Biệt tăm hơn bốn năm, một buổi tối Hoạt về, dắt theo một người đàn bà, dễ chừng phải hơn nó năm, sáu tuổi, bảo bố:

– Vợ con đấy!- Rồi bảo vợ- Bố đấy, chào đi!


Giọng vợ Hoạt choe chóe:

– Con tên Mịn, con chào bố.- Quay sang hỏi Hoạt-  Bàn thờ mẹ đâu?

Hoạt đưa Mịn lên gác. Hắn dọn ban thờ, bật lửa châm nhang cắm vào bát hương, bảo:

– Vái đi, ba vái, rồi khấn gì thì khấn!

Mịn vái ba vái,  khấn:

– Mẹ ơi, con tên là Lã Thị Mịn, được ông Tơ bà Nguyệt xe duyên kết tóc với chồng con là anh Nguyễn Văn Hoạt… Con xin mẹ phù hộ độ trì cho vợ chồng con ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long, sinh con sinh cái đề huề, làm ăn tấn tới, không vấp vào lao lý…
Nghe đến đây Hoạt gắt:

– Lao lý hay không là ở mình chứ mẹ biết gì chuyện ấy. Khấn xong chưa, xuống nói chuyện với bố.

Từ lúc Hoạt đưa vợ về, ông Thường từ ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ông  nhìn thằng con trai độc nhất, trong lòng trào dâng những cảm xúc đan xen. Giận lắm, nó đi mấy năm trời, một chữ không gửi về, một lời nhắn cũng không. Cứ ngỡ nó đã chết bờ chết bụi ở đâu đâu rồi.

Ở đời, con người ta không ai là không thoát nổi những nỗi đau tinh thần. Có những nỗi đau cứ gặm nhấm, giằng xé, hành hạ, làm tình làm tội người ta không lúc nào nguôi ngoai. Sau nỗi đau vợ mất vì căn bệnh ung thư quái ác… Có lẽ chẳng lúc nào ông Thường quên được nỗi đau về thằng con trai, mà vì thương con mồ côi mẹ, sợ nó khổ ông đã không tái giá.

Năm ấy, Hoạt vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự , bàn với ông:

– Học tiếp để thi vào đại học thì con không học nổi nữa rồi, mấy năm ở lính,  con được đào tạo thợ máy, nên giờ bổ túc thêm tí nghề sửa chữa xe máy, về mở cửa hàng bố ạ.

Trong thâm tâm, ông Thường những muốn con trai học tiếp, thi vào đại học, sau này làm kỹ sư, để ông mở mày mở mặt với thiên hạ, với họ hàng. Nhưng nghe Hoạt nói cũng có lý, vả lại, ông cũng biết, khả năng tiếp thu văn hóa của con ông thấp, lại thêm vài năm sao nhãng sách vở, thì sao đỗ được đại học. Ông đành gật đầu.

Học nghề xong, Hoạt mở hàng sửa chữa xe máy ngay tại nhà. Nhà ông Thường mặt đường, đông người qua lại nên thật tiện. Tay nghề nó cũng tàm tạm, hơn nữa thời ấy cửa hàng, cửa hiệu sửa chữa xe máy cũng chưa nhiều, thành ra khá đông khách.

Hoạt đang làm ăn ngon lành thì tai họa ập đến. Mà tai họa lại bắt đầu từ cái  mặt vuông chữ điền, đôi mày lưỡi mác xếch ngược, cặp mắt nhìn ai cũng như nẩy lửa, nước da đen đúa, lại thêm những cái sẹo lằn ngang, lằn dọc… Hoạt có một thằng bạn hồi học phổ thông, thằng này tên là Hùng “thó”. Biệt danh “thó” là do thằng Hùng có tính gian, hay ăn cắp vặt, thấy ai hở cái gì là “thó” ngay. Thằng Hùng “thó” học đại học đến năm thứ ba, thì ba, bốn lần bị bắt quả tang “thó” quần áo, tiền bạc của sinh viên. Chính lớp trưởng phát hiện, và báo cáo sự việc với nhà trường. Thằng Hùng “thó” bị kỷ luật, đình chỉ học tập. Nó nghĩ cách trả thù lớp trưởng. Nó nhớ ngay đến  bộ mặt dữ của thằng Hoạt, vậy là trong đầu  hình thành một kế hoạch… Nó kể lại sự tình, tất nhiên thêm mắm muối vừa để sự vụ nghiêng phần sai trái về phía lớp trưởng, vừa để kích động thằng Hoạt.  Nó bảo: “Chỗ bạn bè, mày giúp tao, chí ít cũng bắt thằng lớp trưởng phải trả giá bằng tiền, không cần nhiều chỉ dăm triệu thôi…”. Hoạt hỏi: “Tao làm gì để giúp mày?”. Hùng “thó” thì thào: “Mày chỉ cần quắc mắt lên, rồi cắm con dao găm xuống mặt bàn…”. Rồi thằng Hùng “thó” vạch ra chi tiết, tỉ mỉ kế hoạch bắt thằng lớp trưởng “nộp phạt” mà nó bảo là theo luật của giang hồ. Hoạt theo Hùng “thó” lên Hà Nội, gặp thằng lớp trưởng, Hùng “thó” bảo: “Mày làm tao mất hết danh dự, mày phải trả giá!”. Nhìn bộ mặt và nhìn thấy lưỡi dao lấp loáng trong túi áo của thằng Hoạt, tay lớp trưởng đành chấp nhận “nộp phạt”. Nhưng nó bảo, làm gì có tiền ngay, hẹn sáng mai ra quán nước cổng trường. Thằng Hùng “thó” không ngờ rằng, tay lớp trưởng kia là người tinh khôn… Sáng hôm sau, ở quán nước, tay lớp trưởng nài nỉ xin thằng Hùng “thó” bớt cho hai triệu, trong số năm triệu đòi nộp. Thằng Hùng “thó” dứt khoát không nghe, ra hiệu cho thằng Hoạt hành động. Hoạt liền trợn thêm mắt, dướn cặp mày thêm xếch, đoạn rút con dao găm trong túi vung lên, cắm phập xuống mặt bàn, làm rung cả ấm chén, hộp kẹo, hộp thuốc lá… Cũng vừa đúng lúc ấy, hai anh công an mặc thường phục ngồi kế bên nhảy sang, nhanh nhẹn quật ngã cả hai thằng, cái còng số tám nhanh chóng khộp vào tay hai đứa, với tội danh “trấn lột”.

Hoạt bị xử hai năm tù giam. Thời gian đó, ông Thường mất ăn, mất ngủ mấy tháng ròng. Người ông tọp đi, có những giai đoạn chỉ còn da bọc xương. Một lần vào trại thăm con, Hoạt nhìn bố, nước mắt cứ vậy mà giàn giụa, khi ông về, nó nghẹn ngào: “Tại con ngu dại bố ơi!”.

Hết hạn, Hoạt ra tù, ông Thường định tiếp tục cho con mở hàng sửa chữa xe máy, thế nhưng,  về chưa nổi tháng thì Hoạt bỏ đi, chẳng nói với ông một lời… Qua cái giận là đến cái thương. Ừ! Cũng may là nó đã về. Vậy là nó không chết bờ chết bụi ở đâu. Như vậy, đứa con duy nhất của vợ chồng ông vẫn còn. Vẫn còn đó chỗ dựa cho ông nay mai. Nói gì thì nói, con người ta khi về già đều mong muốn có chỗ dựa, mà chỗ dựa vững chãi nhất vẫn phải là ở nơi con cái.

Tuy nhiên ông còn chút lăn tăn, ấy là cái con Mịn. Cảm nhận ban đầu, ông hoàn toàn không ưng một tí nào. Người thô thiển, to béo, mặt bì bì, hai mắt ti hí, trên đầu lơ thơ những sợi tóc đỏ quạch lại quăn queo. Đành rằng con trai ông dữ tướng, nhưng chí ít nó cũng phải lấy được đứa nào trông khá hơn con này chứ. Lại nữa, ông chỉ có mình thằng Hoạt, đáng lý ra, ông phải là người lo toan việc đình đám cho nó… Thằng Hoạt bảo, đấy là vợ nó. Vợ của con ông, tức là con dâu của ông, thế mà ông không được làm đám hỏi, đám cưới… Ông thấy cay cay sống mũi. Nghĩ đi thì vậy, nhưng nghĩ lại, nó con sống, nó trở về là phúc nhà ông lắm rồi.
Thằng Hoạt đưa vợ xuống nhà, nó bảo:

– Chúng con cũng có tổ chức, nhưng làm đơn giản, chỉ có anh em ở bãi vàng ăn với vợ chồng con bữa cơm, uống chén rượu ở giữa nơi rừng rú hoang vu.

Thì ra mấy năm qua thằng Hoạt đi đào vàng. Vừa nghe con nói, ông Thường vừa nghĩ.

– Chúng con thương nhau – Thằng Hoạt vẫn thong thả nói – Nhưng đúng ra, con lấy Mịn là vì cái nghĩa, Mịn đã cứu con.

Ông Thường vội hỏi:

– Là thế nào ?

– Chuyện thì dài lắm, tóm tắt lại, một lần con bị sốt rét, tưởng không qua nổi, thì may quá có Mịn… Thực ra, hồi đầu con gọi Mịn là chị.

Ông Thường khẽ liếc sang đứa con dâu, thấy mặt nó đỏ lên, chắc vì ngượng.

Hôm ấy, Hoạt ra suối lấy nước… Bỗng dưng thấy đầu óc quay cuồng, mọi cảnh vật, cây cối phía trước như lộn tùng phèo. Hoạt loạng choạng, rồi không giữ nổi thăng bằng, đổ vật xuống bên bờ suối. Người run lên cầm cập vì rét, cổ họng khô khốc vì khát. Như một sự sắp đặt của “nhân duyên”, tình cờ Mịn cũng ra suối. Cô hốt hoảng chạy đến. Hoạt nằm co quắp, toàn thân vẫn đang rung lên. Thôi! Bị sốt rét rồi. Mịn thốt lên câu ấy, rồi không hề toan tính, cô ngồi xuống, đưa hai cánh tay, bế xốc Hoạt lên, ghì chặt vào lòng, để mặt Hoạt áp sát vào lồng ngực đang phả ra hơi ấm hừng hực… Một lúc sau, Hoạt tỉnh dần, Mịn bế Hoạt lên, chạy về phía lán của cô. Hơn một tháng trời, Mịn thuốc men, cơm cháo, chăm sóc Hoạt phục hồi…

Trong lòng ông Thường có chút nguôi ngoai.

Hoạt bảo:

– Vợ chồng con quyết định về với bố, và…- Hoạt lúng túng, Mịn đỡ lời:

– Về đây để tránh nơi rừng thiêng nước độc, để còn sinh cho bố vài đứa cháu… Con người miền núi, về đồng bằng lại ở thành phố, con chẳng biết gì đâu, có gì bố chỉ bảo cho con – Đoạn Mịn mở túi sách, cầm ra một nắm vàng, dễ chừng phải cả cây – Mấy năm qua, chúng con dành dụm được, chúng con xin biếu bố để dưỡng già.

Mịn chuyển vàng sang hai tay, kính cẩn dâng lên. Ông Thường ngạc nhiên thêm. Ông nhìn thằng Hoạt, rồi lại nhìn Mịn. Trong đầu ông đang bề bộn những ý nghĩ khác nhau. Thật lâu sau, ông thong thả bảo:

– Vàng của các con quý lắm, bố biết nó đã phải đổi mồ hôi, nước mắt và suýt nữa là cả tính mạng, nhưng với bố, các con mới là quý hơn. Con cất đi, để lấy vốn làm ăn, bố chỉ mong sao… Đến đây ông Thường nghẹn ngào không nói nổi nữa.

Trời tối hẳn. Ngoài đường đèn phố đã sáng. Hoạt bảo vợ đi nấu cơm. Ông Thường bảo:

– Làm sao nó đã quen với bếp núc nhà mình.

Nghỉ ngơi chừng nửa tháng, Hoạt sắm đồ nghề, mở lại cửa hàng sửa chữa xe máy. Anh sắp xếp cho Mịn buôn bán nhỏ ở chợ Bồng. Thoạt đầu Mịn lo lắm:

– Không biết em có buôn bán nổi không?

– Dần dần rồi quen thôi – Hoạt bảo.

Ông Thường cũng bảo:

– Nghề dạy nghề con ạ, cơ bản mình chịu khó, chắt chiu, làm ăn thật thà, đứng đắn.

Mịn đáp:

– Vâng ạ.
Mịn ra chợ Bồng, tìm hiểu thị trường. Trời ơi, chợ ở thành phố khác hẳn chợ rẻo cao. Hàng hóa tràn ngập, người mua bán nườm nượp, họ mời chào đon đả, tíu tít. Mịn sà đến hàng này, tạt vào hàng nọ, hỏi han đủ thứ. Có người trả lời, có người xua xua tay, có người cất tiếng cười ha hả : “Con gà rừng bà con ạ…”, rồi lại còn hát : “Con gà rừng gáy… Gáy te te tè…”. Người cười, người nói rôm rả cả một góc chợ. Mịn chẳng biết họ cười gì, mặc kệ họ cười, mà họ cười thì mình cũng cười, lại còn cười phải to hơn họ, vậy là Mịn há mồm, cất tiếng cười theo.

Vài hôm đi thăm chợ, rồi Mịn bảo chồng:

– Em buôn bán hàng khô anh ạ.

Ngẫm ngợi một lúc Hoạt bảo:

– Ừ, hàng ấy không thiu thối, không bán được cũng chẳng phải đổ đi.

Trong mấy ngày vừa rồi, Mịn làm quen được với một chị bán hàng la ghim. Chị này thấy Mịn dân miền núi, tính thật thà, sau lại biết là vợ Hoạt, mà chuyện Hoạt bị đi tù oan chị cũng biết, nên thông cảm, chỉ bảo tận tình cho Mịn cách buôn bán hàng la ghim. Chị ấy tính cho Mịn, ban đầu cứ là một gánh hàng nho nhỏ ngồi bán ngay đầu chợ, gần chỗ gửi xe, tha hồ tiện. Mịn nghe theo.

Ông Thường đi xem ngày mở hàng cho con dâu, bảo:

– Tháng này chỉ có ngày 11 là ngày phát lộc con à.

Sáng sớm ngày mười một, Mịn lên thắp hương ban thờ mẹ chồng, khấn:

– Hôm nay con mở hàng, mẹ ở dưới suối vàng phù hộ độ trì cho con buôn bán thuận lợi.

Ông Thường bảo Hoạt:

– Con chở hàng ra chợ cho vợ con.

Hoạt lưỡng lự. Thực ra anh vẫn còn tránh, chưa muốn giao tiếp nơi đông người. Biết vậy Mịn bảo:

– Nhẹ thôi bố à, để con gánh được mà.

Hàng la ghim đủ thứ, nào là hành, tỏi, ớt khô, ớt bột, húng lìu, kẹo đắng, măng, miến, bánh đa… Mịn đang lúng túng, không biết bầy biện thế nào, thì may, chị hàng la ghim tốt bụng đến giúp. Vừa làm chị vừa giảng giải cho Mịn từng li từng tí, nào là bầy cái gì lên trước, cái gì người tiêu dùng thường mua thì phải để ở vị trí thuận lợi, bắt mắt người ta, nào là cái cân phải quay mặt ra ngoài cho khách nhìn thấy, nào là… Mịn vừa làm theo, vừa tập trung nhập tâm những lời chỉ dẫn của chị.

Người đầu tiên đến hàng của Mịn không phải là khách mua hàng, mà là một ông chột mắt, cánh tay phải đeo băng đỏ, thêu chữ vàng “Ban quản lý” tay ông vung vẩy tập vé, chân ông đá đá vào cái thúng đựng hàng của Mịn, giọng hách dịch:

– Vé chợ… Vé chợ…

Mịn ngơ ngác:

– Là gì cơ ạ?

Ông chột cười khẩy;

– Thôi đừng “rắn giả lươn” nữa,  30 nghìn.

Mịn thật thà:

– Ông ơi cháu đã bán được gì đâu.

Con mắt còn lại trên khuôn mặt chột, nheo lại, hàm răng trong cái mồm méo xẹo kêu ken két:

– Tiên sư bố con ranh này, mày có muốn mua bán ở đây không thì bảo? Đồng thời cái chân đi giày da đá mạnh vào gánh hàng, làm cho sự sắp xếp lúc nãy bị xô lệch đi, có món hàng còn bị rơi xuống đất.

Mịn đứng phắt dậy, hai tay chắp hai bên hông, cũng quắc mắt lên:

– Ô hay! Ông làm cái gì thế?

– Làm cái tiên sư mày, nôn ba mươi nghìn ra đây, không thì xéo!

Có một bà cũng hàng ngồi rong, kề đấy bảo Mịn:

– Tiền chợ đấy, ai ngồi đây cũng phải nộp, không có là người ta không cho ngồi bán đâu. – Nói nhỏ – Lão chột này ác lắm…

Mịn gật đầu, móc túi lấy tiền. Lão chột xé cái vé đưa Mịn, rồi quàu quạu:

– Ngày mai phải biết điều nghe chưa.

Lão đi rồi, Mịn xòe cái vé xem… Giá vé chỉ có 5 ngàn đồng, sao lão ta lại thu của mình những 30 ngàn. Thế này là không được rồi. Mịn nhờ bà ngồi bên trông hàng hộ, tất tưởi đi tìm lão chột.

Đến đúng trước cửa nhà ban quản lý chợ Mịn gặp lão chột. Mịn chặn ngang đường đi của lão, giọng đanh thép:

– Ông giả lại tôi 25 nghìn!

– Ơ… Ơ… Con này, mày không biết ông là ai à? Hỗn nào!

Vừa dứt lời, lão vung tay lên, nhằm mặt Mịn tát “bốp” một cái. Bị bất ngờ, vả lại cái tát mạnh, làm Mịn hoa hết cả mắt mũi, đau điếng. Rồi Mịn cũng định thần lại được. Mịn thấy ức quá, lão vừa ăn không của mình 25 ngàn, lại còn đánh mình nữa. Thế này thì sao chịu nổi. Thôi, việc quái gì phải nghĩ nhiều, cho lão một bài học. Ngay lập tức, Mịn hơi cúi người xuống, chân trái choãi ra phía sau, chân phải hơi gập gối xuống, bỗng phắt một cái, người Mịn tung lên cao, bàn chân phải của Mịn như một lưỡi dao sắc lẻm chém phựt vào cổ lão chột.  Chỉ nghe lão “Ớ” lên một tiếng chới với, đã thấy lão đổ ệch người xuống, máu mồm, máu mũi đổ ra ồng ộc. Cả một góc chợ Bồng nhốn nháo lên. Có tiếng ai đó nói rất to “Đáng đời lão chột”.

Ngay ngày đầu ra chợ buôn bán, Mịn đã nổi tiếng. Khắp các quầy, sạp, quán hàng nào người ta cũng xì xào kể lại chuyện Mịn tung cước đá rách cổ lão chột để đòi lại 25 ngàn đồng mà lão đã ăn chặn của Mịn. Qua đó, người ta mới biết rõ, lâu nay số tiền ăn chặn tiểu thương của lão chột không phải là ít. Người ta bảo rằng cô gái sơn cước là người táo tợn, võ nghệ cao cường…. Từ trước đến nay ở chợ Bồng này có ai dám trêu chọc, động chạm gì tới lão chột đâu.

Chuyện ấy cũng đến tai ông Thường. Có cô con dâu mạnh mẽ lại táo tợn, ông Thường cũng không mấy vui. Trước đây chồng nó bị vào vòng lao lý cũng ở nguyên do gây rối trật tự. Nhưng xét cho cùng, ông cũng thấy yên tâm. Ở chợ, là một thế giới đầy rẫy những chuyện phức tạp. Nơi ấy, ngoài những người làm ăn đứng đắn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại toàn những “mua tranh bán cướp”. Những “lọc lừa”, gian dối, trộm cắp, đâm thuê chém mướn. Ấy là chưa kể đến bọn du thủ du thực, bọn nghiện ngập… thường lấy chợ là nơi tá túc. Mạnh mẽ như Mịn sẽ ít bị bắt nạt, ông Thường cũng thấy yên tâm.

Mịn là người đàn bà chịu khó. Sáng nào cũng dậy sớm, lo mua đồ ăn sáng cho bố, cho chồng. Mịn đánh rửa ấm chén, đun nước đổ đầy phích, rồi mới quẩy gánh hàng la ghim ra chợ.

Hoạt lại quay về với nghề sửa xe máy. Bỏ nghề đã lâu, nên thoạt đầu Hoạt cũng gặp nhiều lúng túng, Hơn nữa bây giờ xe máy có nhiều loại quá, lại thêm cả xe tay ga nữa. Hoạt bảo vợ: “Anh phải đi bổ túc tay nghề” Mịn hỏi: “Anh định học ở đâu?”. “Lúc đầu anh định đi Hà Nội, xong nghĩ lại, xa quá, đành học ngay ở thị xã thôi”. Mịn bảo “Thế cũng được”. Hoạt học thêm sửa chữa xe máy tay ga, làm quen thêm với các dạng xe máy đời mới. Được cái sáng dạ, thông minh, tiếp thu nhanh, chỉ qua mấy tháng tay nghề hoạt đã thành thục. Dần dần cửa hàng của Hoạt cũng có khách, công việc làm ăn trôi chảy.

Vợ chồng con trai làm ăn tốt, cuộc sống yên ổn, ông Thường cũng thấy vui vui. Với người già, có lẽ chẳng niềm vui nào có thể sánh nổi với niềm vui con cái yên bề, không tai ương trục trặc gì trên đường đời. Mà đường đời ngày nay, ông Thường biết nó gian truân, khúc khuỷu, đầy rẫy cạm bẫy, cam go. Người tốt vẫn còn, nhưng số người xấu hình như đã không hề thuyên giảm mà lại có chiều hướng ra tăng. Mỗi lần con dâu ra chợ là ông lại lo. Ông không lo lắm cho việc buôn bán lãi hay lỗ của nó. Ông sợ nhất tai ương xảy ra. Nhất là bây giờ, cái bụng nó đã lùm lùm. Ông mừng vì sắp có cháu nội. Đó là điều ao ước của người già. Nhưng lo vẫn nhiều hơn. Lắm lúc, nghĩ khôn không nghĩ cứ nghĩ dại, nghĩ quẩn. Nghe thằng Hoạt nói những ngày nơi rừng thiêng nước độc, vợ nó đã hai lần xảy thai, bởi vậy ông Thường sợ nó “quen dạ” thì sao. Một hôm ông bảo con dâu: “Hay là con nghỉ một thời gian, bao giờ sinh cháu hẵng đi chợ lại!” Con Mịn bảo ông: “Không sao đâu bố ạ, con biết giữ gìn mà.”

Dăm tháng buôn bán, đúng như lời ông Thường nói “Nghề dạy nghề”, bây giờ Mịn đã khá thành thạo. Mịn đã biết tính toán khi nào thì mua hàng, khi nào thì bán, giá cả mua vào bán ra Mịn cũng tinh thông. Bản chất thật thà, nên trong buôn bán Mịn không hề gian giảo, thành ra hàng của Mịn khá có uy tín. Khách quen có dần, thu nhập cũng tăng theo. Cái ăn cái mặc, thực lòng cũng không đáng lo lắm. Cái lo chính vẫn là ở cái thai trong bụng. Mỗi ngày đứa con một lớn. Đôi bàn chân bé xíu đã bắt đầu khe khẽ đạp, Mịn thấy đau, nhưng đấy là cái đau mãn nguyện. Hôm Hoạt đưa vợ đi siêu âm, khi biết thai nhi giới tính nam, Hoạt đã không ghìm nổi sự sung sướng, anh bồng bột ôm chầm lấy vợ, hôn chùn chụt lên má Mịn, làm Mịn ngượng đỏ bừng mặt mày.

Buổi sáng chợ Bồng tấp nập người mua, người bán. Hàng quán nhiều, người đông, âm thanh ngầu ngầu hỗn tạp. Bây giờ Mịn đã mua lại được một sạp hàng, cô không phải quảy hàng như trước. Mịn chưa dọn hàng xong, đã có khách vào, người xem, người hỏi giá, người mua hàng. Tuy bụng mang dạ chửa, nhưng Mịn vẫn còn nhanh nhẹn, lấy cái này cho người nọ, trả lời người kia hỏi, tính tiến, gói hàng cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt. Gói xôi ăn sáng mua mà đã kịp ăn đâu, thôi để lát nữa ăn, cứ giải quyết hàng họ cái đã. Mịn vừa nghĩ vừa tiếp tục bán hàng.

Bất chợt, từ phía hàng điện máy có tiếng hét thất thanh:

– Cướp… Cướp…
M
ịn giật mình nhìn ra phía trước. Một gã đầu trọc, tay nắm chặt một cái túi xách, tay hươ hươ một con dao găm đang lao vùn vụt ra phía đường. Gã xô người này ngã, hất hàng người kia đổ. Trong thoáng chốc cả chợ Bồng nhốn nháo. Người ta hò hét, kêu gào náo động. Cô gái vừa bị cướp giật, mặt tái nhợt, lưỡi dính chặt vào hàm, mặt cắt không còn một giọt máu, cánh tay chới với chỉ theo tên cướp, mồm “ú ớ” không thành tiếng.

Mịn thấy lạ. Hầu như không có ai đuổi theo tên cướp. Chợ có phải ít đàn ông, trai tráng đâu. Sao lại vô lý như thế nhỉ? Chẳng nhẽ không có ai chịu giúp người bị nạn? Như thế thì hoàn toàn không ổn rồi.

Theo phản xạ tự nhiên, Mịn nhảy ra khỏi quầy, cô chạy lách qua mấy người chặn đường gã đầu trọc. Tên cướp nhìn thấy Mịn, phán đoán cô gái này muốn cản trở đường chạy, ngay lập tức gã vừa hét vừa sỉa lưỡi dao về phía trước :

– Muốn chết à… có tránh ra không.

Mặc dù bụng to nhưng Mịn vẫn nhanh như sóc né mình tránh mũi dao, hai bàn tay cô xòe ra che chắn phía trước bụng, dẫu sao cũng không thể ảnh hưởng đến thằng con trai trong bụng, đồng thời cô ngáng chân quệt vào chân gã, làm tên này mất thăng bằng ngã xõng xoài.  Tên cướp cũng không phải loại vừa, hắn chồm dậy rất nhanh, quắc mắt chằn chằn vào cái bụng của Mịn. Ồ, tưởng gì, con chửa này thì ăn nhằm, cứ cho nó một thọi vào giữa bụng cho biết thế nào là lễ độ. Tên cướp vo bàn tay lại thành một nắm đấm, hắn lùi lại một bước, rồi bất ngờ lao vút đến định thọi vào cái bụng chửa của Mịn. Nhưng hắn đâu có ngờ, Mịn phán đoán được ý đồ của hắn, nên cô chủ động lách nhẹ người sang một bên, lần này tên cướp lại mất đà ngã dúi dụi vào một quầy hàng kề đó. Mịn chạy đến, một chân cô dẫm lên người tên cướp, đồng thời cô hô hoán:

– Trói nó lại bà con ơi.

Vừa khi mấy anh bảo vệ chợ, cùng mấy ông bà, tiểu thương cùng ráp đến. Cô gái bị cướp hốt hoảng chạy lại. Mịn giằng cái túi từ tay tên cướp trả lại cho cô. Cô gái cứ run bần bật, cái miệng lí nha lí nhí:

– Em cảm ơn chị… Thật may quá..

Mọi người xúm xung quanh Mịn,  có người hỏi:

– Cô có bị sao không?

Có người trầm trồ;

– Cô dũng cảm quá, lại liều nữa, bụng to như thế, nhỡ…

Nghe người này nói vậy Mịn lại giật mình, cô nín thở giây lát, tập trung tinh thần cao độ, lắng nghe… và thấy đau đau nơi bụng. Bàn chân bé xíu lại đang đạp đạp. Mịn mủm mỉm cười. Ai nhìn thấy cái cười của Mịn lúc này chắc hẳn cũng phải công nhận con dâu ông Thường cũng nhan sắc đấy chứ.
Nguồn Văn nghệ số 4/2016

Exit mobile version