“Con gái người kỹ nữ” là tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn nữ Ấn Độ Juliet Philip viết về Kamada.
Sống trong thế giới tăm tối, bên cạnh người mẹ là kỹ nữ, nhưng Kamada như một “cô bé bán diêm” thời hiện đại. Cô bé đã dùng trí tưởng tượng hài hước làm que diêm, đốt bùng lên một Mumbai sống động; dùng tâm hồn ngây thơ nhưng mãnh liệt, cháy rọi cho những khao khát hướng tới tri thức, hạnh phúc và tương lai…
Kamada là con gái của một gái gọi cao cấp chuyên phục vụ các quý ông giàu có ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Phải chứng kiến cảnh mẹ mình quan hệ với những người đàn ông khác, Kamada luôn tìm mọi cách để thoát khỏi ngôi nhà của mình, thoát khỏi những cung đường dơ bẩn, tệ nạn của Ấn Độ, nơi cô bé luôn cảm thấy tù ngục, nhất là khi còn không rõ cha mình là ai. Kamada chuẩn bị một cách chu toàn cho kế hoạch của mình – cô bé học tập miệt mài cho chứng chỉ GRE, thu thập tất cả các giấy tờ cần thiết để đến với mục đích cuối cùng của mình là nước Mỹ. Trong khi đang lên kế hoạch cho cuộc chạy trốn của mình, thế giới của Kamada bị đảo lộn bởi một bí mật mà mẹ cô lột trần, gây chấn động tâm lý cho cô bé tuổi mới lớn.
Nhưng Kamada là cô bé lạc quan. Cô bé đã trốn thoát khỏi thực tại tàn nhẫn bằng óc tưởng tượng hài hước của mình, nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt diệu kỳ, tươi sáng. Kamada “phù phép” ra những sinh vật kỳ lạ xuất hiện ở bất cứ đâu, thổi hồn cho những hoa quả trái cây tại một quầy hàng ven đường, và tạo âm thanh cho những ổ gà trên phố… Những tình tiết linh hoạt được kể qua giọng điệu hùng hồn của Kamada với một ước vọng khôn cùng cho một cuộc sống mới. “Con gái người kỹ nữ” được viết theo lối miêu tả tâm lý xuất sắc, với cốt truyện đầy trí tưởng tượng dành cho lứa tuổi từ 13 – 20, nhưng đây hứa hẹn cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những ai muốn tìm lại những tháng ngày “ẩm ương” nhiều cảm xúc.
Câu chuyện về Kamada chống chọi với thế giới tối tăm, dung tục được nữ văn sĩ thể hiện bằng lối viết độc đáo, sáng tạo và đậm chất văn chương. Trong cuốn sách này, Juliet Phillip để nhân vật của mình xưng “tôi”, tự kể về cuộc đời mình xen lẫn vô vàn những đoạn độc thoại nội tâm, khiến người đọc bị lôi cuốn và thuyết phục. Không những thế, tác giả còn đưa vào tác phẩm những quan niệm về nhân sinh, âm nhạc, món ăn, văn hóa truyền thống Ấn Độ với lời văn rất ưu nhã.
“Con gái người kỹ nữ” là cuốn sách giúp chúng ta biết đến một trong những khái niệm then chốt của văn hóa Ấn Độ. Có lẽ nó khó có thể dịch được chuẩn ra tiếng Việt, nhưng chúng ta có thể hiểu đó là “nỗi bi cảm, u hoài” nhưng “lạc quan” và “quyết liệt” vẫy thoát trước hoàn cảnh.
Theo Hà Thu – Dân Việt