Hầu hết các công ty sách đều đang chuẩn bị những sản phẩm ưng ý nhất để tung vào Hội sách TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2016. NXB Trẻ đã phát tín hiệu tiên phong cho mùa sách bằng cuốn “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của Nguyễn Nhật Ánh!

NXB Trẻ tự quảng cáo “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” bằng những mỹ từ sinh động: “Tác phẩm là một phần nhịp sống thường nhật của nhà văn, với công việc, với buồn vui hờn giận cùng những chú chó mà tác giả đã xem như những thành viên thân thiết của gia đình.

Viết về những người bạn nhỏ của mình, nhà văn đồng thời bộc lộ tâm sự về cuộc sống chung quanh, những mối tình thâm, những đồng cảm nghệ thuật”. Ngày 28-2, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” chính thức phát hành. Hàng ngàn độc giả đã xếp hàng ở phố Đinh Lễ – Hà Nội để mua sách có chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với hai dạng ấn bản, bìa mềm giá bán lẻ 90 ngàn đồng và bìa cứng giá bán lẻ 190 ngàn đồng, tổng số lượng in “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” ngay đợt đầu tiên là 105 ngàn bản. Tính sơ sơ, nhuận bút mà tác giả nhận được sau thuế là 1 tỷ đồng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

“Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” viết về cuộc sống 5 thành viên 4 chân trong gia đình gồm Suku, Haili, Êmê, Pig và Batô với 5 tính cách khác nhau đã tạo nên 86 đoản khúc về loại thú nuôi gần gũi nhất với con người. Dưới cái nhìn của Batô – chú chó kể chuyện, tự nhận mình không có gì đặc biệt so với bốn con chó kia, độc giả ít nhiều hình dung thế giới loài chó và loài người cũng đầy màu sắc với những cung bậc thương ghét giận hờn!

Phần xúc động nhất của “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” nằm từ đoản khúc 62 đến đoản khúc 70, khi bốn con chó nhà cắn nhau với hai con chó hoang trong đêm khuya, khiến con Pig bị thương nặng. Những ngày con Pig đối diện với hoàn cảnh thập tử nhất sinh đã làm thay đổi thái độ ứng xử giữa những con chó với nhau, và cũng hóa giải cuộc tranh giành vị trí đầu đàn giữa con Haili và còn Êmê.

Viết về những con chó gần gũi với con người, xưa nay không phải đề tài mới mẻ trong văn học. Nguyễn Nhật Ánh tỉ mẩn viết 86 đoản khúc cũng là một cách bày tỏ tình cảm của mình. Dù có thêm phần “ngoại truyện” thì “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” chỉ có thể chấm dứt chuỗi kể lể miên man khi viện dẫn câu nói của Martha Scott (1912-2003): “Nếu bạn đối xử với con chó như một con người, nó sẽ đối xử với bạn như một con chó”.

Quan niệm của nữ diễn viên Mỹ ấy có thể dẫn dắt và khơi mở cho “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, nhưng cũng không có gì thâm thúy hay cao siêu. Nhà thơ Lê Xuân Đố từng viết về chó bằng mấy dòng đáo để hơn nhiều: “Loài chó nồng nhiệt hơn hẳn chúng ta/ Trời phú đức tính trung thành/ Ta xúc động và nhiều khi tự ái… Lớn tiếng rủa đồ chó má/ Ta thầm ganh tỵ lòng thủy chung“. ­Dù có độ dày 250 trang, nhưng “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” có thể đọc rất nhanh. Bởi lẽ, ngoài vài câu cài cắm kiểu như “Ai đời một con chó lại không bằng một con người”, cả cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ sinh hoạt khá đơn giản.

Với tiêu chí thẩm định văn học, thì “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” không có trang nào khiến độc giả dừng lại để suy tư, không có trang nào khiến độc giả dừng lại để trầm trồ, và cũng không có trang nào khiến độc giả dừng lại để trách giận. Đó là một biệt tài của Nguyễn Nhật Ánh trên con đường chinh phục bạn đọc suốt hơn một thập kỷ vừa qua ở thế kỷ XIX.

Mỗi trang truyện của Nguyễn Nhật Ánh vừa có dáng dấp của một trang báo biết giới hạn hàm lượng thông tin, vừa có màu sắc của một trang văn biết kiềm chế thẩm mỹ nghệ thuật. Hơn nữa, Nguyễn Nhật Ánh rất giỏi đặt tên sách. Thay vì lấy tên đúng tầm vóc nội dung là “Những chuyện lặt vặt về năm con chó” thì tác phẩm được đặt tên “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” lại đầy vẻ lãng mạn và mơ mộng! Những nhà văn nào còn bảo thủ xem thường giá trị nhãn hiệu thì hãy nhìn kỹ năng của Nguyễn Nhật Ánh để học tập (trừ khi viết được cỡ như Jack London thì cái chương về con chó Bấc trong tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã”, muốn đặt tên gì cũng không thành vấn đề!)

Bìa tập sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Chuyện nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phải mất vài giờ đồng hồ để ký tặng sách, không còn lạ trong đời sống văn hóa nhiều năm qua. Nguyễn Nhật Ánh được xem như hiện tượng duy nhất có lượng bạn đọc không thua kém lượng khán giả hâm mộ của một ca sĩ ngôi sao. Nguyễn Nhật Ánh lý giải nguyên nhân chọn độc giả tuổi mới lớn làm đối tượng chính để sáng tác: “Mỗi người thường sống thật sâu với hiện thực của một thời khắc nào đó trong cuộc đời mình. Có những người sống mãi với tuổi 30, có người sống tuổi 50. Đối với tôi là thời khắc tuổi 15, 18 trở về trước. Tôi rất nhớ rõ và thể hiện trong tác phẩm của mình!”

Rời khỏi môi trường thanh niên xung phong, Nguyễn Nhật Ánh từng nuôi mộng thi sĩ nhưng không mấy thành công ở lĩnh vực thơ. Khi quay sang viết cho tuổi mới lớn thì Nguyễn Nhật Ánh thành công rực rỡ. Từ tuổi 30 đến tuổi 40, Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra là một người kể chuyện có duyên qua các tác phẩm “Chú bé rắc rối”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Bong bóng lên trời”, “Cô gái đến từ hôm qua”, Phòng trọ ba người”, “Bồ câu không đưa thư”… Cái hay của Nguyễn Nhật Ánh là biết pha trộn nhuần nhuyễn một chút ngọt ngào với một chút xót xa, mà khơi dậy sự thương cảm của lứa tuổi vào đời vốn thường trực trắc ẩn!

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tức là từ tác phẩm “Tôi là Bê – tô” đến “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng nổi tiếng hơn. Vì sao? Vì các nhà làm sách đã áp dụng triệt để nghệ thuật makerting. Món hàng gì muốn bán được cũng phải quảng cáo, đôi khi bao bì còn quan trọng hơn chất lượng. Tác phẩm không chỉ là chữ nghĩa trên giấy, mà nhà văn còn phải xuống đường tìm kiếm bạn đọc.

Giao lưu, ký tặng, cười tươi, đi khẽ, bước nhẹ, tạo dáng, nói những câu chiều chuộng thị hiếu đương thời, Nguyễn Nhật Ánh đều thực hiện rất uyển chuyển, rất duyên dáng. Do đó, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn của hôm nay!

Trong đời thường, Nguyễn Nhật Ánh cũng nhã nhặn và khéo léo, nên rất được giới truyền thông yêu mến. Ai cũng khâm phục: Nguyễn Nhật Ánh cần cù lao động, chăm chỉ viết đêm ngày và nhẫn nại lặp lại chính mình! Người ta nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh là nhắc đến khả năng viết khỏe, viết đều, viết nhiều… mà không ai đề cập đến những yếu tố văn học như cấu trúc tác phẩm, phương pháp thể hiện, chiều kích tư tưởng, trăn trở thời đại…

Với 105 ngàn bản in, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” là kỷ lục mới của làng xuất bản Việt Nam. Tuy nhiên tìm ra đáp án cho sách bán chạy không dễ. Ví dụ, tại Trung Quốc, nhà văn đoạt giải Nobel – Mạc Ngôn cũng thua xa một tác giả chuyên viết truyện ngôn tình là Trương Giai Giai. Cuốn sách nổi tiếng của Trương Giai Giai là “Ngang qua thế giới của em” chỉ trong vòng hai tuần phát hành đã đạt con số 1 triệu bản. Trong năm 2014, “Ngang qua thế giới của em” đã bán được 4 triệu bản, đem đến cho Trương Giai Giai khoảng nhuận bút 19,5 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 67 tỷ đồng Việt Nam. Thế nhưng, không có một người biết đọc sách nào lại dám nói tác phẩm của Trương Giai Giai có thể đặt cạnh những tác phẩm của Mạc Ngôn như “Báu vật của đời” hay “Đàn hương hình”.

Thị trường có luật chơi của thị trường, không nhất thiết phải đồng hành với sáng tạo văn chương!

Theo Lê Thiếu Nhơn – Văn nghệ công an