Con Cún, con Vàng là hai tên con chó ở nhà ghe của cặp vợ chồng Hai Thạo, Út Mơ. Vợ kêu chó tên Cún, chồng kêu Vàng!
Cứ rảnh việc là Hai Thạo ôm Cún vào lòng mở lời lầm rà lầm rầm nhắc về việc lượm được Cún. Có con chó cái bụng mang dạ chửa chẳng biết từ xóm phố nào hay chủ tàu đò nào bỏ lên bờ rạch Cái Dài. Nó bị xe honda đụng văng đập vào gốc cây mẹ chết còn con bị đẻ rớt ra mí cỏ.
Dưới rạch Cái Dài, Út Mơ ra chèo ghe bát bát cậy cậy (1) Hai Thạo bán hàng bông (2), bán gạo bán mắm muối. Cái ghe từ bờ bên kia sang chỗ con chó mẹ bị chết. Hai dòm thấy con chó nhỏ xíu ngọ nguậy sát mí nước. Hai kêu cho ghe áp bờ, cúi gập người hai tay nâng con chó lên sàn ghe gọi nó líu cả lưỡi: Cún!… Cún!… Hai cởi áo gió bọc bọc che che lau lau chùi chùi cho chó con tội nghiệp. Út thêm than cái bếp hồng rực lên đẩy tới bên Hai. Út Mơ lên bờ, lúc sau về, đặt bên Hai Thạo lố lon sữa Ông Thọ và cái chai vú cao su dùng cho trẻ nhỏ bú sữa. Hai mừng quýnh: Cún! Cún! Bi bi Cún!
Đôi vợ chồng ráng chăm nuôi cái thân phận bị sinh đẻ vung vãi yếu ớt bé nhỏ chỉ bằng cái chuôi liềm chuôi dao này. Họ pha sữa bò đổ vào chai vú cao su lắc lắc thổi thổi sữa nguồi nguội âm ấm thì cho bú. Út ra hai tay lựa lựa vờn vờn làm chó con mở miệng. Hai thì tay này đỡ nâng con chó tay kia nghiêng chai đút núm vú cao su dụ chó núc sữa. Mười một ngày chó con mở mặt, họ chuyển đổi vụ pha sữa đổ chai cho bú thành đổ sữa dĩa chén chó liếm. Út Mơ chậc chậc miệng cún cun khuyến khích nó ăn ham.
Chó lớn, khắp mình nó bộ lông vàng tuyền mườn mượt bấy giờ Út Mơ mới ra tên cho nó:
– Vàng!
Nhà một con chó có hai cái tên: Cún!… Vàng!
Tên chó ai đặt nấy gọi :Vàng!… Cún!
Có vẻ như nhà này có cái vụ hồn ai nấy giữ. Dân rạch Cái Dài hầu như không ai biết được hai người này từ đâu tới đây, tới khi nào dầu họ đã chung sống ở dòng rạch này cả chục năm trời rồi. Dân rạch cũng chẳng ai biết đời họ sao sao. Lúc gặp gỡ bán mua vui vẻ tình xóm ấp tình đường nước trò chuyện thăm hỏi nhưng vợ chồng ấy không nói về nhau, cũng không nói về mình… Không chừng họ chẳng biết quá khứ của nhau, họ cũng chẳng chẳng buồn nhớ chi về mình (!) Dầu vậy vẫn có chủ đời chủ đất biết các sinh linh cư ngụ. Chủ đó là Hà Bá rạch Cái Dài. Đức linh Hà Bá thấy ngay từ lần đầu tiên tay chèo Út Mơ tới với cái nhà ghe săn bắt cá cua. A! Một tay ngư dân hay! Tới là thả lưới, giăng câu liền, chọn đúng luồng cá mà không đụng các đám trà, vạt đăng của ai cả.
Út Mơ tới hai ngày thì xuất hiện nhịp chèo ghe lời rao của Hai Thạo:
– Bông tươi đây! Gạo muối đây! Mua hàng Hai Thạo… đâ…ây…!
Lúc đó Út Mơ đang trầm mình trong nước. Hèm! Nhìn. Hai nhìn! Cái nhìn của Hai là cái nhìn của lời cảnh cáo kẻ trốn chạy. Chạy! Chưa được ba ngày hết thoát gái này. Hai đưa mái chèo tới chỗ lưới dính cá phao nhấp nhô. Út nhìn cái ghe hàng bông cũ nát muốn vỡ bung, Út ngán ngẩm nhưng cố nói lời vui vui:
– Ghe tung mình dính lưới…
– Lưới dỏm sợ cá bự ta!
Hai lắc người, sườn ghe bệu xệu khe ván bị hở nước rỉ ào vào ghe. Út Mơ nhào tới hai tay nâng đáy ghe đẩy ghe áp mí rạch. Hai người “bốc” vội hàng và những vật dụng của Hai lên bờ. Hai Thạo ngồi lặng trông xuống cái ghe dệu dạo trống huơ. Út lấy giỏ cá của mình đưa lên cho Hai bảo Hai cơm canh ba món cá chiên cá nướng cá nấu nha.
Út lấy dây neo ghe Hai cột vào ghe mình đưa tới trại ghe xuồng sửa chữa. Hai nấu cơm ôm bụng đói chờ qua trưa tới chiều tối mà người đi cứ biền biệt. Màn đêm ụp xuống tối thui lạnh ơn. Bỗng có ghe đụng bờ rạch cái huỵch, đèn bình sáng nhóa. Hai Thạo giật mình hốt hoảng rồi sững sờ. Cái nhà ghe vững chãi nổi bồng bềnh. Út hối chuyển đồ xuống ghe. Đồ nào chỗ nấy đã bố trí đàng hoàng. Tư trang của Hai có tủ xếp, chỗ treo. Đồ gia dụng có giá dỡ gọn gàng… Hàng họ bán mua xếp dọc hai bên sường ghe. Út dinh cơm cá Hai nấu xuống đặt lên cái bàn thờ bên cọc cột cần chèo lái của máy cole ở mũi sau ghe. Bây giờ Hai mới nhìn thấy ban thờ đã bầy đồ cúng lễ. Nhang được dốt lên. Út khấn thỉnh, Hai quỳ bên Út dâng nhang xá xá. Lời Út trang trọng thành kính khấn cầu các đức linh Thiên, Địa, Hà Bá, Táo Quân, Ông Tơ Bà Nguyệt… Lời Út rộn ràng hồ hởi mừng tân ghe, mừng tân nhà ghe, mừng tân… duyên.
Tân duyên! Khói trầm ngào ngạt Hai ngả đầu vai Út…
Tân duyên, nhà ghe thêm công chuyện đánh bắt buôn bán. Út lo kiếm cá tôm để Hai làm những hàng ẩm thực bán dạo. Đó là làm món ăn để bán cho khách mua dùng hằng bữa cơm. Một kiểu cách dịch vụ mới làm hai loại món ăn. Một loại các món gia công chế biến để tươi sống. Các thức cá tôm cua ốc làm sạch sẽ rồi ướp mắm muối gia vị. Nhặt cắt thái xay các loại rau củ quả theo từng món. Người mua mang về đỏ lửa là có món ăn nóng sốt ngon lành. Một loại nữa là các món cá tôm kho, nấu, chiên, hấp… từng niêu từng thố chín tới đang trên bếp than hồng, khách mua dùng bữa liền. Hai Thạo nhớ nằm lòng mỗi nhà, từng người hai bên bờ rạch họ ưa cay ngọt mặn lạt chua chát sao. Vậy mà họ alo đặt món ăn Hai vẫn alo món này bữa nay “khẩu thực” ưa thêm bớt gia vị sao sao. Cái thời hiện đại điện thoại di động ra hàng xài như ý, ăn khách quá trời ăn.
Cuộc duyên chưa qua tuần trăng mật thì có giai thoại làm cho người người cười nghiêng ngả với vợ Hai và chồng Út. Bữa ấy ghe hàng bông lần đầu ngang bến Nhà Vườn Ổi Không Hạt. Bà Ổi gọi Hai ơi ghé tính mối rau, trái vườn sau hè rất nổi danh của tôi. Hai người đàn bà mà cả qua qua lại lại, Út lắc đầu bủa lưới lặn nước kiếm cá. Trông Út lặn ngụp bà Ổi hẹn hò: bà Hai, bà kêu thằng cháu đó hái trái, lấy rau. Vô tận vườn tự hái đỡ mất tiền công lại lựa lấy các thứ như ý. Bà nhớ dặn thằng cháu “có phúc đẻ con hay lội”, chớ leo trèo không cẩn thận gẫy cành sa cây tàn tật là tội cho hai cái thân già chúng mình. Nhớ kêu cháu nghe bà.
Tranh của họa sĩ Quốc Thái (ảnh: triển lãm Tuất Dome)
Mắt với mũi. Người ta hơn chồng có nửa con giáp mà bà cháu, cô cháu.Vừa lúc Út vọt lên tay cầm con cá. Hai reo to:
– Anh… Con cá bự dữ. Chồng tài dữ.
– Chu choa! – Bà Ổi dụi dụi mắt, coi bộ trẻ hơn con giáp. Hi Hi! Bây giờ các bà mềm tay ôm trai trẻ. Đời mới!
– Bà có muốn mềm tay không tôi chỉ cho mấy anh trẻ mà hốt!
– Bán rau trái thôi. À, còn thứ nữa nhưng không bán mà tặng nhân ngày ta ráp mối Ổi Không Hạt. Tặng!
Bà Ổi gọi con chó dăm tháng tuổi ra. Con chó cái, giống chó kiến nhỏ con nhanh nhẹn. Già nửa năm sau thì con chó tới độ trưởng thành. Thấy nó đứng sàn ghe nhỏng cổ lên nghe bạn trên bờ tru ăng ẳng họ liền ghé ghe sát bờ cho nó gặp bạn. Họ chờ tới khuya, tới nửa đêm, qua sớm mai, hết ngày, cả tuần lễ… con chó không về ghe. Út Mơ bảo nó đầy bụng trứng, nó đi ở đều hay. Hai Thạo né mặt nhìn lên bờ để ông không nhìn thấy nước mắt bà ứa ra. Hai vui thầm. Nói vậy là Út không chỉ thương con chó mà ông còn rất thương Hai… Hai đã sạch mình. Đời…! Biết sao được! Tính cả tuổi mụ vẫn còn hai năm mới tới tuổi ấy mà mình tới sơm không còn cùng ông sinh một đứa con.
Cái vụ mất chó phải mua liền cho vui nhà ghe. Lần này thì kiếm con chó đực. Họ lên chợ gặp người bán con chó đực bốn năm tháng tuổi. Giá cả thỏa thuận nhanh chóng nhưng người bán “ nóng đầu” cứ nhất quyết cả hai vợ chồng người mua phải lần lượt hứa mua nuôi không thịt con chó, không bán nó cho người khác nữa để chắc ăn con chó không chịu cảnh “bảy món” riềng mẻ dừa khô dứa tươi. Khách mua chiều kẻ bán, họ đặt tay lên ngực hứa rồi đưa chó xuống ghe. Con chó quấn chủ, giữ ghe tốt. Cứ người lạ tới gần ghe là nó sủa. Gâu! Gâu! Gâu! Ba tiếng một. Gâu cho tới khi chủ nhà lên tiếng – chủ nhà biết có người lạ rồi thì chó nín và nằm trông chừng không rời bóng dáng họ tới khi họ dời xa. Chó thương nhà ghe nhiêu thì chủ quý chó nhiêu. Con chó tới tuổi gặp bạn, nó ngóng trông bạn kìa! Chồng vỗ về vợ chỉ chỉ nói nói, họ cũng rạo rực không để cái cảnh trên bờ dưới dòng làm khó chuyện gặp gỡ. Út bắc cầu cho chó lên bờ. Nó đi vội vàng Út cũng vội vàng quên rút cầu nhào vào ghe ôm vợ. Con chó gặp bạn tình gần đâu đó, mới đi mà đã kéo bạn về. Cái giống chó, xong con đực buông lưng con cái xuống là mắc kẹt. Kéo co. Hai con chó, đầu quay hai phía, tám cái giò xoạc đều hai bên kéo co. Kéo qua co lại hoài khó tuột ra vậy. Chúng kêu la oăng oắng. Cuộc này con đực trẻ khỏe lạ, nó cong mình tung chân phóng lôi bạn tình lên cái cầu nhà ghe. Đà phóng làm nó tông vách nhà ghe cái rầm. Út giật mình đập tay vào cái công tắc đèn bình. Sáng chưng mồn một. Hai dúm người lại tay che trên tay che dưới. Út xì… chi mà còn che. Hai ôm chòng Út ngả xuống sàn… Út nhỏ nhẹ đợi chút… cặp chó rớt xuống nước tôi ra coi chút. Út vớt cặp chó kéo co trong nước lên bờ lên bờ. Ai da! Dính! Hầy… còn nữa nha cái cuộc tình dài dài dữ à!
Vụ “kéo co” khiến Hai Thạo cưng chiều con chó, lo bắc cầu tốt cho chó cưng lên bờ xuống ghe an toàn. Ghe hàng đi tới đâu Hai cũng thăm chừng thấy “có bạn” là thả chó lên kéo co. Hai còn kêu Út bắc cầu xong là cất cầu mà giải trên sàn ghe cái bao cói lớn. Chó nhảy về không đau chân không té trơn trượt, nhất là không có chuyện nhảy còn kéo co đập vách nhà ghe phá người ta.
Con chó được chủ thương, có bao nhiêu cuộc tình viên mãn tưởng được hưởng đời vui dài dài đâu ngờ bỗng chó bị chết vì lo giữ nhà ghe. Út tôm cá dộng cá tôm bằng cái giỏ sắt bự đeo ngoài sườn ghe nước rạch thông thoáng cá tôm sống làm hàng mới ngon lành được khách. Có con giái cá xục xạo quào móc cái giỏ. Con chó xua đuổi, nhảy xuống cắn lộn dái cá. Chó bị kẹt dưới đáy giỏ dộng cá chết ngạt. Hai thương con chó tinh khôn. Út đau lòng, mình làm nó chết. Mình làm? Còn không! Con chó khôn giữ của cải nhà ghe. Cái giỏ cá tốt giữ của cải nhà ghe. Mình kết cái gió tổ trảng đáy to bè bè, lại cột giỏ cứng ngắc giỏ trấn giữ thế là con chó chết ngạt dưới đáy. Hai chia xẻ cùng ông nỗi đau lòng. Cũng tại em kêu anh làm cẩn thận quá, mình lo giữ cá tươi hàng họ nên mất con chó quý. Nghe nhắc vậy Út càng buồn càng nhớ thương chó cưng. Hai thấy vậy càng mủi lòng hơn, biết nói sao, kêu trời sao ta? Nếu Hai Thạo không lấy ổng… ổng độc thân, cứ dộng cá lòng ghe người buôn tới vớt đem tới chợ đâu có vụ con chó chết ngạt.
Ôi! Sống chết tính khôn cùng! Giá không có cái vụ mụ bán chó bắt hứa mua chỉ để nuôi chó có dính nỗi chết chóc cũng đâu có cảnh ông cứ dầu dầu ân hận sót sa tối ngày thế kìa.
Tin chó chết bay từ rạch ra chợ. Bà bán chó gặp Hai đi mua hàng, mụ đốt nhang cắm bên lồng chó xá trới đất xá bà Hai.
– Xá xá! Nhiều chuyện! Đã bán chó cầm tiền còn kêu người ta nuôi giữ sống chó.
– Này đừng giữ thói nhìn chỉ nhìn người buôn bán cầm tiền, dân bán buôn xưa xuôi tay rồi, mà cái con mắt bà vẫn cổ lỗ xửa xưa. Kinh tế thị trường người buôn bán góp phần mở mang đời sống mới. Ở đời sống dài sống khỏe sống tốt là quý giá nhất. Cái vụ lời hứa mua bán chó mới nha. Tôi tính một lời hứa giữ sự sống từ cửa miệng các người là tôi mong tất cả người vật cùng có cuộc sống phước lành. Đó, con chó không bị ngộp nước nó sống hay với các người sống vui vẻ đầm ấm hơn!
Nói đúng. Tay ta nuôi được chó còn dở…
***
Nhà ghe lại nuôi chó!
Cún, Vàng con chó thứ ba ở nhà ghe Út Mơ – Hai Thạo là con chó rơi rớt lượm được nó nuôi dưỡng nó. Một con chó đực. Nó qua tuổi chó sữa với sữa bò và những miếng cơm Hai mớm. Rồi lớn với miếng mặn: cơm rưới nước mắm, cá thịt dim ướt nước mắm. Miếng mặn nhớ nhà. Ăn rồi rồi đi tới đâu cũng quay về nhà ghe này. Có con Vàng, Út ra tay câu tôm chẳng giống ai, một lối câu tôm kì tài! Câu tôm đường nước như người ta thường xác định chỗ lặn xuống nước gạt sình làm chỗ thả thính cho tôm tới. Đó là làm chỗ bỏ thính nhử tôm. Thay vì gạt sình lõm xuống thình tròn Út làm hình quả trám lớn để sắp xếp cặp tôm nằm ổ. Cần câu tôm của Út có hai lưỡi móc mồi câu, một cái ở cuối sợi dây một lưỡi buộc dính sợi dây câu cách lưỡi kia vài ba chục phân. Dây câu này phải thả sao cho mồi theo ô quả trám để hai tôm ôm mồi xa xa nhau. Cầm cần mà biết tôm đã say mồi, nhắc cần sao cho êm tới mức tôm không thấy động búng lùi mất tiêu. Tay trái néo cần điêu luyện, kéo thẳng lên từ từ đưa xiên xiên nhè nhẹ phía tay mặt để rồi xiên xiên kéo lại về bên trái đưa tôm lên gần mặt nước. Tay phải cầm vợt mất được, nhấn vợt nhanh, êm, lẹ như chớp đúng chỗ ở phía dưới bị kéo lên. Kéo mạnh cần và nâng nhanh vợt! Tôm búng lùi thụt vào trong lòng vợt êm re. Cần câu hai lưỡi một lần ăn hai. Con Vàng ngồi kề Út ôm cần lớn khôn. Nó đóng vai xua mỗi, đụng chạm để Út tay câu không ngủ gật, nhất là nó cũng nhìn thấy dưới đáy sình cặp tôm đang ra càng khéo mồi về miệng. Nó cọ cọ cái mõm râu ria vào bắp chân Út hối ông nhắc cần.
Hai Thạo có thói quen dim con tôm càng xanh ôm đầy bụng trứng cho Cún. Hai thương nó, cho nó lên bờ. Hai bắc cầu kêu đi Cún bước lên tới đầu kia quay lại ngoát tít đuôi. Hối nữa nó cụp đuôi khụy chân dị mình xuống sàn ghe im phắc. Hai kêu nó cùng đi chợ, Cún lên cầu đi qua, Hai đi qua nó chạy vuột về nằm sàn ghe đợi người đi chợ về ngoáy đuôi chào.
Bao năm Vàng Cún sống với Út và Hai là bấy năm bấy tháng ngày nó chỉ ở trên ghe. Không có sự gần gũi thân thương nào hơn vậy nữa.
Khi Hai Thạo về già. Út Mơ đưa bạn trăm năm lên bờ Cái Dài yên nghỉ thiên thu với ngôi mộ xây. Tối tối con chó theo Út lên mộ thắp nhang thương nhớ Hai. Nhang đỏ hai phần cây Út về ghe, con chó phủ phục bên mồ Hai suốt đêm tới sáng.
…Rồi Cún Vàng phục mộ cả Út và Hai hơn một năm thì nó chết.
***
Trên bờ rạch Cái Dài giữa hai mấm mộ xây nằm song song có nấm mồ xây nhỏ bé đề tên Cún – Vàng./.
Truyện ngắn Lương Minh Hinh
—————————–
(1) bát, cậy: bên phải bên trái.
(2) Hàng bông:Bán các loại rau củ bông trái để làm thức ăn ăn cơm.
Văn học quê nhà
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài