Thế là Lây-la đã lấy chồng. Đám cưới diễn ra thế này: Chú rể giơ hai tay cao qua đầu, hát thật to bài thánh ca và đánh lưỡi sau mỗi nhịp hát như tất thảy mọi người, thứ ngôn ngữ chẳng ma nào hiểu mà người ta gọi là hát bằng giọng lưỡi.
Đến nghi lễ hôn phối, chú rể đưa Lây-la tới trước bàn thờ, nơi cô phải nói cái điều mà ở tuổi cô chưa đứa con gái nào thực lòng mong muốn: Mong muốn được sinh con. Chắc chắn ai cũng có thể nhận thấy cái mặt nhăn như khỉ ăn ớt của Lây-la khi đưa tay lên xoa xoa bụng mà nói: “Xin được ngợi ca Chúa vì món quà cuộc sống!”. Trên mặt Lây-la là nụ cười căng thẳng. Mọi thủ tục đám cưới rồi cũng xong. Sau bữa tối, màn đêm sập xuống rất nhanh. Đêm đầu tiên Lây-la ở nhà chồng!
Lây-la vẫn nhớ cách đây mười tháng, cũng vào một buổi tối như thế này, trước hiên căn nhà chẳng có của nả gì đáng kể của 9 bố con, bố đã nói với Lây-la về người cô sẽ lấy làm chồng. Lúc đó, ông đang ngồi nhổ cỏ ngoài sân, đất bùn nhét đầy kẽ móng tay.
Bố Lây-la bảo: “Hôm nay chúng ta sẽ đến thăm nhà chồng con”. Giọng ông đều đều, như không có chút cảm xúc nào trong đó. Khi nói, ông không nhìn thẳng vào mắt Lây-la. Cô biết ông đang cố che giấu ánh mắt cùng cảm xúc của mình. Dẫu vậy, Lây-la vẫn thấy nước mắt ầng ậc quanh khóe mắt ông; hai đầu gối ông oằn lại, run rẩy nén những tiếng nấc. Lây-la cố thuyết phục bố rằng ông không phải gả bán cô đi như vậy vì cô vẫn có thể đi bán nước thơm ngoài chợ đường cái. Khi bố Lây-la ngẩng lên, cô thấy đôi mắt ông đỏ vằn những máu, còn trên cái trán cháy nắng của ông là những nếp nhăn chạy dọc ngang nhằng nhịt như một chiếc bản đồ địa hình. Ông bảo: “Chỉ như vậy 8 đứa em của con mới có thể được tới trường. Nhà chồng con có tiền. Nó sẽ chăm sóc cho con. Hãy là một người vợ tốt”.
Thế là tối đó, bố Lây-la đưa cô tới gặp bố mẹ chồng. Tới nơi đã thấy cả hai đang đợi ở phòng khách. Bố chồng nhìn Lây-la chằm chằm, còn mẹ chồng thì cầm cái cổ tay nhỏ xíu của Lây-la lên xem xét một lúc lâu rồi ném nó sang một bên, nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống nền nhà mà bảo: “Nhìn cái bộ dạng rách rưới của con bé mà xem. Những người này thậm chí còn chẳng thể tổ chức cho con gái được một đám cưới truyền thống cho ra hồn ấy chứ”.
Nhưng chồng cô thì chẳng bận tâm vì điều đó. Chồng Lây-la đã thấy cô làm việc ở chợ từ trước, rõ ràng là người chăm chỉ. Như vậy là đủ đối với chồng cô, còn lại mọi thứ khác đều chẳng có ý nghĩa gì.
Sau đám cưới, trừ đêm động phòng, chồng Lây-la chẳng mấy đoái hoài đến cô. Chồng cô bán buôn giày da ở chợ suốt cả ngày. Bao giờ cũng vậy, sau bữa tối nhiều đạm, chồng cô chỉ đổ ập xuống giường mà ngáy, chẳng biết trời đất là gì. Nhưng cũng nhiều hôm chồng cô không về nhà ăn tối. Lây-la biết rằng chồng mình sẽ về muộn, người sẽ nồng nặc mùi rượu và sẽ đổ ập lên người cô mà ngấu nghiến vào bóng đêm, mặc cho cô nghẹt thở, sợ hãi.
Mỗi lần như thế, Lây-la lại hết sức lo lắng. Cô sẽ chạy thẳng vào nhà vệ sinh, kỳ cọ cho sạch cái mùi đáng sợ của chồng mình và mong sao không có chuyện gì xảy đến. Nhưng rồi cái bụng Lây-la cứ lùm lùm lớn lên từng ngày. Bác sĩ bảo cô đã có thai. Khi nghe cái tin đó, cô đã cuống cuồng chạy đi tìm chỗ để ói. Món cháo vừa ăn lúc sáng vậy là chẳng ích gì.
Mấy tháng nữa lại trôi qua. Cái bụng Lây-la cứ to dần lên và không biết từ khi nào cô bắt đầu thấy ghét nó. Cô biết đó chẳng phải là cách một người vợ tốt nên nghĩ và nên làm nhưng cái bào thai cứ khiến lồng ngực cô lúc nào cũng tràn ngập những nỗi buồn vô cớ, thi thoảng là những cơn bực tức chẳng rõ nguyên nhân. Lây-la bảo với chồng về điều đó thì chồng cô bảo phụ nữ lúc mang thai ai chả vậy.
Một buổi, khi chồng đã đi làm, Lây-la ngồi trên sàn nhà bếp, buồn bực đến độ bật khóc thành tiếng, hai tay đấm ngực thùm thụp và đập mạnh lên sàn bếp. Cho đến khi hai bàn tay tím tái cả lại thì cũng đã đến giờ cô phải đi chuẩn bị bữa tối.
Mùi dầu ô-gi-li lên men từ tinh dầu vừng và đậu tương khiến cô thấy chóng mặt. Chạy vội vào nhà vệ sinh, Lây-la ói tới cả mật xanh mật vàng. Cô thấy như có ai đó tóm lấy tim mình mà bóp mạnh. Cô lả đi trên sàn nhà bếp. Đúng lúc đó chồng cô về. Anh chạy vội vào, vén tóc Lây-la lên và bế cô vào giường nghỉ. Anh còn hôn lên trán cô và bảo rằng rồi mọi chuyện sẽ ổn. Cô chỉ nhớ có thế, rồi thiếp đi. Tỉnh dậy, Lây-la đã thấy bên cạnh giường bày sẵn một khay bánh và trà nóng. Chồng cô đang mặc đồ để ra chợ. Anh bảo: “Ăn đi mà lấy sức”. Lây-la nghe lời.
Chồng vừa rời khỏi nhà, cái sinh linh trong bụng Lây-la lại nhào lên, lộn xuống dữ dội, khiến cô quằn quại, đau đớn. Cô chỉ muốn làm cách nào đó thoát khỏi được cái sinh linh đang thành hình trong bụng. Lây-la chợt nhớ ra mấy chùm hồ tiêu tươi trong bếp và mang máng có ai đó nói rằng ăn thứ đó sẽ giải quyết được câu chuyện của mình. Vậy là cô nuốt vội một vốc hồ tiêu, chiêu mấy ngụm nước và ngồi chờ đợi. Phen này thì chết chắc. Thế nhưng hàng tiếng sau vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra. Lây-la bắt đầu đấm dữ dội vào cái bụng đã to vượt mặt của mình. Mỗi lần như thế, cái sinh linh nhỏ bé bên trong lại đạp mạnh, đau nhói.
Thất vọng, Lây-la với con dao, rạch một đường lên rốn, những mong giải thoát khỏi cơn ác mộng. Máu nhểu ra, cơn đau chạy dọc sống lưng, lan tới mọi ngõ ngách dưới lớp da, khiến cô rùng mình tỉnh lại. Ngay lúc đó, chồng Lây-la bước vào, vẫn tươi cười vui sướng với lô hàng lớn vừa bán được. Chẳng để ý gì đến Lây-la, chồng cô bảo: “Vậy là giàu to rồi; nếu muốn, ta có thể chuyển tới sống ở Asaba”. Rồi chồng cô giơ xấp tiền dày cộp ra trước mặt Lây-la mà bảo rằng tiền đi học của mấy đứa em cô đấy. Cô sẽ không phải làm việc nặng nhọc nữa. Lây-la lặng người.
* * *
Người ta đưa Lây-la tới bệnh viện. Các bác sĩ thì thầm bảo nhau:
– Con bé còn chưa đầy 16 tuổi.
– Khéo nó chết mất.
– Nào, chuẩn bị nước nóng đi.
Rồi cô nghe tiếng họ lầm bầm, vẫy tay ra hiệu cho nhau thực hiện những việc cần phải làm. Căn phòng nhỏ chao đảo rồi nhòe đi. Rất nhiều phụ nữ mặc đồng phục đi lướt qua trước mắt. Bên ngoài, chồng cô đang đợi. Cơn đau ngày càng dồn dập. Lây-la thấy như có ai đó đang vung một chiếc búa tạ bổ vào lưng mình. Cô ôm chặt lấy bụng, oằn lên trước những cơn đau, mắt hoa lên như có muôn vàn vì sao rơi xuống trước mặt. Trước mắt cô không có gì khác ngoài một màu áo trắng bác sĩ bệnh viện. Cơn đau như xé toang lồng ngực khiến Lây-la muốn thét lên trong hơi thở dồn dập, đứt quãng.
Trong cơn đau ù đặc hai tai, Lây-la vẫn kịp nghe tiếng bác sĩ quát cô gắng sức. Cô thấy toàn thân như có hàng vạn chiếc kim châm và hai chân tưởng như đã đứt rời khỏi cơ thể. Cơn đau rồi cũng giảm dần; những vì sao đang nhảy nhót trước mặt Lây-la cũng mờ đi cả. Các bác sĩ đã mỉm cười và tiếng khóc trẻ con đã vang lên trong phòng. Khi các bác sĩ đặt đứa bé vào lòng Lây-la, cô thấy có một luồng hơi ấm nhẹ nhàng chạy qua người mình.
Lúc sau, người ta đưa chồng Lây-la vào phòng, trao đứa bé cho chồng cô nhưng chồng cô nhất quyết không bế. Thay vào đó, chồng Lây-la quay ra nhìn cô nảy lửa. Cô đã làm chuyện gì không phải sao? Trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, chồng Lây-la nắm lấy một chân đứa bé giơ lên trước mặt Lây-la, hét lên: “Lần sau sẽ phải là con trai, nghe rõ chưa?”. Nói rồi, chồng Lây-la bỏ đi không ngoái lại.
Nỗi tức giận và cơn đau còn chưa dứt sau khi sinh khiến Lây-la đổ sụp xuống. Bao nhiêu kìm nén bấy lâu muốn bùng lên như ngọn lửa. Chai thuốc diệt chuột cô vẫn thấy trong góc nhà bếp bỗng hiện lên trước mắt. Nhưng khi bàn tay cô vừa chạm vào năm ngón chân nhỏ bé của cái sinh linh vừa mới chào đời, con tim cô chùng lại. Con gái thì sao chứ? Đó vẫn cứ là con cô và cô phải sống, bởi ngày mai sẽ là một ngày khác, không thể cứ mãi tăm tối như câu chuyện của ngày hôm nay!
Truyện ngắn của CHI-CHI AI-A-LO-GU (Ni-giê-ri-a)
Nguồn: QĐND (Huyền Chi dịch)