Truyện ngắn. PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

Cây roi nhỏ tí bằng chiếc đũa, nhịp nhịp xuống đất. Con Vện nằm sấp, úp mặt vào hai chân trước, ánh mắt sợ sệt ngước nhìn ông chủ. Lão Hủm ngồi trên ghế, hai chân dang rộng, tay nhịp nhịp cây roi.

– Mày sinh trộm cắp từ bao giờ hả Vện? Mày có biết ông nhục mặt với hàng xóm không? Đói cho sạch rách cho thơm! Tiên sư bố mày nhá! Nhớ nhá! Nhớ nhá!

Miệng lão Hủm móm mém, trên dưới chỉ còn hai, ba chiếc răng cửa nên tiếng quát phều phào, trống hơi. Mỗi câu lão chửi xong, con chó lại khẽ vẫy đuôi như biết lỗi. Sáng nay, lão nhận một cuộc gọi của thằng Hiếu lái xe của ủy ban huyện.

– Ông trẻ bố trí ra nhà giúp em tí! Đột xuất có khách, em không biết xoay xở thế nào.
– Tao rửa tay gác kiếm rồi, chú mày cũng biết mà!
– Vâng! Em biết! Nên lâu nay có dám phiền ông trẻ đâu! Nhưng lần này khách xa đến, em lại lỡ miệng khoe ở làng mình có một chuyên gia làm thịt chó cự phách, thế nên…
– Thôi thôi! Để tao thu xếp công việc đã! Mà con chó bao nhiêu cân?
– Khoảng mười hai cân ông trẻ ạ! Ba mâm có đủ không ạ? Không để em làm thêm con ngan?
– Thôi! Ngan vịt gì! Ba mâm ăn nhòe…

Tính lão Hủm thế. Hay cả nể và thương người, ai có việc gì nhờ vả là xắn tay áo làm ngay. Huống hồ thằng Hiếu là chỗ thân tình, tử tế. Nó là lái xe của mấy ông cốp, cũng danh giá chán ra, nhưng đối xử với lão Hủm rất nể trọng. Mỗi khi nhà có khách hay giỗ tết, thằng Hiếu toàn nhờ lão Hủm làm tay dao tay thớt. Xong việc còn mời ở lại uống rượu, lúc về còn dúi vào túi lão năm chục, một trăm…lấy tiền mua rượu.

Lão lúi húi vào bếp lôi ra đám dụng cụ hành nghề đã xếp kĩ trong chiếc hòm gỗ. Hai con dao bầu, một nhỏ, một lớn. Cục đá mài hai mặt và chiếc đèn khò đốt bằng ga. Chiếc gậy bắt chó dài một mét đầu có thòng lọng. Hừ! Đã bảo bỏ nghề rồi mà vẫn không yên. Người ta cứ gọi lão giết chó, giết lợn mỗi khi có công việc, cỗ bàn. Ba quán thịt chó ngoài thị trấn gọi lão liên tục ra làm đồ tể, lão chán chẳng thèm trả lời. Hôm nay chuẩn bị đi giúp thằng Hiếu thì con Vện dở chứng, lôi ở đâu về một con vịt trắng. Nó thả con vịt đang ngắc ngoải trước mặt chủ, vẫy đuôi tít mù. Lão Hủm tức điên, toát mồ hôi vì lo lắng. Con vịt này chắc là của nhà con mẹ Hậu góa. Nó mà biết thì chửi ba ngày hai đêm chưa yên. Lão Hủm cầm con vịt, đập mấy nhát vào mồm con Vện.

– Mày nhớ nhá! Còn bắt vịt bắt gà nữa thì ông cho lên thớt! Chỉ một phút ba mươi giây thôi con nhá!
Lão bỏ con vịt trong thùng phi, đậy kín lại. Định bụng buổi trưa về mang sang nói với cô Hậu, đền cho nhà nó mấy chục nghìn. Đồ đàn bà góa ấy mà, thấy tiền thì sáng mắt ngay. Lão chỉ chỗ cho con Vện trước cửa, dặn:
– Trông nhà đấy! Mày mà lang thang nữa là chết với ông!

Lão buộc túi đồ nghề lên sau xe đạp, lạch cạch đạp đi.
Vốn nông dân thật hột, cả đời lão Hủm lăn lộn với ruộng nương, mãi gần về già mới chuyển nghề làm đồ tể. Năm mươi tuổi, “trẻ chưa qua già chưa tới” mà trông lão mốc thếch như con cóc già. Cái đầu muối tiêu hàng tháng không cắt tóc, cũng không thèm đụng tới lược nên rối bù. Đôi mắt thì lơ mơ hiền lành, nhưng răng cỏ đi hết, hai má hóp lại hom hem. Đôi bàn tay lão đầy ấn tượng, bàn tay đồ tể, nó vuông vức, gân guốc, đầy vết sẹo do chó mèo cắn. Lão Hủm từ lâu nổi tiếng tài nghệ giết mổ và chế biến thịt chó. Chó dù to lớn cỡ nào, chỉ một tay lão xử lí. Bọn chó, khi đã bị cái tròng của lão thít cổ, coi như xong kiếp. Không cần trói chân, buộc mõm, chỉ một dùi nhẹ vào gáy là nằm thẳng cẳng, lão chỉ việc cắt tiết, cạo lông một loáng là xong. Chó thường thui bằng tế hay rơm, bí quá thì lá khô vớ vẩn cũng được, sau phải dùng đèn khò đốt qua một lượt cho sạch lông.

– Ba món hay bảy món?
Lão Hủm thường hỏi chủ nhà như vậy để còn liệu chế biến. Nhiều người thích bày vẽ, thường nhờ lão làm cho năm hoặc bảy món đãi khách. Kinh nghiệm của lão Hủm, bày ra nhiều chỉ tổ “nát thớt mẻ dao” chứ có ăn được mấy. Luộc, nướng, nhựa mận cứ ba món là dễ ăn nhất! Nhưng ai thích bày mấy món thì lão chiều, miễn là có tiền công bỏ túi. Công mổ năm chục nghìn một con, cứ thui xong, mổ phanh ra đó kệ chủ nhà. Còn nếu lọc thịt xương, chế biến các món thì phải năm chục nữa, là một trăm nghìn. Có ngày lão Hủm chạy sô hành quyết bốn, năm con. Có lúc phải đặt lịch trước, xong nhà này, tới nhà kia, không thể ưu tiên ai được. Có thời gian, mấy quán tranh nhau thuê lão Hủm làm “nhân viên” thường trực. Cơm rượu ba bữa, lương tháng ba triệu, chỉ có việc mổ và chế biến. Lúc đầu lão cũng thích vì có công việc, lương lậu ổn định. Sau thấy làm nghề tự do thích hơn, tiền công cao, thời gian thoải mái không phụ thuộc bố con thằng nào, lão hủy hợp đồng với các chủ quán. Giờ có nhờ lão làm thịt con nào thì lão tới, xong việc lấy tiền công, khỏe xác. Có người hỏi cắc cớ. Lão đã từng giết bao nhiêu con? Lão lim dim mắt, lẩm nhẩm một lúc rồi khẳng định. “Không dưới hai nghìn!”. Con số này không chính xác tuyệt đối, nhưng lão áng chừng số chó bị giết mỗi ngày, nhiều bù ít, rồi nhân với thời gian hai mươi năm hành nghề đồ tể.

 

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

– Sau này tao chết, thế nào lũ chó cũng tới đào mả cho mà xem!

Lão Hủm nửa đùa nửa thật. Bởi vậy lão không bao giờ nuôi chó. Trường hợp có con Vện trong nhà lão là việc bất khả kháng, trái với tính cách ham mê giết loài vật của lão. Cách đây hai năm, nhà hàng xóm có con chó cái sắp đến ngày đẻ bị xe tải cán chết, tiếc của nên nhờ lão làm thịt. Con chó cái giống lai, nặng hơn ba mươi cân, bị bánh xe cán vỡ đầu, cái bụng chửa to tướng vẫn phập phồng quẫy đạp. Lão Hủm là người có kinh nghiệm, biết ngay cái bụng phập phồng kia là lũ chó con bên trong đang bị ngạt thở. Con dao bầu sắc nhọn đưa một đường nhẹ nhưng chính xác, lòi ra ổ bụng có sáu chú chó con. Bốn con đã nằm thẳng đơ, chỉ còn hai con vẫn giãy đạp lùng nhùng trong mớ dây dợ quấn quanh người. Lão Hủm cắt rốn, lau sạch người cho hai con chó, xin một chiếc áo cũ bọc lại. Lão bảo giống chó này tốt, ai thích mang về, thử chăm đường sữa xem có nuôi được không. Chẳng ai dại gì mang của nợ ấy về nhà. Cuối cùng lão Hủm bất dắc dĩ ôm hai con về, mua một hộp sữa trẻ sơ sinh, một bình vú giả, cho hai con cún bú. Vượt qua tuần đầu, một con bị chết, một con trụ được, nhóp nhép uống nước cơm pha đường. Hai tháng sau, lông nó đã mượt, biết liếm láp chút cơm canh, chạy tung tăng khắp sân, oăng oắng sủa đuổi theo lũ gà. Con Vện trở thành bạn thân thiết của lão Hủm, vì lão đang sống một mình. Hình như cái nghiệp sát sinh vận vào số phận lão. Được hai đứa con, chẳng đứa nào nên hồn. Con gái vừa xấu vừa hèn, có miệng ăn mà chậm miệng nói, đến chửi nhau mà cũng ấm ớ như ngậm hột thị. Gần ba mươi tuổi, may có thằng dở người rước đi cho, rồi theo nhà chồng vào Tây Nguyên lập nghiệp. Khi chúng nó đẻ được mụn con, thì bà vợ lão phải khăn gói vào trong ấy nuôi cháu. Thằng con trai to lớn khỏe mạnh, tướng mạo giống y như Lý Quỳ trong phim Thủy hử, nhưng đầu óc ngây dại, mụ mị vì suốt ngày uống rượu thay nước. Đồ mất dạy ấy lão không chứa, nên tống cổ nó về ở rể bên nhà vợ. Lão nói con Vện còn khôn ngoan hơn thằng con trai gấp vạn lần. Lão đi sửa mái nhà cho bà cụ Hợp độc thân, con Vện chạy theo nằm suốt buổi dưới gốc bưởi. Lão đi giúp nhà hàng xóm nấu cỗ đám cưới, đám ma, con Vện đi theo, rúc vào bụi kín nằm chờ, đến khi chủ ngật ngưỡng xách túi xôi thịt đi về, nó mới chui ra vẫy đuôi chạy theo. Có lần đi uống rượu đêm về, say thấy ông bà ông vải, lão Hủm nằm vật ra ven đường nằm ngủ, con Vện nằm bên, hai chân trước ôm lấy chủ. Hàng xóm đi qua, có người định dìu lão về nhà, nhưng thấy con chó vằn vện nhe răng gầm gừ thì sợ, đành mặc kệ lão. Ngủ một giấc tới sáng, người và chó dắt nhau về. Lão không bị cảm mạo, phong hàn gì mới lạ.

Con Vện cũng một lần lập công cứu phụ nữ. Là cái đêm tháng mười đi nấu cỗ đám cưới giúp hàng xóm về, ông chủ bước tiến bước lùi, con chó thong thả bước đằng sau. Lúc lão Hủm đi qua khúc đường vắng, hai bên là nương sắn rậm rạp, bèn dừng lại xả bớt nỗi buồn. Bên trong nương sắn có tiếng phụ nữ kêu văng vẳng, lão Hủm say rượu tai ù ù không nghe rõ. Mẹ cha đứa nào làm gì trong ấy? Lão sờ được cục đá, ném về phía có tiếng kêu. Con Vện hực lên một tiếng lao theo. Nó sủa ông ổng, rồi gầm gừ như cắn người. Bóng người vụt chạy ra, bị con Vện đuổi theo, lão lia đèn pin nhìn rõ mặt thằng Sự con lão Huệ người cùng làng. Đứa con gái tóc tai bù xù, vừa đi ra vừa khóc là con Lan nhà mụ Sử. Lão Hủm ngạc nhiên:
– Thằng Sự đánh mày à?
– Không…! Hu hu…! Nó cưỡng hiếp cháu!

Lão Hủm không hiểu. Hai đứa này năm ngoái sắp làm đám cưới rồi cơ mà. Căn vặn một hồi, con Lan mới kể, hai đứa chia tay nhau hơn năm nay rồi. Chiều nay sang giúp đám cưới, thằng Sự rủ con Lan về, nói có chuyện muốn tâm sự, rồi đưa con Lan vào nương sắn. Lão Hủm không hiểu. Hai đứa này mấy lần đi làm đêm về, lão gặp chúng nó “trai trên gái dưới” cơ mà. Con Lan báo công an xã, thằng Sự bị bắt, rồi ra tòa nhận án hai năm tù. Anh em nhà nó thù con Vện, mấy lần bỏ bả nhưng con Vện không ăn. Một lần theo lão đi đám giỗ, con Vện bị chúng rình đập cho mấy gậy, què lết một chân trước, nhưng thoát chết.

Có những ngày, con Vện nằm một mình trước hè nhà, vẻ ủ rũ. Đó là những ngày lão Hủm đi mổ chó thuê. Con Vện không theo chủ, nằm trông nhà. Lúc lão về, nó không vẫy đuôi chạy bổ ra mừng, mà len lén chui vào bếp. Có những ngày lão Hủm hành quyết ba, bốn con liền, mùi sát sinh vương cả trên quần áo. Khi lão về đến cổng, con Vện bất ngờ vừa lùi vừa sủa ầm ĩ, rồi đến bữa nó bỏ cơm không ăn. Lão Hủm chạnh lòng buồn khi thấy con chó xa lánh mình. Những cuộc hành quyết của lão thưa dần, thưa dần. Còn nhớ chiều ngày mười bốn tháng bảy năm ngoái, thằng Điếu đánh ô tô con vào tận nhà lão, biếu một thùng bia lon Hà Nội. Thấy con Vện nằm xoãi bốn chân trước hè, lông vằn vện như con hổ xám thì thích quá.

– Giống chó nằm kiểu này là khôn lắm! Bác bán lại cho em đi!
Lão Hủm lắc đầu, chó này để nuôi, không bán thịt. Nhưng thằng Hiếu hứa là mua về nuôi. Con chó này, về nhà nó được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, khéo phải to nặng tới bốn chục cân.
– Con này cũng phải hai chục cân! Thôi gửi bác hai triệu, để lại cho em. Nhà em có điều kiện, nuôi nó chóng lớn hơn. Chủ nhật em còn cho nó lên ô tô chở đi chơi, chứ ở nhà với bác suốt ngày nhịn đói.

Hai triệu làm cho lão mờ mắt. Bán đi lấy tiền mua chiếc giường mới mà nằm. Lúc nào gặp chó đẹp, lại nuôi. Câu trả lời chưa kịp ra khỏi miệng lão, bỗng con Vện cất tiếng sủa ông ổng, hai mắt nó lăn ra mấy giọt lệ trong vắt. Lão Hủm ngồi bệt xuống, ôm lấy nó, tay vuốt ve đôi tai đang dựng ngược lên giận dữ.
– Không! Tao không bán! Không bán! Chú ấy nói đùa thôi!

Từ hôm ấy, lão quyết định từ giã nghề đồ tể. Ngày ngày, dắt con bê xuống bãi cỏ gần bờ ao, lão cặm cụi cắt cỏ, kiếm lá sắn bờ rào cho cá ăn. Con Vện tung tăng chạy quanh đâu đó, thi thoảng sủa ông ổng, lúc tha về con chuột đồng, lúc lôi con rắn hổ mang to tướng.

Lão Hủm xếp đồ nghề lên cốp xe con của thằng Hiếu, quay lại dặn con Vện trông nhà cửa, gà qué.
– Cấm đi đâu đấy! Trưa tao về!
Nhưng buổi trưa lão say rượu, nằm trên ghế xi măng trong vườn nhà thằng Hiếu ngủ một giấc tới gần chiều tối. Lúc bước vào nhà, vét nồi cơm nguội còn một bát nhỏ, lão trộn tí nước mắm vào, để trước bếp.
– Êu! Êu! Vện ơi ra ăn cơm con!
Nhưng không thấy nó đâu. Soi đèn pin khắp ngoài sân, trong bếp, chui cả vào chuồng gà tìm mà bặt tăm hơi.
– Kệ bố mày! Không ăn thì nhịn đói. Ông đi ngủ!

Ngày hôm sau, lão Hủm hốt hoảng thật sự khi không tìm thấy con Vện. Đi quanh xóm hỏi thăm xem có ai nhìn thấy con chó không, người nào cũng lắc đầu. Hồi này trộm chó lượn lờ trong xóm, ngoài làng suốt, hay nó câu mất con chó của mình rồi? Lão nghĩ ngợi, thương nhớ con Vện đến phát ốm.

Cuối năm, bà vợ với hai đứa cháu ngoại đi ô tô từ Đắc Lắc về quê ăn Tết. Lão mắng bà vợ keo kiệt, bủn xỉn. Vé máy bay bây giờ rẻ sao còn bắt trẻ con ngồi ô tô đường dài, vừa mệt vừa nguy hiểm. Con bé lớn đỡ lời cho bà ngoại, rằng tại nó phải mang về cho ông con chó, không ngồi máy bay được.

– Con chó con này cũng lông vện, khôn lắm ông ạ! Nó biết ăn cơm rồi!
Chú vện con nằm run rẩy trong chiếc bị cói, ngước đôi mắt sợ sệt nhìn lão Hủm. Khi lão thò tay nhấc nó ra, liền bị đớp một phát vào ngón cái, rớm máu. Lão biết cái mùi tử khí của loài chó còn ám vào đôi bàn tay sần sùi của mình. Con này cũng khôn đây! Nhưng mà khôn hay dại cũng là chó. Chó vẫn hoàn chó thôi mày ơi. Sau chuyện con Vện trước, giờ lại có còn này, lão hi vọng tính đồ tể trong con người lão sẽ mất đi, trong mùa xuân mới này. Lão mong như thế, rồi tự hứa sẽ như thế. Đào một cái hố sâu ven đồi, lão Hủm đem hết túi đồ nghề của mình ném xuống, chôn chặt. Nghe mấy bà già đi chùa về, kể chuyện về sự tích các ngài đi tu thành công quả, có một người trước cũng là đồ tể, giết người không ghê tay, sau “buông tay thành Phật” cơ mà. Lão chẳng mơ làm phật làm thánh, lão chỉ muốn trở lại làm con người bình thường, để đôi bàn tay mất đi cảm giác râm ran nóng hổi của máu.

Trước sân, năm nay lão Hủm mua một cây hoa hải đường về trồng. Bên tán lá xanh dày, những nụ hoa màu đỏ đang chúm chím. Lão cất công ngồi xe khách xuống tận Hương Canh, mua một con chó sứ về đặt bên gốc hải đường. Lão nhớ con Vện.


12/2017

 P.P.Q

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version