(Đọc Con đường họ đã đi qua, tập chân dung của Phạm Xuân Trường, Nxb Trẻ, 2015)
. THANH QUẾ
Nói như nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ trong lời nói đầu cuốn sách của Phạm Xuân Trường thì “con đường chung mà họ đã trải qua, đã chiến đấu và chiến thắng là con đường cách mạng” nhằm giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước và cùng chung tay xây dựng một đất nước giàu đẹp, văn minh và công bằng. Trên con đường chung, mỗi người đến với cách mạng bằng con đường riêng của mình. Phạm Xuân Trường đã thành công khi bằng những chân dung sống động, giàu chi tiết, giàu cảm xúc đã khắc rõ được những con đường riêng đó.
Vị tướng, giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Trước khi mất, người cha, một nhà giáo, đã dặn lại gia đình: “Lễ phải học hành đến nơi đến chốn và phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho xã hội”. Vì thế, trong thời gian học tập ở trong và ngoài nước, Phạm Quang Lễ tâm niệm: “Muốn phục vụ đất nước phải đánh Tây, phải biết chế tạo vũ khí đi đôi với con người có tài thao lược”. Ở Paris (Pháp) ông nỗ lực không ngừng, trong vòng bốn năm theo học đã tốt nghiệp kĩ sư, cử nhân các trường Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Quốc gia cầu đường, Học viện Kĩ thuật Hàng không. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Paris vận động Việt kiều về nước tham gia cách mạng, ông đã làm theo lời Bác và sau đó được giao giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới, ngày đêm lo tìm tòi sáng chế bazooka và cải tiến các loại súng đạn để chống Pháp và chống Mĩ có hiệu quả. Anh hùng, Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một người theo đạo, yêu nước, đang làm cách mạng, chấp hành chỉ thị cấp trên, đã trá hình để luồn sâu vào hàng ngũ địch, trở thành “chuyên gia đảo chính” làm cho tình hình địch rối loạn và bất ổn. Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn lại đi theo ngành báo chí, có quan hệ rộng trong nhiều giới ở miền Nam Việt Nam và Mĩ, được nhiều người kính nể, từ đó cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cách mạng như kế hoạch Staley-Taylor, trận càn quét ở Ấp Bắc, chỉ dẫn các mũi tiến công của quân Giải phóng vào Sài Gòn năm 1968… Trung tướng Lê Nam Phong vốn là “Đại đội trưởng đầu trọc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vì ông cho cả đơn vị cạo trọc đầu để tỏ quyết tâm chiến đấu, vừa để đầu được mát, được tiện lợi lúc xung phong giáp lá cà (địch không túm tóc được)…
Con đường đi theo cách mạng của các nhà báo, văn nghệ sĩ cũng được Phạm Xuân Trường phác dựng bằng những chân dung sinh động và sâu sắc. Nhà báo Hữu Thọ hiện lên như một con người tận tụy, suốt năm mươi tư năm lăn lộn trong nghề báo với một ước muốn là làm sao nói lên được sự thật và tỏ rõ chính kiến của mình trước các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa. Ông cho rằng: “Khi đưa ra câu trả lời mà người đúng, người sai, người tốt, người xấu đều vừa lòng, là thứ nói nước đôi, vô thưởng vô phạt, chẳng có lợi gì cho đời, chẳng ai nhớ”. Cũng bằng phương pháp phỏng vấn, Phạm Xuân Trường dựng lại con đường hoạt động nghệ thuật điện ảnh của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh, một con đường khởi đi từ cảm xúc; điện ảnh của người nghệ sĩ này là thứ điện ảnh của cảm xúc, để cảm xúc. Con đường đưa nhà văn Lê Văn Thảo đến thành công ngoài vốn sống, tình cảm, sự đam mê lao động quên mình, trên hết là sự chân thực. Người viết phải chân thực với mình, với cuộc sống. Viết từ sự thôi thúc bên trong, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đưa đời sống tinh thần của bộ đội Trường Sơn vào thơ, làm cho thơ sinh động và xúc động, từ đó vạch rõ một đích thơ, một con đường thơ cho riêng mình. Đạo diễn Phạm Thị Thành hiện lên như một con người xông xáo, lao vào tìm tòi cái mới bắt nguồn từ nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, vượt dặm dài khói lửa về vĩ tuyến 17 để thâm nhập cuộc sống chuẩn bị cho việc đóng phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Chân dung các văn nghệ sĩ khác như Phan Thị Thanh Nhàn, Chu Lai, Trần Tiến, Nguyễn Đức Mậu, Văn Lê, Thu Hiền, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Ánh Tuyết, Thế Hiển… giúp người đọc nhận thức rằng, muốn thành công trên con đường nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và đất nước, người nghệ sĩ phải giàu tình cảm, phải đam mê, phải biết sở trường sở đoản của mình và cuối cùng là phải biết dấn thân (nói như Nguyễn Đình Tú) và phải biết chăm chỉ cày trên trang viết (nói như Nguyễn Ngọc Tư).
Qua việc phác dựng các chân dung, Phạm Xuân Trường đã cung cấp, bổ sung thêm nhiều tư liệu, nhiều chi tiết mà người đọc chưa biết về cuộc đời cũng như hoàn cảnh xã hội mà các nhân vật sống và hoạt động trong lĩnh vực của mình. Đó là chuyện ngay từ hồi còn nhỏ, có lần giải một bài toán khó, người thầy bị bí, kêu Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) lên giải tiếp. Anh lặng lẽ viết ra các cách giải khác nhau mà anh say mê tìm tòi trước đó làm cho ông thầy người Pháp vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Đó là việc phi công Nguyễn Văn Bảy đã lái máy bay bị tám mươi tư vết thương về căn cứ an toàn. Khi được hỏi vì sao ông không nhảy dù, ông trả lời: “Chỉ khi cấp bách lắm, hết đường xử trí mới dùng phương án nhảy dù. Việt Nam mình nghèo, máy bay đâu có nhiều nên mình phải tận dụng tối đa, trân trọng bảo vệ tới cùng như máu thịt mình vậy”. Đó là việc nghệ sĩ Ánh Tuyết phải quay đi quay lại Sài Gòn, chịu bao tủi nhục ê chề để tìm ra con đường đi vào nghệ thuật của riêng mình là hát dòng nhạc tiền chiến, nhất là nhạc của Văn Cao. Đó là việc nhà thơ Xuân Quỳnh đã chữa câu thơ của Phan Thị Thanh Nhàn từ Cô gái như chùm hoa nhỏ bé/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu trong bài thơ nổi tiếng Hương thầm thành Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu, làm cho câu thơ của Thanh Nhàn trở nên hay và ý nhị hơn…
Để phác được những chân dung, dựng được con đường đi của các nhà quân sự, chính trị, nhà báo, văn nghệ sĩ, Phạm Xuân Trường đã dày công tìm gặp các nhân chứng cũng như chính các nhân vật mà mình miêu tả, dày công tìm đọc tư liệu thuộc nhiều lĩnh vực, từ đó giúp anh có con mắt tinh tường trong việc phân tích, đánh giá các sự kiện, các nhân vật, các công việc cũng như thành quả của từng người. Để viết về Trần Đại Nghĩa, anh nhiều lần gặp gỡ, hỏi chuyện ông Thành Đức, thư kí của giáo sư, viện sĩ. Để viết về Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, anh có nhiều cuộc gặp gỡ ông Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng và Trưởng ban Nội chính. Anh nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi với các nhà văn Lê Văn Thảo, Văn Lê, Nguyễn Đức Mậu, các đạo diễn Phạm Thị Thành, Đặng Nhật Minh… Nhờ đọc nhiều nên anh am hiểu về vũ khí khi luận bàn về việc sáng chế bazooka của Trần Đại Nghĩa, am hiểu về ngành tình báo khi viết về Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Khiêm, am hiểu về công việc của phi công khi viết về anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Anh cho rằng chùm thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật gồm các bài Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô gái thanh niên xung phong, Nhớ là chùm thơ bộc lộ rõ nhất tài năng của nhà thơ này; anh ví Phạm Tiến Duật như người thợ đào giếng đã tìm được mạch nước trong trẻo cho thơ mình. Anh thích bài thơ Con đường hơn bài thơ Hương thầm của cùng tác giả Phan Thị Thanh Nhàn có lẽ vì bài dưới hợp với hoàn cảnh chiến tranh còn bài trên hợp với mọi thời cảnh. Anh hiểu Chu Lai là thần tượng hào hoa, lãng tử của nhiều bạn trẻ nên khi phỏng vấn anh có những câu hỏi thông minh để “đào” cho được những ý nghĩ sâu kín của nhà văn. Cũng như thế anh am hiểu phim trường để làm việc với Văn Lê, am tường công việc của đạo diễn để làm việc với Phạm Thị Thành, công việc của ca sĩ để làm việc với Ánh Tuyết, công việc của diễn viên để trao đổi với Trà Giang, Thế Anh… Vì thế các chân dung anh dựng vừa sinh động, sâu sắc, giàu cảm xúc vừa đáng tin cậy.
Có thể nói rằng, Phạm Xuân Trường đã thành công trong việc phác dựng chân dung của nhiều nhân vật tài danh trong giới quân sự, chính trị, nhà báo, văn nghệ sĩ…, qua đó giúp bạn đọc, nhất là lớp trẻ, hiểu hơn về họ, lắng lọc những bài học tham khảo từ họ để đồng hành, tiếp bước họ đi từ những con đường riêng của bản thân đến con đường chung của cộng đồng, dân tộc.
T.Q