Võ Thị Xuân Hà

CON ĐƯỜNG VÔ TẬN

Truyện ngắn

Trong cái lều bạt, thằng nhóc gào lên. Rồi những tiếng cười rủng riểng. Cả mấy thể loại cười chen chúc nhau trong cái khoảnh đất quây chín mét vuông.

Thể loại béo ngậy:

“Đằng nào mà chẳng vậy. Cái thằng chiều nay nó cứ lảng vảng mãi. Thằng Tùng tốn công ra rả tới mười lăm phút, cái thằng chiều nay mới chịu móc túi ném tiền vào”.

Thể loại tóc tém ré lên:

“Nó ném cả bọc tiền để trong cái ví cộm vào cho mình. Còn hơn để móc túi mất. Em cứ nhìn thấy một con nom xinh ra phết cứ sấn cạnh nó. Tí nữa mất toi cái ví. May mà nó ném vào hộp tiền nhà mình”.

Giọng đàn ông xương xẩu:

“Gọi bọn tốt đen về đây cho tao”

Giọng béo ngậy:

“Để làm gì?”

Tóc tém phụ họa:

“Chúng nó ra mấy cái nhà nghỉ rồi. Cứ để cho chúng nó đi giải khuây. Động tí gọi”

Đàn ông xương xẩu:

“Mẹ chúng mày. Cả chiều nay chúng mày không thấy chúng nó vô tích sự à? Cho ăn lương chỉ để làm mỗi cái việc cò mồi. Thằng Lam “ăn rau má” suýt nữa để lộ. Trúng ba trăm sáu mươi ngàn xong thì rút cái con mẹ nó đi, lại còn muốn đứng lại xem đám móc túi. Con móc túi nhìn thằng Lam như muốn ăn tươi nuốt sống. Con này tao biết nó từ đợt lên Lạng. Nó mà hỏng việc, nó dám xổ toẹt mấy cái chiêu của cánh mình. Rồi là mệt với lũ đượi ấy”

“Thì nó cũng đã ăn không ăn hỏng được gì cái ví”- giọng tóc tém – “Nhưng đứa nào ngu thì phải dội nước lã vào cho máu nó đông lại, cho đỡ ngu đi”

“Ngày mai cắt cơm”

“Đúng, ngày mai cắt cơm”.

“Cắt cơm…”

Tiếng “cắt cơm” sôi lên như mỡ trong chảo gang trên cái bếp rực lửa.

Ngoài trời đêm, trăng đang muốn lặn. Nhưng có vẻ khí lạnh đã làm đông cứng từng đám mây mờ. Những cái khối đông cứng đó đứng chắn ngang không cho trăng muốn làm gì thì làm.

Gió quên cả thổi. Ngây ra xem chuyện dằng dai giữa trăng và mây.

*

Thằng bị dọa cắt cơm đang lượn lờ trước cửa nhà nghỉ.

Cái nhà nghỉ này có bao nhiêu cánh cửa khách không đếm hết được. Khách bước vào, thấy dọc ngang cầu thang đi lên tầng này tầng nọ. Mỗi tầng lại có những cánh cửa cấu trúc kỳ lạ, đóng kín, giấu hết đằng phía sau những thứ gì không rõ. Khách vào một căn phòng có cánh cửa đang mở sẵn, khóa còn đang cắm trong lỗ khóa. Thằng bị dọa cắt cơm liếc mắt vào phía trong cái phòng khách vừa vào. Cái mặt thằng này trông khá đa tình, xanh xanh dài dài. Những ngón tay thằng này gõ gõ vào thành tường chẳng hiểu ra cái kiểu gì.

Khách ngoắc:

“Có hàng không?”

Thằng bị dọa cắt cơm – thôi cứ gọi luôn tên nó là thằng Lam “ăn rau má”, nghếch mặt:

“Hàng gì cũng có”

Khách ngần ngừ:

“Thế thì biết đằng đếch nào mà lần. Đại để mày mạnh hàng gì?”

“Giai”

“Cút mẹ mày đi. Đây phải dùng hết gái thiên hạ mới đến lượt chúng mày”

Thằng Lam cười hề hề:

“Đã dùng thử lần nào chưa mà nói mạnh thế? Cứ thử một lần cho biết rồi hẵng nói. Thiên hạ người ta chẳng bày cái gì ra mà không có lý”

“Mày cút đi”

“Số điện thoại tôi để ở ngoài cửa đây. Lúc nào cần hàng, nói cụ thể tên tuổi, tính nết, thói quen đái ỉa của thân chủ đằng phía đấy, đây cung cấp trước thu tiền sau, không cần chứng minh nhân dân”

“Mẹ kiếp”

Chiếc gạt tàn văng ra cửa. Vỡ thành trăm mảnh (theo cách tả lãng mạn). Kiểu này cái nhà nghỉ này lại phạt cậu lễ tân ca trực gấp đôi gấp ba. Tiền gạt tàn là cái đinh gì. Tinh thần thái độ trách nhiệm phục vụ và vân vân mới là cái chính.

Nhìn cái gạt tàn được hóa kiếp, thằng Lam “ăn rau má” vẫn không đổi sắc mặt mai mái. Khẽ cười nụ cười Việt Vương Câu Tiễn. Nó lùi lại một bước như sắp tấn. Lùi bước thứ hai như sắp sửa cúi xuống nếm phân. Rồi quay ngoắt người bỏ đi.

*

https://tonvinhvanhoadoc.net/wp-content/uploads/2022/06/Con-duong-vo-tan-truyen-ngan-Vo-Thi-Xuan-Ha.mp4

Khách đóng cửa, trút dần hết quần áo.

Cái áo lụa tơ tằm màu đỏ đun này, ngày ấy là do nàng mua tặng. Ngày ấy, nàng thương chàng sinh viên nghèo chỉ có hai cái áo sơ mi một xanh một trắng thay đổi. Cái nào cũng rách sờn mấy chỗ, phải nhờ hàng chữa quần áo cho sinh viên mạng lại thật khéo. Khi hai người đi ngang qua một siêu thị mi ni mới mở, nàng rủ vào ngắm đồ. Chàng sinh viên tần ngần bên cái gian hàng quần áo đề biển FOR MAN. Nàng chỉ cái áo lụa tơ tằm màu đỏ đun, hỏi giá. Giá cao ngất ngưởng bằng ba tháng tiền ăn sinh viên. Chàng sinh viên như bị sốt. Nàng vẫn thản nhiên ra cửa trả tiền và cười tươi rói khi mấy ngày sau đó nhìn thấy chiếc áo được khoác lên người con trai.

Còn chàng sinh viên, lần đầu được bạn gái mua tặng một món quà xa xỉ như thế, lúng túng chẳng biết phải cư xử ra sao cho phải nhẽ. Cử chỉ đôi phần bớt sỗ sàng. Thái độ bớt nhạt nhẽo. Giọng nói ấm hơn.

Hê hê. Cánh bạn bảo trông thằng này độ này ra cái thằng tử tế. Mà hình như nó vợt được con nào ngon hơn cả mèo vồ được cá rán chảo chống xước. Mà hình như rõ ra là yêu thật.

Chàng sinh viên chẳng hiểu mình có yêu thật hay không. Mà thế nào là tình yêu đã đứa nào bảo cho đâu mà biết? Nhưng chúng bạn hỏi quá. Lại thêm nàng quan tâm ngày càng nhiều. Đâm quen. Thành ra cứ định nghĩa tình yêu là thế này: cuối tuần gặp nhau đi chơi, uống chút gì đó trong một cái quán cà phê sành điệu. Thích lại rủ vào rạp chiếu bóng. Xem phim thì ít mà chọc nhau trong bóng tối thì nhiều. Lâu thì cũng quen hơi. Không gặp thấy nhớ. Thấy thằng nào đi với nàng, máu nóng bốc lên mặt, muốn bổ một nhát vào giữa mặt cái thằng khốn đó.

Mà tất mọi sự xảy ra lại do cái chuyện đi chơi với người con gái trông cũng dễ chịu, rồi vào siêu thị, rồi mua áo. Rồi cuối cùng thì là do chiếc áo rất ăn với thân hình. Nếu bảo yêu nàng vì chiếc áo, thật là quá đáng, thật là xấu hổ. Nhưng đúng là sau sự cố mua chiếc áo, quan hệ của hai người có khác hơn. Người này nghĩ: người ấy thật quan tâm đến mình. Người kia nghĩ: người ấy sẽ luôn nhớ đến cái siêu thị nhỏ ấy.

Nói tóm lại, hình như chàng đã bị bỏ bùa.

Khách nghĩ ngợi, nghĩ ngợi. Miệng cười méo mó một mình với cái gương gỉ trong toa-lét. Nước xối ra rào rào hự hự từ miệng vòi sen như cống đang dọa vỡ. Khách không thấy mình có ý định gì. Lòng nhạt thếch. Nhìn ngang dọc cái toa-lét, lại thấy phía trên một cánh cửa ngang chẳng ra kiểu cửa gì, làm bằng nhựa xốp. Nó treo lửng lơ trên tường, có vẻ như nó là một cái cửa tủ thì đúng hơn. Cái tủ này có thể đựng được đến hai người nằm co trong đó.

Ngày ấy, họ đi với nhau khắp các vùng du lịch. Tiền du lịch toàn do nàng chi. Bây giờ không còn nhớ họ đã đi bao nhiêu vùng đất, cũng không biết nàng đã chi bao nhiêu tiền. Nhưng cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân vào một phòng nghỉ sang trọng cứ đeo bám chàng trai.

Lần đầu tiên được ngủ chăn êm nệm ấm, bên cạnh là một người con gái đang sẵn sàng trở thành một người đàn bà.

Nhưng rồi sự thể là hôm đó nàng đã không thể trở thành đàn bà.

Nàng thì cho rằng chàng đã giữ gìn cho ngày vui nhất của hai người.

Còn chàng thì lo lắng: không hiểu cái của nợ kia tại sao lại đơ ra như vậy?

Họ đi rất nhiều nơi thăm thú. Thưởng thức khá nhiều món ngon. Mua khá nhiều những đồ kỷ niệm. Mỗi khi đi ngang qua một cửa hàng có đề FOR MAN là nàng lại kéo tay chàng vào cho bằng được.

Chỉ đến khi đêm xuống là chàng lại chật vật. Và nàng thì lại cảm động. Cảm động đến mức có lần suýt thì bị chàng đập cho một nhát.

Tại sao trên cái cõi đời này lại có kẻ ngây thơ trong trẻo và ngu ngốc đến thế?

Có tiếng gõ mạnh ngoài cửa.

Khách ôm vội cái khăn tắm mở cửa ngó ra. Chẳng thấy thằng nào. Thấy một cái phích nước sôi. Khách xách vào xối lên cái vòi ấm, xối tiếp cái chén trà dùng lâu ngày cáu bẩn từ bên trong men. Lại thấy có một mảnh giấy nhỏ cài dưới đít phích. Khách tiện tay ném vào sọt rác.

Nhưng ánh mắt khách bỗng như hoa lên, một cái gì thân quen lắm đập vào mắt. Dòng chữ ấy… Cái dòng chữ đã in trong tim người đàn ông suốt bao năm ròng: FOR MAN.

*

Mobil: XXXXXXXXXX/Địa chỉ: Lều bạt NHÓM VUI CHOI

Phục vụ vào các đêm sau khi giờ ở các hội chợ tan

Không quấy rối khách lúc ngủ trong nhà nghỉ

Biết những việc cần làm trong lúc thức

Trẻ. Đẹp trai. Gương mặt khả ái.

Dáng người hình chữ V

FOR MAN

*

Quá nửa đêm, mưa đổ xối xả giữa mùa đông như mưa rào. Năm nay thời tiết thật quái đản. Rét run cầm cập. Mặc cả đống áo vẫn không hết rét. Thế mà đang rét như thế, mưa lại đùng đùng đổ xuống.

Nước bắt đầu dâng lên trong cái sân rộng mênh mông đang có cái Hội chợ thương mại. Hội chợ này quy mô nhỏ. Chỉ gọi được có chừng ba mươi chủ gian hàng tham gia. Thành ra mỗi gian hàng phải đóng tiền thuê hết hai triệu rưỡi. Mà Hội chợ lại tổ chức ở xa trung tâm thành phố tỉnh, nên khách vào lại càng ít.

Trong các lều có tiếng lịch kịch. Mưa xối xả hơn. Nước ngập cả gian lều, dâng dần sát những cái hộp đựng đồ nghề.

Thằng bé con mới bảy tháng tuổi khóc. Nó lạnh quá. Mẹ nó là cái Thể loại tóc tém buồn như lạc vào địa hình ma trận, ngáp mấy cái rồi bảo nó bằng những ngón tay mềm mại vỗ vỗ:

“Nín đi”

Thằng bé gào to hơn.

Thể loại béo ngậy hỏi:

“Còn sữa không?”

Thể loại tóc tém rầu rầu:

“Hình như sữa của em đông cứng lại rồi. Nó không bú được”

“Có cái bình chườm đây này. Lão kia, dậy đổ nước phích vào cho nó chườm hộ cái”

Đàn ông xương xẩu bị khua dậy, lầu bầu trong cuống họng:

“Đ.mẹ. Em gái mày chứ em gái tao đếch đâu”

Thể loại béo ngậy rít trong kẽ răng, tiếng rít giấu trong cả bóng đêm và tiếng mưa xối xả:

“Mày đừng có giở trò. Đừng có đụng vào em tao. Mày đụng vào nó tao xé xác. Chẳng qua thằng khốn kia bỏ mặc mẹ con nó, tao đành phải cho nó theo ít bữa, chứ đ. tin được cái thể loại mày”

Tiếng Đàn ông xương xẩu cười hề hề:

“Tao mà đụng vào, mả mẹ mày cũng đ. biết. Lại còn để cho mày biết”

“Nước đây này. Đổ vào cái bình chườm kia kìa. Đồ đàn ông thối nát”

“Trần đời chẳng có thằng đàn ông nào tử tế như tao. Mẹ kiếp, cưu mang luôn cả đám họ hàng nhà mày”

Thể loại tóc tém nghe câu được câu mất, xen vào:

“Đi ba cái Hội chợ gần tết này để em kiếm tí cho cháu rồi em kiếm chỗ bán mấy chén nước. Không phiền anh chị nữa”

Thể loại béo ngậy động viên:

“Anh rể ác khẩu vậy thôi chứ tốt lắm. Mày cứ hay tự ái chỉ tổ khổ cái thân. Giá đừng có cái tính sĩ diện tự ái với nhà chồng, đâu đến nỗi khổ thế này em ơi”

Thằng bé lên tám tuổi con bà chị tỉnh róc giữa đêm mưa, cười bảo mẹ nó:

“Mẹ, con không thấy khổ. Con thấy cả nhà mình đi cùng nhau, có cả dì và em thế này vui lắm. Con thích như thế này cơ”

Thể loại béo ngậy vừa chườm vú cho em gái, vừa trều môi:

“Đúng là con trẻ. Chẳng biết thế nào là khổ. Mày thích đi thế này là vì được nghỉ học chứ gì”

“Lại còn đi lừa thiên hạ được tiền nữa. Nên nó vui”

Đàn ông xương xẩu góp.

Tiếng cười hê hê. Mưa cũng dần tạnh. Nước rút dần, nước có vẻ như không dám xông lên những cái nệm và chăn lổng chổng vốn đã ám đầy bụi và cáu bẩn trong lều.

Nhưng khi nước rút rồi, đêm vẫn chưa tàn mà cả mấy người của cái nhà vui chơi có thưởng không ai ngủ được trừ hai anh em thằng bé. Thằng bé con bảy tháng tuổi bập được một tẹo sữa rỉ qua ti mẹ, thấy ngọt ngọt thơm thơm nên tạm yên lòng, mắt nhắm tít lại rồi ngủ say sưa. Thằng anh con bà chị thì vô tư cuộn tròn trong cái chăn bông tiết kiệm, mẹ nó đứng rình mãi ở cái cửa hàng bách hóa cũ của huyện mới chặn được đúng đợt có loại chăn rẻ như cho này. Khí lạnh và không gian ướt sượt ngấm qua da qua thịt. Nhưng chỉ có người lớn thì mới dễ đành lòng cho mọi thứ xuyên qua da thịt trái tim mình. Trẻ con không như người lớn, mọi ý nghĩ và hành động đều đi thẳng đến đích.

Nằm trong cái chăn len cũ, Thể loại tóc tém cứ nghĩ đến chuyện chị mình vừa nói. Mình có cái tính sĩ diện tự ái không nhỉ? Ban đầu nhà đấy không chịu cưới mình cho con trai họ.

Chúng quen nhau trong một quán bar đêm. Lắc lư lắc lư một thời gian thì rủ nhau vào nhà nghỉ. Lần đầu tiên, con bé không thấy có gì là hay cả. Nhầy nhụa bợt bã chán nản. Nhưng về nhà còn chán hơn. Nhà là một cái lều nằm ria sông. Nhà có ba mẹ con và một ông bố nghiện rượu, thối phổi nằm bẹp rúm một góc, thành ra cả nhà hay quên ông, cứ quên mất là nhà này còn có đàn ông. Bữa cơm dọn ra cũng chỉ có ba mẹ con. Đêm ngủ cũng chỉ mẹ quấy quá chăn màn. Hai chị em lớn lên như nấm dại. Nên đi bụi cũng là chuyện thường tình.

Nhà chồng không cưới, chúng rủ nhau ra đăng ký đại ở phường rồi về cái lều bên sông cùng lăn lóc với bố mẹ vợ. Đẻ ra một thằng con trai giống thằng kia như lột. Rồi đến lúc nhà chồng gọi thằng kia về cưới vợ. Mới ngang đến đấy thì con bé không chịu được, bế con bỏ đi theo vợ chồng chị gái rong ruổi khắp các hội chợ làm cò mồi cho anh chị. Đứa con trai cũng dần lớn theo các chặng đường đi. Thỉnh thoảng thằng kia gọi điện bảo về, không về tao cưới con khác thật. Nhưng càng nói như thế, mẹ con nó càng biền biệt.

Mình có cái tính sĩ diện tự ái không nhỉ?

Thể loại béo ngậy ít cả nghĩ hơn cô em. Đang nhẩm tính số tiền kiếm được trong tháng giáp tết này.

Nói đúng ra chị gái đi bụi trước. Rồi cũng có người đàn ông cưới chị có trầu cau mâm quả hẳn hoi. Rồi họ buôn buôn bán bán. Cuối cùng thì chọn cái món vui chơi có thưởng để kiếm sống. Cái món này phải nuôi một đội cò năm sáu đứa, phải đặt hàng chục triệu cho nhà chức trách để có một chỗ trong hội chợ. Mà cũng chỉ có hội chợ huyện hoặc hội chợ thương mại do tỉnh mở ở những nơi tít hóp khe sâu rừng thẳm, đường đi lởm khởm đá gan gà mới cho cái dạng vui chơi có thưởng cò mồi này vào. Làm gì có cái đếch gì mà thưởng. Ăn còn chẳng đủ. Lôi nhau đi hết huyện này đến tỉnh nọ. Giống như cái phim dân di gan gì đó mà họ đã được xem một lần trong một hội chợ có mang phim đến chiếu cho bà con kéo đến để xem xong thì mua hàng. Mà cũng chỉ duy nhất có lần đó được xem phim tập thể. Còn các lần khác toàn hát. Ban tổ chức hội chợ thuê đâu được những ca sĩ nửa mùa rẻ tiền (chắc lôi ra từ những hộp đêm mà mình từng đến ngày xưa chứ ca sĩ đếch gì). Hát trên nền nhạc chua loét, lõm bõm “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”. Đang rét buốt hết cả cái ấy… mà còn hát mỗi năm đến hè. He he. Lại còn cái đám người ngẩn ra xem vui chơi có thưởng nữa chứ. Xong thì xông vào chí chết. Có bao nhiêu tiền là móc ra, mong nhận được cái nồi đểu hoặc cái bàn là, ấm điện mang về không bao giờ dùng được.

He he he.

Mà thời tiết thế này, lại ở tận cái góc men phố xép như thế này, lấy đâu ra khách mà cò với chả mồi. Mấy thằng cò nhà mình lại thấy lảng vảng ra mấy cái nhà nghỉ cò mồi bán chác cái gì.

Hội chợ này kể như lỗ to. Mất toi tiền thuê gian. Cứ đà này lại về tạm cái nhà bên sông của mình chơi với mẹ mấy hôm rồi tính.

Đàn ông xương xẩu tóp tép miệng. Giá như giờ có cái món cháo gà mà húp thì đỡ rét. Mẹ kiếp, cái con mụ béo ngậy kia khi nãy nói gì nhỉ? Con em mụ nếu mình ngày xưa có gặp trước chắc gì đã thích. Giờ nó là gái một con, trông cũng hay hay. Lúc nó cho con bú, ngực cứ chồi ra đến nõn. Mà thôi, đ. cần nghĩ đến chúng nó làm gì cho thối đầu. Đám cò mồi có con bé người Quảng Ninh nom gầy nhẳng. Nhưng con mắt nó cứ lạ lạ. Nó nhìn mình như con mồi ngon chờ con thú nhảy chồm lên ngoạm. Mẹ kiếp. Cứ biết thế đã.

Đàn ông xương xẩu lật mình một cái, đầu gối chạm vào mông vợ.

Nghĩ thế thôi, chứ nếu mình giở trò gì, con này nó không cho mình ra bã mới là lạ. Mà cuối cùng thì thiên hạ cũng hơn gì nó. Thực ra nó cũng đảm đang thương chồng thương con. Nó ngày xưa cũng đâu đến nỗi. Phải tội nhà cửa luềnh tuềnh. Chẳng có của nả gì. Nhưng mà xinh ra phết, khối thằng muốn rước. Chắc mả nhà nó động mới mê mình đến thế. Hay mả nhà mình phát cũng nên? Nó lấy thằng Sinh, chắc giờ làm bà chủ bán bia, đâu phải lăn lóc xó xỉnh bụi đường thế này.

Mà mình ngày xưa cũng khá. Ôm được khối em mới chịu đi lấy vợ. Kể trên đời này chỉ có thằng ngốc mới chung tình với một con. Oách nhất là vô tư thoải mái trước khi lấy vợ. Cho biết hết trò thiên hạ đi. Rồi chung thân với con vợ hôi đủ các kiểu hôi. Nhưng nó là cái chỗ cắm đời mình, tiền cũng thả vào đấy, con cũng thả vào đấy. Thế mới đau.

Thằng bố nó không biết sắp được chôn chưa? Thằng này chắc phải hứa chôn bằng rượu mới chịu nhắm mắt đây.

Bên cái lều dựng thêm bên cạnh, con bé người Quảng Ninh thấy lạnh (dĩ nhiên con bé Quảng Ninh được xếp ngủ riêng một góc). Nó quày qua quày lại. Thấy lô nhô chăn, lô nhô những cái đầu con trai hôi hám. Nó lắng nghe tiếng lịch kịch bên kia tấm vải được kéo làm rèm che ngăn cách giữa nhà chủ và đám làm thuê. Chỉ cách nó có sải tay, phía bên kia là ông bà chủ đang ôm nhau ngủ. Nhưng tiếng lịch kịch lịch kịch mãi không hết khiến nó tò mò quá thể. Cái gã chủ trẻ này cũng đa tình ra phết. Con này nghĩ nếu nó mà đong đưa với gã, chắc yên tâm về việc làm, ít nhất mấy tháng giáp tết.

Lại thêm mấy thằng làm cùng. Đứa nào cũng muốn tặng cho nó một thứ gì đó. Thằng Tùng bảo cho sờ một tẹo vào cái ti xem thử ti con gái thế nào mà lắm phim ảnh thế. Cho sờ rồi thì sẽ mua cho nó một cái túi xách bán trong hội chợ. Nhưng phải đợi lúc hàng túi xách giảm giá khuyến mại, tức là lúc sắp vãn hội. Thằng Lam “ăn rau má” một lần vật con này ra cỏ, trong đêm, khi nó lần ra ngoài bãi cỏ phía sau sân hội chợ để đi giải. Thằng Lam kéo khóa quần còn con này thì cũng mở hẳn cả khóa lẫn khuy cài rồi, cái quần sắp tụt xuống. Nhưng lại có đám soi đèn pin đi lần mò cái gì sáng quá bên cạnh nên chúng nó chưa làm gì với nhau. Thằng Lam thì thầm rủ nó đi kiếm thêm ngoài. Nó hỏi kiếm như thế nào? Thằng Lam bảo tao là con trai mà cũng kiếm được tiền nhờ như thế như thế… Tạm phân công thế này, tùy theo khách thích thể loại con gì, thích tao hay thích mày. Nếu mày mà chịu khó chịu khổ một tí thì cũng kiếm được bội tiền. Con này hỏi khó khổ như thế nào? Thằng Lam hẹn tối mai lúc vãn hội, bà chủ cho thoải mái xả hơi bên ngoài, sẽ rủ con này ra chỗ nhà nghỉ, chui vào một phòng hết độ năm mươi ngàn, rồi thì cới hết quần áo hai đứa ra, rồi thì biết thế nào là khó là khổ. Chắc cái của  mày cũng khó thật vì mày còn bé tí thế kia. Con này bĩu môi, tao mà bé, mày cứ sờ thử xem. Nó kéo tay thằng Lam sờ vào người nó thật.

Lăn lóc giữa đám cò mồi, thằng Lam đang ngủ ngon bỗng bị đánh thức vì một cú điện di động. Cái di động cũ mèm của nó giật hự hự mấy cái rồi đổ nhạc teng teng. Đám cò mồi càu nhàu rồi lăn người ngủ tiếp.

Phía bên kia mà dí tai vào máy sẽ nghe được bản nhạc “tóc nâu môi trầm, đi dạo phố đông”. Phía bên này thì thằng Lam “ăn rau má” bị cướp mất giấc ngủ say, không biết ngoài kia mưa đã tạnh, đêm đã quá nửa, mà những cơn gió rét hại vẫn lặng lẽ ào tới cái vùng đất nhỏ nhoi này.

Phía bên kia có giọng của một người đàn ông nhừa nhựa, mang màu lụa tơ tằm đỏ đun:

“… Còn nhớ cái gạt tàn vỡ không?…”

*

Hôm sau trong cái bầu trời ẩm ướt đe dọa lại sắp có cơn mưa to đổ xuống, cả hội chợ lặng lẽ chịu khuất phục sự thua lỗ vì mưa và rét, người ta thấy bầu đoàn thê tử của cái nhà vui chơi có thưởng nhổ cọc lều rút lui. Mặt mấy đứa làm thuê nhà này chảy ra.

Hội chợ vẫn trụ lại, cúi đầu bám hội đến cùng, mong có nắng.

Cả nhà vui chơi có thưởng người bế con, người vác thùng. Xúm xít cùng đám cò mồi vừa đẩy xe ra khỏi cổng vừa nhìn lên bầu trời nặng trĩu.

Họ cũng thầm mong có nắng.

Trước mặt họ con đường đi vô tận.

                                                                                       -7/3/2008-

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official

https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022

để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê

Email: vtxh2022@gmail.com

Zalo & hotline: 0393 996 018

Exit mobile version