Nguyễn Văn Toan
Đêm. Một quầng ngũ sắc bao lấy mảnh vàng trôi giữa những đám mây. Ánh trăng loang loáng trên mặt nước. Nước nhấn chìm bản. Trăng và lửa soi rõ khuôn mặt cô. Những bó đuốc trên tay dân bản cay nghiệt xua đuổi cô khỏi đất này. Tuyền ôm bụng khóc tức tưởi trước cửa chùa Cốc Nặm. Chẳng còn cách nào khác, cô bước lên bè chuối mà dân bản mang đến cho. Bóng trăng dập dềnh trên dòng nước đục ngầu, chiếc bè tủi nhục của người đàn bà bụng mang dạ chửa bị đẩy ra vùng nước xiết lao nhanh về khe núi trước bản…
***
Bản đây được bao quanh bởi những ngọn núi cao hình chóp nón khô cằn, cây cối không quá đầu người bao giờ. Dân bản sống nhờ một nguồn nước từ ngầm đá chảy ra, ngầm ấy tiếng Tày gọi là Cốc Nặm. Dòng nước ấy cứ vòng vèo dưới chân núi, khe sâu mà mãi không tìm được đường ra sông lớn. Nước từ hốc đá chảy ra, lại theo hang ngầm mà chảy đi. Chỉ bao giờ mưa nhiều, nước mới ngập bản, trào qua vách đá dựng đứng. Người nơi khác đến ở được dăm ba tháng ác mồm truyền tai nhau rằng: “Đất này nước chảy ngược, đàn bà chửa hoang nhiều”.
Ngày mẹ đẻ Tuyền, dòng Ngâm không mưa lũ mà dâng nước lên. Vằng Thẳm ngày thường nước chỉ quá đầu gối, hôm ấy ngập đến bầu ngực căng tràn của mẹ cô. Đó là một buổi trưa hè vắng, chỉ có tiếng mõ từ chùa Cốc Nặm đều đều vọng lại. Bà vừa đặt chân xuống vũng thì lên cơn đau đẻ, nước ối vỡ chảy ra nhuộm đỏ cả dải đá trắng. Bà khuỵu xuống, nước dâng lên đỡ lấy bà và đứa con trong bụng. Nước giúp bà chào đón đứa bé và rửa sạch nó bằng sự trong mát mềm mại bao la. Bà chỉ mong đứa con mình đẻ ra là con trai để nó đỡ khổ nhưng đứa bé lại là gái, xinh xắn lạ kì.
Tuyền lớn lên bên mẹ và tiếng mõ của bà từ trông chùa. Thi thoảng có người đi vằng nước cạnh ngôi nhà của hai mẹ con, ngỡ ngàng gặp đứa bé trắng ngần, mắt đen láy đùa giỡn dưới nước bất kể mùa nào. Rồi thoắt mấy lần trăng lên trăng xuống, đứa gái ấy đã thành một sơn nữ xinh đẹp.
Mẹ Tuyền cũng là con bà góa, truyền đời ở mom đất cạnh Vằng Thẳm. Hồi trẻ bà có tính lạ chẳng chơi được với ai, chỉ lui tới chùa Cốc Nặm và vũng nước gần nhà. Trai bản thích cái nét căng tràn mây mẩy của cô gái ấy nhưng ngại bà từ nên ít dám lai vãng. Chỉ những ngày Tết, hay đêm rằm khi đám trai gái rủ nhau lên những đồi cỏ khum khum như cái nong úp hát đối, cô mới ra khỏi nhà đi cùng họ. Những bài Cọi bắt đầu bằng tiếng ngân da diết hứ hơi hứ..ứ… quấn quýt bụi sim, mua, rồi vút lên cả đêm trên núi rừng, sau vang đến những vách nứa trong bản. Cứ thế bao nhiêu trai gái tự tình nên đôi nên cặp, mà người con gái ấy vẫn không ưng ghép bạn với ai. Rồi cô có chửa, chẳng biết bố đứa bé là ai, thế nên người ta đồn cô ăn nằm với rồng. Nguyên do Tết năm ấy có ba người trai lạ đến bản chơi hội. Những gã trai ấy hình thù đẹp đẽ, da trắng mắt sáng. Trai vùng nào mà tung còn giỏi, ném vỡ con quay của người khác, hát Cọi với gái bản cũng thạo thì khó mà tin là người thường được.
Hội tan, có kẻ nói đã lén theo sau mấy kẻ lạ, thấy họ đi về phía Vằng Thẳm rồi nhảy ùm xuống nước biến mất. Người thì bảo sau mùa hội, trăng miên man trên rừng núi, mấy người trai lạ ấy đội nón vào bản hát cả đêm với con gái, đến khi trăng khuất sau núi họ lại mất hút dưới vằng nước chỉ để lại ba chiếc nón đã hóa ba lá sen xanh dập dềnh. Người ta đoán Tuyền là con của một trong những người ấy.
Tuyền lớn lên với dòng nước và những đồn đoán về bố mình, phận côi cút nhưng càng lớn càng xinh đẹp. Những bờ thửa đầy cỏ dại quanh ngôi nhà hai mẹ con bắt đầu rệ xuống, mòn sạch bởi bước chân đám trai bản. Đêm đêm, ngôi nhà nhỏ bị bao phủ bởi những tiếng huýt sáo, tiếng thổi tiêu đến mờ sáng mới thôi. Mẹ Tuyền nhiều lần nhìn cơ thể chắc lẳn qua lần áo của đứa con gái khi tắm trong vũng nước mà không nén nổi tiếng thở dài. Nhưng rồi cái tiếng thở dài ấy cũng chẳng kéo lâu. Mẹ Tuyền chết bởi nước, dân bản nói bà về với giống rồng. Độ ấy mưa nhiều, mưa như thể trút hết nước trên trời xuống. Chùa Cốc Nặm cũng bị nước lẹm sát chân cột. Con quạ trắng về đậu trên nóc chùa, lông ướt rượt kêu những tiếng ai oán không dứt.
Tối ấy đội mưa lên chùa đón con gái, mẹ Tuyền trượt chân rơi xuống ngầm nước, luồng nước cuốn bà đi. Người mẹ chết mà chẳng kịp nhắn nhủ gì với con. Ba ngày sau khi nước từ ngầm tuôn ra ào ào, xác bà được đẩy qua Vằng Thẳm rồi biến mất theo dòng nước. Tuyền nghe theo lời khuyên của bà từ vào ở trong chùa.
***
Chùa Cốc Nặm ngày xưa thiêng lắm. Thuở ấy dân miền núi này sống tin vào những điều huyền bí từ cây cỏ, đất đá chứ không tin vào thần Phật. Nhưng một ngày nọ khi cơn hạn hán đã cướp đi quá nửa mạng dân bản, trên phiến đá phẳng lì dưới ngầm đá bỗng xuất hiện một người đàn bà với một con quạ trắng đậu trên vai. Người đàn bà ấy đến ngồi trên phiến đá gõ mõ tụng kinh nửa tháng trời. Ban đầu dân bản mặc kệ bà ta với việc của mình nhưng dần dần những câu kinh của bà như những hạt mưa, cứ thấm vào tâm hồn khô cằn của họ, không ai bảo ai tất cả kéo nhau đến vái lạy bà. Khi bà ngưng tụng kinh nước từ ngầm chảy ộc ra. Dân bản nghe tiếng nước ùa ra mà uống mà tắm đến thỏa thuê khi quay lại thì không thấy người đàn bà và con quạ đâu nữa. Chỉ thấy chỗ bà ngồi có một viên đá màu đỏ sáng lấp lóa.
Về sau, họ chia nhau đi khắp núi cao rừng sâu lấy gỗ về cưa đục, dựng thành một ngôi chùa trên chỗ đó. Một thời chùa Cốc Nặm được dân bản cúng dường, công đức thường xuyên. Nhưng dần dà họ chỉ biết xin xỏ, chùa không ai công đức xập xệ, u tịch lắm…
***
Từ lúc Tuyền vào ở trong chùa, ngoài đám trai bản lảng vảng trêu ghẹo còn có một người đàn bà điên hay đến ngủ ở đó. Chẳng ai biết lai lịch mụ ấy thế nào, mụ thoắt đến thoắt đi. Hình dung ngơ ngẩn nhưng mụ cũng chẳng xin ai trong bản một thứ gì. Cũng độ ấy, dưới gốc vối già cạnh chùa có một mó nước trong vắt, ngòi nước chỉ bằng ngón tay nhưng không cạn bao giờ. Ban đầu chỉ đám đàn bà con gái hay đến mó lấy nước, nhưng càng về sau bọn đàn ông con trai thay nhau gánh xô chậu đến nườm nượp.
Minh họa: Bùi Trọng Dư
Trong đám lấy nước ấy có Khiêm táo gan, ngỗ ngược nhất, chẳng biết sợ trời đất là gì, nhà cũng gần chùa. Người nó đen chùi chũi, tóc bù xù, bố nó là lão Đán chuyên buôn bán trong bản. Ngầm nước mùa cạn không ai dám vào nhưng Khiêm thì dám. Nó lên đồi chặt nứa khô về đập dập, buộc túm lại thành bó đuốc to bằng cột nhà, rồi châm lửa, dắt con dao nhọn ngang lưng đi vào. Đám lâu nhâu đi theo đến cửa ngầm thằng nào cũng lắc đầu lè lưỡi chạy ra. Mất một ngày nó mới đi ra. Đám trẻ hỏi thấy gì ở ngầm, Khiêm bảo có hai đứa con gái trần truồng người sáng loáng múa may xem không biết chán. Người già hỏi, nó sầm mặt nói toàn rắn ở đấy. Có hỏi thêm nó chỉ bảo muốn biết tự vào mà xem.
Có năm trời hạn chỉ còn ngòi nước dưới gốc vối không đứt mạch, dân bản muốn đến lấy nước đều phải đi qua con đường cạnh nhà Khiêm. Nó cứ đợi có người là xùy chó ra. Dân bản tức giận rút trụi bờ rào đập chó. Uất lên nó xách dao lên đồi vầu chặt cây, chẻ ra rào đường lại.
“Khiêm nhà mày gần chùa mà ác vừa thôi.”
“Khiêm mày làm gì thì làm đừng để chúng ông đốt nhà mày.”
Người ta nói thế nhưng Khiêm chả sợ, ngày ngày nó vác dao quắm ra đứng dạng chân ở hàng rào ai muốn đi qua lấy nước đưa tiền thì nó rút rào cho, còn không cứ đứng đấy chửi đến khô lưỡi cũng mặc.
Và Khiêm mê Tuyền. Nhiều tối trăng lên nó lẻn leo lên cây vối đợi Tuyền ra tắm. Trăng vàng rượi, nước trong, cơ thể đứa con gái loang loáng. Sau mấy bận như vậy, bứt rứt, nó nhờ bà cô đến xin cưới Tuyền về làm vợ.
Bà cô nó vào chùa lơ láo như chuột, giả lả bắt chuyện với bà từ già. Chán chê bà ta mới nói chuyện Khiêm nhờ đến hỏi Tuyền. Tuyền nghe chuyện thì không đáp, lẳng lặng về căn lều sau chùa đóng cửa lại. Bà cô xấu hổ lảng về. Khiêm trốn ở cổng chùa, thấy cô thất thểu đi ra, biết không cưới được Tuyền, từ ấy chỉ uống rượu đến mềm oặt người. Khuyên bảo con không được, mẹ Khiêm điên tiết xách váy đứng trước cửa chùa dạng chân, chống nạnh chửi suốt buổi. Đám thanh niên hay uống rượu trực của Khiêm lâu không được rủ đi, kéo nhau đến nhà. Khiêm nằm co như con thú ốm trong góc buồng rên hừ hừ. Đám kia được thể khiêng nó đi uống rượu.
Rượu nóng lòng nóng ruột bốc ra miệng thành những lời xúi bậy.
“Ối nỏ, anh không lấy nó thì phí nỏ.”
“Phải lố, nòi nhà nó trai bản không lấy thì lại vào tay thuồng luồng thôi.”
“A lối, cái Vằng Thẳm gần nhà nó mới khiếp. Cái lỗ đen sì đưới đáy vũng kia, bao lần đi qua em thấy đầy cá, chạy về vác chài ra quăng mà chả dính con nào.”
“Anh Khiêm, em bảo này…”
Một thằng vin cổ Khiêm đang ngật ngưỡng vì men rượu thì thầm, thì thầm…
***
Đêm rằm tháng Bảy. Từng nhà, từng người nối nhau vào thắp hương rì rầm khấn xin. Bà từ già ốm nặng, một mình Tuyền chạy khắp ba gian chùa khản cổ nhắc người này, người kia không được lấy cắp đồ.
Mãi đến khi trăng đã ngả sau núi mới hết người. Tuyền mệt chỉ lê bước tới lều của mình rồi lăn ra ngủ quên cả cài cửa. Trăng chênh chếch. Một bóng đen lẻn vào chùa. Bà từ nằm trên giường ú ớ khi thấy Khiêm bế thốc Tuyền ra tảng đá cạnh gốc vối già. Trăng đang sáng bị đám mây đen kịt phủ kín. Bà từ già vẫn lết ra được gốc vối, lấy hết sức mình bổ vào lưng Khiêm một nhát dao quắm. Nó trợn mắt lên buông Tuyền ra. Bà từ già ngã ngửa, Khiêm cầm dao lên định bổ xuống bàn tay gầy nhẳng của bà trả thù. Nhưng Tuyền đã tỉnh, nhìn chằm chằm, Khiêm thôi.
Kể từ đấy vết thương sau lưng Khiêm lan rộng đóng vẩy đen kịt. Bố mẹ nó mỗi ngày thay nhau rửa, cạo ra một thứ như vẩy ốc đen hôi hám. Khiêm định lên chùa gặp Tuyền lần nữa để nói chuyện nhưng cứ khi nào đến gần chùa vết thương trên lưng lại nóng rực như lửa khiến nó không chịu nổi, bỏ về. Bố nó cho mời bao nhiêu thầy tào cao tay về làm lễ cũng không chữa nổi.
Rồi đến trưa kia, cả nhà đang buồn như có đám thì mụ điên về bản, đi qua nhà Khiêm, mụ bỗng cất tiếng hát Cọi eo éo.
“Hứ hơ..ơi hà hứ..ứ hơi… Nước lớn chảy ra từ hốc đá, người ác không ở gần chùa được. Ở gần cũng hóa sắt đá mà thôi. Muốn sống vượt bảy núi chín suối mà đi…”
Bố Khiêm nghe được mấy câu hát ấy thì khựng lại ngẫm nghĩ, hai mắt sáng lên. Buổi tối đấy Khiêm nấp một chỗ gần chùa đợi nhìn mặt Tuyền rồi bỏ đi khỏi bản.
***
Ngày Tuyền biết mình đã có thai, mụ điên đứng trước cửa chùa nhăn nhở cười, một tay cầm gậy, một tay chìa đưa cho Tuyền nắm hạt màu đen. Tuyền mang nắm hạt gieo ở vũng nhỏ dưới ngòi nước. Hạt nẩy mầm cho thứ cây nhỏ đầy gai lá, to hơn lá mon. Cái thai trong bụng Tuyền cũng lớn dần không giấu được. Dân bản lại kháo nhau đủ chuyện về bố đứa bé.
“Con Tuyền lại ăn ngủ với rồng rồi. Thể nào lúc nó đẻ, nước cũng lại ngập bản cho xem. Lại cái giống hoa nó trồng nữa lạ lắm. Hoa ấy nở thuồng luồng lên ngửi đấy.”
Người tỉnh táo hơn nói thai ấy của thằng Khiêm. Mẹ Khiêm lại được dịp chửi bới. Và mặc những lời bóng gió, chua cay, hoa vẫn nở hồng vũng nhỏ dưới gốc vối. Những bông hoa ấy lần đầu dân bản nhìn thấy tận mắt. “Phá nó đi, nhổ đi.” Nhưng chưa kịp phá thì đêm ấy nước từ trời đổ xuống, từ ngầm đá uồn uột đổ ra. Sáng sớm, những kẻ thức dậy đầu tiên thấy gầm sàn lênh láng nước, lợn gà, con chết, con tìm chỗ trú. Cả bản chìm trong biển nước mênh mông. Có người nói khi đẩy bè đã thấy những cái mào ẩn hiện dưới nước có màu giống hệt những cánh hoa sen.
“Đuổi con ấy ra khỏi bản này mới yên được.”
Trăng lên đầu núi, dân bản đốt đuốc dong bè đến chùa. Bà từ già nhìn Tuyền bị đưa đi. Đau đớn, bà vào thắp hương lần cuối rồi về buồng vắt dây lên xà. Hình ảnh mẹ Tuyền, Tuyền dội lại. Bà đạp ghế…
Bên ngoài, chiếc bè chuối quay cuồng trên sông cuộn gặp con xoáy lớn tở tan tành. Tuyền bị dòng nước lũ đục ngầu hung dữ cuốn đi. Nhưng cô không chết mà dập dềnh trôi, bào thai trong bụng gần ngày sinh nở quẫy đạp. Đến khi kiệt sức Tuyền lờ mờ nhận ra có bàn tay dìu mình vào bờ…
*
* *
Gần một năm rời khỏi bản Cốc Nặm, Khiêm mới lại mơ thấy Tuyền. Bản Cốc Nặm chìm trong mênh mông nước, dưới trăng sáng nhìn rõ những chiếc mào đỏ rực của đám thuồng luồng bơi nhanh về phía chùa. Cả vùng chỉ còn chùa Cốc Nặm chưa bị nhấn chìm. Trên bè nứa, dân bản hung hăng ném về phía chùa những bó đuốc cháy rực. Tuyền xõa tóc dưới trăng khóc rưng rức, cô ôm bụng bước ra mép đá nhảy xuống, nước bắn ùm lên… Giấc mơ khiến Khiêm choàng tỉnh giữa đêm, mò ra bờ sông đứng. Nước sông vẫn chảy xiết dù mưa đã tạnh, trăng vàng trôi trên sóng. Lắng tai nghe kĩ có tiếng nước ùa về, nước lớn thế này có khi mưa cả tháng trời. Dòng Ngâm sẽ như con rồng bị nhốt trong ao tìm đường thoát ra.
Bỗng vết thương sau lưng Khiêm nóng lên khi lờ mờ thấy một người đang trôi theo dòng nước lớn. Nó lao xuống, vết thương sau lưng cháy xèo xèo trong nước lạnh. Đêm ấy, Tuyền dốc hết sức tàn đẻ con trong lều của Khiêm. Trước khi nhắm mắt về trời cô dặn:
“Khi nào con biết nói anh hãy đưa nó về bản.”
***
Sau cơn lũ lớn năm ấy, bản Cốc Nặm sống trong những ngày tháng khô hạn dai dẳng. Những kẻ hay qua lại buôn bán với bản ít dần, bản hoang vu, ban ngày nóng bức, đêm oi không ai ngủ nổi trong nhà. Dân bản bỏ đi tha hương cũng chẳng ít.
Giữa cái không khí bức người ấy có một người đàn ông tìm về bản. Gã ăn mặc lôi thôi, tóc tai bù xù. Trên tay gã, một đứa bé ba tuổi, đứa bé bụ bẫm, váy áo sặc sỡ. Gã đàn ông đi qua nhà lão Đán, ngưng một lúc rồi đi thẳng lên chùa Cốc Nặm. Lúc đi qua phiến đá cạnh cây vối già, gã dừng lại. Chỉ đến khi đứa bé trên tay gã mở miệng nói “nước, nước” gã mới sực tỉnh. Ngòi nước bấy lâu vẫn cạn có một dòng nước trong lành chảy ra. Gã đặt đứa bé ngồi trên phiến đá rồi xuống mó nước khum tay hứng một vốc đầy đưa lên cho nó. Cặp môi hồng như cánh sen của đứa bé vừa chạm nước thì gió từ những đỉnh núi vi vu thổi đến. Chốc lát mây đen tích tụ, sấm chớp đì đùng, mưa rất to.
Cơn mưa đầu tiên sau ba năm khô hạn khiến cho những khuôn mặt vô cảm, khốn khổ của dân bản sáng lên. Họ kéo nhau lên nền chùa cũ nơi có gã đàn ông và đứa bé đang ngồi. Lão Đán nhìn thằng con trai của mình mà khóc như một đứa trẻ. Trước mặt lão đích là Khiêm, đen đúa và khỏe mạnh, chỉ duy lớp vẩy sau lưng vẫn chưa mất đi. Đứa bé gái bầu bĩnh giống hệt Tuyền. Ba ngày sau khi nước mát trở về với bản Cốc Nặm, Khiêm bế đứa bé đi khắp các nhà trong bản. Đi đến đâu đứa bé chỉ vào đúng đồ vật của chùa bị lấy đi sau cơn lũ năm nào. Từ cây cột đá, đến phiến đá kê chân cột… Cả bản kinh khiếp, trong bảy ngày tất cả đều được trả về chùa.
Khiêm dựng một ngôi nhà mới ngay cạnh chùa nuôi đứa con gái và thỉnh thoảng trong giấc mơ vẫn gặp Tuyền từ dưới dòng suối trở về…
N.V.T
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài