Xã hội thông tin kéo theo nó là những bất ổn về tri thức. Việc tiếp nhận lý thuyết văn học nước ngoài vào Việt Nam không còn là vấn đề giao lưu học thuật, mà thực sự đã trở thành mối lo âu của sáng tạo. Văn học Việt Nam đương đại có thể đang đi lại vết xe lịch sử của văn học miền Nam những năm 1960-1970.

Một câu hỏi đặt ra là, văn học Việt Nam sẽ làm gì để bứt phá, vượt thoát khỏi những hấp dẫn của lý thuyết, của thông tin liên tuyến? Câu hỏi ấy khởi đầu cho truy vấn vượt thoát thực tại có xu hướng chống đối lại khả năng sáng tạo tinh thần của con người, chống đối lại nhân bản văn học. Một thử thách mà văn học Việt Nam cần phải vượt qua.

Lịch sử tư tưởng văn học Việt Nam đã in dấu những ám ảnh của văn học đô thị miền Nam trước 1975, có thể nói, chưa giai đoạn tư tưởng văn học nào lại đồng đều và có ảnh hưởng mạnh như giai đoạn này. Sáng tạo văn học được đặt trên nền của tư duy triết học, nhằm kiến lập thế giới và luận thuyết văn học riêng. Các tác giả miền Nam đã bỏ qua giai đoạn thai nghén của triết học, nhằm sinh hạ đứa con lý thuyết mỹ học/ lý thuyết văn học độc đoán, có tính bề nổi. Họ đi ra từ triết học và đưa triết học vào văn học để sáng tạo thế giới nghệ thuật, trên tinh thần giải- tư tưởng. Một nền văn học như thế, tôi gọi là nền văn học khai phóng.

Cũng thật dễ hiểu, khi nền văn học Việt Nam ở các đô thị miền Nam trước 1975 dường như vắng bóng các lý thuyết văn học, vắng bóng các lý thuyết gia. Nói đúng ra, nền văn học đó đã cô lập khả năng sản sinh, vùng vẫy và áp đặt từ phía các lý thuyết văn học. Tìm lại các tư liệu bị lãng quên, khó thấy cuốn sách nào có tính chất giới thuyết các lý thuyết văn học, lại càng khó thấy sự lai vãng của những cuốn sách mang tên “lý luận/ lý thuyết văn học”. Đó là câu hỏi lớn, mà mọi truy vấn về nó kèm theo những suy tư phản tỉnh. Rất nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học được sinh ra từ mái trường triết học. Triết học tự nó không phải là lý thuyết, mà là truy vấn về bản chất của tồn tại. Khi truy vấn về bản chất của tồn tại được khai mở, là một ý thức cá thể của chủ thể được khai phóng và không ngừng được khai phóng cho đến khi chủ thể tự phản tỉnh, tự phê phán mình, tạo đà cho ý thức mới nảy sinh. Do đó, sáng tạo văn học là cuộc đối thoại bất tận với chính mình của chủ thể diễn giải. Với ý nghĩa ấy, các tác giả lớn của văn học đô thị miền Nam trước 1975 thường kiêm trong mình vai trò của nhà nghiên cứu triết học. Điều này giúp họ có khoảng không tự do để suy tưởng về cuộc đời và về chính mình, mở ra sự sáng tạo trong thế giới tinh thần.

Hầu hết các lý thuyết mỹ học/ lý thuyết văn học đều được sinh ra từ triết học, nhưng khi đi vào từng nền văn học cụ thể, thì dù ít hay nhiều, nó cũng chịu ảnh hưởng của ý thức hệ thẩm mỹ/ ý thức hệ xã hội. Sự ảnh hưởng đó, biến lý thuyết trở thành con quỷ dẫn đường của ý thức hệ thẩm mỹ, chứ không còn là sự nâng đỡ cho tinh thần văn học thăng hoa. Khi chủ thể nhận thức khai mở tinh thần mình từ triết học, điều ấy có nghĩa, họ đang mở suy tưởng về hiện thực. Quá trình đó khách quan và độc lập với ý thức hệ thẩm mỹ bên ngoài, kéo theo sự mở rộng của suy niệm chủ quan về về thế giới nghệ thuật mà họ dự định kiến tạo. Các nhà văn, nhà phê bình trước 1975 ở các đô thị miền Nam sớm nhạy cảm và nhận thức rõ vấn đề này. Chúng ta có thể điểm danh chân dung của các thi sĩ/ văn sĩ/ nhà phê bình trong vai trò nhà nghiên cứu triết học (chứ không phải là nhà nghiên cứu lý thuyết) như thể cách để ghi nhận sự đóng góp của họ. Nguyên Sa – Trần Bích Lan từng gây dựng cho mình dòng thơ riêng biệt có tiếng vang, rộng khắp văn đàn. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò thi nhân, ông còn là nhà phê bình biết đưa triết học vào văn học. Cuốn Quan điểm văn học và triết học(1) được Nguyên Sa viết vào năm 1960 như là cách ông sáng tạo lại triết học trên tinh thần văn học, dù không được khẳng định là nhà lý thuyết, thì văn bản của ông cũng đã gợi mở cho sự hình thành tinh thần khai phóng trong văn học(2).

Nguyễn Văn Trung là người được đào tạo bài bản về triết học ở phương Tây, đồng thời là giáo sư triết học, nhưng các trước tác thời danh của ông lại rơi vào tình cảnh văn học. Tác phẩm của ông không phải là bản lược khảo lý thuyết văn học và ứng dụng lý thuyết trong phê bình văn học, mà là ý niệm triết học(3) về văn học. Ngay cả tác phẩm có ảnh hưởng mạnh tới văn học đương đại Việt Nam như Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết(4) cũng mang giữ âm hưởng triết luận văn chương hơn là sự xác quyết về lý thuyết văn học. Bên cạnh Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Thiện là người nhúng chân vào hai lĩnh vực triết học và văn học rõ rệt hơn cả. Văn bản của ông không khẳng quyết, hay tuyệt đối hoá lĩnh vực nào. Với khả năng sử dụng Việt ngữ điêu luyện, cùng văn phong phóng khoáng, Phạm Công Thiện đưa suy niệm triết lý vào văn học như một cách để sáng tạo triết học. Tác phẩm của ông là những lằn ranh mơ hồ, nhạt nhoà đan chéo không phân biệt giữa phê bình tư tưởng và sáng tạo văn học. Cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học(5) của ông có thể xem là phê bình văn học cũng đúng, mà xác lập quan niệm triết học cũng đúng. Bùi Giáng trước khi trình làng thiên cảo luận thơ của mình, ông đã là nhà phê bình tư tưởng triết học song hành với nhà phê bình văn học. Cuốn Giảng giải thi ca Hoelderlin(6) của M. Heidegger đã trở thành cuộc bình hoá văn học do thi sĩ họ Bùi khởi xướng, chứ không đơn thuần là “dịch nhi bất tác” nữa. Nhiều nhà nghiên cứu xem ông là người phỏng dịch văn bản của Heidegger là không đúng. Theo tôi, công lao lớn nhất của ông trong phê bình tư tưởng và tư tưởng trong văn học là dám sáng tạo lại lý thuyết của tha nhân bằng tâm thức và ngôn ngữ Việt. Chẳng ai có thể tự phụ cho rằng có thể hiểu Heidegger thông qua triết thuyết của ông, nếu không sáng tạo lại điều mình hiểu bằng văn bản cụ thể. Chỉ khi có ý nghĩ sáng tạo và sáng tạo lại tất cả tư tưởng, thì khi ấy, giá trị tư tưởng của triết gia, văn gia mới được chủ thể thẩm mỹ hiểu đúng. Cuốn Giảng giải thi ca Hoelderlin được Bùi Giáng dịch thông qua khả năng sáng tạo lại trên tinh thần phê phán nghiêm túc của ông đã góp phần thu hẹp khoảng cách văn hoá hai nền học thuật.

Huỳnh Phan Anh trước khi để lại cho đời cuốn sách quan trọng nhất của mình: Đi tìm tác phẩm văn chương(7) đã tự nhấn mình vào tâm thức triết học của Merleau Ponty, tạo đà cho sự khai phóng quan niệm  cá biệt về văn học thông qua  “Hành trình tác phẩm”, “ám ảnh của tác phẩm”, “Phê bình và chống phê bình”… Bên cạnh đó còn kể đến Đặng Phùng Quân với Triết học và văn chương(8) , Trần Đỗ Dũng với Triết học và khoa học nhân văn(9) , Phạm Công Thiện với Nikos Kazantzaki(10)

Việc truy ngược thời gian, tìm lại những dấu ấn của phê bình văn học miền Nam Việt Nam trước 1975 không phải để biện minh cho nền văn học quá khứ, mà nhằm đi đến khẳng định: muốn có một nền phê bình văn học mạnh, thì phải có một nền luận lý văn học mạnh. Nhưng một nền luận lý văn học mạnh không đồng nghĩa với việc tiếp nhận lý thuyết văn học mạnh, mà là hướng tới sự sáng tạo lý thuyết riêng trên tinh thần giải- triết học. Để có thể lập thuyết trong phê bình văn học, thì nhà phê bình cần giải phóng mình khỏi các lý thuyết văn học độc đoán, kiến lập ý niệm riêng trên thực tiễn văn học, sau khi bước ra khỏi thế giới phức tạp của triết học.

Vậy phê bình văn học Việt Nam đương đại thì sao? Phải chăng, chúng ta đang là nô lệ của lý thuyết và nô lệ của chính mình?

Nếu các văn sĩ miền Nam trước 1975 tìm đến triết học như là cứu cánh tư duy để hoài niệm và suy tư sâu về cuộc sống, phác thảo căn nguyên nhân bản thời đại thì văn học sau giải phóng dường như làm ngược lại, họ tìm đến triết học như là công cụ giải quyết vấn đề hình thức của cuộc sống/ của tác phẩm hơn là truy cứu bản chất nơi nó. Đặc biệt, khi phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được xem như phương pháp chính yếu trong sáng tác và phê bình văn học, thì việc cô lập văn học với đời sống quanh nó theo tỉ lệ thuận, là điều dễ hiểu. Vì vậy, sau thời mở cửa với văn hóa ngoại vi, đặc biệt từ năm 2000 tới nay khi internet là cổng tri thức chính được quảng diễn, thì văn học Việt Nam dần dần khởi phát những sáng tạo đột phá. Tuy nhiên, với ảnh hưởng không nhỏ từ cái bóng quá khứ của nền văn học minh hoạ đã kéo ghì văn học trở về vạch xuất phát của nó, mà không phải là bệ phóng vững chắc cho nhận thức văn học sáng lạn khai mở theo quỹ đạo tư tưởng thời đại. Vì tính chất đặc thù đó, văn học Việt Nam đương đại dường như đang quay trở lại mốc ban đầu của nền học thuật những năm 1954-1960 ở miền Nam, khi tư tưởng phương Tây bước đầu in dấu ấn.

Việc xây dựng nhận thức luận văn học thiếu nền tảng căn bản triết học ấy, đã đẩy văn học Việt Nam vào việc tiếp thu những đứa con thiếu sót của thời đại được sản sinh từ căn bản triết lý ở phương diện lý thuyết mỹ học và lý thuyết văn học. Cũng chính vì khả năng đứt đoạn không liền mạch trong nhận thức văn học như là môn học về bản chất con người, cho nên, việc ứng dụng lý thuyết văn học nước ngoài vào sáng tác và phê bình văn học giống như việc vớt ngọn bỏ gốc. Quá trình đổi mới văn học không nảy sinh từ bản chất thực hành nhận thức văn học, mà dừng lại ở những cách tân hình thức, cách tân ngôn ngữ diễn giải. Điều này đã đẩy văn học Việt Nam vào vòng xoáy của nền văn học nội quan, đối lập với nền văn học khai phóng mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Nền văn học nội quan đã buộc các nhà văn, nhà phê bình bó hẹp mình vào sự chỉ dẫn bên ngoài của lý thuyết, diễn giải theo các khía cạnh đã được dựng sẵn, đưa đến những thiếu sót có tính hệ thống. Với việc đơn giản hoá quá trình nhận thức hiện thực vào việc tôn thờ lý thuyết cụ thể, cho nên, chủ thể thẩm mỹ đánh mất cái- ngã suy tư cuộc sống và sáng tạo cuộc sống trên nền suy tư ấy. Văn học Việt Nam từ năm 2000 đến nay, là cuộc nổi loạn về hình thức, nhưng cũng chính vì thế mà nó nhanh chóng suy sụp cùng các ước định thẩm mỹ. Tất nhiên, trong số những tác phẩm gây ấn tượng giai đoạn này, không phải là không có tác phẩm ám ảnh thời đại, nhưng điều ấy không thực phổ biến.

Phê bình văn học Việt Nam đương đại thiếu tính chuyên môn hoá rõ rệt. Sự nhập nhằng giữa phê bình văn học với bình luận văn học đã đẩy phê bình văn học Việt Nam vào thăng trầm, bất ổn định. Nhà phê bình chuyên nghiệp trở nên thiếu vắng, còn người bình luận văn học lại lấn át, mọc ra như nấm. Quan niệm phê bình văn học như thể cảm luận văn chương đã làm hạn chế những tác động của phê bình chuyên nghiệp tới đời sống văn học. Nhà phê bình văn học đúng nghĩa(11), trở về trạng thái quy ẩn trong nghiên cứu và giới thiệu lý thuyết văn học nước ngoài vào Việt Nam, dẫn đến tình trạng lý thuyết nhiều mà tác động của lý thuyết tới quá trình sáng tạo lại ít. Ở các nước phương Tây thì việc phân ra người làm lý thuyết và người làm phê bình ứng dụng dường như không phổ biến, thường thì nhà lý luận kiêm luôn trong mình vai trò của người phê bình. Vì vậy, sau mỗi lần xuất hiện một lý thuyết mới thường thấy kèm theo đó là sự phê phán ngược trở lại của những nhà lý luận với nhau. Tất yếu của quá trình này là sự phủ nhận giữa các lý thuyết. Nhưng sau mỗi lần phủ nhận lẫn nhau đó thì một hệ hình lý thuyết mới lại ra đời. Ở Việt Nam, tình hình trên khó hơn. Việc tìm kiếm nhà lập thuyết ở Việt Nam là hy hữu. Tuy nhiên, tính kép trong nghiên cứu lý thuyết văn học, và ứng dụng lý thuyết trong phê bình văn học cũng chỉ dừng lại ở con số hiếm hoi.

Những lý do trên chưa phải là lý do chính kéo nền phê bình văn học vào sự bình lặng của nó. Theo tôi, hai vấn đề căn cốt nhất làm phê bình văn học Việt Nam yếu là: Tính độc tôn lý thuyết và sự suy tôn thần tượng trong văn học.

Chúng ta chẳng phải che đậy những lý luận mập mờ, không cần thiết. Việc lý thuyết chủ nghĩa Marx trong văn học bị thần thánh hoá và huyền thoại hoá, đã hạn chế những bứt phá về tư tưởng sáng tạo và phê bình văn học. Dù tính chất hạn chế của lý thuyết phản ánh luận trong văn học đã được chỉ ra, nhưng ảnh hưởng có tính cựu truyền (traditional) trong nhận thức luận văn học không những không hạn chế, mà ngược lại ngày càng gia tăng trong giáo dục văn học ở Đại học. Điều ấy dẫn đến sự suy tôn phương pháp phê bình duy sử quan lên hàng chính thống, lấn át những phương pháp phê bình khác. Cũng chính sự tôn sùng thái quá một phương pháp sáng tác/ phê bình văn học, cho nên khả năng bung phá trong tư tưởng của chủ thể viết bị bó hẹp theo. Giá trị nhân bản văn học bị kéo xuống theo những suy tư độc đoán của lý thuyết. Nhà văn, nhà phê bình không còn ý thức tự- chịu trách nhiệm về những luận thuyết mà mình dung nạp, dẫn đến sự buông xuôi ý niệm thẩm mỹ theo lý thuyết mà số đông tôn thờ. Vì vậy, trong phê bình văn học Việt Nam thiếu vắng khả năng lập thuyết văn học dựa trên những phê phán triệt để đối với các lý thuyết khác, cũng như ý thức hệ thẩm mỹ không phù hợp.

Việc tôn sùng lý thuyết gắn chặt với ý thức hệ thẩm mỹ, đã hạn chế và quy giản các lý thuyết khác vào hàng phi- chính thống. Vì vậy, sự bất đồng trong tư tưởng thẩm mỹ không được khai thông. Người giới thuyết lý thuyết cứ giới thuyết, còn nhà cảm luận văn học dựa trên điều phản ánh cứ cảm luận. Nếu có sự dung hoà thì cũng chỉ là dung hoà về hình thức biểu đạt. Từ đó, quy quan niệm về nhà phê bình văn học vào trạng thái “ăn theo” sáng tác, dường như thể, nhà văn tự mình lập thuyết, tự mình khai phóng thế giới ý niệm thành hệ thống luận lý vững chắc(?). Sự lạc quan thái quá ấy trong quan niệm về phê bình văn học, đã đẩy phê bình vào hàng thứ yếu trong nhận thức văn học, hoán chuyển vai trò nhà phê bình vào trạng huống/tình cảnh giới thiệu, điểm sách hoặc bình luận tác phẩm của nhà văn hơn là phát hiện, khám phá những lý thuyết mới dựa trên thực tế của đời sống văn học.

Tính chất độc tôn lý thuyết còn biểu hiện ở sự cảm tính trong khi lựa chọn lý thuyết sáng tạo/ lý thuyết phê bình văn học của chủ thể diễn giải. Trong đó, sự độc tôn lý thuyết, mà bản thân người sử dụng lý thuyết thiếu sự tiếp nhận bài bản, đã đẩy văn học Việt Nam vào giai đoạn thử nghiệm. Nhưng điều vô lý xảy ra là, việc thử nghiệm không bao giờ là sự độc tôn, vì nó chưa cho ra một kết quả ổn định nào, nhưng ở ta, điều đó ngược lại, quan niệm về kết quả thường bắt đầu cùng lúc với thử nghiệm, thậm chí nó còn được giả định trước khi thử nghiệm. Có hai dòng văn học thể hiện rõ nhất sự suy tôn lý thuyết một cách cảm tính là dòng văn học viết theo khuynh hướng tính dục và dòng văn học viết theo khuynh hướng hậu- hiện đại. Ở đây, tôi không suy tôn hay phủ định bất cứ lý thuyết nào, vì lý thuyết bao giờ cũng là kết quả của đúc rút từ thực tiễn, vì vậy, dù ít hay nhiều, nó cũng bộc lộ thế mạnh trong một/ một vài khía cạnh của chân lí.

Điểm qua những tác phẩm văn học viết theo khuynh hướng tính dục từ năm 2000 tới nay, thì dường như những tác phẩm gây đình đám bao nhiêu khi nó chào làng bạn đọc lại âm thầm rút khỏi cuộc chơi bấy nhiêu sau khi nó được truyền thông PR (Public Relations) rầm rộ(12). Trong khi đó, những tác phẩm dịch cũng viết về đề tài tính dục được giới thiệu cùng lúc vào Việt Nam lại có ảnh hưởng dai dẳng tới hiện tại. Vì sao lại xảy ra hiện tượng đó? Theo tôi, đó là do chúng ta “mô phỏng” hình thức của lý thuyết trong sáng tạo, hơn là thức nhận tự bản chất đời sống văn học từ sự gợi mở nơi lý thuyết được tiếp nhận ấy. Tất yếu, khi có tác phẩm thì nhà phê bình cũng phải chịu cuốn vòng vòng xoáy của nó. Cái lỗi của nhà phê bình trong trường hợp này là họ đã tự quy giản trách nhiệm của mình vào làm một với sự PR của giới truyền thông cho tác phẩm. Sự thất bại của dòng thơ tân- hình thức ở Việt Nam, chính là minh chứng rõ nhất cho sự cáo chung của việc tôn sùng lý thuyết nước ngoài. Dòng văn học viết theo khuynh hướng hậu hiện đại, dù chưa phải đã thành hình rõ nét, nhưng nó đã tiên liệu phần nào sự sa sút tự thân. Đời sống văn học Việt Nam chưa bao giờ bị bão hòa như thực trạng đương đại. Nó phản ánh tính chất đơn điệu cả trong sáng tác lẫn phê bình văn học.

Cùng với việc độc tôn lý thuyết văn học, thì sự suy tôn thần tượng văn học cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế sức bứt phá của văn học Việt Nam đương đại, nhất là trong phê bình văn học. Những hiện tượng như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh… đã bị thần tượng hoá trong nhận thức văn học. Không khó để kiểm chứng nhận định này. Phần lớn tác phẩm phê bình văn học thường bỏ qua sự khảo sát đối với các nhà văn miền Nam trước 1975 hoặc các nhà văn đương đại đã/đang thực sự khai phóng những ấn tượng văn chương. Sự suy tôn thần tượng văn học của các nhà phê bình đã hạn chế việc nhìn nhận đúng các hiện tượng “đình đám” trong văn học Việt Nam như hiện tượng Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Thị Hoàng… hoặc trong việc nhìn nhận giới phê bình văn học ở Hải ngoại. Theo tôi, văn học và phê bình văn học cần phải rạch ròi với chính mình, không nên quy giản tất cả những gì của văn học vào tư tưởng chính trị hay ý thức hệ xã hội. Một nền phê bình, sáng tạo văn học mạnh cần thiết phải tự mình phủ nhận chính mình để mở ra sự bứt phá rõ ràng hơn. Sẽ không thể có một nền văn học mạnh, khi chúng ta lặp lại chính chúng ta.

Ngô Hương Giang

Nguồn: Tổ quốc

——————————

1. Nguyên sa- Trần Bích Lan (1960), Quan điểm văn học và triết học, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.

2. Sự hình thành tinh thần khai phóng trong văn học ở đây là trường hợp của Nguyên Sa – NHG nhấn mạnh.

3. Ý niệm triết học, thuần dựa vào suy niệm duy tâm của chủ thể sáng tạo khi hướng về đối tượng, nhằm khai mở nó một cách tự do. Và đó là sáng tạo đúng nghĩa.

4. Nguyễn Văn Trung (1962), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Tự Do xuất bản, Huế.

5. Phạm Công Thiện (1970), ý thức mới trong văn nghệ và triết học, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn.

6. Cuốn Giảng giải thi ca Hoelderlin (Erlaeuterungen zu Hoelderlin/ Approche de Huelderlin) của M. Heidegger được nhà Văn hoá sài gòn ấn hành dưới nhan đề Lễ hội tháng ba. Xin xem: M. Heidegger – Hoelderlin (2008), Lễ hội tháng ba, Văn hoá Sài gòn xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Huỳnh Phan Anh (1972), Đi tìm tác phẩm văn chương, Đồng Tháp xuất bản, Sài Gòn.

8. Đặng Phùng Quân (1974), Triết học và văn chương, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn.

9. Trần Đỗ Dũng, Triết học và khoa học nhân văn, Anpha xuất bản, ban tu thư Đại học Sài gòn (không ghi năm NX), Sài Gòn.

10. Phạm Công Thiện (1970), Nikos Kazantzaki, Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn.

11. Nhà phê bình đúng nghĩa thường kiêm trong mình vai trò của nhà lý thuyết và nhà nghiên cứu triết học.

12. Ở đây, tôi xin phép không đơn cử bất cứ tác giả, tác phẩm nào như một cách tôn trọng quá trình sáng tạo của họ.

Exit mobile version