Ki là tên con chó của tôi hồi còn nhỏ. Chính xác là chó ông nội tôi tặng. Ông nội là một nông dân nhưng có nghề thợ săn. Sau này nhiều lần về viếng mộ ông, tôi còn nghe những bà già thật già trong thôn làng còn mơ màng nhắc đến ông tôi, rằng ông nội mi kỳ xưa đẹp trai lắm, cao lớn trắng trẻo, mỗi khi cỡi ngựa đi săn coi oai vệ mà đẹp y như trong phim “Liên Xô” rứa đó.

À thôi, không lan man nữa. Quay lại chuyện Ki. Vì có nghề đi săn nên ông nội cũng luyện chó săn có nghề nổi tiếng. Khi còn nhỏ, tôi thích nuôi chó, nên ông hứa sẽ huấn luyện một con chó thật khôn cho tôi, đó là con Ki. Ki đen tuyền, là giống chó ta nhưng cao ráo, rất nhanh nhẹn và thông minh.

Về nhà tôi, Ki nổi tiếng là chó dữ khắp một vùng, dù nó chưa cắn ai bị thương giao giờ. Cũng nhờ Ki mà ba tôi từng bắt được kẻ trộm định đột nhập vào nhà. Có lẽ nhớ nghề săn, nhưng ở thành phố không có gì để săn, Ki hay bắt chuột, bắt rồi nó kéo con chuột ra ngoài sân để chỉ cho ba tôi thấy. Ba nói đó là kỷ luật nghề săn mà ông tôi dạy, nó không bao giờ ăn con mồi, không ăn thịt sống và không ăn cái gì nếu chưa được chủ cho phép (mời).

Ông nội tôi luyện nó nghe hiểu được nhiều khẩu lệnh, khiến nhiều người rất ngạc nhiên tưởng con chó hiểu tiếng người. Tôi thì tin là Ki hiểu được nhiều thứ còn hơn cả tiếng người nữa. Ki có tiếng sủa vang to oai vệ khiến ai cũng khiếp sợ, và chỉ ngoan ngoãn im lặng khi chủ nhà lên tiếng xác nhận đó là khách, hoặc yêu cầu nó không được sủa nữa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Ki có một thái độ rất rõ ràng với từng người khách đến nhà, tùy theo ánh mắt hay những “ngôn ngữ cơ thể” của nó, tôi có thể biết nó thích ai, tin cậy ai, hay dửng dưng với ai, và cả ghét ai. Ba mẹ tôi không tin điều này lắm nhưng tôi thì thấy rất kỳ lạ là những người mà Ki thích là những người rất tốt, và ai vì lý do nào đó mà nó tỏ ra không thích, quả thật không phải là người tốt. Ki không nói được nên tôi không bao giờ biết được bí quyết nào giúp nó hiểu được thế giới phức tạp của con người.

Ki là một con chó vừa rất dũng mãnh vừa khôn ngoan. Nó từng hai lần bị bắt trộm, cả hai lần đều bứt dây chạy về được, sợi dây của kẻ gian còn lòng thòng quanh cổ. Lần thứ hai, Ki đã mất tích một tuần, tưởng đã hết hy vọng, khi về được mình mẩy nó đầy thương tích, chứng tỏ một trận chiến rất quyết liệt.

Ki cũng là một con chó “quân tử”, luôn nhường nhịn, không bao giờ giành ăn với con chó nhỏ hơn mình. Sau này, nhà chúng tôi nuôi thêm chó Lu. Ông tôi đã mất, không ai huấn luyện, con Lu không biết nguyên tắc gì mà lại rất ham ăn. Lu thường tranh ăn phần của Ki trước rồi mới quay lại ăn tô của mình. Ki không bao giờ cắn hay giành lại, chỉ bực bội nhếch mép hừ một tiếng rồi nằm xuống gần đó, chờ cho con Lu chạy qua chạy lại ăn ở hai cái tô no căng phồng bụng rồi, không thể ăn được nữa, nó mới thong thả tiến lại ăn đồ thừa của con chó nhỏ hơn mình rất nhiều.

Chính Ki đã cứu Lu khi Lu bị kẻ gian bẫy bắt đi. Ki chạy theo chiếc xe máy, nhảy lên cắn vào tay của kẻ đang lôi con Lu buộc hắn ta phải buông sợi dây. Con Lu được cứu nhưng nó đã ăn phải bả chó nên không sống được nữa. Còn Ki, cú nhảy dũng mãnh đó khiến nó ngã xuống nằm liệt hơn một tháng, sau đó cũng hồi phục, dù tiếng sủa vẫn vang vang oai vệ nhưng Ki không còn nhanh nhẹn được như trước nữa, cùng với đôi mắt luôn ánh lên một cái gì đó đầy căm ghét u tối với tất cả những chiếc xe máy nào rú vọt ngoài đường. Tôi vẫn nghĩ, Ki có tính “người” hơn rất nhiều người.

Khoảng mười mấy tuổi, Ki chết già. Khi chôn nó, tôi buồn quá khóc mấy ngày. Ba tôi thấy vậy kiếm cho tôi một con chó khác, con chó rất xinh xắn, đặt lên là Nu. Chừng vài tháng sau, Nu cũng bị bắt đi. Tôi ra đường đứng suốt đêm vừa khóc vừa chờ con chó về. Ba tôi thấy vậy, lại lầm lũi đi, nói để ba tới mấy quán nhậu thịt chó, coi có nó không xin chuộc về cho, nhưng không tìm được. Từ đó, tôi không bao giờ nuôi chó nữa.

Sau này, con trai tôi nói mẹ mua cho con một con chó, con thích nuôi. Tôi kể chuyện Ki, Lu và Nu, rồi hỏi liệu khi nuôi chó rồi con có chịu đựng được một nỗi buồn đau như thế khi mất nó, khi mà chuyện bẫy chó trộm chó giờ như cơm bữa. Thằng bé ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói thôi, con không nuôi nữa vậy.

 

Nguồn TBKTSG