dài xe chen nhau trong phố đã trở nên quen thuộc. Đất lên giá, nhiều khách sạn mọc lên, nhưng chuyện các khách sạn ở đây đổi tên đã trở nên quen thuộc, để tránh những tiếng xấu qua các bình luận của du khách về họ trên những trang web du lịch nổi tiếng như Tripadviser.

Cư dân cũ của thị trấn giờ hầu như đã chuyển hết về Lào Cai, bán những mảnh đất, mảnh vườn cuối cùng của thị trấn cho những nhà đầu tư mới, khi mà giá đất trong thị trấn tăng chóng mặt.

P.Q.V.

Những người gieo hi vọng

Rất may, không gian của những người H’Mông và người Dao quanh đấy dù đang dần đổi thay nhưng vẫn còn đầy hấp dẫn.

Phía dưới thị trấn khoảng 25km, Sapa Ecologge ở Bản Dền là khu nghỉ luôn đầy khách, nơi lối vào được dẫn qua một con đường mới mở đi vòng ra phía hạ huyện, tránh khu lõi Sa Pa lộn xộn. Và Sa Pa vẫn còn những hành trình ít người biết tới, như hành trình mà Giàng Thị Số, một phụ nữ H’Mông ở đây, đưa chúng tôi đi qua mùa xuân vừa rồi.

Số và khoảng 20 chị em người H’Mông và người Dao khác tham gia làm hướng dẫn viên của Ethos Spirit. Số đưa chúng tôi đi bộ qua một bản H’Mông với hơn 180 người trong một dòng họ sống quây quần quanh một cây cổ thụ, có lẽ là cái cây lớn nhất ở Sa Pa, qua những bản H’Mông bên sườn dãy Hàm Rồng về nhà cô, nấu cho chúng tôi ăn một bữa trưa của người H’Mông, rồi lại đi bộ qua Hàm Rồng về thị trấn…

Là một phụ nữ đã có ba con, Số nói chuyện với các cậu con trai của tôi bằng tiếng Anh, giới thiệu về những phong tục, về cuộc sống của người H’Mông, về cuộc sống của chính gia đình cô.

Mỗi tuần, chồng cô đưa cô xuống thị trấn ba buổi để học tiếng Anh ở nhà của Phil và Hoa – cặp vợ chồng Anh – Việt đã lập ra Ethos Spirit và được khách du lịch trên trang Tripadviser bầu chọn là tour du lịch đáng đi nhất ở Sa Pa.

Đầu tháng 11, một phụ nữ H’Mông khác, cô Tẩn Thị Shu, đã đến London nhận giải bạc về du lịch bền vững của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao cho Công ty Sapa O’Chau do cô sáng lập. Shu và các chị em người H’Mông của cô ở Sapa O’Chau còn có một niềm tự hào khác, khi công ty của cô đã được xướng tên ở một giải thưởng du lịch bền vững mới đây.

Những câu chuyện của Ethos Spirit, của Sapa O’Chau và Sapa Ecologge cho tôi niềm tin về một Sa Pa khác đang hồi sinh. Quan trọng hơn thế, tôi nghĩ, sẽ là những bài học về phát triển du lịch từ những câu chuyện này.

Chị Giàng Thị Số-P.Q.V.

Những bài học Sa pa

Quản lý thị trấn Sa Pa là một bộ máy chính quyền cấp xã, cho dù Sa Pa từ lâu đã thật sự là một điểm du lịch cấp quốc gia.

Để hình dung dễ hơn thì Hội An được quản lý bởi chính quyền cấp huyện, được bảo vệ bởi những quy định về bảo tồn một di sản UNESCO, trong khi Sa Pa không được quan tâm theo cách như vậy, cho dù về vai trò, Sa Pa có một vị thế quan trọng không kém Hội An, vị thế của một đầu tàu cho phát triển du lịch ở vùng Việt Bắc.

Nếu ở Hội An, sự phát triển và bảo tồn dựa vào chính cộng đồng dân cư thì ở Sa Pa, sự lộn xộn và những hệ lụy của nó phần nhiều là do sự phát triển dựa chủ yếu vào những nguồn lực và cái nhìn từ bên ngoài. Cộng đồng dân cư Sa Pa gần như đã bị bỏ qua trong sự phát triển ấy.

Có rất ít những sáng kiến hay dự án du lịch ở Sa Pa mang lại những lợi ích thực tế cho cộng đồng bản địa – những người tạo ra giá trị nổi bật cho Sa Pa. Chính quyền sẽ rất khó để giải thích cho những người dân ở Tả Phìn và cho chính du khách khi chặn đường vào bản Dao này để buộc du khách mua vé.

Bài học quan trọng thứ hai là về bảo vệ lợi ích của những người bản địa. Giàng Thị Số và những chị em H’Mông, Dao Đỏ của chị ở Ethos Spirit sẽ không thể nào có được tấm giấy thông hành để làm hướng dẫn viên khi Luật du lịch quy định hướng dẫn viên du lịch bắt buộc phải tốt nghiệp đại học và được đào tạo về hướng dẫn viên.

Trên thực tế, các hướng dẫn viên người Kinh sẽ chẳng thể nào học được những gì Số đang mang lại cho du khách: những câu chuyện có thật và kinh nghiệm sống, trải nghiệm của một phụ nữ H’Mông.

Ở một điểm du lịch như Sa Pa, và rộng hơn là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất định phải tính đến những lợi ích của người bản địa và phát triển, bảo tồn văn hóa bản địa khi hoạch định chiến lược phát triển du lịch.

Những trải nghiệm của du khách là một điểm khác phải tính đến khi hoạch định chiến lược phát triển cho một điểm du lịch như Sa Pa. Chỉ ở Hill Stations, du khách mới có thể trải nghiệm một bữa trưa hay bữa tối với các món ăn được nấu từ những thực phẩm đặc trưng của người H’Mông.

Một thị trấn với nhiều khách sạn nhỏ như Sa Pa sẽ chỉ có thể mang lại những trải nghiệm tốt cho du khách khi các chủ khách sạn hợp tác với nhau để cùng phát triển một số dịch vụ cơ bản.

Lợi ích của người bản địa cũng cần được tính đến trong những dự án như xây dựng cáp treo lên Fansipan, để những người dẫn đường và mang vác người H’Mông không bị tước đoạt sinh kế khi đi vào hoạt động.

Nếu được tính đến một cách đầy đủ, chắc chắn họ sẽ có chỗ trong việc phát triển một dự án như vậy, ví dụ phát triển các tuyến tracking thú vị hơn từ Cát Cát lên đỉnh Fansipan và trở về bằng cáp treo.

Phát triển những tuyến trackingvà trải nghiệm văn hóa bản địa cũng cần được tính đến và sẽ là bài học bổ ích cho những điểm đến còn chưa được khám phá ở Tây Bắc và Việt Bắc, nơi thiên nhiên và văn hóa bản địa luôn là những thành tố hấp dẫn.

Sa Pa hẳn nhiên cũng sẽ gặp khó khăn để có thể duy trì các bản H’Mông với những ngôi nhà truyền thống lợp bằng gỗ pơmu, nhưng bảo tồn một số ngôi nhà ít ỏi như vậy còn sót lại hẳn không phải là quá khó khăn. Mới đây, tôi được biết một gia đình H’Mông đang chào mời đổi một mái nhà gỗ H’Mông mấy chục năm tuổi của họ lấy một mái nhà bằng fibro ximăng đang thịnh hành.

Nếu không có những nghiên cứu và giải pháp phù hợp để những bản H’Mông có thể nâng cao điều kiện sống, vệ sinh và các tiện ích, có lẽ ngày mà những người H’Mông xây các ngôi nhà gạch theo kiểu của người Kinh sẽ không còn xa nữa.

Và sẽ không còn cách nào phục hồi những ngôi nhà gỗ truyền thống của họ, giống như điều đã xảy ra khi những mái nhà lợp cỏ tranh của người Hà Nhì ở Y Tý đã phải nhường chỗ cho những tấm lợp ximăng vô hồn, không hề ăn nhập với những ngôi nhà trình tường nổi tiếng của họ.

Cuối cùng, một lúc nào đó chúng ta nên giở lại bản quy hoạch Sa Pa đầy lãng mạn của những kiến trúc sư người Pháp, vốn từng được những người Sa Pa coi là một niềm hi vọng, để xem tại sao nó không thể thành hiện thực.

Và thảo luận xem Sa Pa sẽ thành hình ra sao với tốc độ xây dựng như hiện nay, với một tương lai đầy tham vọng của việc sẽ có một con đường cao tốc từ Lào Cai lên Sa Pa đang được xây dựng, hứa hẹn chất tải thêm vào một thị trấn đã quá tải từ lâu.

Một khi những bản quy hoạch Sa Pa không gắn mật thiết với một chiến lược phát triển “một điểm đến” của du lịch phía Bắc trong tổng thể phát triển của du lịch và văn hóa khu vực, việc thực hiện sẽ khó hơn rất nhiều, chưa kể sẽ bị co kéo bởi những lợi ích của các nhà đầu tư.

Trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, để có thể đạt mục tiêu chiếm 10% GDP, các tỉnh miền núi phía Bắc với sự hấp dẫn của văn hóa bản địa và điều kiện tự nhiên, phong cảnh, chắc chắn phải được tính đến như một điểm nhấn của du lịch Việt Nam.

Những bài học lớn từ những cơ hội phát triển bị bỏ qua của Sa Pa nếu được tính đến một cách nghiêm túc sẽ là hi vọng để những địa danh du lịch mới như Ba Bể, Bắc Hà, Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn… có thể phát triển bền vững và có một tương lai thật sự.

Phạm Quang Vinh – Tuổi trẻ

 

Exit mobile version