Cách nay hơn hai mươi năm, những người chiến thắng là nhân dân Việt Nam chúng ta với Mĩ còn nhiều cách biệt và bên chiến bại là nhà cầm quyền xâm lược Mĩ đã làm cho người dân của họ, đặc biệt là tầng lớp cựu chiến binh từng tham gia chiến trận ở Việt Nam, nặng nề mặc cảm. Với lòng bồn chồn khắc khoải họ đã tìm cách quay trở lại Việt Nam, đến với Hà Nội, nơi mà trong suy tưởng của họ là vùng cấm. Trung tâm William Joiner, với các cá nhân tiêu biểu là các nhà văn, nhà thơ, kiêm giáo sư đại học, đã từng chiến đấu ở Việt Nam như: Kevin Bowen, Brucce Weigl, Larry Heinemann… đã đến với chúng ta và họ thật ngỡ ngàng khi thấy chúng ta đã chìa bàn tay hữu nghị ra cùng những nụ cười thân thiện chào đón họ . Họ đều chung một ý tưởng duy nhất là xóa dần đi mặc cảm tội lỗi đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, góp phần lập cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước qua mênh mông đôi bờ đại dương và tìm sự thanh thản lương tâm những tháng năm còn lại. Họ đã đạt được mong ước đó và cuộc hội thảo văn học Việt – Mĩ đầu tiên ở khách sạn Tây Hồ những ngày đầu mùa hè năm 1990 đánh dấu bước đi quan trọng trên con tàu bè bạn.
Các nhà thơ Việt Nam và Hoa Kỳ thắp hương tưởng niệm các Liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn (ảnh: Phan Hữu Đố)
Xe bon nhanh rồi rẽ vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đoàn Mĩ có những người nổi tiếng như: Nhà thơ Lady Borton gắn bó mấy chục năm rồi với Việt Nam, sống dường như chủ yếu ở Việt Nam, nói tiếng Việt như người Việt và đắm say nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Chính bà, những ngày chúng tôi sang Mĩ, đã được bà dẫn đến thăm khách sạn Omni Parker House là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm chân phụ bếp trên dặm đường trường chinh thăm thẳm tìm đường cứu nước. Nhà văn Brucce Weigl tác giả tiểu thuyết Vòng tròn của Hạnh cùng nhiều sáng tác khác và từng có mặt ở Khe Sanh những năm tháng chiến tranh. Nhà thơ Fred Marchant, tác giả tập thơ Con thuyền chở đầy trăng có mặt ở Đông Hà những năm đầu mặt trận đường số chín. Nhà văn Larry Heinemann hoạt động ở vùng núi Bà Đen – Tây Ninh và chính hồn thiêng của mảnh đất huyền thoại này đã ghi vào tâm khảm lòng ông nhiều điều thức tỉnh. Nhà thơ Kevin Bowen, giám độc trung tâm William Joiner, người đã có nhiều công sức cho cây cầu giao lưu văn học Việt – Mĩ, giao lưu tình bạn bè vượt qua đại dương, và ngôi nhà có vườn cỏ xinh xinh của ông ở Boston bang Massachusetts, là nơi tụ tập và trú ngụ của nhiều nhà văn, nhà thơ, giao sư đại học và các nhà văn hoá Việt Nam khác khi sang thăm Mĩ. Nhà thơ Mĩ gốc Việt Nguyễn Bá Chung, người giữ vai trò đặc biệt về ngôn ngữ cho những cuộc gặp gỡ, nhất là những ngày đầu. Rồi nhà thơ Sam Hamill, nhà thơ Carolyn Forche, bà Nguyễn Ngọc Chấn, người Mĩ gốc Việt phụ trách thư viện Đông nam á đại học Harvard… cùng các nhà văn từng là sĩ quan và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đứng thành hàng dài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ rồi chia nhau đi thắp hương từng ngôi mộ.
Kéo Fred Marchant ra góc sân trước đài tưởng niệm, tôi muốn nói với anh rằng, tôi đã chiến đấu ở đây sáu năm, từ ngày mở mặt trận mùa xuân năm 1966 tới năm 1972 may còn có thể trở về nhưng em trai ruột của tôi thì mãi mãi nằm lại nơi đây. Fred có vẻ trầm tư . Phải chăng anh chạnh lòng suy nghĩ. Bởi gặp anh ở Boston, tất nhiên khi ấy là mười năm về trước, ai chẳng trẻ hơn bây giờ, anh và tôi đều rất sôi động, háo hức. Và chỉ hôm trước ở Huế gặp lại anh, sau phút tôi đọc xong bài phát biểu bước xuống, anh đã chạy tới ôm lấy tôi chúc mừng. Giờ đây trước hàng ngàn, hàng chục ngàn bia mộ liệt sĩ quân đội Việt Nam , anh cũng như tôi, lòng ai chẳng những ngậm ngùi. Nỗi đau càng về sau càng ngấm! Tôi bèn lảng sang chuyện khác:
– Fred Marchant ơi, bài phát biểu của anh ở Huế nhắc nhiều đến thơ Nguyễn Trãi. Vì sao vậy? Và vì sao anh biết nhiều về Nguyễn Trãi?
Fred trả lời từ tốn:
– Tôi đến Côn Sơn – Nguyễn Trãi với Trần Đăng Khoa. Tôi đọc Nguyễn Trãi qua các bản dịch. Và tôi nghĩ Nguyễn Trãi là con người phi thường. Tài năng. Trí tuệ. Tầm nhìn. Tất cả đều cao vời vợi cho ta ngước tới. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo. Ông hiểu biết xã hội sâu sắc và đã để lại cho đời bao vần thơ gây cảm xúc cùng sự day dứt mãi trong những cõi lòng.
– Này Fred! – Tôi xin lỗi được chen vào ngay khi anh vừa ngắt giọng – Tôi cũng đọc thơ Nguyễn Trãi, tất nhiên không nhiều và trình độ có hạn, nhưng điều rất lạ và thực đến một trăm phần trăm là, phải đến những ngày đầu năm 1966, cùng đơn vị vào Quảng Trị tham gia mở mặt trận đường số chín, dường như mới cảm thụ thơ Nguyễn Trãi .Giữa những cánh rừng đại ngàn, khi ấy chưa bị phát quang vì bom đạn và hóa học, âm vang câu thơ: Tiếng vượn vang kêu cách non vang lên trong tim tôi…
Nhà thơ Mĩ đọc: Non cao non thấp mây thuộc – Cây cứng cây mềm gió hay… Có tín hiệu ra ô tô… Tôi còn muốn nói nhiều với Fred Marchant! Người Mĩ có năm vạn tám sinh linh (lấy số tròn) nằm trên bức tường đá tưởng niệm ở Washington D.C thì Việt Nam có hàng vạn, hàng chục vạn chiến sĩ cùng chục vạn hay trăm vạn đồng bào còn nằm rải rác khắp các vùng cỏ cây đất trời. Mùa mưa năm 1967 trung đội tôi tham gia vây ép căn cứ Cồn Tiên, lệnh rút qua sông Bến Hải ở phía thượng nguồn, có tên gọi Rào Thanh, đã không thể nào sang nổi bờ bên kia vì nước cuốn hung dữ quá. Chúng tôi ở lại đã đành, nhưng quá xúc động vì một đoàn liệt sĩ chừng mấy chục người của đơn vị bạn vẫn nằm trong cáng, dựng hai đầu trên những nạng chống và dựa vào những thân cây, dưới mưa lũ trùng trùng. Các anh được đưa ra bắc nhưng những chiến sĩ cáng thương đã không thể nào vượt qua lũ lại có thể bảo vệ an toàn cho thân xác các anh . Đành chờ nước rút!
Đoàn xe bon nhanh . Biển bên đường ghi: Cùa! Rồi khu di tích 241. Trời ơi! Tôi quên sao được những địa danh ghi lại bao nỗi vui và nỗi đau này. Bốn mươi nhăm năm trước trung đoàn pháo phản lực DKB đầu tiên vào chiến trường , do trung tá Tạ Vân chỉ huy (Ông Vân nay là thiếu tướng, nghỉ hưu ở Nam Đồng – Hà Nội), có nhiều lực lượng khác phối hợp, đêm 6 rạng ngày 7 tháng 3 năm 1967, đã trút lửa hủy diệt căn cứ. Trận đánh xuất hiện tiểu đội 1 thắng 20 Bùi Ngọc Đủ (Anh Đủ quê Thanh Hóa đã được phong anh hùng và hiện sống ở Gia Lai). Nhưng riêng trung đội tôi đã có ba chiến sĩ hi sinh và bốn bị thương. Họ nằm dưới chân điểm cao 333 kia. Họ đều quê ở Thiệu Hóa – Thanh Hóa. Các anh đã được qui tập về với quê hương, gia đình chưa hay đã tan vào đất, hòa vào nước, để hồn thiêng lửng lơ bay mãi với mây trời non sông nước Việt…
Khe Sanh hiện ra. Nơi đây lừng lẫy một thời. Các nhà văn cựu chiến binh Mĩ cùng các nhà văn cựu chiến binh Việt Nam chụp ảnh dưới chân chiếc xe tăng ta đã tham gia trận đánh tiêu diệt căn cư Làng Vây năm xưa. Nhà thơ Hữu Thỉnh, cựu chiến binh của binh chủng thiết giáp, trả lời phỏng vấn báo chí giữa bè bạn vây quanh, cả ta và Mĩ. Rồi sân bay Tà Cơn. Brucce Weigl đã ở đây nhưng giờ anh không thể nhớ nổi mình đã ngồi ở vị trí nào nữa. Địa hình thay đổi quá nhiều. Bucce nhớ chuyện nhìn thẳng anh lính đối phương lần đầu tiên trên đời là ở chính nơi đây. Ây là một buổi sớm. Sương mù dày đặc. Anh ra khỏi căn hầm đầy những bao cát, làm cái việc buổi sớm ta hay làm . Anh ngồi xuống, tiểu liên AR15 dựa một bên vai… Bỗng …cạch. Cái gì rơi? Cành cây à? Rồi lại cạch… Thình lình, một chiến sĩ giải phóng bằng xương bằng thịt xuất hiện. Khuôn mặt rất non trẻ và hơi xanh. Đôi mắt rực sáng. Cả hai cùng ngỡ ngàng đến mức kinh ngạc chiếu cái nhìn vào nhau. Chỉ trong chớp mắt, anh giải phóng nhảy đánh thoắt, như chim, hay như sóc, qua mấy tảng đá dưới lòng suối và biến mất. Brucce muốn quì xuống và ngửa mặt lên trời: Lạy Chúa! Con và anh ta đều chưa ai nổ súng!
Xe lượn quanh ở khu vực Khe Sanh, rồi lên cửa khẩu Lao Bảo mới trở về khách sạn. Chẳng có gì đáng nói nếu trong nhà hàng bên cạnh khách sạn, sau bữa cơm chiều, mọi người bỗng dưng không ngồi lại, và chẳng hiểu ngẫu nhiên hay ai đó có ý, đã xếp nhà văn thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người đàn ông độc thân, ngồi sát vào nhà thơ Lady Borton, người đàn bà độc thân. Cả hai đều đã già. Nhưng tâm hồn làm gì có tuổi. Cả hai đều cô đơn theo nghĩa đời thường của tạo hóa. Hai người lại cứ thầm thì nho nhỏ trò chuyện như sợ tiếng nói của mình bị ai đó nghe mất. Thế là reo hò. Thế là gán ghép . Thế là tới tấp chụp ảnh. Và họ cười hồn nhiên. Nhà văn Nguyễn Chí Trung thời gian chống Mĩ có cả chục năm ở Liên khu Năm. Lại còn trước đó là thời chống Pháp. Lại còn những năm tháng ở Campuchia tham gia giúp bạn đánh bọn Ponpot. Nghe mọi người xúm quanh bàn tán, họ không giận. Họ vui. Rõ ràng họ đang trẻ lại. Bỗng chẳng hiểu bắt nguồn từ đâu mà Kevin có một cây sáo khá to, sơn màu đen. Nhà thơ Mĩ thổi một làn điệu dân ca Việt Nam. Ông thổi khá hay. Nhưng rồi dường như cây sáo này không phù hợp, Kevin đưa cho Nguyễn Quang Thiều và ông chạy về khách san, lên phòng, đánh loáng đã quay trở lại với cây sáo trúc Việt Nam, y như sáo của trẻ chăn trâu trên đồng. Vậy là cả Kevin và Thiều cùng thổi. Tiếng sáo vi vu, hòa đồng. Nguyễn Duy rót rượu đưa cho từng người. Vừa nãy anh chị em vào cửa hàng miễn thuế mua thứ này thứ khác thì Nguyễn Duy làm luôn chai rượu một triệu đồng mà nghe nói là ở Hà Nội một triệu bốn trăm ngàn đồng. Ai đó chạm cốc xin cứ việc. Nguyễn Chí Trung và Lady cứ thủ thỉ. Hữu Thỉnh cứ chúm chím môi làm nhạc điệu hưởng ứng và mắt chớp chớp tán thành. Lê Minh Khuê lặng lẽ tủm tỉm cười ruồi. Kevin và Nguyễn Quang Thiều càng hăng say. Bất ngờ, chẳng hiểu từ sự hứng khởi nào, Larry Heinemann đứng ở phía sau giàn song ca sáo bắt đầu nhảy múa theo nhạc. Múa một mình. Rất điệu nghệ. Rất nhiệt tình. Mải mê và say đắm. Chẳng ai biết người Mĩ sẽ gọi tên điệu múa này là gì nhưng tất cả mọi người có mặt đều tháy thích thú và nôn nao như muốn nhảy theo. Mấy cô gái bán hàng dừng tay ngắm nhìn và đầy lạ lẫm
– Họ là ai hả chú? – Một cô gái hỏi.
– Người Mĩ đấy mà. Các nhà văn cựu chiến binh Mĩ. Nhiều người từng ở chiến trường này khi nhân dân ta đánh nhau với bọn xâm lược Mĩ. Họ là các nhà văn, nhà thơ và giáo sư đại học.
– Thế kia à? Họ là giáo sư đại học kia à?
– Vậy cô cho rằng hễ đã là giáo sư đại học hay nhà văn nhà thơ thì không được quyền vui say hồn nhiên như tình bạn bè đang bay bổng hay sao?
Cô gái vội thanh minh:
– Không! Cháu không có ý nói thế. Là cháu lạ lùng giữa họ với các chú?
Có gì lạ đâu cháu gái ơi! Chúng ta đang sống trong sự bao dung tha thứ và hòa giải. Nỗi đau hôm qua còn đó, đau lắm, càng về sau càng ngấm mà, nhưng cuộc sống lại phải ở phía trước. Ta phải biết đứng lên từ đau đớn, và nắm bắt lấy những gì cần cho ta từ đau đớn. Họ có đầy lòng tự trọng. Nhưng họ không sĩ vì là kẻ chiến bại. Trách nhiệm thuộc về nhà cầm quyền của họ thời ấy. Họ mặc cảm vì những cái đầu bệnh hoạn đã đẩy họ vào cuộc chiến tranh, đem chết chóc đến cho nhân dân ta. Họ muốn được tha thứ. Họ muốn xếp lại trang sử đầy nước mắt đã qua. Để họ vợi nhẹ đi nỗi lòng. Để họ thanh thản nỗi lòng.
Và họ đã và đang thanh thản!
Tô Đức Chiêu
Nguồn: Văn nghệ.