Nếu hiểu sự chuyên nghiệp đơn giản là chuyên về một nghề thì chúng ta phải đối diện với rất nhiều trường hợp khó xử, chẳng hạn có người được đào tạo ngữ văn, sau khi ra trường làm việc ở các cơ quan liên quan đến hoạt động này (giảng dạy, nghiên cứu…) nhưng sản phẩm họ làm ra nhiều khi bị xem là “thiếu tính chuyên nghiệp”; ngược lại, không ít người, về nghề được đào tạo và nghề làm công ăn lương hiện tại không trực tiếp thuộc ngành ngữ văn nhưng họ lại có được những bài phê bình rất chuyên nghiệp. Không phải ngẫu nhiên, một nhà phê bình từng xuất bản rất nhiều cuốn sách phê bình văn học như Phạm Phú Phong, Phong Lê… lại không nhận mình là nhà phê bình chuyên nghiệp, thậm chí họ còn cho rằng ở nước ta không có nhà phê bình chuyên nghiệp, không biết “cái gọi là phê bình chuyên nghiệp ở đâu, có dạng hình như thế nào”. Phải chăng họ khiêm tốn, hay việc tự nhận mình là nhà phê bình chuyên nghiệp, đối với nhiều người, là một áp lực chuyên môn?…

“Phê bình chuyên nghiệp là ai, ở thời điểm hôm nay, thì cũng rất khó tìm. Có thể nghĩ đến một lực lượng viết, gồm nhiều thế hệ, công tác ở các viện nghiên cứu và các khoa văn hóa, văn học, khoa học xã hội và nhân văn ở Đại học? Nhưng xem ra họ chỉ làm bằng tay trái; và hiệu quả nếu có cũng không thể rộng rãi, mà chỉ giới hạn trong đời sống học đường. Ngoài hai loại đó, cùng với lực lượng làm báo, viết báo như đã kể trên, không biết cái gọi là phê bình chuyên nghiệp nằm ở đâu, có dạng hình như thế nào? Và nếu không tìm thấy thì đó là chuyện tự nhiên, hoặc có gì là bất thường?” – Phong Lê

“Ở nước ta thực chất không có nhà phê bình chuyên nghiệp, hẳn là điều ai cũng phải thừa nhận…. Chuyên nghiệp là gì? Một mặt, đó là người có chuyên môn sâu, có nhiều đóng góp về lĩnh vực mà anh ta hoạt động, mặt khác, anh ta phải kiếm sống được bằng chính cái nghề chuyên nghiệp đó. Ở nước ta, không ai kiếm sống bằng nghề làm phê bình văn học cả… phê bình, chỉ là nghề làm thêm, làm tay trái… Từ trong đào tạo, đến hoạt động thực tiễn, và cả ở viện nghiên cứu đều không có chỗ cho phê bình văn học, làm chi có tính chuyên nghiệp trong phê bình? Ở các cơ quan trung ương đã thế, thì ở các địa phương hẳn cũng thế, và có khi còn kém cỏi hơn” – Phạm Phú Phong

Không tán thành các quan điểm trên, Trần Đình Sử cho rằng, “chúng ta không thiếu nhà phê bình chuyên nghiệp”: “Những giảng viên đại học, các giáo viên trung học phổ thông, các nghiên cứu viên ở các cơ quan nghiên cứu văn học, các nhà biên tập ở các báo có mục văn học, các nhà xuất bản xử lí các bản thảo văn học đều có thể coi là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Những người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, đã có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong ngành văn học lại càng là nhà phê bình chuyên nghiệp. Những người đó mà không chịu nhận mình là nhà phê bình chuyên nghiệp thì là một sự lạ lùng, vậy thử hỏi ai được đào tạo hơn họ để làm phê bình?”

Vậy chuyên nghiệp là gì? Theo tôi, chuyên nghiệp trong phê bình văn học không phải chỉ là chuyện chuyên về một nghề, gắn bó với một nghề, sống được bằng nghề đó… mà thực chất là vấn đề chất lượng của sản phẩm phê bình, cách tạo ra sản phẩm, là vấn đề năng lực chuyên môn, kiến thức chuyên môn thực tế thể hiện trong văn bản cụ thể. Tính chuyên nghiệp thể hiện trong từng sản phẩm cụ thể, trong các nhận định, đánh giá, các phân tích, lý giải văn học… nó không phải là cái mác, phù hiệu dán lên mọi sản phẩm hoặc thuộc về tác giả sinh học, nó thuộc về sản phẩm, ra đời cùng với văn bản phê bình. Hiểu như thế, ta sẽ thấy câu chuyện chuyên nghiệp và cái gọi là “nghiệp dư” không mâu thuẫn với nhau: một người trước đây bị quen gọi là “phê bình tay ngang”, ở đây, có thể được nhìn nhận khác đi rất nhiều – anh ta cũng rất chuyên nghiệp bởi vì sản phẩm được làm ra có chất lượng, hiệu quả hơn hẳn những anh chân hóa rễ trong hàng ngũ “chuyên nghiệp” nhưng thường xuyên tạo ra các bài phê bình thiếu hẳn một năng lực chuyên môn, một phông tri thức chuyên môn cơ bản nhất. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong phê bình là một yêu cầu, đòi hỏi, xu hướng tất yếu. Song, không phải vì thế, mà xem thường các chủ thể ở bên ngoài lãnh địa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các hội văn học nghệ thuật, có tham gia hoạt động phê bình và đặc biệt là họ làm tốt công việc phê bình.

Đọc, thưởng thức, diễn giải văn học là quyền và nhu cầu của mọi người, thay đổi theo từng chủ thể, ngữ cảnh, tâm thế, hệ hình tri thức, quan niệm, mục đích… Nên tôn trọng sự bình đẳng, đa dạng rất tự nhiên như thế của các tiếng nói phê bình. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong phê bình còn là phát huy thực sự tinh thần dân chủ. Nhà phê bình được nói về tất cả những gì được gọi là di sản văn học, được đề cập đến mọi hiện tượng văn học theo các quan điểm, cách nhìn khác nhau, với một trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm nghề nghiệp. Tức là ở đây, tính chuyên nghiệp được hiểu theo nghĩa, vừa như là tiếng nói chuyên môn, thẩm quyền chuyên môn, vừa như một “văn hóa đọc”, một cách đọc có văn hóa, có lý, phù hợp với đặc trưng, bản chất của văn học.

Sống được bằng nghề chưa hẳn là tiêu chí nhận diện tính chuyên nghiệp, bởi để sống được bằng nghề người ta có nhiều cách khác nhau; để “tồn tại được trong nghề nghiên cứu”, theo đuổi đam mê nghiên cứu, hiện nay nhiều người phải làm các công việc khác, họ lấy ngắn nuôi dài (giảng dạy, viết báo…), vì thực tế chế độ lương theo quy định hiện hành không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, càng khó đảm bảo công việc nghiên cứu đầy nhọc nhằn, đòi hỏi có sự đầu tư thích đáng về thời gian, và vật chất… Chuyên nghiệp hay không không phải là chuyện được đào tạo hay không được đào tạo; từ môi trường đào tạo, giảng dạy lý thuyết đến việc nhuyễn lý thuyết, thấm lý thuyết để thực hành phân tích, diễn giải văn học có lý, có sức thuyết phục, có văn hóa… còn một khoảng cách khá xa. Chuyên nghiệp không phải là chuyện thuộc về một cơ quan tổ chức nghề nghiệp nào, đó là chuyện của các trường hợp. Tự đào tạo, đào tạo lại và đào tạo liên tục… là một trong những con đường hình thành nên tính chuyên nghiệp.

Quan niệm về tính chuyên nghiệp trong phê bình không hề bất biến và có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Tính chuyên nghiệp mà chúng ta đang cố gắng nắm bắt, thực tế thay đổi theo từng giai đoạn, thích ứng với những đòi hỏi khác nhau của bản thân sự phát triển chuyên ngành, xã hội, văn hóa tư tưởng, phương pháp, khu vực… Tính chuyên nghiệp trong phê bình theo quan điểm Mác xít sẽ có ưu điểm khác so với tính chuyên nghiệp trong phê bình cấu trúc luận, phê bình phân tâm học, phê bình hiện tượng học, phê bình hậu hiện đại, phê bình kí hiệu học, phê bình sinh thái… Tương tự như thế, tính chuyên nghiệp trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm khoa học xã hội nhân văn sẽ khác với đòi hỏi về tính chuyên nghiệp trong báo chí truyền thông, các hội văn học nghệ thuật… Không thể phủ nhận tính chuyên nghiệp của các nhân viên truyền thông/PR tại các công ty sách, các biên tập viên ở các báo chí, các nhà xuất bản, các giáo viên của trường trung học, mà còn không thể lấy “tính chuyên nghiệp” của khu vực này, nhóm chủ thể này, thay thế “tính chuyên nghiệp” của khu vực khác, nhóm chủ thể khác. Chuyên nghiệp, hiểu một cách năng động nhất, là một sự đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu, đòi hỏi, nguyên tắc… nhất định của những cơ chế, phương pháp, giai đoạn khác nhau…

Trở lại với Hội nghị Phê bình văn học vừa qua. Một trong những điểm mới, điểm nhấn của diễn đàn học thuật này là lần đầu tiên dành thời gian, không gian cho nhiều nhà phê bình trẻ như Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Huỳnh Thị Thu Hậu, Cao Việt Dũng, Trần Thiện Khanh (Hoàng Thụy Anh, Hoàng Đăng Khoa…) đóng góp ý kiến cá nhân của họ về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phê bình văn học từ phía các cơ quan học thuật (đại học, viện nghiên cứu), từ cách nhìn của báo chí truyền thông (tạp chí), trường trung học, cách nhìn, đòi hỏi, tâm thế của thế hệ trẻ…

Đoàn Ánh Dương cho rằng nguyên nhân kém phát triển của phê bình, tức là tính chuyên nghiệp của nó chưa cao, bắt nguồn từ việc “nhận thức không đúng đắn về bản chất của phê bình, nhận thức về thực tiễn văn học cũng có nhiều điểm bất cập”. Cao Việt Dũng gián tiếp nói về tính chuyên nghiệp trong việc lựa chọn đối tượng phê bình. Huỳnh Thị Thu Hậu chia sẻ những thuận lợi và khó khăn hiện tại đối với người viết trẻ trong việc hoạt động phê bình, và trước yêu cầu cần nâng cao tính chuyên nghiệp của nó. Phan Tuấn Anh bàn đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp từ việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lý luận, phê bình trong chương trình đại học. Tham luận của Trần Thiện Khanh, xuất phát từ điểm nhìn xã hội học về diễn giải, đã chỉ được rõ tính đặc thù, tính tất yếu, và sự chuyển hóa lẫn nhau của ba cơ chế phê bình, ba kiểu phê bình văn học – gắn với chính trị, nhà nước, gắn với công cuộc đổi mới, cởi trói văn nghệ của Đảng, gắn với bối cảnh mới – giao lưu, hội nhập, quốc tế hóa, và gắn với cuộc cách mạng Internet, với thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông. Thực ra, ý kiến của Trần Thiện Khanh không mới, chỉ là sự tổng hợp, khái quát các ý kiến bàn thảo về thực trạng phê bình của các nhà chuyên môn, các nhà quản lí văn hóa văn nghệ, các chủ thể phê bình mới, các văn bản mới chẳng hạn như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”. Trên cơ sở chỉ ra thực trạng, những đặc điểm và đòi hỏi khác nhau trong các khu vực, cơ chế phê bình, tác giả bản tham luận đã đề xuất một số biện pháp tương ứng để nâng cao tính chuyên nghiệp trong từng cơ chế phê bình văn học. “Không nhận diện và đánh giá đúng thực trạng; không chỉ ra được các nguyên nhân của thực trạng thì không có căn cứ khoa học và thực tiễn để đề ra các giải pháp đúng đắn cho hoạt động phê bình hiện nay” (PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh). Tại Hội nghị, khi trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình, Trần Thiện Khanh cho rằng: “Để nhìn rõ thực trạng và có thể đề xuất được những biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học trước hết cần mô tả đúng về ba cơ chế này, tức là phải mô tả khách quan các nguyên tắc, cách thức tổ chức, hoạt động, vận hành của phê bình và sản phẩm do phê bình tạo ra. Bàn về nâng cao chất lượng hiệu quả của phê bình không thể nói chung chung, mà phải tính đến sự đa dạng, tính đặc thù của mỗi khu vực phê bình, cơ chế phê bình khác nhau; nghĩa là phải xét đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng của riêng từng cơ chế phê bình. Người đọc cần tôn trọng sự tồn tại của ba cơ chế phê bình hiện thời như là tôn trọng những tiếng nói, những quan điểm, tư tưởng khác nhau, phương pháp và mục đích làm lý luận phê bình khác nhau. Tôn trọng sự đa dạng, dân chủ, tự do trong phê bình. Đó là tiền đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học” (theo http://vanhocquenha.vn).

Thực vậy, việc “phát huy tinh thần dân chủ trên mọi mặt của đời sống xã hội được xem là một thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động từ 1986 đến nay. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lý luận và phê bình nói riêng, tinh thần dân chủ thực sự trở thành động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới tư duy lý luận và hoạt động sáng tạo”[1], “để đảm bảo cho hoạt động phê bình phát triển lành mạnh cần chủ động tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để cho mọi năng lực, năng khiếu, tư chất và sở trường của mỗi cá nhân có cơ hội phát triển; chủ động tạo ra những yếu tố kích thích sự tìm tòi, sáng tạo; chấp nhận những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề trên nguyên tắc vì lợi ích và sự phát triển ổn định của đất nước với động cơ trung thực”[2] . Hội thảo là nơi thu vào nó nhiều tiếng nói. Vấn đề là cần nhìn từ nhiều phía; tiếp tục nghiên cứu, phân tích bổ sung, góp thêm nhiều tiếng nói để ngày càng nắm bắt sát đúng hơn thực trạng phê bình, nguyên nhân của thực trạng; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quan trọng nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của người làm phê bình, thúc đẩy nền phê bình văn học Việt Nam phát triển đúng hướng, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc.

Nguyễn Cẩm Linh



[1] Phan Trọng Thưởng, “Tinh thần dân chủ lý luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/2006

[2] Phan Trọng Thưởng, “Vì một nền mĩ học phê bình”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7/2004

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version