Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn là con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.“.

Tonvinhvanhoadoc.vn xin gửi tới quý bạn đọc một tác phẩm mới của tác giả trẻ Ngô Thuận.

Ảnh: Internet

Người trong nhà ngồi quanh hè bên chiếu rượu, ba con chó con nằm con ngồi con đứng ngoài sân cạnh nhà.

Vợ chồng Nhường, cô em họ, từ Bình Dương về quê thăm ngoại. Bà Họp nay tuổi đã cao, sức yếu, bệnh người già thất thường, con cháu mỗi đứa một nơi, toàn nơi xa, thành ra rất dễ tủi thân, đi đến cuối đời người đành chịu cảnh neo đơn.

Thăm ngoại xong thì ghé nhà cô nhà chú nhà bác. Đã sáu bảy năm từ cái hồi về thăm quê lần trước giờ về thấy nhiều cái lạ quá. Nhường nói.

Nhà chú chín nuôi bầy gà thả vườn. Chú nói, chiều nay vợ chồng bây ghé tao nhậu một bữa, kệ, không dề thì thâu, dề phải uống rượu quê, say rượu quê, nói chuyện quê, đấy, rồi biết chừng nào tụi bây mới dề lại nữa!

Bữa rượu chưa tàn, vì trời tối vợ chồng có con nhỏ Nhường cứ hối chồng, Hợi, về anh về anh. Tức về lại nhà bà ngoại. Nể! Dân phố xá tự đời thuở nào rồi mà còn cái chất kiêng kỵ ấy. Thôi thì không ép. Thôi thì về đi!

Lẽ ra thì tàn mâm. Chỉ còn hai chú cháu, định về, chú nói cứ ngồi nán lại đợi thằng Tý về. Năm nay trời hạn sớm quá dai quá. Nửa năm trời rồi, trời không ban phát một giọt mưa, khô hạn nắng cháy cả nước bắc trung nam, nhiệt độ khắp nơi ba bảy ba tám ba chín độ, nóng, nóng như Ấn Độ, nóng như sa mạc Trung Đông, nóng điên người, nóng cháy rừng, nóng khô hạn nứt đất. Những cánh đồng mênh mông miên man trơ gốc rạ, khô khốc, thê thảm, như đám cỏ thảo nguyên Mông Cổ nát bét sau một cuộc chiến đẫm máu. Nhìn đất, nhìn trời, người người chỉ biết khóc. Bất lực.

Còn nước còn tát, thôi thì ráng, thôi thì đã tứ cố vô phương, thôi thì dốc sức lực tìm cho được nước. Có cái gì gọi là sự sống nữa đâu khi nước tịt mù. Anh Tý mấy tháng nay trúng, anh có cái nghề khoang giếng gần xa bà con đều nghe biết. Anh vui vẻ xởi lởi, anh hoạt ngôn tươi tắn, anh đàng hoàng một khi đã nhận làm một thứ gì cho ai, phải làm cho tới nơi tới chốn, bỏ ăn bỏ ngủ nhất nhất không bỏ việc. Vùng này rồi nhiều vùng khác, các nơi ghi công anh biết ơn anh, không hẳn là suốt đời nhưng hễ anh còn sống người người còn nhớ anh, quý anh. Có độ khoang cả mười nhát giếng mới được một miệng có nước, nước nhiểu giãi như bò đái, người ta đã khóc, nói thật, chưa chắc gì khoan trúng mỏ dầu đã khiến người ta hạnh phúc như vậy.

Đợi anh lâu quá, chú cháu ngồi uống nói chuyện bâng quơ. Tám giờ tối rồi, làng quê vắng vẻ, yên ắng. Ba con chó nằm ngoài sân như ba chàng lính gác. Chú cháu nói chuyện đời chuyện người chán chê, chuyển chuyện chó. Chú gọi ba con chó vào, cả ba đứng dậy ngoe nguẩy đuôi, hoạt khí chạy vào với chủ. Hai đực một cái, hai sẻ một lai, cả ba khôn và ngoan. Con bên trái con bên phải con sà vào lòng chủ đưa lưỡi liếm liếm tứ tung, liếm mải mê, liếm chân liếm tay liếm đầu liếm tai chủ, hai con kia khẽ ủng ẳng ủng ẳng chực vào để thay thế. Vườn nhà chú rộng, trồng nhiều cây ăn được nuôi nhiều con ăn được có ba con chó canh giữ thì vườn mới yên người mới an.

Chú nói, con này khôn như quỷ, trời nóng mình ăn cơm bật quạt, coi ti vi bật quạt nó chẳng nói chẳng rằng cứ lại trước lồng quạt ngồi. Kệ, các người nóng, tôi đây cũng nóng, các người biết làm mát sao không gọi tôi. Cứ nằm đấy!

Chú nói, con này tinh, biết nhận dạng tiếng bô xe, cứ nghe tiếng xe khắc biết ai đến, người lạ thì bủa vây ra sủa ầm trời, khách quen nó cứ nằm im chẳng buồn dậy cái đuôi chỉ việc ngọa ngọe. Đến chơi đấy à, vào đi!

Chú nói, con này tài, bắt chuột bắt cá như ngươi ngụp lặn như ngươi. Ra sông thả lưới cả buổi được vài con cá tép riu, nó ngụp nó lặn một chập được mớ cá to, nó không ăn đâu, nó đem về thả vào thau rồi chạy đi tìm thím mầy sủa ầm ĩ, nó dắt bả về lại sủa thêm mấy tiếng nữa. Ý nói, tôi bắt được cá to nè, giỏi chưa giỏi chưa!

***

Trước, nhà nuôi con Ki. Giống chõ rẫy, to lớn đồ sộ, tướng tá chắc, khỏe, mạnh như một chiến mã. Hồi chú năm (chú năm là ba Nhường) trên rẫy Lâm Đồng về quê mang theo mấy con chó con về cho bà con, mỗi người một con. Hồi ấy chưa ai nuôi chó rẫy, nghe nói nó ăn khỏe lắm thì khiếp lắm, cơm người không có ăn, tới bữa lật gỡ từng miếng cơm cháy thì lấy thứ gì mà nuôi chó rẫy. Nghe nói nó dữ lắm, nó cắn ai một thì chết hai thì chuyển vào bệnh viện tỉnh, ai mà dám nuôi một con thú dữ tợn trong nhà. Thành ra chú đem về bà con mà ai cũng ái ngại, ai cũng dùng dằng nhìn thì thích đấy nhưng lấy là không lấy, nhất quyết không lấy.

Kệ, ba cứ lấy một con. Kệ, chú cứ lấy một con. Kệ, cô cứ lấy một con. Người ta mang mấy trăm cây số nửa ngày đường về cho, giờ, để người ta mang về, coi sao cho đặng.

Con Ki chóng ăn chóng lớn, chẳng chốc to khỏe như vốn loài chó rẫy. Người ta gọi chó rẫy để nói riêng về những con chó giữ rẫy. Tinh khôn và quyết liệt là bản năng, là đặc tính loài này, như loại chó nghiệp vụ.

Con Ki không ăn cứt, không là không, dầu cứt khô hay cứt tươi, không là không, dầu một lần, không là không. Thằng nhỏ con nhỏ nào ỉa, ô nó trốc nó, nó cự lại, nhìn chằm chằm. Ý nói bố mày mà thèm ăn cứt à.

Con Ki không chê sang hèn, cho gì ăn nấy, ngon cũng được dở cũng được, xương thịt cá mắm xơi cơm thừa canh cặn cũng xơi. Nó hiểu rằng để có miếng ăn không dễ.

Con Ki chỉ ăn những gì chủ cho, không ăn bất kỳ một thứ gì của ai. Ông hàng xóm có thân đến mấy, nhà cúng còn thịt thà mang sang cho, ông quẳng cho nó cục xương nói ông cho đó con ăn đi, nó không, một ngồi nhìn hai bỏ đi, không ăn là không ăn. Chủ nói, Ki ăn đi. Nó mới ăn.

Con Ki bắt chuột sư phụ. Vụ nào cũng thế đến độ lúa trổ, hạt gạo dần sường sượng chuột chẳng biết từ đâu ào đến phá. To có nhỏ có đàn đàn, cắn phá ngán thì dẫm đạp. Nhiều vô kể, lúc nhúc đầy hang thì làm ổ tại trận, ăn đấy đẻ đấy giữa cánh đồng mênh mông. Chuột chạy chuột giỡn chuột kêu dậy trời, thể như thế giới này là của chúng mình.

Diệt chuột bằng bả, không ăn thua, chết có chết lại chẳng được bao nhiêu, chuột khôn, biết, né.

Diệt chuột bằng bẩy, không ăn thua, chết có chết lại lẻ tẻ lèo tèo, chuột khôn, biết, ngu chi đưa đầu cho dập nát bấy.

Bó tay sao, người người quyết diệt chuột, nhà nhà quyết diệt chuột. Đã không còn một năm hai lần bắt hai ba con chuột cắt đuôi, xong, treo nóc bếp cho khô, cứng, phủi phủi bồ hóng, cho vào túi ni lông nhỏ hơ lửa chít đầu đem đến trường nộp thầy nộp cô. Đã có đứa nộp cả hai mươi cái, năm mươi cái, một trăm cái. Một trăm cái đuôi chuột được tuyển lựa kỹ càng, to, dài đều, đã được treo nóc bếp khô cứng rồi, một trăm cái đuôi chuột được bó buột như một bó đũa mun. Nhìn thấy gớm.

Nhưng sướng.

Hẳn, y như là một bộ sưu tập đuôi chuột, đực cái chẳng màn hễ cứ đúng một trăm đuôi to đẹp là hong lên, là bó lại, một bó.

Để được vậy, công đầu của con Ki. Nó rượt, đuổi, truy, lùng, a mày chạy, cắn một phát, chết tươi. Cắn chết rồi bỏ, không ăn chuột như loài mèo. Cắn chuột bố chuột mẹ những con chuột đuôi to dài ngoẵng, không cắn chuột con. Chuột con không biết không phá không có tội. Chúng không phá không chết. Nhưng, rồi đây chúng bay lớn lên chúng bay phá chúng bay sẽ chết. Nhớ chưa.

Một lần, chủ học lớp mười cao gầy dong dỏng kéo cái cộ cát nặng trịch. Chủ kéo đằng trước nó đi đằng sau một người một chó lủi thủi giữa trưa nắng đổ lửa. Giữa đường làng, có ông Tư Sơn, ông thấy nặng quá thì ra giúp. Ông cầm lái, nói lái vào nhà ông nghỉ đã đợi mát hãy kéo về nhà. Đến cua rẽ vào ngõ ông con Ki phủ đầu, nó hùng hổ, chực muốn xé xác người đàn ông to béo. Ý của nó, sao ông dám chở cát của tôi về nhà ông, hả, hả, hả.

Ba thương binh, ba đi chân chấm phẩy, mỗi lần ba đi đâu nó dắt ba đi. Đến mương đến sông đến suối nó nhảy ào xuống, cạn thì thôi nó vút qua bờ bên kia, hễ sâu, cảm thấy ba không đi được nó quay lại, sủa ba tiếng. Ý nói, không đi được.

Má thương nó lắm, trưa nào má cũng kêu nó ra giếng, lấy cái chậu thiệt to đổ đầy nước vào. Má nói, nhảy dô chậu đi Ki, nó nằm ngụp lặn trong nước thỏa thuê, má kì lông cho nó, gội dầu gội cho nó, nó ngoe nguẩy đuôi không ngớt. Ý nói, thích quá à thích quá à.

Ba bắt de (ve) cho nó, ba ngồi võng bên gốc xoài, nó khi nằm khi ngồi chồm hổm liếm chân ba liếm tay ba mỗi khi ba bắt được con de. Ý nói, cám ơn cám ơn.

Thằng chủ ngồi học bài, nó ngồi dòm dòm như muốn có ý kiến, muốn dơ tay phát biểu để đề xuất một cái gì hệ trọng. Thằng chủ đọc thơ cho nó nghe. Đọc:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Nó không ngọa nguậy biểu hiện gì, nằm nhoài thân thể to lớn, mắt nhắm, nước mắt chảy ra. Lần đầu thằng chủ thấy một con chó khóc.

Hồi ông anh thấy ba má ghiền coi cải lương, anh mua cho ba má cái đầu đĩa, hồi đó toàn đầu VCD mua được cái DVD oai lắm. Thằng chủ mân mê mãi cái đầu, cái đĩa nén một ngàn mấy trăm bài hát đủ các kiểu con đà điều nghe ba trăm sáu mươi lăm ngày cũng không hết. Ôi chào, lại cắm được cả USB. Thằng chủ có cái USB một trăm hăm tám Mê, có nhạc Em pơ ba, nhạc trẻ Vơ Póp nghe reo réo. Sướng.

Thằng chủ chê cái đầu đĩa nhà thằng Út, hàng xóm. Chê, qua tao mà coi đầu nhà mầy lạc hậu rầu. Thằng Út tức mình, qua, coi. Con Ki nằm canh, giữ của, nó không tin tưởng thằng Út, sợ thằng nầy không phá cũng chôm cái gì mang về. Một hồi thấy thằng Út ngồi coi mê mẩn quá say sưa quá mà không ho he gì, nó tin tưởng, nó thiu thiu nhắm mắt ngủ. Ấy vậy mà, không biết thằng Út đã làm gì. Nó đớp thằng Út một phát ba cái lỗ xuất hiện trên mặt. Thằng Út lập tức được đưa vào bệnh viện tỉnh.

Ba tức, mắng nó, đòi bán nó.

Má giận, la nó, đòi bán nó.

Nhưng, chỉ là dọa. Thế thôi.

Ở đời, có những sự biến mất đến kỳ dị.

Có cái biến mất, một tháng, trở lại.

Có cái biến mất, một năm, trở lại.

Có cái biến mất, ba năm, trở lại.

Biến mất, không để lại một tin tức gì.

Đi, thấy đủ, thì về.

Đi, trốn biệt, rồi về.

Đi, sám hối, trở về.

Viết đến đây, không thể viết, không thể nữa. Nước mắt trào. Khóc chỉ vì một câu hỏi mười năm nay.

Mười năm rồi con Ki đi đâu mà chưa về?



Exit mobile version