Tranh gà của họa sĩ Thành Chương
Chúng tôi mong muốn nhận được cả những tác phẩm mới hoàn thành và những tác phầm đã công bố trên báo chí trung ương và địa phương. Bài vở, tranh ảnh…xin gửi về 2 địa chỉ : vanvn.net@gmail; nguyenvietchien1952@gmail.com. Mở đầu là ghi chép hoạt kê của nhà văn Trần Quốc Toàn cùng những bức tranh gà trong triển lãm mới nhất của họa sĩ Thành Chương.
Ngày 20-1-2017, tại Trung tâm nghệ thuật Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm với 60 tác phẩm tranh “GÀ” – Xuân 2017 của hoạ sỹ Thành Chương. Theo Ban tổ chức thì đây là sự kiện Hot nhất chào đón TÊT ĐINH DẬU 2017 tại Hanoi Creative City. Những người đam mê nghệ thuật tạo hình có cơ hội trải nghiệm một hội chợ nghệ thuật đẳng cấp có thể là chưa từng có ở Hà Nội trong nhiều năm qua. Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Tôi phải khai thác hết tất cả cảm nhận và trí tưởng tượng của mình về con gà, cũng như là đưa đời sống người dân vào trong đó để không bức tranh nào giống bức tranh nào. Nhìn những bức tranh này thì những người anh em bạn bè của tôi đều cho biết rõ ràng là không bức nào giống nhau và vẫn nhận ra đấy là tranh của tôi”. Được biết, từ năm lên 8 tuổi, họa sĩ nhí Thành Chương đã đoạt Giải vàng tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh với bức tranh “Chú gà tồ Đông Cảo”.
Họa sĩ Thành Chương tại triển lãm tranh gà Xuân Đinh Dậu
TỨ BÌNH KIM KÊ
1.Ưng Bình Thúc Dạ Thị dạy quan Tây đọc thơ gà ta
Hồi đầu thế kỉ 20 chánh mật thám Trung kì là Sô Nhi nhận được mật báo, có câu thơ rất đáng ngờ. Có thể là một kế họach khởi lọan theo kiểu sấm truyền:
Nực cười hai bảy mười ba
Trời làm trận gió tám gà chết thiêu
Sô Nhi giải mã hàng tháng trời vẫn không thể hiểu ra, hai bảy phải 14 chứ sao 13? Trận gió nào thiêu chết được gà? Tại sao chỉ chết 8 con, không nhiều hay ít hơn? Càng nghĩ càng bí, Sô Nhi đành tìm tới bậc túc nho là thi sĩ Ưng Bình Thúc Dạ Thị mà thưa rằng:
– Thưa cụ, tôi nghĩ câu này chẳng phải câu hát tầm thường! Chắc có điều bí mật trong đó. Tôi đã biết trước đây ông Trần Cao Vân có bài thơ vịnh cái tầu hỏa, nhưng trong cái vỏ ngâm vịnh bọc một mật lệnh hẹn giờ động binh.
Nhà thơ của chúng ta cả cười mà rằng:
– Ngài bị lầm bởi sự méo mó nhà nghề. Chẳng có mật lệnh nào, trong đó chỉ có chuyện buồn của quí quốc. Để tôi cắt nghĩa ngài hay. Chắc ngài còn nhớ, năm ngóai, theo âm lịch là năm nhuận hai thánh bảy. Một năm mà hai tháng bảy năm ấy phải là năm có 13 tháng, thưa ngài! Lại xin lỗi để được nhắc với quan lớn về cái tang mà chính phủ bảo hộ phải chịu năm ngoái. Chắc quan lớn chưa quên, năm 1933 quan tòan quyền Paxkiê ( Pasquier) đáp máy bay về Pháp, máy bay chở ngài bốc cháy khiến ngài tử nạn. Người Nam chúng tôi đọc chữ Pasquier là bát kê, theo kiểu Hán ngữ có nghĩa là 8 con gà. Vậy câu lục bát ấy thật đơn giản, năm nhuận 1933 ngài Bat Kê được hỏa táng trên trời. Thưa quan lớn!
Theo dân gian mà đàm tiếu thì: Trời xanh nổi lửa bất bình / truyền cho hỏa táng theo hình…gà quay!
( Theo 12 con giáp NXB Hội nhà văn – Hà Nội 1998)
2.Năm gà Nguyễn Bính chọi chữ
Tết ấy cũng năm Dậu. Nhân năm con gà có người đưa một vế đối hóc hiểm đã lưu truyền từ lâu ra thách đối Nguyễn Bính:
Chuồng gà kê áp chuồng vịt
Vế thách đối hóc ở chỗ, theo Hán ngữ kê là gà mà áp là vịt, một vế phải đối thành hai nghĩa. Biết vậy, Nguyễn Bính thưa:
– Đối được! Nhưng xin đối bằng pháp văn. Trong tiếng Pháp rat ( đọc là ra) là con chuột mà boeuf ( đọc là bớp) là con bò, vậy thì :
Chuồng gà kê áp chuồng vịt
Chú chuột ra bớp chú bò
Cũng theo kĩ thuật chuyễn ngữ như thế nhưng độc hơn, không đầu Hán đuôi Tây mà là đầu a na mít…đít phú lãng sa, Nguyễn Bính có cặp liễn rất vui tai và ngon miệng:
Ba ba đã chín
Cát cát đầy xe
Trong lúc trà dư tửu hậu tiết xuân, đọc đôi dòng văn chương trên, lại học được 2 bài bài toán pháp 3×3=9 và 4(quatr đọc là cát) x4= 16 ( seize đọc là xe)
3.Chế Lan Viên bàn chuyện đá gà
Sổ tay thơ là một bài thơ nhưng có thể coi đây là một tác phẩm lí luận hình tượng, ngắn gọn mà sâu sắc, một tham luân khoa học về thơ viết bằng chính thể lọai này, một cẩm nang sáng tác vừa như lôi kéo người ta vào công việc văn chương, bằng vinh quang của thành đạt “Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng” lại như răn đe, đừng lấy vinh quang ấy làm bả phù hoa cho chính mình. Sổ tay thơ của Chế Lan Viên có đọan:
Con gà không đối thủ
Để dương oai diễu võ
Tự đá mình trong gương
Thảm thương nhà thơ ấy
Bản ngã vờn bản ngã
Lấy mình làm văn chương
Tự đá mình trên giấy
Viết theo kiểu “tự đá mình trên giấy” thì chữ như gà bới là cái chắc. Đã gà què ăn quẩn cối xay lại còn con gà tức nhau tiếng gáy như thế thì dễ gáy trật nhịp sinh học vì vội vàng và thi sĩ, cả trống, lẫn mái dễ thành …gà mờ!
4.Nguyễn Quang Sáng kể chuyên con gà mù
Truyện Con gà trống của nhà văn Nguyễn Quang sáng đã được chuyển thành phim. Ông kể về con gà diễn viên trong phim này:
“Đã là gà trống thì phải gáy. Nhưng vì bảo vệ bí mật cho căn cứ, con gà trống không được gáy…Ngày ấy, để không có tiếng gà, chúng tôi đưa con gà xuống hầm rồi đậy nắp lại. Từ dưới lòng đất, tiếng gáy của nó như bị ấm ức lại vang lên. Cách nào đây? Chúng tôi phát hiện rằng, khi nó muốn gáy, nó phải rướn cái cổ cao lên. Được rồi, không cho nó gáy thì may cái cổ nó lại. Nó vẫn mổ, vẫn ăn, nhưng không thể cất cái cổ lên để ó o. Tưởng vậy là yên, nhưng không. Khi mắc gáy nó vẫn cất cổ, cổ bị rách máu ròng ròng theo tiếng gáy của nó, thương đứt ruột. Đó là con gà thật hồi chiến tranh, còn bây giờ con gà trống trong phim có diễn lại được hay không?”
Ông Sáng kể tiếp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đi tìm một nhà dạy thú nhờ dạy con gà diễn viên gáy theo hiệu lệnh. Anh trở về, mặt buồn xo vì học phí phải đóng cho gà quá cao, một khóa học những 20 triệu, không thể chấp nhận. Cái khó ló cái khôn, đòan làm phim thu tiếng gà gáy vào băng, khi cần diễn viên gà lên tiếng thì mở máy phát lại, theo tập tính “gà ganh tiếng gáy” nó cất tiếng. Đóng riến rồi có nghề, chỉ cần đạo diễn vỗ tay là nó gáy. Con gà diễn giỏi đến mức cả lòai gà được tôn vinh, những ngày làm phim, người trong đòan “không ai được ăn thịt gà, ăn thịt gà có nghĩa là ăn thịt đồng đội”. Thế rồi, trong cảnh quay “Một tiếng nổ long trời, con gà bay lên cùng ngọn lửa, lông rụng tả tơi. Rồi từ ngọn cây nó rơi xuống, nằm bẹp, xác xơ”. Con gà trống trọng thương nhưng nó chưa chết. Sáng hôm sau người ta mang cơm tới cho gà, đầu nó lắc lắc không thấy đường mổ thức ăn, nó đã mù. Và con gà mù lại gáy theo lệnh vỗ tay, lại vào vai gà trống bảnh trai cho tới cảnh quay cuối cùng.
Vanvn.net