LGT: “Cơn Giông” là một trong các tác phẩm Nabokov, văn hào Mỹ gốc Nga, viết trong thời kỳ ông còn sáng tác bằng tiếng Nga, và được đăng lần đầu trên báo Đỵíÿ (Hôm Nay) vào ngày 28 tháng 9 năm 1924. Sau này, nó được Dmitri Nabokov, con trai tác giả, dịch lại qua tiếng Anh và đăng trong một số tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nabokov. Bản dịch dưới đây được dịch giả Thiên Lương, người từng dịch Lolita, thực hiện từ bản gốc tiếng Nga.
Mặc dù được sáng tác từ khi tác giả còn rất trẻ (25 tuổi), nhưng “Cơn Giông” đã báo hiệu cho sự xuất hiện của một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại. Bằng lối viết đầy hình ảnh với các câu văn chặt chẽ, logic, nhiều tầng nghĩa, Nabokov đã đưa người đọc vào một thế giới huyền ảo rực rỡ ánh sáng, đầy ắp âm thanh, nửa thực nửa hư. Đã gần một trăm năm trôi qua từ khi tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên, nhưng các nhà phê bình và độc giả vẫn tìm thấy trong tác phẩm chỉ dài chưa đến chín trăm chữ tiếng Nga này những điều mới lạ của một thế giới bất tử, thế giới của Vladimir Nabokov.
VLADIMIR NABOKOV
Nơi góc phố, dưới vòm hoa đoan, một mùi hương ngào ngạt quấn lấy tôi. Những tảng sương mù đồ sộ dâng lên trên trời đêm, và khi khoảnh sao cuối cùng bị nuốt chửng, thì ngọn gió mù lòa, che mặt bằng tay áo, lùa thấp theo phố vắng. Trong bóng tối nhập nhoạng, trên cánh cửa sắt của tiệm cắt tóc, một chiếc khiên treo – chiếc thau vàng – chao như quả lắc.
Về đến nhà, tôi bắt gặp ngọn gió đã đợi trong phòng: nó sập mạnh khung cửa sổ – và vội vã thốc ngược lại khi tôi khép cánh cửa sau lưng mình. Dưới cửa sổ phòng tôi có cái sân trong sâu hun hút, nơi đó, ban ngày, những chiếc sơ mi, bị đóng đinh trên các dây phơi rực nắng, tỏa sáng xuyên qua các bụi tử đinh hương và từ dưới ấy thỉnh thoảng lại vọng lên những tiếng sủa sầu muộn – giọng mấy người thu mua đồng nát ve chai; – ứ-ứ, – cây vỹ cầm tàn tật nức nở; và, có lần, một phụ nữ tóc vàng béo ú tới, đứng ngay giữa sân, hát hay đến nỗi các cô hầu, cúi cần cổ trần, nhoài cả người ra ngoài mọi cửa sổ, – sau đó, khi chị ta ngưng hát, mọi thứ trở nên yên lặng khác thường; – chỉ nghe tiếng bà chủ nhà tôi, một mụ góa lôi thôi, đang thổn thức hỉ mũi trong hành lang.
Giờ thì dưới ấy, màn sương u ám ngột ngạt đang trương lên, nhưng kìa, ngọn gió mù lòa, vừa bơ vơ luồn xuống đáy sâu, lại bắt đầu rướn lên trời, và đột nhiên – nó sáng mắt ra, lao vút lên và, trong những hố sâu màu hổ phách bên bức tường đen ngòm đối diện, những bóng tay và bóng tóc tất tả tới lui, bắt lại các khung cửa bay, sầm sập đóng chặt cửa sổ. Các cửa sổ vụt tắt. Và lập tức, trong màn đêm tím thẫm, một tràng âm thanh trầm đục, tiếng sấm xa, bắt đầu vỡ ra, lan rộng. Rồi mọi thứ lại lặng đi, như lúc chị hành khất ngừng hát, siết chặt tay lên bộ ngực đầy.
Tôi thiếp đi trong sự yên ả ấy, lử lả vì vui, một niềm vui mà tôi chẳng thể viết thành lời – và giấc mơ tôi chan chứa bóng hình em.
Tôi bừng tỉnh vì đêm vỡ vụn. Ánh lấp lánh nhợt nhạt, cuồng dại bay ngang bầu trời, tựa chớp hồi quang của chiếc nan hoa vĩ đại. Hết tiếng sét này đến tiếng sét khác xé toạc bầu trời. Mưa rơi rào rạt nơi nơi.
Tôi say những rung động xanh nhờ ấy, cái lạnh nhẹ buốt ấy. Tôi bước lên bậu cửa sổ ướt đẫm, hít không khí siêu phàm, nó làm tim tôi ngân lên, như kính.
Càng lúc càng gần hơn, càng lúc càng kỳ vĩ hơn, cỗ mã xa của nhà tiên tri rền vang theo những áng mây. Ánh sáng của sự điên rồ, của những ảo cảnh nhức mắt, rọi tỏ cõi đêm, những mái dốc kim loại, những bụi tử đinh hương cuống cuồng chạy trốn. Thần sấm, một ông khổng lồ tóc bạc, với bộ râu bão táp bị gió vắt ngược qua vai, mặc bộ lễ phục phấp phới chói ngời, đứng, ngả người về phía sau, trong cỗ mã xa ngùn ngụt cháy của mình, gồng tay ghìm lũ chiến mã khổng lồ, lông đen huyền, bờm rực lửa tím. Chúng lao vùn vụt, chúng phì bọt lóng lánh đì đùng, cỗ mã xa nghiêng ngả, và nhà tiên tri bối rối ghì dây cương mà chẳng ăn thua. Gương mặt ông bị méo đi bởi gió và sự căng thẳng; cơn lốc, thổi tung các nếp lễ phục, lột trần đầu gối vạm vỡ, – lũ chiến mã, tung bờm rực lửa, bay – mỗi lúc mỗi hăng – thấp dần, thấp dần theo những áng mây. Và đây, với những tiếng sấm ầm ì, chúng tung vó qua một nóc nhà sáng bóng, cỗ mã xa liệng đi, Elijah loạng choạng, và lũ chiến mã, điên lên bởi đụng phải chất kim loại phàm trần, nhào ngược lên trời. Nhà tiên tri bị quăng ra ngoài. Một bánh xe văng đi. Từ cửa sổ nhà mình, tôi thấy cái vành khổng lồ rực lửa của nó lăn theo mái nhà, chệnh choạng tại bờ mái, và nhảy vào bóng tối lờ mờ. Còn lũ chiến mã, kéo lê theo chúng cỗ mã xa bị lật nhào, nảy tưng tưng, đã bay nhanh theo những áng mây cao ngất; tiếng rầm rầm tắt dần và ngọn lửa giông lụi tàn trong những vực thẳm tím than.
Thần sấm, vừa rơi lên mái, nặng nề đứng dậy, đôi xăng đan của ông trượt đi; ông đạp chân vỡ cửa tò vò mái nhà, càu nhàu, khoát tay túm lấy ống khói. Chầm chậm quay gương mặt tối sầm lại, ông đưa mắt tìm kiếm thứ gì đó – hẳn là chiếc bánh xe vừa bung khỏi cái trục vàng. Sau đó ông ngước lên, các ngón tay túm chặt bộ râu rối, cáu kỉnh lắc đầu – chắc đây không phải lần đầu chuyện ấy xảy ra – và, hơi tập tễnh, bắt đầu thận trọng leo xuống dưới.
Rời cửa sổ, hấp tấp và hồi hộp, tôi khoác áo choàng và chạy xuống chiếc thang dốc dẫn thẳng đến sân trong. Cơn giông đã qua, nhưng trời còn lất phất mưa. Phương đông ửng màu xanh tái tuyệt đẹp.
Cái sân trong, nhìn từ trên cao thì như thể chìm trong bóng tối đặc quánh, thực ra ngập màn sương mỏng đang tan. Giữa sân, trên bãi cỏ thẫm màu vì ẩm ướt, một ông già gầy guộc, lưng còng vai xo, mặc chiếc áo thụng đẫm nước mưa, đứng lẩm bẩm nói gì đó và nhìn quanh. Trông thấy tôi, ông giận dữ nháy mắt:
– Là ngươi hả, Elisha?
Tôi cúi đầu. Nhà tiên tri chặt lưỡi, xoa xoa lòng bàn tay lên chỗ hói nâu nâu.
– Rớt đâu cái bánh. Tìm cho ta đi.
Mưa đã tạnh. Trên nóc nhà, những đám mây đồ sộ bừng bừng cháy. Xung quanh, trong không trung xanh mờ ngái ngủ, các bụi cây, hàng rào, cái cũi chó lấp lánh lững lờ trôi. Chúng tôi mò mẫm tìm rất lâu khắp các xó xỉnh. Ông già luôn miệng càu nhàu, nâng gấu áo nặng trĩu, lội đôi xăng đan mòn vẹt lõm bõm qua các vũng nước mưa và trên đầu cái mũi to, xương xẩu của ông treo một giọt nước lấp lánh. Gạt nhánh tử đinh hương thấp lè tè, tôi chợt để ý thấy, trên đống rác, giữa kính vỡ, một bánh sắt mỏng, chắc là từ cái xe nôi trẻ con nào đó, ông già thở phào nồng ấm ngay trên tai tôi và hấp tấp, thậm chí hơi thô bạo đẩy tôi qua bên, chộp cái vành han gỉ ấy nhấc lên. Ông nháy mắt vui vẻ bảo tôi:
– Thì ra là lăn vào đây…
Rồi ông chằm chằm nhìn tôi, nhíu cặp mày bạc, – và như thể chợt nhớ ra điều gì đó, oai nghiêm nói:
– Quay mặt đi nào, Elisha.
Tôi vâng lời. Thậm chí còn nheo mắt lại. Đứng như vậy được chừng một phút, – và không giữ được lâu hơn.
Sân vắng tanh. Chỉ có con chó già lông xù với cái mõm bạc màu thò đầu ra khỏi cũi và giống như người, ngước đôi mắt nâu sẫm đầy vẻ sợ hãi nhìn lên. Tôi ngẩng đầu. Elijah đã leo lên mái nhà, chiếc vành sắt sáng lờ mờ sau lưng ông. Trên những ống khói đen, một áng mây sừng sững hiện lên như rặng núi loăn xoăn vàng cam, và sau nó là áng thứ hai, thứ ba. Tôi và con chó im bặt ấy đăm đắm dõi theo nhà tiên tri, vừa leo đến đỉnh nóc nhà, bình tĩnh và thong thả đặt chân lên mây và tiếp tục trèo lên trên, nặng nề bước theo ngọn lửa dịu êm.
Nắng rọi vào bánh xe của ông, nó lập tức biến thành chiếc vòng vàng khổng lồ, – và chính Elijah dường như lúc này cũng mặc bộ lễ phục lửa, hòa mình với những ráng mây thiên đường ấy, bước mỗi lúc mỗi cao hơn, cao hơn nữa, cho đến khi biến vào lũng trời rực cháy.
Chỉ đến lúc đó thì con chó già mới cất tiếng sủa khàn khàn ban mai, – và những gợn sóng lăn tăn trên bề mặt sáng chói của vũng nước mưa; làn gió hiu hiu lay động các cây phong lữ đỏ thắm trên ban công, đôi ba cửa sổ tỉnh giấc nồng, – và tôi chạy ra ngoài phố, chân đi đôi dép ngủ kẻ ô ướt sũng, người mặc chiếc áo choàng phai màu, bắt kịp chiếc tàu điện ngái ngủ đầu tiên, vừa chạy vừa khép vạt áo và vừa cười hoài, vừa hình dung, chỉ lát nữa thôi là sẽ tới nhà em và kể em nghe về vụ tai nạn trời đêm ấy, về nhà tiên tri già cáu kỉnh ấy, vừa rơi xuống khoảng sân nhỏ của tôi.
Thiên Lương dịch
(SH324/02-16)
Tạp chí Sông Hương